Đáp ứng tiêu chuẩn là yêu cầu bắt buộc để sản phẩm nông nghiệp rộng đường xuất khẩu

Ngành nông nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và tiêu chuẩn nước ngoài để khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng giá trị cạnh tranh. Ảnh minh họa

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các nước trên thế giới. Để đảm bảo chất lượng và an toàn cho sản phẩm tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu, Việt Nam đã áp dụng nhiều tiêu chuẩn và quy chuẩn ngành nông nghiệp. Các tiêu chuẩn này không chỉ nâng cao chất lượng mà còn giúp sản phẩm Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường quốc tế.

Trong đó, VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices) là tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành năm 2008. VietGAP bao gồm những nguyên tắc, trình tự và thủ tục hướng dẫn tổ chức/cá nhân sản xuất, thu hoạch và sơ chế nhằm đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, cũng như bảo vệ môi trường. VietGAP dựa trên ASEANGAP và các tiêu chuẩn GAP khác trên thế giới, và bao gồm ba nhóm sản phẩm chính: thủy sản, trồng trọt và chăn nuôi.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Việt Nam được xây dựng dựa trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế (CODEX, IFOAM…) và tiêu chuẩn các nước có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển như Mỹ, EU, Nhật Bản cùng các nước trong khu vực như Thái Lan, Philippines và Trung Quốc. Tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên của Việt Nam là TCVN 11041-1:2017, ban hành bởi Bộ Khoa học và Công nghệ, áp dụng cho sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Ngoài các tiêu chuẩn trong nước, để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường thế giới, các nhà sản xuất và xuất khẩu Việt Nam còn phải tuân thủ các quy định kỹ thuật (tiêu chuẩn bắt buộc) của các quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu. Các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến như

Tiêu chuẩn Global G.A.P (Global Good Agricultural Practice) là tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu, là một bộ tiêu chuẩn (tập hợp các biện pháp kỹ thuật) về thực hành nông nghiệp tốt được xây dựng để áp dụng tự nguyện cho sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch cho các nông sản (bao gồm cả trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản) trên phạm vi toàn cầu. Đây là tiêu chuẩn trước cổng trại, việc chứng nhận bao hàm toàn bộ các quá trình sản xuất ra sản phẩm, từ đầu vào trang trại như thức ăn, giống và các hoạt động nuôi trồng cho đến khi sản phẩm rời khỏi trang trại.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ – USDA: Đây là chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ với điều kiện nghiêm ngặt nhất. Sản phẩm hữu cơ dưới chứng nhận của các đại diện thuộc USDA có nhiều cấp bậc, tuy nhiên chỉ những sản phẩm chứa từ 95%-100% nguyên liệu hữu cơ (organic) mới được thể hiện dấu (logo) của USDA trên tem nhãn sản phẩm.

Tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật – JAS: Là tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Nhật Bản quy định về tiêu chí các sản phẩm, nhãn mác tạo điều kiện thuận lợi cho sự lựa chọn của người tiêu dùng. Tiêu chuẩn này gồm 2 phần là “hệ thống JAS” và “hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng”. Trong đó, hệ thống JAS cho phép các sản phẩm đã qua kiểm tra dựa trên tiêu chuẩn nông nghiệp Nhật Bản được dán nhãn JAS. Còn với hệ thống tiêu chuẩn ghi nhãn chất lượng nhằm yêu cầu các nhà sản xuất và bán hàng phải dán nhãn sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, hàng rào kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế đối với nông sản xuất khẩu được Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc chia làm hai loại là quy định bắt buộc và các chứng nhận tự nguyện. Các chứng nhận tự nguyện bền vững bao gồm ISO 14001 (quản lý môi trường), SA 8000 (trách nhiệm xã hội), ISO 22000 (quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm), HACCP (phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn), và GMP (thực hành sản xuất tốt).

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc là một trong ba quốc gia có kim ngạch nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Để xuất khẩu sang thị trường này, các nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải được thu mua từ các vùng trồng và cơ sở đóng gói có mã số vùng trồng và được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.

Đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam với rất nhiều ngành hàng công nghiệp chủ lực cũng như nông sản, thực phẩm mà Việt Nam có thế mạnh. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 01/8/2020, đã giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt cơ hội tiếp cận thị trường EU. Tuy nhiên, EU cũng có nhiều quy định môi trường khắt khe, như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) và quy định chống phá rừng (EUDR), đòi hỏi các sản phẩm phải không gây mất rừng hoặc suy thoái rừng.

Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam cần tính toán đến những xu hướng dài hạn và đáp ứng các quy định quốc tế để tiếp tục thâm nhập và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Duy Trinh (t/h)

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích