Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên

Đô thị Việt Nam đa phần bắt nguồn từ làng xã. Quận Long Biên ngày nay cũng không nằm ngoài “quy luật” phát triển theo dạng này.

Với vị trí cửa ngõ phía Đông trung tâm Hà Nội thì việc kiểm soát phát triển của quận có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh là điều cần thiết để vừa gìn giữ được hồn cốt đặc thù vừa tạo nên bộ mặt đô thị hiện đại và bản sắc.

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Bản đồ Hành chính quận Long Biên

Quá trình hình thành

Quận Long Biên được hình thành trên cơ sở Nghị định số 132/2003/NĐ-CP ngày 6/11/2003 của Chính phủ ban hành về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận trên cơ sở tách 10 xã: Thượng Thanh, Giang Biên, Ngọc Thụy, Việt Hưng, Hội Xá, Gia Thụy, Bồ Đề, Long Biên, Thạch Bàn, Cự Khối và 3 thị trấn: Gia Lâm, Đức Giang, Sài Đồng thuộc huyện Gia Lâm.

Đến trước ngày 22/9/2023, Long Biên là quận duy nhất nằm ở tả ngạn sông Hồng – phía Đông Bắc nội thành Thủ đô Hà Nội, với 3 mặt là nơi gặp nhau của hai dòng sông huyết mạch: Sông Cái (Hồng Hà) – giới hạn với các quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng (phía Tây), Thanh Trì (phía Nam) và sông Đuống (Thiên Đức) – giới hạn với các huyện Gia Lâm (phía Đông), Đông Anh (phía Bắc).

Sở hữu gần trăm di tích chùa đình đền (trên 50 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và cấp TP), trong đó có một số di tích nổi trội, thu hút du khách như: Chùa Bồ Đề, Chùa Lâm Du (phường Bồ Đề), đình chùa Bắc Biên, các đình: Tình Quang (phường Giang Biên), đình chùa Lệ Mật, Trường Lâm (phường Việt Hưng), các đền: Chầu, Ghềnh, Mẫu Thoải, Rừng, Núi (phường Ngọc Thụy). Những lễ hội, nghi lễ đặc sắc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới, đó là: Hội Lệ Mật; Hội Trường Lâm với nghi thức cầu mùa (phường Việt Hưng); múa hát Ải Lao tại Lễ hội làng Hội Xá (phường Phúc Lợi); nghi thức kéo co ngồi, tổ chức vào dịp lễ hội tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn) đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa đại diện nhân loại. Những tên gọi dân dã, gần gũi của vùng đất thôn quê: Ngoài đê có thôn Ngô, làng Trạm, Tư Đình (phường Thạch Bàn), Lệ Mật… trong và ven đê với những Thạch Cầu, Bắc Biên… gắn với biết bao nhân vật và sự kiện lịch sử của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, hệ thống các thiết chế làng xóm ngoảnh mặt ra sông Hồng, sông Đuống như chùa Bồ Đề, đền Chầu Bà, đền Rừng, Mẫu Thoải…, các cổng làng và đặc biệt là các bến sông như Ngư Ông, Ngọc Lâm… đã phần nào nói lên câu chuyện hồn – cốt của vùng đất giàu giá trị bản sắc văn hóa, lịch sử nơi đây với gốc gác là các làng xã hình thành và phát triển bên sông.

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Cầu Chương Dương
Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Ngã ba sông Đuống, sông Hồng

Những đặc tính về đô thị

Giao thông: Từ thời Pháp thuộc, khu vực quận Long Biên nằm sát sông Hồng và con đường thiên lý Bắc – Nam với vị trí tiền đồn, có tầm quan trọng trong việc bảo vệ TP nên chính quyền thực dân đã cho xây dựng cầu Doumer (cầu Long Biên), phi trường Gia Lâm, đường thuộc địa số 5 (quốc lộ 5) đến Hải Phòng, cũng như củng cố đường thuộc địa số 1 liên kết giữa Hà Nội và các tỉnh tả ngạn sông Hồng. Đến nay, Long Biên vẫn là cửa ngõ phía Đông ra vào trung tâm đô thị lịch sử, nơi hội tụ và chuyển tiếp các đầu mối giao thông quan trọng đến và qua Hà Nội với đầy đủ hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy:

