Đánh giá trữ lượng khoáng sản mỏ đất hiếm Bến Đền

(TN&MT) – Chiều 13/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia đối với mỏ đất hiếm Bến Đền, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo kết quả thăm dò mỏ đất hiếm Bến Đền, ông Nguyễn Đắc Đồng – Viện trưởng Viện Khoa học Trái đất và Môi trường, đơn vị tư vấn cho biết: Đề án thăm dò mỏ đất hiếm Bến Đền nhằm xác định thành phần khoáng vật, hàm lượng các thành phần có ích, có hại trong khu vực nghiên cứu mẫu công nghệ; xác lập sơ đồ công nghệ và các chỉ tiêu kỹ thuật hợp lý trên khu vực thí nghiệm.
Đề án cũng đặt mục tiêu xác định các thông số kỹ thuật chủ yếu như: hiệu suất thu hồi đất hiếm; hàm lượng tinh quặng đất hiếm và thành phần có ích khác; thành phần khoáng vật, hàm lượng các thành phần có ích, có hại trong diện tích nghiên cứu mẫu công nghệ sau khi đã thu hồi đất hiếm. Đồng thời, đề xuất sơ đồ công nghệ ứng dụng cho sản xuất công nghiệp dựa trên các kết quả thí nghiệm.
Quá trình triển khai nghiên cứu mẫu công nghệ trên khu vực diện tích 3,9 ha đã được thực hiện với các điều kiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Kết quả thu được khoảng 800 tấn sản phẩm đất hiếm ở dạng muối oxalat, với tổng hàm lượng oxit đất hiếm là 200 tấn. Hiệu suất thu hồi tổng đất hiếm đạt 51%, đối với đất hiếm hóa trị ba đạt đến 85% và độ sạch sản phẩm đạt 95%.
“Quá trình thực hiện mẫu công nghệ cũng cho thấy công nghệ này có thể áp dụng phù hợp với mỏ đất hiếm hấp phụ ion, ít tác động đến môi trường (đất, nước, không khí) so với các công nghệ khai thác khác. Ngoài ra, tiềm năng và hiệu quả kinh tế của công nghệ này với thời gian thực hiện ngắn hơn nhiều so với các công nghệ khác”, ông Nguyễn Đắc Đồng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đắc Đồng – Viện trưởng Viện Khoa học Trái đất và Môi trường báo cáo tại cuộc họp

Ông Đồng cho biết, để chuẩn bị cho đợt khai thác tiếp theo, dung dịch vẫn được chứa trong các bể cũ, đồng thời, tiến hành khai thác ở diện tích bên cạnh, xây dựng thêm hệ thống bể chứa và đi lại đường ống ở chỗ khai thác mới. Ngoài ra, bơm toàn bộ dung dịch hòa tách lên bể điều lượng trên cao và sau đó hòa tách như ban đầu, nước hòa tách sẽ được dẫn về hệ thống bể mới. Nếu trong trường hợp dừng khai thác, dung dịch hòa tách cần được cô lấy lại muối, nước thải có hàm lượng muối nhỏ xử lý vi sinh thải ra môi trường. Tuy nhiên, vẫn cần phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa quá trình sau khi khai thác và hoàn nguyên lại địa hình khu vực.

Ông Đỗ Văn Định thuộc Văn phòng Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia cho biết: Đơn vị tư vấn đã lựa chọn phương pháp khối địa chất và phần mềm SURFER để tính trữ lượng và sử dụng phần mềm SURPAC để kiểm chứng. Về cơ bản, phương pháp lựa chọn là phù hợp với đặc điểm hình thái, kích thước thân quặng và mạng lưới thăm dò đã thi công, kết quả tính trữ lượng cấp 121+122 bảo đảm độ tin cậy.

Cụ thể, kết quả đã khoanh nối được 1 khối cấp 121 và 15 khối trữ lượng cấp 122. Tổng trữ lượng các oxyt đất hiếm trừ xeri là 42.706 tấn. Tính tài nguyên xeri cấp 221+222 là 26.281 tấn. Tài nguyên TR2O3 cấp 333 là 24.452 tấn. Kết quả tính trữ lượng đất hiếm cấp 121, 122 và tài nguyên xeri (CeO2) cấp 221, 222 trong phạm vi diện tích thăm dò đã tính có độ tin cậy phù hợp với tài liệu thăm dò, khai thác thử và cấp trữ lượng, tài nguyên tương ứng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên – Phó Chủ tịch Hội đồng Đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia nhận định, phương pháp tính trữ lượng theo đơn vị tư vấn nêu là hợp lý. Tuy vậy, đơn vị cần xem xét kỹ việc sử dụng công nghệ hòa tách, đảm bảo an toàn cho bể lắng lọc cũng như các giải pháp sau này nếu được chọn công nghệ hòa tách, đồng thời, lưu ý tính toán lại để có trữ lượng đầy đủ, đặc biệt với xeri.

Bạn cũng có thể thích