Dấu ấn đổi mới phương thức lãnh đạo
Đổi mới phương thức lãnh đạo gắn với nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Đây là tinh thần được lãnh đạo Thành ủy Hà Nội quán triệt triển khai thực hiện đem lại những kết quá ấn tượng trong năm 2023, tạo tiền đề tiếp tục đổi mới trong năm 2024.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Quang |
Từ kỷ cương, trách nhiệm…
Đổi mới phương thức lãnh đạo là đòi hỏi tất yếu đối với các cấp ủy tổ chức Đảng. Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Nghị quyết xác định 3 quan điểm, 3 mục tiêu và 6 nhiệm vụ, giải pháp; trong đó nêu rõ quyết tâm tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.
Với vai trò của Đảng bộ Thủ đô có trách nhiệm gương mẫu, đi đầu, vốn đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, vì thế, Thành ủy Hà Nội đã quyết liệt triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, trên tinh thần tự giác hơn, chủ động hơn. Xác định kỷ cương là sức mạnh, Thành ủy Hà Nội chỉ đạo kiên trì thực hiện chủ đề “Kỷ cương, kỷ luật, hành động, sáng tạo, phát triển”. Dấu ấn nổi bật trong năm qua là việc Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7-8-2023 về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”. Chỉ thị nhằm khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảnh báo. Điểm đặc sắc của Hà Nội được Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai biểu dương là đã nhận diện được 25 biểu hiện cụ thể “cân đong đo đếm” tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm vừa làm căn cứ để cán bộ tự soi, tự sửa, vừa là cơ sở để kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật.
Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh đổi mới phương thức lãnh đạo thông qua các chủ trương rất quyết liệt, đụng chạm đến những lĩnh vực rất khó như phân cấp, ủy quyền; kiểm tra, giám sát; luân chuyển, điều động; đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ. Chỉ thị số 24-CT/TU được ban hành đã tạo ra sự cộng hưởng làm cho việc đổi mới phương thức lãnh đạo càng thêm mạnh mẽ.
Thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, 118 đơn vị trực thuộc thành phố đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai. Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, từng cán bộ, đảng viên khi kiểm điểm, đánh giá xếp loại công tác năm 2023 đã căn cứ vào 25 biểu hiện đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm. Thực hiện nhiệm vụ của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp khảo sát đánh giá xếp loại tập thể, cá nhân căn cứ vào hiệu quả công việc, lấy kết quả công việc làm “thước đo”. Đặc biệt, mỗi khi làm việc, giải quyết các vấn đề của địa phương, đơn vị, đều xác định rõ vai trò của Thường trực Thành ủy, các đơn vị, sở, ngành, cấp ủy…; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời hạn hoàn thành. Đây là căn cứ để địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện, các cơ quan phối hợp phải tuân theo, đồng thời đây cũng là “cái gậy” trong kiểm tra, giám sát. Giờ đây, không có chuyện công việc yếu kém, chậm trễ mà cán bộ lãnh đạo vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhờ đó, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên.
Hội nghị đánh giá kết quả công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Thường Tín, tháng 12-2023. Ảnh: Đỗ Minh |
… đến dám nghĩ, dám làm
Đây cũng là nguyên nhân giúp Hà Nội trong năm 2023 đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những thành tựu về kinh tế – xã hội. Tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, cao nhất là quý IV với mức tăng 7%. Trong bối cảnh chịu tác động từ tình hình thế giới, nhiều lĩnh vực mũi nhọn không duy trì được tốc độ tăng trưởng, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung phát triển mảng dịch vụ gắn với khơi thông nguồn lực từ văn hóa, tổ chức hàng nghìn hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thu hút các nghệ sĩ, nhóm nhạc nổi tiếng thế giới đến biểu diễn, tạo ra các lễ hội âm nhạc, sáng tạo đẳng cấp… Trong khi tăng trưởng kinh tế nhiều địa phương giảm, Hà Nội vẫn bền bỉ vượt thách thức, GRDP năm 2023 tăng 6,27%; đồng thời lập mặt bằng mới về thu ngân sách đạt trên 410.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm hơn 92%, cao nhất cả nước. Kết quả mà thành phố đạt được trong năm qua là nền tảng cho những bước phát triển mới. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Bùi Duy Nhâm nhìn nhận: “Công tác xây dựng Đảng và sự lãnh đạo điều hành của thành phố có nhiều đổi mới đã tạo được sự thống nhất cao từ thành phố đến các quận, huyện và cơ sở”.
Năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp, Hà Nội thực hiện chủ đề công tác là “Kỷ cương, kỷ luật, hành động, sáng tạo, phát triển”. 5 thành tố của chủ đề này cũng chính là 5 đặc điểm chủ yếu trong phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng Thủ đô mà đứng đầu là Thành ủy kiên trì xây dựng. Kỷ cương, kỷ luật đã có, nay nhờ Chỉ thị số 24-CT/TU càng được củng cố vững chắc; có kỷ cương, kỷ luật là có trách nhiệm, có trách nhiệm mới mạnh dạn hành động, dám nghĩ, dám làm, đổi mới, sáng tạo từ đó vượt qua khó khăn, tạo ra sản phẩm, sản phẩm chính là sự phát triển, là các chỉ số “biết nói” nêu trên.
Tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí quyết tâm được các cấp ủy Đảng mà đứng đầu là Thành ủy thể hiện rõ trong chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô. Chỉ sau 1 năm kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án, Hà Nội đã đi đầu thực hiện vượt tiến độ giải phóng mặt bằng, khởi công sớm hơn kế hoạch 5 ngày. Tiến độ đến nay nhìn chung rất khả quan, dự báo đến quý III-2025, đường song hành trên toàn tuyến sẽ được hoàn thành. “Chỉ trong 6 tháng, thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc di dời gần 10.000 ngôi mộ để phục vụ dự án đường Vành đai 4. Đây là việc rất khó, cũng chính là kết quả nổi bật, rõ nhất trong đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, của các cấp ủy Đảng, nhờ đó mà có sự đồng thuận, nhất trí cao trong các tầng lớp nhân dân”, Bí thư Thị ủy Sơn Tây Trần Anh Tuấn phân tích.
Đúng tinh thần “khi nhìn nhận ra vấn đề thì quyết tâm tổ chức thực hiện”, thành phố đã tiến hành rà soát cơ cấu, tổ chức bộ máy các sở, ngành, sáp nhập, thu gọn đầu mối các cơ quan, đơn vị; sắp xếp đơn vị sự nghiệp công; chỉ đạo rà soát, xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước… Tiêu biểu, Hà Nội đã triển khai xây dựng giá tạm thời và thực hiện thí điểm đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của thành phố. Hàng trăm trường học đang áp dụng hiệu quả chủ trương dám nghĩ, dám làm này của thành phố.
Năm 2024, khó khăn, thách thức được dự báo có thể còn lớn hơn năm 2023. Nhưng xác định đây là năm tăng tốc và với quyết tâm lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy tổ chức Đảng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với kiên trì thực hiện chủ đề “Kỷ cương, kỷ luật, hành động, sáng tạo, phát triển” và Chỉ thị số 24-CT/TU. Đặc biệt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, năm 2024, thành phố phải kịp thời quan tâm, động viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm với công việc của cán bộ, công chức, viên chức, quyết tâm khắc phục bằng được tình trạng làm việc cầm chừng, tâm lý e dè, “ngại” tham mưu…
Nguồn: Báo xây dựng