Đất ở có được xây nhà xưởng không?
(Xây dựng) – Hiện nay, có không ít trường hợp người dân sử dụng đất ở để xây dựng nhà xưởng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, muốn xây dựng nhà xưởng trên đất ở, buộc người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất sản xuất phi nông nghiệp.
Đất ở là đất được sử dụng để xây dựng nhà ở, công trình phục vụ sinh hoạt (ảnh minh họa). |
Đất ở có được xây nhà xưởng không?
Theo khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013, đất ở thuộc nhóm đất phi nông nghiệp dùng để xây dựng nhà ở, các công trình phục vụ cho đời sống và vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được công nhận là đất ở.
Trong khi đó, đất để xây dựng nhà xưởng cũng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp, tuy nhiên tùy vào mục đích sử dụng cụ thể mà nhà xưởng có thể được xây dựng trên các loại đất như: Đất khu công nghiệp; đất cơ sở sản xuất kinh doanh; đất sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất dịch vụ phi nông nghiệp…
Như vậy, có thể thấy trong trường hợp muốn xây dựng nhà xưởng trên đất ở, buộc người sử dụng đất phải chuyển mục đích sử dụng đất từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (đất sản xuất phi nông nghiệp).
Phải làm gì để xây dựng nhà xưởng trên đất ở
Người sử dụng đất không được xây dựng nhà xưởng trên đất ở khi chưa chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 11 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 5 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT), các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất không cần sự cho phép của cơ quan nhà nước bao gồm: Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Theo đó, trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải đất ở thì không cần xin phép cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động thay đổi mục đích sử dụng đất.
Về thủ tục đăng ký biến động trong trường hợp này được thực hiện như sau (căn cứ Nghị định 43/2014/NĐ-CP):
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký biến động theo mẫuGiấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ.
Cách 1: Hộ gia đình, cá nhân nộp tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu (xã, phường, thị trấn).
Cách 2: Không nộp tại UBND cấp xã.
Nếu địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa thì nộp tại bộ phận một cửa ở cấp huyện.
Nếu chưa tổ chức bộ phận một cửa thì nộp hồ sơ như sau:
Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện (nếu địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai).
Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết.
Xác nhận vào đơn đăng ký, xác nhận mục đích sử dụng đất vào giấy chứng nhận.
Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có).
Bước 4: Trao kết quả.
Nguồn: Báo xây dựng