Đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5%
Chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ
Nghị quyết đặt ra mục tiêu, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ 6,0 – 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 – 4.730 USD/người. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% – 24,2%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% – 5,3%…
Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, xây dựng mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,0 – 6,5% là khá cao, nên ở mức thấp hơn, khoảng từ 5-6%. Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, chỉ tiêu tăng trưởng GDP được xây dựng trên cơ sở phân tích, dự báo bối cảnh tình hình trong nước, quốc tế, có tính đến những yếu tố thuận lợi, khó khăn của năm 2024, bám sát định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm. Việc đặt chỉ tiêu ở mức cao thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu đạt được mục tiêu đề ra, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu.
Có ý kiến đề nghị làm rõ tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP và tốc độ tăng năng suất lao động xã hội năm 2024 đang để thấp hơn năm 2023. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, công nghiệp, đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn khó khăn do thị trường thế giới chưa phục hồi hoàn toàn, thiếu đơn hàng sản xuất dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô.
Về lao động, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục diễn ra sẽ kéo theo sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế nhưng với tốc độ chậm do một bộ phận lao động phải chuyển sang những công việc, lĩnh vực chuyên môn mới, cần thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi. Dự kiến mục tiêu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân năm 2024 khoảng 4,8% – 5,3%, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1% – 24,2% là phù hợp với mục tiêu tăng trưởng và dự báo về tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và lực lượng lao động.
Có ý kiến cho rằng tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn đang đặt mục tiêu quá cao, không thực tế. Theo báo cáo của Chính phủ, tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2022 là 91%, năm 2023 ước khoảng 92%. Từ thực trạng khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường những năm vừa qua, trên cơ sở bố trí nguồn lực và lộ trình thực hiện, mỗi năm Chính phủ đề xuất tăng tỷ lệ này thêm 1%.
Có giải pháp giảm mặt bằng lãi suất
Có ý kiến đề nghị bỏ nội dung “phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, việc tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tăng khả năng tiếp cận vốn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí quản lý để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Một số ý kiến đề nghị rà soát rút ngắn, lựa chọn nội dung trọng điểm; tránh dàn trải, trùng với các nhiệm vụ, giải pháp; đề nghị bổ sung nội dung: “tập trung thúc đẩy phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch”; “bảo đảm môi trường đầu tư, thu hút và giữ chân nhà đầu tư FDI”; “tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách”; “tăng cường công tác tiếp công dân”… Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát khái quát, ngắn gọn, súc tích, tổng quan nhất về mục tiêu năm 2024, là cơ sở để triển khai 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Những nội dung cụ thể đã được tiếp thu, thể hiện tại các nhiệm vụ, giải pháp.
Một số ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung về: quản lý hiệu quả hoạt động thương mại trên các nền tảng số; rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai; ban hành thủ tục xác nhận mức độ sử dụng năng lượng tái tạo; ban hành cơ chế về điện mặt trời áp mái; triển khai thí điểm mô hình nhà máy điện ảo; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và phát triển các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, các ý kiến của các đại biểu Quốc hội là xác đáng, đây là những vấn đề cụ thể, cần quan tâm, quyết liệt xử lý. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, Nghị quyết cần ngắn gọn, súc tích, các giải pháp tổng thể đã bao quát các định hướng chính sách lớn để trên cơ sở đó Chính phủ sẽ chủ động điều hành theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, một số nội dung sẽ được rà soát, nghiên cứu thể hiện trong Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết chung của Kỳ họp. Do vậy, không bổ sung vào dự thảo Nghị quyết, đồng thời đề nghị Chính phủ lưu ý, quan tâm, có giải pháp thực hiện các kiến nghị nêu trên.
Theo TTXVN
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu