Đào tạo kiến thức cho sinh viên về nhận diện lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ

Về phía Ủy ban, chương trình có sự tham gia của ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, đoàn viên thanh niên thuộc các đơn vị của Ủy ban tham dự trực tiếp và trực tuyến.

Về phía các trường đại học, cao đẳng có sự tham gia trực tuyến của gần 100 sinh viên và các thầy cô giáo đến từ: Đại học Phan Thiết, Đại học Nha Trang, Đại học Trà Vinh, Đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Bình Dương, Đại học Lâm Nghiệp, Đại học Kinh tế kỹ thuật Thái nguyên, Đại học Thủ Dầu 1, Cao đẳng Công nghệ Việt – Hàn Bắc Giang, Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, Cao đẳng Nghề Việt Xô số 1 Vĩnh Phúc, Cao đẳng Miền núi Bắc Giang, Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng Quảng Ninh, Cao đẳng Nghề Sóc Trăng.

Trình bày tại buổi đào tạo, ông Nguyễn Tuấn Anh – Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn thanh niên Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, báo cáo viên của chương trình cho biết, lãng phí làm tốn kém, hao tổn một cách vô ích. Hiểu theo cách đơn giản, lãng phí là tất cả những gì “không đem lại giá trị”; Những lãng phí này thường ở dạng “vô hình” mà hầu hết các doanh nghiệp đều mắc phải.

Buổi đào tạo diễn ra sôi nổi theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.

Cũng theo ông Tuấn Anh, ước tính rằng lãng phí trong sản xuất khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại từ 2,1 nghìn tỷ USD đến 3,5 nghìn tỷ USD mỗi năm và cũng trích dẫn một nghiên cứu của McKinsey & Company cho thấy lãng phí trong sản xuất, tiêu dùng và thực phẩm khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,1 nghìn tỷ USD mỗi năm.

Ông Tuấn Anh chỉ ra lãng phí trong sản xuất, kinh doanh được phân thành 7 loại, bao gồm: Lãng phí do Sai lỗi/ Khuyết tật (Defect), Sản xuất dư thừa (Over Production), Tồn kho (Inventory), Thao tác (Motion), Vận chuyển (Transportation), Chờ đợi (Waiting), Gia công/xử lý thừa (Over processing).

Trong đó, sản xuất dư thừa là loại lãng phí nguy hiểm nhất trong nhóm bảy loại lãng phí vì nó có khả năng gây ra các dạng lãng phí khác.

Việc nhận diện và loại bỏ 7 lãng phí sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng sản phẩm hay dịch vụ từ phía khách hàng. Từ đó, tăng sự thỏa mãn của khách hàng và các bên hữu quan đối với doanh nghiệp.

Giảm thiểu lãng phí về vận chuyển, di chuyển bất hợp lý,… giúp doanh nghiệp sắp xếp, bố trí mặt bằng nơi làm việc hợp lý và bảo đảm thời gian sản xuất, giao hàng, cung cấp dịch vụ đúng thời hạn.

Giảm thiểu lãng phí do sai lỗi/khuyết tật, giải quyết các vấn đề không phù hợp trong quá trình sản xuất, cung cấp sản phẩm và dịch vụ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hoạt động và hạ giá thành sản phẩm hoặc đảm bảo giá cả cạnh tranh với đối thủ. Việc giảm chi phí đồng nghĩa với việc tăng hiệu quả về mặt tài chính và gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh và tính chuyên nghiệp cho doanh nghiệp.

Giảm thiểu các hao phí, lãng phí trong quá trình sản xuất, giúp doanh nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và cung cấp dịch vụ, làm tăng giá trị cho doanh nghiệp. Sử dụng hợp lý nguyên vật liệu sản xuất và nguồn năng lượng phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh theo hướng thân thiện với môi trường và có trách nhiệm xã hội.

Ông Tuấn cũng đã chia sẻ quy trình thực hiện dự án loại bỏ lãng phí trong doanh nghiệp. Trong đó, giai đoạn 1 là khởi động bao gồm: Bước 1, đào tạo, nâng cao nhận thức và cam kết về chương trình; Bước 2, thành lập nhóm cải tiến.

Giai đoạn 2 là triển khai chương trình bao gồm: Bước 3, nhận diện lãng phí: Bước 4, thu thập thông tin; Bước 5, xác định các mục tiêu cải tiến; Bước 6, đề xuất và đánh giá các phương án; Bước 7, xây dựng kế hoạch thực hiện; Bước 8, thực thi các phương án đã chọn; Bước 9, kiểm tra và đánh giá kết quả; Bước 10, đề xuất các giải pháp duy trì, cải tiến liên tục.

Chương trình nhận được sự quan tâm của sinh viên tại các điểm trường. Nhiều câu hỏi đặt ra và nhận được câu trả lời xác đáng từ phía chuyên gia, báo cáo viên của Ủy ban, tạo nên không khí hào hứng và sôi nổi.

Buổi đào tạo “TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu” là chuyên đề thứ 3 trong chuỗi 10 chuyên đề đào tạo về các công cụ cải tiến năng suất do các báo cáo viên của Ủy ban trình bày, lần lượt bao gồm:

“Tổng quan về năng suất”

5S – Nền tảng cải tiến năng suất chất lượng;

TWI – Mô hình nhóm huấn luyện (TWI) nâng cao năng lực cho đội ngũ giám sát tuyến đầu;

7 lãng phí – Nhận diện các lãng phí trong sản xuất và cách loại bỏ hiệu quả;

Kaizen – Tư duy cải tiến liên tục;

QCC – Nhóm kiểm soát chất lượng;

TPM – Áp dụng TPM nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng máy móc, thiết bị;

MFCA – Tổng quan về MFCA: Phương pháp hạch toán chi phí dòng nguyên liệu;

Lean: Tư duy giảm thiểu lãng phí (Lean) để tăng năng suất;

KPI: Áp dụng KPI trong thực thi chiến lược kinh doanh của tổ chức;

Hà My

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích