Đắt hay rẻ – dự án điện tỷ đô ???
Giá nào khi chỉ đấu với chính mình ?
Như báo chí đã phản ánh những bất cập trong hồ sơ mời thầu, gói thầu EPC quốc tế dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (PV Power) làm chủ đầu tư đã được đánh giá xong hồ sơ “đề xuất kỹ thuật” (mở thầu ngày 23/8/2021) và được “cấp tốc” mở thầu “đề xuất tài chính” vào ngày 10/9/2021, chỉ sau chưa đến 3 tuần. Theo nguồn tin riêng của phóng viên Doanh nghiệp và Thương hiệu thì liên danh Samsung C&T – GE – Lilama, nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ, đã đưa ra giá thầu khoảng 948 triệu USD, thấp hơn dự toán gói thầu EPC hơn 100 triệu USD (dự toán gói thầu được duyệt là 1,063 tỷ USD). Với kết quả như vậy, Liên danh này chắc thắng thầu vì chỉ “một mình một ngựa”.
Hãy chọn giá đúng !
Câu chuyện không dừng lại như vậy. Điều đáng ngạc nhiên là sau khi có thông tin về việc mở thầu tài chính, liên tiếp có nhiều nhà thầu nước ngoài gửi thư tới cơ quan chức năng nêu ra nghi vấn về tính cạnh tranh của gói thầu và cam kết có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với giá chào của Liên danh. Tại sao lại có sự kiện lạ như vậy khi Liên danh đã giúp chủ đầu tư tiết kiệm được hơn 10% dự toán? Đáng lẽ các bên cần “vỗ tay” hoan nghênh nhà thầu đưa ra giá cạnh tranh chứ không nên “vỗ mặt” nhau như vậy? Phải chăng giá bỏ thầu này có vấn đề hay thực sự quá cao so với thực tế trên thế giới? Dư luận đặt ra nhiều nghi vấn cần lời giải.
Qua tìm hiểu, phóng viên thật bất ngờ khi phát hiện ra nhiều dự án EPC điện khí trên thế giới có giá bỏ thầu hấp dẫn hơn rất nhiều so với giá chào của Liên danh. Tính đơn giản, giá chào của Liên danh tương đương 584.000 USD/MW (948 tỷ USD: (812 MW x 2)) = 584.000 USD/MW). Nếu so sánh với giá EPC của nhiều dự án điện khí khác trên thế giới gần đây thì giá chào của Liên danh đang “cực đắt”, thậm chí nói không ngoa là “một trời một vực”.
Theo thông tin trên các website của các nhà sản xuất, nhà thầu và báo chí quốc tế, có thể tóm lược suất đầu tư một số dự án so với gói thầu EPC của dự án Nhơn Trạch 3&4 như sau:
Trên cơ sở các thông tin tại bảng trên, không khó để nhận thấy có sự chênh lệch lớn về suất đầu tư giữa các dự án trên và giá chào thầu của Liên danh trong gói thầu EPC dự án Nhơn Trạch 3&4. Những thông tin này hé mở lời giải thích rõ ràng cho vô vàn bức xúc của nhiều nhà thầu như DL E&C, Mitsubishi, Hyundai, Siemens Energy… khiến các nhà thầu này đã nhiều lần gửi kiến nghị đến PV Power và các cơ quan chức năng cảnh báo về tính cạnh tranh của gói thầu và dự đoán chỉ có một nhà thầu đáp ứng điều kiện.
Hiệu quả nào cho việc sản xuất kinh doanh vận hành trái với quy luật thị trường ?
Tạo ra sự độc quyền trong đấu thầu là trái với quy luật của thị trường. Dư luận đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của bên mời thầu trong việc để “hậu quả nhãn tiền” về việc thất thoát vốn, sử dụng vốn không hiệu quả. Thậm chí trách nhiệm của đơn vị tư vấn, người phê duyệt dự toán cũng cần xem xét để đảm bảo giá dự toán tiệm cận với giá trên thế giới.
Một nghịch lý, tính đến năm 2020, PV Power đang cung cấp sản lượng điện lên đến 19,166 triệu kWh, có nguồn vốn lên đến 54.000 tỷ đồng, sử dụng 1.245 lao động, được ưu tiên sử dụng nhiều tài nguyên và nguồn lực đất đai nhưng chỉ tạo ra được lợi nhuận hợp nhất sau thuế khiêm tốn là 2.662 tỷ đồng. Trong khi, chỉ cần cố gắng thêm chút ít, tính toán cẩn thẩn hơn đối với bài gói thầu EPC dự án Nhơn Trạch 3&4 thì khoản tiết kiệm được thấp nhất theo tính toán trên sẽ giúp chủ đầu tư “ngồi mát ăn bát vàng” mà chẳng phải làm gì trong nhiều năm.
Dư luận có quyền đặt ra nghi ngờ “lợi ích nhóm” trong gói thầu này. Câu hỏi trên rất cần lời giải đáp minh bạch của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để tránh khi ký hợp đồng xong thì “bút sa gà chết”. Việt Nam không muốn thêm các đại án mà cần “tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế… đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật” theo đúng chỉ đạo trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu