Dấu CE cho sản phẩm kết cấu thép theo BS EN 1090-1: Yêu cầu đánh giá sự phù hợp của các thành phần kết cấu

Từ 1/7/2014 theo quy định về các sản phẩm xây dựng thì việc chứng nhận sự phù hợp BS EN 1090-1 và gắn dấu CE cho kết cấu thép trở thành bắt buộc đối với sản phẩm được bán trên thị trường xây dựng của châu Âu (EU). Do đó, bất kỳ đơn vị thiết kế, sản xuất khung thép hoặc cấu kiện thép cho thị trường châu Âu kể cả ở Vương quốc Anh đều phải tuân thủ, nếu không tuân thủ sẽ bị xử lý theo quy đinh của châu Âu.

Tiêu chuẩn có thể được công bố dấu CE

Để đạt được chứng nhận CE, các nhà sản xuất, nhà thầu và nhà chế tạo cần chứng minh tuân thủ BS EN 1090-1:2009 + A1:2011 Thi công kết cấu thép và kết cấu nhôm phần 1 – Yêu cầu đánh giá sự phù hợp của các thành phần kết cấu.

Tiêu chuẩn giải thích tất cả thép kết cấu đều rất quan trọng về mặt an toàn, do đó các hoạt động sản xuất cần phải được thực hiện một cách có kiểm soát. Điều này có nghĩa là nhà sản xuất/nhà phân phối phải lập tài liệu và triển khai hệ thống kiểm soát sản xuất tại nhà máy (FPC) và hệ thống phải được chứng nhận bởi một tổ chức được chỉ định. Nhà sản xuất/nhà phân phối cũng cần đưa ra Công bố về sự tuân thủ (DoP). Đây là văn bản pháp lý mà nhà sản xuất/nhà phân phối phải lập và cung cấp kèm theo (các) sản phẩm khi đưa sản phẩm ra thị trường.

BS EN 1090-2:2018 Thi công kết cấu thép và kết cấu nhôm phần 2 – Yêu cầu kỹ thuật đối với thi công các kết cấu thép, phác thảo những gì cần thiết để đảm bảo kết cấu và cấu kiện thép đáp ứng đầy đủ tính chất cơ lý, tính ổn định, khả năng bảo trì và độ bền. Tiêu chuẩn đưa ra bốn cấp thực thi (EXC). Các cấp độ này dựa trên mục đích sử dụng cuối cùng của kết cấu và mức độ tải trọng của nó:

• EXC1 – ví dụ: Công trình nông nghiệp như nhà kho, cầu thang.

• EXC2 – ví dụ: Cấu trúc dân cư hoặc thương mại như lan can.

• EXC3 – ví dụ: Cầu, Công trình nơi công cộng.

• EXC4 – ví dụ: Công trình đặc biệt (nhà máy điện hạt nhân, sân vận động, v.v.)

Đối với EXC2, 3 và 4, tất cả hoạt động hàn phải được thực hiện thông qua điều phối viên hàn có trách nhiệm (RWC).

Kiểm soát sản xuất tại nhà máy

Kiểm soát sản xuất tại nhà máy (FPC) được định nghĩa là kiểm soát nội bộ và lâu dài đối với hoạt động sản xuất do nhà sản xuất/nhà phân phối thực hiện. Tất cả yếu tố, yêu cầu và điều khoản được nhà sản xuất/nhà phân phối áp dụng phải được ghi lại một cách có hệ thống dưới dạng các chính sách và thủ tục bằng văn bản.

Tài liệu FPC mô tả chất lượng sản xuất trong nhà máy từ hàng hóa đầu vào đến hàng hóa đầu ra.

Tài liệu FPC đảm bảo sự hiểu biết chung về đảm bảo chất lượng, cho phép đạt được đặc tính sản phẩm cần thiết và hoạt động hiệu quả của hệ thống kiểm soát sản xuất.

Hệ thống FPC bao gồm (nhưng không giới hạn): Tổ chức- trách nhiệm và quản lý của hệ thống FPC; Thủ tục kiểm soát – sổ tay, kiểm soát tài liệu và hồ sơ; Quản lý quy trình sản xuất theo yêu cầu cấu thành FPC (xác định và kiểm soát nguyên liệu, kiểm soát điều kiện lưu trữ và kho hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong suốt quá trình); Kiểm tra và thử nghiệm – năng lực của nhân viên, thiết bị, quy trình và tần suất;

Hồ sơ-những gì cần được ghi lại và lưu giữ; Kiểm soát sản phẩm không phù hợp: các hành động được thực hiện đối với sự không phù hợp; sản phẩm và hành động khắc phục để tránh lặp lại; Vận chuyển và đóng gói; Đào tạo nhân sự: các thủ tục để đảm bảo đào tạo phù hợp cho nhân viên tham gia vào FPC..;

Hệ thống ISO 9001 được coi là đáp ứng yêu cầu đối với FPC nếu bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể của BS EN 1090-1. Tuy nhiên, việc chứng nhận hệ thống ISO 9001 không phải là yêu cầu bắt buộc để đạt được dấu CE.

Hồ sơ kỹ thuật sản phẩm

Nhà sản xuất/nhà phân phối phải thiết lập/xây dựng tài liệu kỹ thuật sản phẩm theo yêu cầu của quy định để đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với các yêu cầu liên quan. Cùng với công bố về sự tuân thủ các quy định của Ủy ban Châu Âu, tài liệu kỹ thuật phải được cung cấp khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.

