Dấu ấn mãi còn nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập
(Xây dựng) – Trong không khí cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 – 19/8/2022) và Quốc khánh 2/9, địa điểm mà du khách trong nước và quốc tế tấp nập ghé thăm, đó là ngôi nhà số 48, phố Hàng Ngang, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngôi nhà đã trở thành một địa danh lịch sử, gắn liền với sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc – nơi 77 năm trước Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang có diện tích khoảng 500m2, đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập. |
Sau khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, ngày 25/8/1945, tại ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Vào những năm 40 của thế kỷ trước, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang nguyên là hiệu Phúc Lợi, một hãng buôn tơ lụa, vải vóc vào loại lớn nhất ở Hà Nội. Ngôi nhà có hình ống rộng khoảng 500m2 và được thiết kế, xây dựng theo kiến trúc Pháp, nằm gần cuối phố Hàng Ngang, nơi buôn bán sầm uất của khu vực phố cổ. Nhà hai mặt phố, gắn số 48 là mặt tiền phố Hàng Ngang, gắn số 35 là mặt tiền phố Hàng Cân.
Những tấm hình lưu niệm của gia đình doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. |
Ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Cách mạng tháng Tám 1945 – trong những ngày đầu cách mạng đầy gian khó, chủ nhân ngôi nhà đã hết lòng phục vụ, chăm lo cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trung ương Đảng. Đây cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở trong những ngày đầu Người trở về Hà Nội và đưa ra những quyết định có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Sau này, ngôi nhà số 48 Hàng Ngang được gia đình ông Trịnh Văn Bô hiến tặng cho Nhà nước và trở thành di tích lịch sử, bởi nơi đây gắn liền với sự kiện quan trọng của đất nước.
Ngôi nhà hiện nay đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. |
Gần 8 thập kỷ trôi qua, ngôi nhà lịch sử gắn liền với bao thăng trầm của thời gian và những cuộc chiến. Những nét xưa cũ vẫn còn đó, những dấu ấn của năm tháng lịch sử với những bộ bàn ghế sofa mềm mại, cả những bức rèm lụa trắng bay trong gió bên những ô cửa nhỏ, bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, góc làm việc…của Chủ tịch Hồ Chí Minh những ngày khởi thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập đã trở thành những kỷ vật quý giá của lịch sử. Tất cả đều như còn nguyên hơi ấm từ quá khứ vọng về.
Chiếc bàn này là nơi làm việc của Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng. |
Năm 1970, ngôi nhà được khôi phục làm nhà lưu niệm để đáp lại tình cảm của nhân dân dành cho Bác và đến năm 1979, ngôi nhà được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích Quốc gia.
Chiếc vali mây – vật dụng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang. |
Bộ quần áo kaki – Chủ tịch Hồ Chí Minh mặc trong lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 – được may tại cửa hiệu Phúc Lợi – số 48 Hàng Ngang. |
Những ngày này, tại ngôi nhà 48 Hàng Ngang có nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan. Hiện nay, khu tầng 1 của ngôi nhà trưng bày nhiều hiện vật như bộ quần áo kaki, chiếc vali mây, các di ảnh, đồ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bậc lão thành cách mạng. Khu tầng 2 – nơi làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thường vụ Trung ương – được giữ nguyên nội thất với những hiện vật đã có, trong đó đặt ở giữa là chiếc bàn chữ nhật dài màu cánh gián, 8 ghế tựa đặt ở hai bên, một ghế lớn ở đầu, phủ khăn trắng.
Ảnh chụp các đồng chí từng làm việc cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà số 48 Hàng Ngang. |
Những tranh, ảnh, kỷ vật còn được lưu lại tại địa danh lịch sử 48 Hàng Ngang giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hoàn cảnh, điều kiện ra đời Bản Tuyên ngôn Độc lập. |
Căn phòng Bác dùng để tiếp khách, bàn bạc công việc. |
Chiếc bàn lịch sử nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo Bản Tuyên ngôn Độc lập. |
Đến thăm địa danh lịch sử 48 Hàng Ngang trong không khí hào hùng của tháng 9 lịch sử, là một trong những thanh niên thế hệ trẻ của Thủ đô, bạn Hoàng Kim Ngân (Sinh năm 2001, Sinh viên trường Học viện Thanh thiếu niên) chia sẻ: “Khi được tham quan những kỷ vật đến nay vẫn được lưu giữ, bảo quản gần như nguyên vẹn. Tôi cảm thấy rất xúc động vì từ những kỷ vật này giúp thế hệ trẻ như tôi hiểu rõ hơn hoàn cảnh, điều kiện ra đời và giá trị trường tồn của Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và công bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và toàn thế giới 77 năm về trước”.
Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã trở thành điểm thu hút khách thăm quan trong nước và quốc tế mỗi khi đến Thủ đô Hà Nội. |
Nguồn: Báo xây dựng