Đánh giá tiềm năng nước và cát sỏi lòng sông ở Nam Trung Bộ: Nhiệm vụ cần thiết và cấp bách
Đánh giá tiềm năng nước và cát sỏi lòng sông ở Nam Trung Bộ: Nhiệm vụ cần thiết và cấp bách
Theo các chuyên gia về địa chất và tài nguyên nước, đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách và cần thiết.
Nước và cát sỏi – 2 tài nguyên quan trọng nhất của lòng sông
Lý giải về việc ưu tiên thực hiện đề án, các chuyên gia cho rằng, cát, sỏi lòng sông là loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thiết yếu, quen thuộc, được sử dụng từ lâu đời trong xây dựng và ngày càng trở nên quan trọng, cần thiết trong việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của nước ta hiện nay.
Trong khi đó, nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước. An ninh nguồn nước ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, quyết định đến an ninh lương thực, là cơ sở để phát triển bền vững của một quốc gia.
Nước và cát sỏi là hai loại tài nguyên thiên nhiên quan trọng nhất của lòng sông, có quan hệ chặt chẽ với nhau và phân bố trong một dòng sông, trong đó, cát, sỏi phân bố trong trầm tích lòng sông, bãi bồi và các thềm sông; nước phân bố chủ yếu ở dòng chảy của sông, trong trầm tích lòng sông, bãi bồi và thềm sông.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, rất cần đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nên nhu cầu sử dụng cát, sỏi lòng sông rất lớn. Trong khi đó, cát, sỏi lòng sông là tài nguyên khoáng sản được xếp vào loại không tái tạo (hoặc nếu có tái tạo thì tốc độ tái tạo rất thấp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: nguồn cung cấp, đặc điểm hình thái sông, đặc điểm trầm tích, mức độ khai thác…), việc sử dụng không hợp lý loại tài nguyên này sẽ làm giảm nguồn cung, dẫn tới khai thác quá mức, gây sụt lún bề mặt địa hình, sạt lở bờ sông, ô nhiễm nguồn nước.
Ngoài ra, ngày 13/5/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện số 397/ CĐ-TTg chỉ đạo các tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành khu vực Trung bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ và các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Trước những nguy cơ này, theo các chuyên gia về tài nguyên nước, việc quản lý, sử dụng hiệu quả đảm bảo an ninh nguồn nước, thực hiện Luật Tài nguyên nước hết sức cấp bách. Đối với tài nguyên nước mặt, cần điều tra, đánh giá diễn biến dòng chảy, tài nguyên nước mặt trong sông, từ đó can thiệp, điều tiết phục vụ phòng chống tình trạng thiên tai hạn hán. Tình trạng khô hạn khắc nghiệt không chỉ gây tai họa lớn, lâu dài và lặp lại hàng năm gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân đặc biệt là vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Mặt khác, tình trạng này cũng vô hiệu hóa nguồn vốn đầu tư khổng lồ đã xây dựng các công trình thủy lợi mà không thể sử dụng hết công suất thiết kế.
Quy định rõ trách nhiệm trong quản lý cát, sỏi lòng sông
Việc quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông cũng đã được quy định tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó, theo Điều 23, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về cát, sỏi lòng sông trên phạm vi toàn quốc, tổ chức thực hiện quy hoạch sau khi được phê duyệt; thông báo các lưu vực sông và nội dung quản lý cát, sỏi lòng sông gồm: tiềm năng tài nguyên cát, sỏi lòng sông trong lưu vực sông thuộc phạm vi vùng lập quy hoạch; các yêu cầu về bảo vệ môi trường; bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trong vùng; quản lý hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông trên lưu vực sông; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ, phòng chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông liên tỉnh.
Dự kiến về hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường, các chuyên gia cho rằng nhiệm vụ sẽ là cơ sở quản lý, khai thác, sử dụng lưu vực sông hợp lý, hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh miền Trung; cung cấp các giải pháp chống hạn, góp phần đảm bảo an ninh nguồn nước cho các vùng khô hạn miền Trung; giúp quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước hợp lý, hiệu quả; góp phần phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra…
Bên cạnh đó, Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1388/QĐ-TTg ngày 13/8/2013 cho thấy các đề án đánh giá tiềm năng khoáng sản quy hoạch mới đã quy hoạch nhiệm vụ Đánh giá tổng thể tiềm năng cát xây dựng tại các cửa sông từ Thanh Hóa đến Bà Rịa – Vũng Tàu, làm rõ tiềm năng cát xây dựng tại các cửa sông từ Thanh Hóa đến Bà Rịa – Vũng Tàu, định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác sử dụng hợp lý; thời gian thực hiện 2014 – 2016, tuy nhiên đến nay chưa thực hiện.
Từ những cơ sở khoa học và thực tiễn trên, các chuyên gia cho rằng, để thực hiện được các mục tiêu chính là đánh giá được tiềm năng tài nguyên cát sỏi lòng sông phục vụ quản lý, khai thác hiệu quả; đánh giá khả năng tàng trữ nước của các con sông phục vụ phòng chống thiên tai hạn hán, đảm bảo an ninh nguồn nước; đề xuất được các giải pháp khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên cát sỏi, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường địa chất, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ “Điều tra, hoàn thiện bản đồ địa chất các lòng sông chính vùng duyên hải Nam Trung Bộ; đánh giá tổng thể tiềm năng cát sỏi và khả năng tàng trữ nước của lòng sông, phục vụ phát triển bền vững kinh tế – xã hội” là rất cấp bách và cần ưu tiên thực hiện.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị