Đào tạo về công tác tiêu chuẩn hóa của Liên minh châu Âu
Tham gia chương trình có gần 40 đại diện đến từ Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam; một số đơn vị thuộc Tổng cục TCĐLCL; các thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia có liên quan. Về phía dự án có ông Trevor O’regan – Tư vấn trưởng dự án; Ông Kostas – Chuyên gia tư vấn chính hợp phần Hạ tầng chất lượng; Ông Glenn Bosmans – Chuyên gia dự án kiêm báo cáo viên.
Ông Phùng Mạnh Trường – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam phát biểu chương trình.
Theo đó, ARISE+ Việt Nam là dự án do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ góp phần giúp nền kinh tế Việt Nam hội nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu thông qua hỗ trợ có mục tiêu cho cả khu vực công và tư. Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thu được lợi ích từ các cam kết thương mại song phương và khu vực mới, đặt trọng tâm vào việc thực hiện Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Đây là cấu phần Việt Nam nằm trong Chương trình ARISE+ của Liên minh châu Âu hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực ASEAN. Đối tác chính của dự án là Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Mục tiêu tổng thể của dự án là tăng trưởng kinh tế toàn diện và giảm nghèo tại Việt Nam. Còn mục tiêu cụ thể là tối đa hóa lợi ích từ các chế độ thương mại ưu đãi, với trọng tâm là các thỏa thuận khu vực và Hiệp định EVFTA.
Hội thảo đào tạo nhằm phục vụ lợi ích của các nhà xuất khẩu, góp phần tạo thuận lợi thương mại như một phần các thông lệ tốt nhất của EU và quốc tế. Hoạt động này sẽ tập trung vào thông lệ quốc tế tốt nhất trong việc xây dựng tiêu chuẩn, đặc biệt là công việc của các Ban kỹ thuật và sự tham gia của các bên liên quan khác, bao gồm cả cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, chú trọng vào các lĩnh vực xuất khẩu tiềm năng.
Bên cạnh đó, hội thảo hỗ trợ các bên liên quan của Việt Nam hiểu rõ hơn tất cả các vấn đề liên quan đến quá trình xây dựng và hài hòa tiêu chuẩn EU, tập trung vào công việc của Ủy ban Tiêu chuẩn châu Âu (CEN) – Ủy ban Tiêu chuẩn Kỹ thuật Điện tử châu Âu (CENELEC). Các quy trình hài hòa tiêu chuẩn này nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các quốc gia thành viên EU. Tuy nhiên, chúng cũng góp phần đáng kể vào việc tạo thuận lợi cho giao thương giữa EU với các quốc gia ngoài EU.
Ông Glenn Bosmans trình bày tại hội thảo
Tại chương trình, ông Glenn Bosman cũng chia sẻ thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn của EU trong một số lĩnh vực: Dệt may; Điện tử và sản phẩm điện tử; Thực phẩm và nông sản; Quy trình xây dựng tiêu chuẩn của CEN CENELEC; Phương pháp tiếp cận hệ thống về phát triển tiêu chuẩn, đối chiếu với Phương pháp tiếp cận quản lý dự án của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) và các chương trình hỗ trợ thành viên là các nước đang phát triển của ISO; Các ưu tiên của CEN CENELEC; Hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn của CEN CENELEC…
Tiếp đó, hội thảo còn có phiên trao đổi, chia sẻ trực tuyến với ông Eric Marchand – Phụ trách hợp tác quốc tế của CEN CENELEC tại Brussels về khuôn khổ hợp tác của CEN với các quốc gia trong và ngoài khối.
Với phạm vi kiến thức rộng, sự hiểu biết và nhiệt tình của chuyên gia, các đại biểu tham dự đã được tiếp nhận rất nhiều thông tin hữu ích và những chỉ dẫn chi tiết để có thể tiếp tục tìm hiểu và khai thác thông tin liên quan đến các quy định, tiêu chuẩn của Châu Âu.
Ngọc Bích – VSQI