Công bố về sự tuân thủ (DoP) 

Công bố về sự tuân thủ (DoP) là tuyên bố pháp lý do nhà sản xuất/nhà phân phối đưa ra rằng sản phẩm được sản xuất theo và tuân thủ yêu cầu của tiêu chuẩn hài hòa (BS EN 1090-1). Nhà sản xuất, đại diện hoặc nhà phân phối được ủy quyền của họ phải xuất trình DoP trước khi đưa sản phẩm ra thị trường. Một ví dụ về nội dung của một DoP được đưa ra trong Phụ lục III của CPR (Quy định số 305/2011).

Giao thức thiết kế

Nếu nhà sản xuất/nhà phân phối chịu trách nhiệm hoặc nhận bất kỳ trách nhiệm nào đối với thiết kế, họ nên có sẵn một quy trình thiết kế như một phần của quy trình được lập thành văn bản của họ. Giao thức thiết kế này nên phác thảo tất cả các bước được thực hiện liên quan đến thiết kế từ khi nhận được yêu cầu cho đến khi các bản vẽ chế tạo được tạo ra.

Kết cấu thép phải được thiết kế phù hợp với Eurocodes. Giao thức thiết kế phải bao gồm, nhưng không giới hạn ở, xử lý các giả định thiết kế, phương pháp thiết kế, tính toán thiết kế bao gồm bất kỳ việc sử dụng chương trình máy tính nào và kết quả tính toán cùng với việc trình bày quy trình thực hiện và các hành động khắc phục trong trường hợp không tuân thủ.

Điều phối viên hàn có trách nhiệm (RWC)

Các nhà sản xuất/nhà phân phối các sản phẩm thuộc cấp độ EXC2, 3 và 4 phải có hoặc có quyền tiếp cận với điều phối viên hàn có trách nhiệm (RWC) và tất cả hoạt động hàn phải được giám sát/kiểm soát bởi RWC.

Các RWC phải đáp ứng các yêu cầu sau đây thì các yêu cầu về năng lực đối với RWC được coi là đáp ứng: Kỹ sư hàn quốc tế (IWE); Công nghệ viên hàn quốc tế (IWT); Chuyên gia hàn quốc tế (IWS); Đối với EXC3 và EXC4: Chứng chỉ IWT hoặc IWE; Đối với EXC2: Chứng chỉ IWS; Văn bằng liên quan do Viện Hàn quốc tế (IIW) cấp/công nhận; Đào tạo – Chứng chỉ xác định rằng đào tạo đáp ứng các yêu cầu của EN 1090-2; EN 14731 & EN ISO 3834. Chứng chỉ cấp bởi một tổ chức, nơi mà đã được viện hàn quốc tế (IIW) công nhận là tổ chức ANB/ANBCC và cho là chấp nhận được.

Quy trình kiểm tra và giám sát

Là một phần của quy trình chứng nhận, kiểm tra ban đầu đối với cơ sở sản xuất phải do Cơ quan chỉ định (NB) thực hiện. Mục đích của cuộc đánh giá là để xem xét các chính sách và thủ tục được lập thành văn bản so với các yêu cầu của (các) tiêu chuẩn hoặc (các) đặc điểm kỹ thuật.

Sau khi đạt được chứng nhận, Tổ chức chứng nhận được chỉ định sẽ tiến hành đánh giá giám sát để đảm bảo rằng hệ thống kiểm soát sản xuất của nhà máy đang hoạt động tốt. Các cuộc kiểm tra giám sát này dựa trên các khoảng thời gian được đưa ra trong Bảng B.3 của EN 1090-1, được sao chép dưới đây.

Làm thế nào/ở đâu để áp dụng dấu CE?

Nhà sản xuất/nhà phân phối chịu trách nhiệm tạo dấu CE và áp dụng cho sản phẩm của họ. Nó phải được dán rõ ràng, dễ đọc và không tẩy xóa được trên một hoặc nhiều vị trí sau: sản phẩm, nhãn đính kèm, bao bì, trên tài liệu thương mại đi kèm (chẳng hạn như phiếu giao hàng) hoặc thông số kỹ thuật do nhà sản xuất/nhà phân phối công bố.

Định dạng của dấu CE cũng như thông tin cần được đưa vào để đảm bảo truy xuất nguồn gốc, được trình bày chi tiết trong Phụ lục ZA của Thông số kỹ thuật (BS EN 1090-1).

Quy trình đánh dấu CE

Sáu bước để đánh dấu CE là:

1. Xác định các tiêu chuẩn và chỉ thị hài hòa áp dụng cho sản phẩm của bạn, BS EN 1090-1 và CPR (Quy định số 305/2011).

2. Xác định/xác minh các yêu cầu cụ thể của sản phẩm.

3. Xác định xem tổ chức có yêu cầu cơ quan chỉ định thực hiện đánh giá sự phù hợp theo BS EN 1090-1.

4. Thử nghiệm sản phẩm của tổ chức để kiểm tra sự phù hợp.

5. Lập Hồ sơ kỹ thuật sản phẩm.

6. Đóng dấu CE và chuẩn bị Công bố về sự tuân thủ (DoP).

ThS. Đỗ Hải Tĩnh – Vụ Đánh giá Hợp chuẩn Hợp quy

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích