Đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng đầu ra

Rộng mở cơ hội nghề nghiệp nhờ vững tay nghề

Là một trong những thí sinh nữ của Việt Nam giành Huy chương bạc tại kỳ thi kỹ năng nghề ASEAN năm 2005 với nghề dịch vụ nhà hàng, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh năm 1986), hiện là giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: “Khi nắm vững kỹ năng nghề, bản thân tôi dễ dàng tiếp cận với nhiều cơ hội việc làm. Tôi đã chọn con đường trở thành giáo viên để góp phần truyền lửa đam mê nghề nghiệp đến lao động trẻ”.

Đào tạo kỹ năng nghề để đáp ứng đầu ra
Hướng dẫn học nghề điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề cơ điện Hà Nội

Với thành tích nổi bật là đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019, dù tuổi đời còn trẻ, anh Phan Văn Quốc (sinh năm 1997), cựu sinh viên Khoa Cơ khí (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã được Viện Đào tạo kỹ năng nghề DENSO Việt Nam mời về làm việc. Tại đây, anh Phan Văn Quốc trở thành chuyên gia huấn luyện nghề tiện CNC cho thí sinh tham gia các kỳ thi kỹ năng nghề.

Từ trải nghiệm của bản thân, anh Quốc nhắn nhủ: “Khi người trẻ vững tay nghề, chắc chắn sẽ có cơ hội việc làm tốt”. Ngoài những dẫn chứng nêu trên, hiện tại, đại đa số lao động qua đào tạo nghề bài bản, chuyên nghiệp đều được các doanh nghiệp chào đón. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Vinaconex 1 Nguyễn Xuân Thọ thông tin: “Chúng tôi phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Hà Nội để có thể tuyển dụng lực lượng lao động vững kỹ năng”.

Trên phạm vi rộng hơn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) Trương Anh Dũng cho biết, những năm gần đây, hơn 80% lao động tham gia đào tạo nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng đạt năng suất, mang lại thu nhập cao hơn. Thậm chí, nhiều ngành, nghề đạt tỷ lệ 100% người học có việc làm ngay sau khi hoàn thành chương trình đào tạo.

Chú trọng đào tạo, đào tạo lại kỹ năng nghề cho người lao động

Theo công bố mới nhất về năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới, kỹ năng của lực lượng lao động nước ta tăng đều hằng năm; trong đó, hai năm gần đây, chất lượng đào tạo nghề nghiệp duy trì đà tăng hơn 10 bậc. Tuy nhiên, thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ở nước ta còn thấp, hiện mới đạt gần 25%, tương ứng với khoảng 13,5 triệu người/tổng số khoảng 54 triệu người trong độ tuổi lao động. Trong khi đó, do tác động của dịch Covid-19, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề từ đầu năm 2021 đến nay không đạt như mong muốn.

Tính đến hết tháng 8, cả nước mới tuyển sinh được hơn 75.000 người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp, chỉ bằng 13% kế hoạch cả năm. Đáng quan tâm hơn, trong số hàng triệu người đang bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì lao động phổ thông, chưa qua đào tạo chiếm đại đa số.

Nhằm nâng cao kỹ năng, mang lại cơ hội việc làm bền vững cho người lao động, ngoài các giải pháp đã, đang thực thi, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 phê duyệt chương trình “Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0”.

Triển khai chương trình này, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) Vũ Xuân Hùng cho biết: “Chúng tôi đang khảo sát, đánh giá thực trạng kỹ năng của người lao động tại các doanh nghiệp để có phương án xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo lại phù hợp.

Dự kiến, từ nay đến năm 2022 sẽ có 20 ngành, nghề mới được thí điểm tuyển sinh, đào tạo (giải pháp blockchain, kết nối hệ thống robot, kết nối vạn vật, trang trại số, bảo mật dữ liệu…) với số lượng khoảng 4.800 người. Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025, các cơ quan chức năng sẽ chú trọng đào tạo lại cho ít nhất 300.000 lượt người”.

Theo định hướng chung, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng quan tâm đào tạo, đào tạo lại cho người lao động. Phụ trách Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội Phạm Xuân Khánh cho biết, nhà trường ưu tiên tuyển sinh với đối tượng là bộ đội xuất ngũ, người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 với nhiều ngành, nghề phù hợp.

Người học được hỗ trợ về học phí và có thể chủ động lựa chọn thời gian đào tạo (3 tháng, 6 tháng, 9 tháng…). Tương tự, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội đang phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dự án “Tự tin lập nghiệp”, qua đó hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 1.000 lao động trẻ có hoàn cảnh khó khăn…

Với nhiều giải pháp được triển khai, có thể tin tưởng, trong những năm tới, nước ta sẽ có nhiều lao động chủ động tham gia đào tạo nghề hoặc đào tạo lại để có thêm kiến thức, kỹ năng làm việc, qua đó nắm bắt những cơ hội việc làm bền vững./.

Tú Anh

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích