Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc
Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở tại Tây Nguyên và miền núi phía Bắc
Chiều 14/8, tại Hà Nội, Tổng cục Khí tượng thủy văn (KTTV) tổ chức cuộc họp “Đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc”.
Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Viện Địa chất – Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Khoa học Thủy Lợi Việt Nam; Tổng hội Địa chất Việt Nam; các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Cục Địa chất Việt Nam, Cục Viễn thám quốc gia, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu; các nhà khoa học trong lĩnh vực địa chất và thủy văn.
Cuộc họp nhằm thực hiện Công điện số 732/CĐ-TTg ngày 8/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét; thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc giao Tổng cục KTTV chủ trì triển khai và đôn đốc các đơn vị thực hiện nhiệm vụ được giao tại Công điện trên.
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo Cục Địa chất Việt Nam; Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản và Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có các báo cáo độc lập về hiện trạng, diễn biến, nguyên nhân sạt lở tại các tỉnh Đắk Nông, tỉnh Lâm Đồng; nguyên nhân sạt lở ở khu vực Tây Nguyên và các khu vực miền núi Việt Nam; hiện trạng, diễn biến, nguyên nhân sạt lở tại thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc.
Ông Phạm Văn Sơn – Phó Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho rằng một trong những nguyên nhân chính chính gây kích hoạt các hoạt động trượt lở đất đá xảy ra tại các khu vực miền núi Việt Nam là mưa lớn. Tuy nhiên, mưa chỉ là yếu tố kích hoạt, việc có xảy ra sạt lở hay không còn tùy thuộc vào tính chất địa hình, độ dốc, địa chất. Mỗi một nơi có ngưỡng mưa kích hoạt khác nhau, do vậy, cần nghiên cứu cụ thể ngưỡng mưa kích hoạt trượt lở cho từng khu vực, từng loại đất đá tùy theo độ thấm nước, mức độ bão hòa chảy nhão, thảm phủ…
Theo ông Sơn, khi bố trí quy hoạch dân cư, xây dựng công trình cần cân nhắc các vị trí sườn dốc có nguy cơ trượt lở đất đá cao, có kế hoạch thoát nước mặt, nước ngầm và cảnh báo người dân trong các khu vực nguy hiểm. Đối với đường giao thông, cần xem xét yếu tố ổn định của nền đường liên quan đến ảnh hưởng của nước mặt, nước ngầm trong thời gian mưa lớn, mưa kéo dài và có sự tham gia của các phương tiện giao thông tác động.
Nhiều ý kiến cho rằng mưa lớn kéo dài và hoạt động của con người là 2 tác động lớn nhất khiến tình hình sạt lở, nguy cơ tai biến địa chất tại khu vực Tây Nguyên và khu vực miền núi phía Bắc càng nghiêm trọng hơn.
Đại diện Tổng hội Địa chất Việt Nam đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai Đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam”, đồng thời phân cấp cho địa phương những công việc cụ thể trong quá trình triển khai đề án này.
Tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết: Một trong những nguyên nhân gây sạt lở đất tại một số tỉnh ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc là do mưa lớn kéo dài khiến đất đá bị bão hòa. Ngoài ra, các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, nên khu vực này dễ bị trượt sạt.
Theo Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái, đối với sạt lở đất ở quy mô nhỏ thì xảy ra khá nhiều do đặc điểm địa hình chia cắt, chúng ta chưa thể thực hiện đo đạc đánh giá địa chất được tất cả các điểm như vậy, hiện nay ngành KTTV đang thực hiện khoanh vùng cảnh báo khi có mưa lớn, đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo chi tiết đến điểm có nguy cơ sạt lở để người dân phòng tránh.
Tuy nhiên, hiện nay tại một số tỉnh Tây Nguyên đã xuất hiện những vết trượt lở, sạt lở có quy mô lớn và tiềm năng là những khối sạt lở lớn có khả năng đe dọa những khu dân cư và những công trình giao thông, các hồ thủy điện, thủy lợi. Về điểm này, việc cần thiết là tổ chức đoàn khảo sát nhằm đánh giá khoa học và đầy đủ các yếu tố. Đặc biệt hoạt động khảo sát phải có sự phối hợp với các chuyên gia của Cục Địa chất Việt Nam, Viện Khoa học KTTV&BĐKH, cũng như các chuyên gia trong và ngoài Bộ TN&MT để đánh giá cụ thể, chính xác, xác định nguyên nhân cũng như dự báo được nguy cơ, mức độ phát triển của các khối sạt lở, từ đó đề xuất các giải pháp, góp phần đảm bảo cuộc sống bình yên. Đây là việc cấp thiết, cần sớm thực hiện trong thời gian tới.
Tổng cục KTTV sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí mọi nguồn lực, sớm lên kế hoạch đi kiểm tra khảo sát một số khu vực sạt lở và có nguy cơ tai biến địa chất tại Tây Nguyên trong tháng 8.
Về giải pháp lâu dài, ông Trần Hồng Thái cho rằng chúng ta sẽ triển khai các nghiên cứu, điều tra về trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét trên diện rộng ở tỷ lệ lớn. Bên cạnh đó, phân vùng cảnh báo nguy cơ để giúp Chính phủ và các địa phương có thể nắm bắt, hiểu biết về hiện trạng và nguy cơ trượt lở đất đá, lũ ống, lũ quét và có định hướng quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, đồng thời có giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại về tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị