Dấu ấn cải cách hành chính của ngành Nội vụ
4 đến 6 năm học đại học, ra trường lấy bằng cử nhân, kỹ sư đi làm, thậm chí nhiều người có bằng thạc sĩ, học vị tiến sĩ vẫn phải đi học các lớp bồi dưỡng ngắn hạn do trường của bộ chủ quản đào tạo để có chứng chỉ nghiệp vụ, chứng chỉ hành nghề.
Ví như kỹ sư kiến trúc phải có chứng chỉ hành nghề kiến trúc. Thậm chí, thời 4.0 hầu hết công chức, viên chức nào cũng sử dụng thành thạo máy tính nhưng vẫn phải có chứng chỉ tin học văn phòng; nhiều ngành chẳng cần tiếng Anh cũng quy định phải có chứng chỉ tiếng Anh… Đi làm, trở thành công chức, viên chức, cán bộ quản lý theo năm công tác tăng lương nhưng vẫn phải trải qua các kỳ thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức… Rất may, những quy định trên đã được ngành Nội vụ tham mưu “hóa giải”.
Việc tiến hành bãi bỏ một số chứng chỉ… sẽ giúp đội ngũ công chức, viên chức yên tâm công tác, góp phần tăng năng suất lao động (ảnh minh họa- LĐ) |
Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, với tư cách là bộ tham mưu chiến lược và quản lý Nhà nước về bộ máy tổ chức (nội vụ), từ năm 2001 đến nay, Bộ Nội vụ đã có nhiều đề xuất, kiến nghị và thực hiện công tác quản lý Nhà nước trong việc bãi bỏ một số chứng chỉ, quy định không còn phù hợp với xu hướng của thời đại và thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, năm 2021, Bộ Nội vụ đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức; cắt giảm các quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức theo hướng tích hợp các chương trình bồi dưỡng có nội dung tương đồng trong cùng một nhóm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành để tăng cường bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm;
Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, không quy định cụ thể các chương trình bồi dưỡng theo các ngạch công chức hoặc hạng viên chức… Kiến nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; kiến nghị bỏ thi nâng ngạch công chức; bỏ thi thăng hạn viên chức.
Đến nay một số nội dung như quy định chứng chỉ bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ đối với giáo viên, chứng chỉ tin học văn phòng trong tuyển dụng đã được bãi bỏ. Các văn bằng, chứng chỉ và những quy định về bồi dưỡng cũng như quy định thi nâng ngạch công chức, thi thăng hạng viên chức đang bắt đầu được triển khai theo lộ trình.
Ngay như về tiêu chí bổ nhiệm, đánh giá cán bộ, liên quan đến lĩnh vực trình độ, Quy định số 214-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… quản lý do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 2/1/2020 ghi rõ: “Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp”. Nhưng thời gian vừa qua, một số bộ, ngành vẫn không công nhận Bằng Lý luận chính trị cử nhân. Nhưng với sự vào cuộc, hướng dẫn của Bộ Nội vụ, hiện tại một số bộ, ngành đã có văn bản hướng dẫn về tiêu chí văn bằng chính trị. Ví như Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có văn bản hướng dẫn thực hiện theo đúng tinh thần Quy định số 214 của Bộ Chính trị, hàm vụ trưởng điều kiện cử nhân chính trị, cao cấp.
Với những gì mà ngành Nội vụ đang làm không chỉ góp phần thực hiện việc cải cách hành chính một cách hiệu quả mà còn góp phần giảm gánh nặng về thời gian, công sức để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác và cống hiến.
Nguồn: Báo lao động thủ đô