Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại ba địa phương

Đánh giá trữ lượng khoáng sản tại ba địa phương

Sáng 16/11, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia để đánh giá trữ lượng đồng tại Lào Cai, than tại Quảng Ninh và vàng gốc tại Quảng Nam.

tm-img-alt
Quang cảnh cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi giấy phép khai thác số 1858/GP-BTNMT ngày 2/8/2017 khu Tây mỏ đồng Sin Quyền, huyện Bát Xát, tinh Lào Cai, ông Phạm Quốc Duy thuộc Công ty CP Địa chất Việt Bắc – TKV, đơn vị tư vấn cho biết: Báo cáo đã tổng hợp được các tài liệu địa chất mỏ, nâng cấp các khối tài nguyên cấp 333 lên trữ lượng cấp 122 đến mức +46m; đánh giá chất lượng quặng và điều kiện kỹ thuật khai thác mỏ phục vụ công tác thiết kế khai thác, đồng thời tính được thành phần có ích đi kèm trong quặng đồng có thể thu hồi là vàng (Au), bạc (Ag), quặng magnetit (Fe3O4) và lưu huỳnh (S).

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đề nghị đối với mỏ đồng Sin Quyền, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn cần chú ý, trong quá trình khai thác các sản phẩm có hại, phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và giảm thiểu nguy cơ phát tán ra môi trường.

Thứ trưởng và các ủy viên Hội đồng nhất trí thông qua trữ lượng cấp 122 hơn 749.000 tấn quặng, chứa hơn 7.500 tấn kim loại Cu; các thành phần có ích đi kèm trong các khối trữ lượng cấp 122 gồm: Vàng (Au) là 444kg, bạc (Ag) là 1.049kg, quặng magnetit (Fe3O4) là 37.680 tấn và lưu huỳnh (S) là 6.621 tấn.

Báo cáo kết quả thăm dò nâng cấp trữ lượng trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT ngày 30/10/2008 mỏ than Bắc Cọc Sáu, ông Trần Minh Đức – Công ty Cổ phần Tin học, Công nghệ, Môi trường – Vinacomin, đơn vị tư vấn cho biết: Mục tiêu thăm dò là phục vụ công tác điều chỉnh dự án đầu tư khai thác, đồng thời làm rõ cấu trúc địa chất mỏ liên quan đến đặc điểm phân bố các vỉa than, đặc điểm cấu tạo, chiều dày và chất lượng các vỉa than.

Báo cáo sử dụng tài liệu các lỗ khoan đã thi công thuộc Giấy phép thăm dò số 1162/GP-BTNMT và số 2682/GP-BTNMT là 94 lỗ khoan/61.059,6m khoan qua phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT. Theo Báo cáo kết quả thăm dò năm 2022, tài liệu các lỗ khoan đã thi công đủ điều kiện nâng cấp các khối tài nguyên trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT thành trữ lượng cấp 122. Do đó, báo cáo lần này chủ yếu là tổng hợp tài liệu lỗ khoan đã thi công của các giai đoạn thăm dò trước đây và bổ sung khối lượng các công tác: Biên tập bản đồ địa hình tỷ lệ 1:5.000 diện tích 1,7 km2; đo vẽ, chỉnh lý bản đồ địa chất tỷ lệ 1:5.000 diện tích 1,7 km2; thu thập tài liệu thăm dò ở mỏ đến tháng 3/2023.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên đánh giá đơn vị tư vấn đã thu thập, chỉnh lý, tổng hợp tất cả các nguồn tài liệu hiện có ở mỏ than Bắc Cọc Sáu và các mỏ liền kề để thành lập báo cáo. Báo cáo này đã cơ bản hoàn thành mục tiêu đặt ra, các thông tin trong báo cáo đạt mức độ tin cậy đáp ứng yêu cầu sử dụng để lập dự án khai thác than mở rộng tại mỏ than Bắc Cọc Sáu.

Thứ trưởng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn tiếp thu đầy đủ các ý kiến của thành viên Hội đồng, đặc biệt các ý kiến liên quan đến mẫu thể trọng, chú ý tiến hành lấy mẫu thể trọng đầy đủ để đảm bảo độ tin cậy, khoa học…

Thứ trưởng khuyến khích TKV thăm dò sâu tối đa các phần trữ lượng, tài nguyên trong phạm vi giấy phép đã cấp. Thứ trưởng và các thành viên Hội đồng đã thông qua trữ lượng cấp 122 nâng cấp từ tài nguyên cấp 333 trong phạm vi Giấy phép khai thác số 2192/GP-BTNMT ngày 30/10/2008 mỏ than Bắc Cọc Sáu là hơn 9,8 triệu tấn; tài nguyên cấp 333 còn lại là 236 nghìn tấn.

Báo cáo kết quả thăm dò vàng gốc khu Bãi Gõ và Bãi Đất, mỏ vàng Đắk Sa, xã Phước Đức và Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, ông Đinh Đức Hùng – Công ty TNHH Vàng Phước Sơn cho biết, công ty đã thi công 53 lỗ khoan với tổng chiều dài khoan hơn 17.400 mét; phân tích 1.367 mẫu; nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình… Về căn bản, các khối lượng chính của đề án đã được hoàn thành trên 90%. Kết quả công tác thăm dò đã nâng cấp đảm bảo đủ độ tin cậy để tính trữ lượng khoảng sản vùng gốc ở cấp trữ lượng 122.

Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu địa chất thủy văn – địa chất công trình đã làm sáng tỏ đặc điểm địa chất thủy văn của tầng chứa nước khe nứt hệ tầng Núi Vú; xác định được tính chất vật lý, thành phần hoá học và vi khuẩn trong nước, điều kiện cấp và thoát nước, động thái và quan hệ giữa nước mặt với nước dưới đất; đánh giá được các nguồn nước chảy vào mỏ và dự tính lượng nước chảy vào công trình khai thác; xác định được thành phần, trạng thái, tính chất cơ lý của đất đá vây quanh và thân quặng, tính toán áp lực đất đá tác dụng lên nóc, hông và nền lò khi khai thác bằng hầm lò…

Góp ý cho báo cáo, ông Nguyễn Văn Lâm, thành viên Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết, báo cáo kết quả thăm dò có cấu trúc và nội dung đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn thiết kế thi công cần chú ý đánh giá khả năng ảnh hưởng của nước ngầm từ các hang karst, khả năng trượt nền của các lớp đá phân lớp có góc dốc lớn hơn 50 độ; đánh giá khả năng sử dụng nước tháo khô mỏ phục vụ sinh hoạt, ảnh hưởng của khí sunfua khi khai thác.

Về trữ lượng, Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các ủy viên Hội đồng đã phê duyệt tổng trữ lượng và tài nguyên vàng gốc khu Bãi Gõ, Bãi Đất, mỏ vàng Đắk Sa tại xã Phước Đức và xã Phước Năng, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam với hơn 2 triệu tấn quặng chứa 8.084 kg vàng kim loại. Trong đó, tổng trữ lượng vàng cấp 122 là 5.488 kg, Bãi Gõ: 5.028 kg và Bãi Đất: 459 kg. Tài nguyên vàng cấp 222 là 1.130 kg khu Bãi Gõ, tổng tài nguyên vàng cấp 333 là 1.263 kg.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích