Đất hợp tác xã không sử dụng 30 năm thuộc về ai?
Có những khu đất, do hợp tác xã từ những năm 60-70 thế kỷ trước giải thể hoặc chuyển đổi hình thức hoạt động, bỏ lại không sử dụng rồi bị người dân lấn chiếm sử dụng suốt thời gian dài.
Một số trường hợp, hợp tác xã giao lại đất cho chính quyền địa phương làm đường sá, công trình công công cộng. Sau thời gian dài bị chiếm dụng trái phép, chính quyền đã cưỡng chế, thu hồi lại đất và thực hiện lại theo mục đích ban đầu.
Nhưng lại có trường hợp, dù hợp tác xã đã có văn bản giao lại đất cho chính quyền địa phương quản lý nhưng với 1 lý do nào đó, đất đai vẫn bị cá nhân lấn chiếm kéo dài trong khi chính quyền địa phương không có biện pháp giải quyết cụ thể và gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
Con đường rộng tại Ngõ 107/1 đường Nguyễn Chí Thanh phường Láng Hạ bị bóp méo bởi dãy nhà xưởng, kiot nhiều năm nay
Một trường hợp điển hình là khu đất dài 63m và rộng 4m nằm giáp Ban cơ yếu Chính phủ trên con ngõ nối ra đường Nguyễn Chí Thanh – Hà Nội . Trước đó khu đất trên vốn là một dải mương cũ, kênh thuỷ lợi của HTX nông nghiệp Láng Trung. Năm 1990 HTX đã cho một người dân tên Nguyễn Văn Thiết thuê để tập kết vật liệu sản xuất, nhưng đến năm 1994 hết hạn. Ngày 18/11/1994, HTX Láng Trung đã làm văn bản bàn giao khu đất cho UBND Phường Láng Hạ để làm lối đi chung cho người dân thành ngõ 107/1 Nguyễn Chí Thanh.
Tuy nhiên từ đó đến nay, cả một con đường trong ngõ dài rộng bị bó hẹp hơn 1 nửa bởi dãy nhà xưởng, ki ốt bán hàng nhưng không biết thuộc quyền của ai. Cũng nhiều năm nay, người dân cụm dân cư số 16 và 17 phường Láng Hạ gửi đơn đi các cấp phản ánh và đề nghị trả lại con đường mà HTX Láng Trung để lại từ 30 năm trước cho người dân đi. Nhưng họ nói rằng vẫn chưa có 1 thông tin rõ ràng từ chính quyền địa phương.
Trong khi đó, thông tin với báo chí, UBND phường Láng Hạ lại cho biết tuy HTX Láng Trung có biên bản giao đất cho phường nhưng phường lại không có biên bản nhận đất. Vì vậy từ bấy đến nay, UBND phường không hề tiếp nhận và quản lý khu đất này.
“Nếu UBND nhận bàn giao quản lý, phải có văn bản thể hiện việc tiếp nhận, ký kết giữa UBND với HTX. Thời điểm này cho rằng UBND phường đang quản lý khuôn viên đất trên là chưa đủ cơ sở”. – Một cán bộ địa chính nói.
Người dân ngã ngửa khi mới đây xem Đài truyền hình Việt Nam thi thấy khu đất hợp tác xã ngày xưa bàn giao lại để phục vụ lợi ích công cộng, đã được UBND phường Láng Hạ xác nhận việc sử dụng của Tổ hợp tác Bình Minh với nội dung: “các giấy tờ khác: BỊ THẤT LẠC”
Tuy nhiên lãnh đạo phường cũng cho rằng sẽ trao đổi với các bên liên quan, xác định lại nguồn gốc đất để sớm đưa ra phương án xử lý, giải quyết. Giải quyết vấn đề trên là cả một quá trình, không thể ngày một ngày hai.
Sau nhiều năm chờ đợi thông tin, mới đây người dân ở đây mới “ngã ngửa” bởi khi xem Đài Truyền hình Việt Nam thì thấy hồ sơ tại UBND phường Láng Hạ có 1 bản kê khai sử dụng đất của 1 người khác từ năm 1996. Theo đó, bản kê khai sử dụng khu đất này đứng tên Tổ hợp tác Bình Minh (đại diện là ông Nguyễn Văn Thiết) và được chủ tịch UBND phường Láng Hạ khi đó xác nhận là giấy tờ “bị thất lạc”.
Như vậy, năm 1994, đất đã được HTX Láng Trung làm văn bản bàn giao cho phường nhưng năm 1996 lại biến thành của cá nhân hoặc một pháp nhân khác?
Ông Lê Xuân Hồng (người dân ở đây, một cán bộ công tác trong ngành luật về hưu) phân tích: HTX Láng Trung đã giao đất cho UBND phường nên không thể sau đó lại chuyển nhượng cho Tổ hợp tác Bình Minh được. Vậy tờ kê khai sử dụng khu đất này có hợp pháp hay không? Tại sao đất có nguồn gốc của HTX Láng Trung mà lại được Chủ tịch UBND phường thời điểm đó xác nhận là giấy tờ “bị thất lạc”?
Để làm rõ vấn đề pháp lý này, Tạp chí điện tử Hoà Nhập đã làm công văn gửi Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND phường Láng Hạ nhưng không có phản hồi. Cũng theo tìm hiểu, hơn 10 năm qua không thấy Tổ hợp tác Bình Minh kê khai nộp thuế tại Chi cục thuế Đống Đa. Trong khi đó, khi phóng viên liên hệ, chủ nhiệm Hợp tác xã Láng Trung (nay là HTX TM-DV Láng Trung) đương nhiệm lại im lặng. Vậy những dãy nhà xưởng, ki ốt trên khu đất này do ai quản lý vẫn là dấu hỏi.
Trong khi người dân mỏi mòn chờ đợi thì chính quyền địa phương và cơ quan chức năng không có thông tin rõ ràng. Vậy đất hợp tác xã 30 năm không sử dụng, nay thuộc về ai? Những khu đất mà hợp tác xã trước đây đã có văn bản để lại cho chính quyền và người dân phục vụ lợi ích công cộng mà chính quyền “quên” nhận và đưa vào diện quản lý thì nay giải quyết thế nào?
Theo Luật sư Diệp Năng Bình (Công ty Tinh Thông Luật, Hà Nội), đối với đất trước 1993, nếu đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ thì quyền quản lý sử dụng là chủ thể có tên trong sổ.
Nhưng nếu từ năm 1994 đến nay mà khu đất mà các hợp tác xã đã giao lại cho UBND phường xã, chính quyền địa phường, đồng thời HTX không quản lý nữa, cũng như chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ thì đất này có thể được coi là đất chưa sử dụng.
Căn cứ tại khoản 1 điều 164 Luật đất đai 2013:
“Điều 164: Quản lý đất chưa sử dụng
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, bảo vệ đất chưa sử dụng tại địa phương và đăng ký vào hồ sơ địa chính”.
Sau năm 1993, trong trường hợp HTX muốn chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp hoặc cá nhân khác sử dụng, LS Bình cho biết phải đảm bảo các quy định như sau:
Thứ nhất, thủ tục chuyển đổi phải được thực hiện tại Uỷ ban nhân dân cấp huyện hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuỳ theo các trường hợp quy định tại khoản 2 điều 31 Luật đất đai 1993:
2- Thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở nông thôn làm tại Uỷ ban nhân dân huyện; ở đô thị làm tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”.
Nguồn: hoanhap.vn