Đường bộ có các quốc lộ số 1, số 5, đường Vành đai 3, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, bến xe Gia Lâm, các tuyến giao thông đối nội cũng được mở rộng hoặc mở mới: Cổ Linh, Nguyễn Sơn…; Đường sắt có 02 nhà ga: Gia Lâm và Cầu Bây với các tuyến đi Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Lào Cai; Các dự án đường sắt đô thị đi qua địa bàn quận là các tuyến số 1 (Ngọc Hồi – Yên Viên), tuyến số 4 (Liên Hà – Bắc Thăng Long); Đường thủy có sông Hồng, sông Đuống; Đường hàng không: Sân bay Gia Lâm. Những cây cầu kết nối với trung tâm thành phố là Long Biên, Chương Dương, Vĩnh Tuy (phía Tây, Nam), các cầu Đuống, Đông Trù (phía Đông, Bắc) và cầu Trần Hưng Đạo dự kiến xây dựng. Như vậy, hạ tầng kỹ thuật là yếu tố nổi trội – thế mạnh trong phát triển đô thị của Quận.

Đô thị: Với vị trí địa lý cửa ngõ và hạ tầng kỹ thuật giao thông tốt, đồng bộ nên Long Biên là quận có tốc độ đô thị hóa nhanh và mạnh, làm thay đổi, thậm chí biến dạng hình thái, cấu trúc không gian vốn có của vùng đất Long Biên. Đó là:

+ Công trình phát triển theo tuyến bao gồm các công trình nhà dân, công trình trụ sở, công cộng trên các trục đường lớn hình thành từ trước (Nguyễn Văn Cừ) hoặc mở rộng, quy hoạch mới đều xây dựng với quy mô lớn, mật độ cao, che lấp không gian làng xóm lớp không gian phía sau mặt đường chính;

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Đền Cô Đôi – Bắc Cầu – Ngọc Thuỵ
Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Chùa Bồ Đề

+ Đô thị mới trên địa bàn Quận đã và đang hình thành các khu đô thị mới như: Việt Hưng, Bồ Đề, Ngọc Thuỵ (Khai Sơn Hill), Thượng Thanh, Sài Đồng, Thạch Bàn…, các khu đô thị sinh thái như Vinhomes Riverside, Berriver Long Biên, Rice Home Sông Hồng, Vinhomes The Harmony, Hà Nội Garden City… với quy mô công trình cao tầng từ 9 tầng trở lên tạo nên hình ảnh đô thị mới hiện đại, khang trang;

+ Công trình chức năng mới, quy mô lớn như các đại siêu thị AEON Mall Long Biên, Vincom Long Biên, Trường Đại học Vinschool, sân golf 120ha… tạo nên đô thị phát triển đồng bộ và đầy đủ chức năng; Các khu công nghiệp: Bên cạnh các cơ quan nhà máy, đơn vị sản xuất kinh doanh của Trung ương, TP và địa phương: Công ty Cầu 12, Công ty Kim khí Thăng Long, Công ty May 10, Công ty May Đức Giang… là các khu công nghiệp liên doanh với nước ngoài như: Khu công nghiệp kỹ thuật cao Sài Đồng B, khu công nghiệp Sài Đồng A…

Cảnh quan: Hai sông Hồng và sông Đuống chạy bao quanh 3 phía Quận: Tây, Bắc và Đông), các hồ trong lõi khu đất như hồ Tai Trâu, Ngọc Lâm, Bồ Đề, Lâm Du, Ben, hồ đình Ái Mộ, … chưa kể đến các hồ điều hòa trong các khu đô thị mới.

Làng xóm: Quận Long Biên có nhiều làng xã với các vị trí, cấu trúc đặc thù độc đáo:

Khu vực lõi: Nằm giữa các tuyến đường lớn, vùng đất trung tâm quận (có 02 đê tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống bao bọc);

Khu vực ven đê: Từ đê tả ngạn sông Hồng đến đê hữu ngạn sông Đuống (từ đê Long Biên – Xuân Quan phía Nam lên đường Hồng Tiến phía Tây và Ngọc Thụy, Gia Thượng phía Bắc;

Hai bên sông Hồng: Phường Ngọc Thụy với một phần bên hữu ngạn sông Hồng (tiếp giáp với khu trong đê Tứ Liên – Yên Phụ – Phúc Xá của 2 quận Tây Hồ, Ba Đình);

Doi đất giữa hai sông Hồng và sông Đuống: 3 xóm Bắc Cầu 1, 2, 3 chạy dài đến đầu mũi doi đất là đền Đôi Cô và Miếu thần Tam Giang.

Rất nhiều di tích lịch sử văn hoá vật thể và phi vật thể giá trị, giàu truyền thống nhân văn ở quận Long Biên đã được lưu giữ, bảo tồn gắn với những nhân vật lịch sử đã trở thành các vị Thành Hoàng làng, tiêu biểu như Làng cổ Tử Đình có lịch sử tồn tại gần 2000 năm, đình làng Lệ Mật với làng nghề truyền thống bắt rắn, thờ Hoàng Quí Công là người có công “chống Tống, bình Chiêm” quan tâm mở mang sản xuất, chăm sóc dân lành, được vua ban lộc, chỉ xin phân binh lập trại, dựng nên khu “Thập tam trại” ở phía tây thành Thăng Long; đình làng Bắc Biên; thờ Lý Thường Kiệt với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà, Nam đế cư” – Bản tuyên ngôn đầu tiên của dân tộc Việt Nam, đình Bồ Đề là nơi Bình Định Vương Lê Lợi và Nguyễn Trãi chọn làm đại bản doanh chỉ huy bao vây thành Đông Quan…

Tất cả các yếu tố cốt lõi này đã tạo nên vùng đất lịch sử và cấu trúc độc đáo, đặc thù: Làng xóm và Sông nước. Có thể nói nếu hai dòng sông Hồng – sông Đuống là nguồn nước tạo nên hình hài quận thì những làng mạc là lá phổi xanh giúp cho cơ thể quận Long Biên khỏe mạnh, xanh tốt.

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Chùa Cự Linh – Thạch Bàn

Kiểm soát phát triển gìn giữ giá trị đặc thù khu vực

Với vị thế cửa ngõ và những gì đang hiện hữu thì việc quận Long Biên phát triển hướng tới là đô thị đồng bộ, đầy đủ chức năng để giảm thiểu giao thông con lắc, ách tắc giao thông, hạ tầng kỹ thuật của mục tiêu: đô thị hiện đại và vùng đất đáng sống là điều đáng mừng. Tuy nhiên để phát triển đô thị bền vững, gìn giữ được giá trị cốt lõi, môi trường và cảnh quan cũng cần các lưu ý sau:

Đối với các khu vực làng xóm cũ

Việc kiểm soát quy mô, mật độ xây dựng công trình, quy mô mỗi ô đất, hình thức kiến trúc, tỷ trọng đất dành cho giao thông, cảnh quan cây xanh, công trình công cộng, từ cấu trúc mỗi hộ gia đình theo mô hình VAC đến thiết chế làng xóm bao gồm cả khoảng không gian xung quanh các di tích… là các yếu tố quyết định trong việc gìn giữ hình thái không gian khu vực làng xóm cũ.

Đặc biệt là các làng xóm ven sông, tuy là lớp trong nếu tính từ đê sông nhưng lại chính là bộ mặt đô thị có thể ngắm được từ bên kia sông Hồng, sông Đuống hoặc từ cầu, từ tàu thuyền di chuyển trên sông. Vì vậy, khu vực tả ngạn sông Hồng và hữu ngạn sông Đuống càng cần quan tâm trong kiểm soát phát triển, đầu tư xây dựng khu vực này ngay từ bước xác lập Quy hoạch hai bên sông Hồng, sông Đuống, để cân đối và kiểm soát hình ảnh đô thị – tạo nên kí ức đô thị từ quá khứ đến tương lai. Không nên chỉ chú trọng, tập trung xây dựng công trình cao tầng tạo hình ảnh TP hiện đại mới bên sông.

