Đánh giá tác động kỹ lưỡng các đề xuất chính sách mới trong 2 dự thảo Luật quan trọng
(Xây dựng) – Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên quan đến việc hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) vừa được Văn phòng Chính phủ thông báo.
Các đề xuất chính sách mới trong 2 dự thảo Luật quan trọng cần được đánh giá tác động kỹ lưỡng. |
Trước đó, ngày 09/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về việc tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).
Tham dự có Lãnh đạo và đại diện các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tư pháp, Công an, Quốc phòng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động, Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Lãnh đạo Bộ Xây dựng và các ý kiến của đại diện dự họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kết luận một số nội dung như sau:
Về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với đề xuất chính sách bổ sung đối tượng thuê nhà ở công vụ.
Đặc biệt là chính sách xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 675/UBTVQH-PL ngày 31/10/2023, bảo đảm phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương xin ý kiến Thành viên Chính phủ đối với 03 nội dung Bộ Xây dựng đã báo cáo, gồm: về thông báo đủ hồ sơ bàn giao nhà; về bổ sung đối tượng hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn được mua, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư theo dự án; về cơ chế ưu đãi chủ đầu tư nhà ở xã hội.
Còn về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Tư pháp, các cơ quan liên quan thống nhất với các cơ quan của Quốc hội về phương án xử lý tài sản bảo đảm là nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất, dự án bất động sản đang được dùng bảo lãnh, thế chấp để thu hồi nợ của tổ chức tín dụng.
Đề xuất cụ thể quy định nội dung này tại Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hoặc Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) hoặc ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả, tạo điều kiện tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, bảo đảm không có khoảng trống pháp lý và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan, các cơ quan của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 22 ngày, chia thành 2 đợt. Đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến ngày 28/11. Dự kiến ngày 27/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều chính sách mới, quan trọng. |
Nguồn: Báo xây dựng