Đất nền sụt giảm, chuyên gia khuyên chọn 3 sản phẩm đầu tư khôn ngoan
Trong khi lượng quan tâm đối với đất nền và căn hộ hạng sang sụt giảm thì nhà mặt phố, biệt thự, chung cư là những loại hình ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh nhất.
Đất nền, căn hộ hạng sang sụt giảm lượng quan tâm
Thông tin vừa công bố của một số đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản cho thấy, với bất động sản bán, nhà mặt phố, biệt thự, chung cư là những loại hình ghi nhận nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh nhất, lần lượt ở mức 21%, 13% và 11%. Mức độ quan tâm nhà riêng và đất nền bán gần như không có sự thay đổi nhưng lượng quan tâm đối với đất dự án đã giảm 13% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước.
Biệt thự, nhà phố được nhà đầu tư quan tâm trong khi thị trường trầm lắng (Ảnh: Hà Phong). |
Theo đơn vị trên, thị trường bất động sản TPHCM có sự hồi phục mạnh mẽ hơn Hà Nội về nhu cầu tìm kiếm và lượng tin đăng. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, mức độ quan tâm đến bất động sản tại TPHCM tăng 30% so với cùng kỳ 2021, trong khi Hà Nội chỉ tăng 11%. Lượng tin đăng bất động sản ở TPHCM cũng tăng đến 45%, so với mức tăng 20% của Hà Nội.
Đây là điều dễ hiểu vì năm 2021, TPHCM là một trong những tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19. Khi dịch bệnh dần được kiểm soát, là đầu tàu kinh tế cả nước, TPHCM đã có nhiều sự phục hồi và phát triển.
Vì vậy, nhu cầu về bất động sản, nhất là những loại hình phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất và ở thực, tăng cao. Tại TPHCM mức độ quan tâm tăng mạnh nhất đối với nhà mặt phố (tăng 47%), còn ở Hà Nội là căn hộ chung cư (tăng 13%).
Đất nền và căn hộ cao cấp sụt giảm nặng nề lượt quan tâm (Ảnh: Hà Phong). |
Theo các chuyên gia, xu hướng tăng trưởng lượt quan tâm nhà đất trong 10 tháng đầu năm nay cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản sau giai đoạn chịu tác động tiêu cực từ Covid-19. Tuy nhiên, con số này vẫn khá khiêm tốn nếu so sánh với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, dù nhu cầu mua bất động sản 10 tháng đầu năm tăng nhưng chủ yếu tăng ở giai đoạn nửa đầu năm khi xuất hiện một số đợt sốt đất cục bộ và đã có xu hướng giảm trong quý III. Thanh khoản thị trường đang chịu ảnh hưởng từ chính sách kiểm soát tín dụng, thiếu hụt nguồn cung và biến động lãi suất.
Tuy nhiên, sự sụt giảm nặng nề nhất chủ yếu rơi vào đất nền và căn hộ hạng sang. Một số loại hình bất động sản đáp ứng tiêu chí an toàn, phục vụ nhu cầu ở thực và khả năng khai thác giá trị thương mại vẫn nhận được sự quan tâm.
Các sản phẩm bất động sản đầu tư khôn ngoan
Trao đổi với Dân trí, chuyên gia bất động sản Đỗ Quý Duy cho biết, cá nhân ông sẽ lựa chọn đầu tư các loại hình sản phẩm bất động sản mà nằm ở trung tâm Hà Nội hoặc TPHCM trong giai đoạn hiện nay.
“Nó tăng trưởng không quá cao nhưng khả năng thanh khoản ngay khi chúng ta cần. Thực tế cho thấy, nếu thanh khoản thấp hơn giá thị trường là 3-5% chắc chắn sẽ có người mua lại luôn. Ngoài ra, sản phẩm này có thể dùng để ở hoặc cho thuê”, ông Duy nói.
Phân khúc thứ hai chuyên gia này lựa chọn đầu tư giai đoạn hiện nay là sản phẩm bất động sản ven nội đô có dòng tiền khai thác được ngay từ 4-5% một năm. Với dòng sản phẩm ở ven đô thì nó tạo ra tăng trưởng địa tô ổn định trong khoảng thời gian nhất định.
“Bất động sản ven đô có giá trị sử dụng và địa tô tăng trưởng khá tốt, bền vững. Trong khi đó, đất nội đô co hẹp với mật độ dân số tăng dần lên thì việc mở rộng ra vùng ven đô là vùng tất yếu”, ông Duy chia sẻ.
Ngoài 2 sản phẩm bất động sản trên, vị chuyên gia này cũng lựa chọn sản phẩm bất động sản ở tỉnh thành đang có đầu tư công, những dự án kinh tế đặc biệt như các khu công nghiệp.
“Những sản phẩm đất rẻ ở nông thôn, bám theo hạ tầng của tỉnh, của trung ương, theo dự án khu công nghiệp thì đó là những sản phẩm chúng ta nên ưu tiên đầu tư”, ông Duy nói
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cảnh báo, cần đánh giá kỹ về giá thanh khoản vì trong bối cảnh chung thì những sản phẩm ở tỉnh xa có diện tích lớn, giá rẻ là những sản phẩm được những nhà đầu tư trong bối cảnh cũ lựa chọn đầu tư theo hình thức ngắn hạn. Do đó, nhà đầu tư cần lựa chọn kỹ yếu tố thị trường ngách, yếu tố có sức bật.
Nguồn: Báo xây dựng