Đối với các khu vực phát triển mới

Lưu ý sự đồng bộ về cấp độ của các công trình chức năng trong cùng một đơn vị ở. Ví dụ, Khu đô thị mới Việt Hưng dành cho dự án giãn dân khu phố cổ với đối tượng vốn là cán bộ công nhân viên Nhà nước ở lớp trong khu phố Cổ nhưng trường học xây dựng trong Việt Hưng lại là trường quốc tế, kinh phí học tập không tương thích thu nhập của dân cư trong dự án giãn dân, khó thu hút đối tượng chính của dự án yên tâm sinh sống.

Các khu tái định cư, nhà ở xã hội khi xây dựng mới chỉ tập trung hoàn thiện chức năng ở chứ không xây dựng đồng bộ các chức năng dịch vụ tiện ích: Bến, đường, trường, trạm cần và cấp thiết. Chính vì vậy, cần có quy định cụ thể trong việc bắt buộc chủ đầu tư hoặc là phải xây dựng hoàn thiện đồng bộ các chức năng hoặc chuyển kinh phí cho chính quyền tổ chức xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ dân cư để khi đến ở là đảm bảo đồng bộ chức năng của một đơn vị ở.

Trong khảo sát, xây dựng các khu đô thị mới, công trình quy mô lớn có vị trí liền kề khu làng xóm cũ, cần lưu tâm kiểm soát cốt cao độ của dự án mới để đảm bảo không gây ngập úng cho khu vực làng xóm cũ.

Những yêu cầu của ứng xử văn hóa văn minh được quy định khi chuyển đổi từ Huyện sang Quận, Xã thành Phường, Làng lên Phố là mới chì dành cho những cư dân gốc Long Biên trong thích ứng với cuộc sống đô thị hiện đại nhưng lại chưa có quy định ứng xử của những cư dân mới đến vùng đất này sinh sông trong khu đô thị mới, nhà cao tầng, che chắn không gian, không khí làng xóm cũ để có sự hòa nhập cộng đồng đoàn kết, ứng xử văn minh chung toàn Quận.

Làng xóm là hồn cốt, là lá phổi xanh cân bằng sinh thái, những công trình mới, cao tầng là những tấm áo mới thích ứng với cuộc sống hiện tại. Đất lề quê thói. Nếu làng xóm bị vây kín, phá vỡ cấu trúc, thiết chế, cảnh quan; Hương ước, tập tục, nếp sống làng xóm không được cư xử tôn trọng… thì đâu phải là sự công bằng và phát triển bền vững? Vì vậy, việc gìn giữ những giá trị cốt lõi của Làng xã – giá trị đặc thù của vùng đất Long Biên là lưu giữ ký ức, hình ảnh thân quen làm tăng tình cảm gắn bó của cư dân với nơi chốn, quê hương mình và nói rộng ra là thêm yêu Tổ quốc, đất nước Việt Nam.

Quận có tên mang nghĩa “Đất Rồng Long Biên” là nơi gặp nhau của hai dòng sông. Hình ảnh về một đô thị phát triển hiện đại và bền vững là kiểm soát cân bằng và song hành giữa việc gìn giữ phát huy giá trị làng xóm – lá phổi xanh và các không gian sống hiện đại, tiện ích, đồng bộ của đô thị cửa ngõ phía Đông Thủ đô. Sự hài hòa Làng cũ – Phố mới cũng chính là mục tiêu của quận Long Biên hiện đại và đáng sống cũng như của đồ án quy hoạch Hà Nội hướng tới phát triển: Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại.

Dấu ấn làng xã trong sự phát triển đô thị quận Long Biên - Tạp chí Kiến Trúc
Cầu Đông Chù

KTS Nguyễn Phú Đức 

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích