“Đau đầu” tìm người trông con sau giãn cách
“Đau đầu” tìm người trông con sau giãn cách
Đi làm trở lại sau giãn cách xã hội, không ít phụ huynh “đau đầu” việc tìm người trông con khi các bé vẫn chưa được đến trường.
Từ khi thành phố Hà Nội thông báo nới lỏng giãn cách, nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp đã cho nhân sự quay trở lại làm việc tập trung. Trong khi đó, các trường học vẫn tiếp tục áp dụng hình thức học trực tuyến. Nhiều phụ huynh có con nhỏ phải tìm cách để thích nghi, vượt qua thời điểm đầy thử thách này.
Nhiều phụ huynh đau đầu tìm người trông con
“Đau đầu” tìm người trông con
Chị Nguyễn Thị Hoa – nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, công ty chị đi làm lại từ khi thánh phố nới lỏng giãn cách. Bố mẹ đi làm khiến nỗi lo tìm người trông con nhỏ làm anh chị đau đầu suốt thời gian qua.
“Nhà có 2 đứa con nhỏ, cháu bé 4 tuổi, cháu lớn 7 tuổi. Trước kia được làm tại nhà, vẫn có thời gian để ý chúng nó. Giờ cả 2 vợ chồng đi làm hết, không ai ở nhà trông con, tôi rất lo lắng”, chị Hoa tâm sự.
Chị Hoa chia sẻ thêm, vừa rồi xảy ra trường hợp cháu bé tử vong trong khi học trực tuyến, các bé còn nhỏ tuổi nên chưa nhận thức và biết cách phòng tránh những nguy hiểm nên chị càng lo sợ hơn và không thể để con ở nhà mà không có sự giám sát của người lớn.
Tuần đầu tiên do thời gian đi làm quá gấp chưa sắp xếp được người trông con, chị Hoa phải xin công ty cho nghỉ thêm 1 tuần để ở nhà. Tuy nhiên, không thể nghỉ làm mãi được, vợ chồng anh chị đã nhờ ông bà ở quê lên trông con giúp.
“Hai vợ chồng tôi đã phải nhờ ông bà ở quê lên trông con giúp. Nhưng cháu lớn lớp 2 học online, ông bà không rành công nghệ để hướng dẫn cháu học khiến tôi không yên tâm. Nhưng thời điểm hiện tại có người trông con cho là tốt lắm rồi”, chị Hoa cho hay.
May mắn hơn chị Hoa, chị Phùng Hương (Ba Đình – Hà Nội) có cô con gái học lớp 3 đã phải gửi sang hàng xóm trông con giúp: “May mắn cạnh nhà có cháu bé bằng tuổi con nhà tôi nên các bạn vừa học vừa chơi với nhau. Bố mẹ bạn đó kinh doanh tại nhà nên có thời gian trông con. Gửi sang đó, tôi rất yên tâm”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Hoa, chị Hương có người trông con giúp sau giãn cách. Vợ chồng anh Nguyễn Đình Việt (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) vẫn “đau đầu” khi chưa tìm được người trông cậu con trai 3 tuổi. Anh Việt cho hay, ông bà ở quê sức khỏe kém, không thể trông được cháu, thuê người lạ trông thì không yên tâm vì cháu “khá quậy” và ăn uống khó chiều, tìm cô giáo gia sư vẫn chưa được…
Anh Việt cho biết: “Vì chưa tìm được người trông con, chúng tôi phải cho con lên cơ quan của bố mẹ tận Sóc Sơn (Hà Nội) để vừa làm vừa trông. Tuy nhiên, tuần đầu tiên cháu còn phấn khởi, thích thú nhưng đến tuần thứ hai cháu có vẻ thấm mệt vì phải dậy sớm đi làm theo bố mẹ. Hơn nữa, bố mẹ cũng không tập trung được công việc”.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Hà Nội và nhiều tỉnh thành cho học sinh tạm dừng đến trường, tiếp tục phương án học trực tuyến. Dù là động thái cần thiết để phòng dịch nhưng đã gây khó khăn và xáo trộn không hề nhỏ khi phá vỡ kế hoạch của nhiều gia đình.
Mong dịch mau ổn định, các con được đến trường
Chị Hoa mong sao dịch sớm được dập tắt để các bé tới trường
Hai con của chị Hoa đã nghỉ học hơn 5 tháng nay, chị mong sao dịch nhanh hết để các con được tới trường, được đi học trở lại để có thể giao tiếp, làm quen với mọi người, đỡ nhút nhát hơn và học hỏi nhiều cái mới mà trẻ khó học được nếu chỉ ở nhà.
Chị Hoa chia sẻ thêm, nghỉ học quá lâu mọi sinh hoạt của các bé đều thay đổi, không đúng giờ, cháu lớn học online thì mẹ luôn phải ngồi theo dõi để nhắc nhở và hướng dẫn con học.
“Khi đi học, mọi giờ giấc thực hiện nghiêm chỉnh, còn từ khi ở nhà bố mẹ cứ phải nhắc liên tục đến nỗi phát cáu mới chịu nghe. Ăn uống, ngủ nghỉ đều xáo trộn cả gia đình”.
Với chị Hương, đây là giai đoạn rất khó khăn và vất vả với nhiều gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên, việc cho các cháu tạm dừng đến trường được chị Hương và nhiều phụ huynh khác ủng hộ để đảm bảo sức khỏe của gia đình và cộng đồng trong phòng chống dịch.
“Mong rằng mỗi người ý thức trong phòng chống dịch để dịch bệnh sớm kiểm soát, các cháu được đến trường, bố mẹ yên tâm làm việc, công tác”, chị Hương tâm sự.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