“Đào, phở và piano”, phim Nhà nước đặt hàng cháy vé đầu năm

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 18/2, website của Trung tâm chiếu phim Quốc gia không thể truy cập được. Nguyên nhân do nhu cầu xem phim giải trí của khán giả tăng cao khiến lượng truy cập tăng đột biến, gây ra tình trạng “sập” website.

Trong khi đó, hiện đây là địa điểm duy nhất trên cả nước chiếu “Đào, phở và piano”. Vì vậy, khán giả chỉ có thể truy cập và đặt vé trên trang web hoặc ứng dụng riêng của đơn vị.

Nội dung phim xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa.

Theo số liệu của Box Office Việt Nam – đơn vị thống kê doanh thu phòng chiếu cho thị trường điện ảnh Việt, phim “Đào, phở và piano”, hiện có 11 suất chiếu, đã bán được 1.455 vé, thu về hơn 87 triệu đồng trong ngày.

Sang tuần, vào ngày 19 và 20/2, Trung tâm chiếu phim Quốc gia đã tăng lên 15 suất chiếu/ngày, nhưng cũng đã bán hết vé, chỉ còn vé ở một số vị trí sát màn hình hoặc rìa ngoài cùng.

“Đào, phở và piano” là phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng, không công chiếu rộng rãi, chỉ chiếu duy nhất ở một địa điểm. Thông thường, các dự án do Nhà nước đặt hàng mang hơi hướng tuyên truyền, nên không thu hút khán giả như những phim giải trí.

Lý giải về việc phim đặt hàng trở nên hot, nhiều chuyên gia cho rằng, dịp đầu năm, nhu cầu xem phim của người dân tăng cao. Thêm nữa, bộ phim này chỉ được chiếu với số lượng suất ít tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia, vốn được coi là điểm đến được nhiều khán giả yêu thích phim chiếu rạp lựa chọn.

Bộ phim được đầu tư một trường quay “khủng”, với quy mô lớn tái hiện một đoạn phố Hà Nội.

Bên cạnh đó, phải kể đến việc “Đào, phở và piano” đã thành công khi gây hiệu ứng mạng xã hội. Không thể phủ nhận, hiệu ứng từ truyền thông đã góp phần giúp các tác phẩm điện ảnh đến gần với công chúng hơn so với quảng bá thông thường. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, đánh giá của người tiêu dùng có điều kiện để lan truyền mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng, quyết định số phận của các sản phẩm điện ảnh.

“Đào, phở và piano” nhận về rất nhiều sự tán dương khi công chúng và nhất là những bạn trẻ sinh ra thời nay, biết về một Hà Nội xưa cũ tao nhã, thanh cao, lãng mạn nhưng cũng rất kiên cường chống chọi với mưa bom bão đạn của thực dân Pháp. Nội dung phim xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa.

Bộ phim được đầu tư một trường quay “khủng”, với quy mô lớn tái hiện một đoạn phố Hà Nội với những không gian sống của các nhân vật ở bối cảnh năm 1946 – 1947. Để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100 m, tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên.

Sau hơn 5 tháng thi công, với đội ngũ thiết kế, sản xuất là những người dạn dày kinh nghiệm từng tham gia trong nhiều bộ phim lịch sử, chiến tranh, một phim trường quy mô đã hình thành. Đó là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thời điểm năm 1940, với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện, nơi mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô yêu dấu năm xưa.

Bộ phim thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa Đông năm 1946 khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Bộ phim không chỉ ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước mà còn đi sâu tìm hiểu, lý giải cốt cách phẩm chất người Hà Nội.

“Đào, phở và piano” – bộ phim do Cục Điện ảnh và Công ty cổ phần phim truyện I đầu tư và sản xuất, đạo diễn bởi NSƯT Phi Tiến Sơn, với sự tham gia của các gương mặt diễn viên quen thuộc như NSƯT Trần Lực, NSƯT Trung Hiếu, Doãn Quốc Đam, ca sĩ Tuấn Hưng…

Phương Bùi

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích