Đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng, hàng hóa rộng đường vào EU

Theo đánh giá từ Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công thương), hiện EU là thị trường xuất khẩu nông, thủy sản lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu hầu hết các mặt hàng đều đang ở mức thấp, chưa tương xứng với dung lượng thị trường và quan hệ hợp tác thương mại Việt Nam – EU.

Cụ thể, một trong những hạn chế lớn lâu nay của nền nông nghiệp Việt Nam là đang bán những gì mình có mà chưa tập trung nghiên cứu, tìm hiểu sâu và kỹ lưỡng những gì thị trường cần.

Vì vậy, đến thời điểm này, tình trạng “được mùa mất giá” vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương. Trong hoạt động xuất khẩu cũng tương tự, do thiếu thông tin về thị trường nên nhiều nông sản chào bán vẫn chưa thu hút được đối tác, nhất là thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, an toàn như châu Âu.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, không phải chỉ khẩu vị mà còn hình thức bao bì, an toàn thực phẩm, các tiêu chuẩn về lao động, môi trường…

Đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, hàng hóa rộng đường vào EU. Ảnh minh họa. 

Ví dụ như có doanh nghiệp tự hào vì sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu mật ong sang châu Âu nhưng không nắm rõ rằng châu Âu, đặc biệt là Italia và Pháp là những nước sản xuất mật ong lâu đời, có tiêu chuẩn ngặt nghèo khi xem xét cách nuôi ong, có bảo vệ ong hay không; hay như khi bán cà-phê chế biến, chúng ta hay chào cà-phê hòa tan, có hương liệu nhiều, trong khi người dân châu Âu thích hương vị nhẹ nhàng, tự nhiên.

Bên cạnh vấn đề về chất lượng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, thì an toàn thực phẩm hay các yếu tố ngoài sản phẩm như bảo vệ môi trường, lao động… đã và đang rất được quan tâm tại EU.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha Vũ Chiến Thắng cho biết: Vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được thị trường Tây Ban Nha quan tâm hàng đầu. Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản như cá ngừ, tôm, mực vào thị trường cần lưu ý đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu đánh bắt, bảo quản đến chế biến, chuyên chở để không vi phạm các quy định an toàn thực phẩm hiện hành.

Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong sản xuất, xuất khẩu hàng hóa. Cụ thể, chủ doanh nghiệp sử dụng lao động phải cam kết bảo đảm điều kiện làm việc tiêu chuẩn cho công nhân, bảo đảm sản xuất an toàn về con người và bảo vệ môi trường, nhất là không được sử dụng lao động cưỡng bức hay lao động trẻ em. EU nói chung và Tây Ban Nha nói riêng xem trọng các yếu tố trách nhiệm xã hội này của doanh nghiệp như là điều kiện ràng buộc trong việc tiến hành giao dịch, ký kết và thực hiện mua bán hàng hóa. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần hết sức lưu tâm thực hiện.

Có thể nói, nhu cầu thị trường là yếu tố quan trọng để tính toán quy hoạch sản xuất và chế biến nông, thủy sản, nhất là đối với thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao như EU. Vì vậy, muốn chinh phục được thị trường EU nói riêng và các thị trường khác nói chung, doanh nghiệp Việt Nam cần có cái nhìn toàn diện về thị trường xuất khẩu, nhằm đáp ứng đúng và đủ các tiêu chí mà thị trường đặt ra.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích