Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

MTĐT –  Thứ hai, 30/08/2021 15:11 (GMT+7)

Biến đổi khí hậu (BĐKH), với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, chủ yếu là do các hoạt động kinh tế – xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính.

Biến đổi khí hậu (BĐKH), với các biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng, chủ yếu là do các hoạt động kinh tế – xã hội của con người gây phát thải quá mức vào khí quyển các khí gây hiệu ứng nhà kính từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, chặt phá rừng bừa bãi,… BĐKH là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại trong thế kỷ 21. BĐKH sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng gây ngập lụt, gây nhiễm mặn nguồn nước, ảnh hưởng đến nông nghiệp, gây rủi ro lớn đối với công nghiệp và các hệ thống kinh tế – xã hội trong tương lai.

1. Tác động của biến đổi khí hậu đến khí hậu Khánh Hòa

1.1. Chế độ nhiệt

Khánh Hòa là một tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, với địa hình nằm ở sườn Đông dãy Trường Sơn, phía tây tiếp giáp với vùng cao nguyên rộng lớn, phía đông tỉnh tiếp giáp với các vịnh và biển. Nhìn chung khu vực Khánh Hòa chịu sự chi phối chung của khí hậu nội chí tuyến nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Á và gió mùa Đông Nam Á. Ngoài ra với bờ biển dài hơn 200km nên khu vực chịu ảnh h¬ưởng khí hậu đại dương. Khí hậu của khu vực Khánh Hòa chia làm 2 mùa, mùa khô bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 8 và mùa mưa bắt đầu từ tháng 9 đến tháng 12.

Nhiệt độ trung bình năm ở Khánh Hòa dao động trong khoảng từ 26,0 – 27,00C. Tuy nhiên trong những năm gần đây nhiệt độ trung bình của Khánh Hòa đang có xu hướng tăng dần. Các đỉnh cực trị xuất hiện nhiều hơn với trị số cao hơn. So sánh với chuỗi số liệu chuẩn từ 1980 – 1999 (đây là thời gian trùng với thời gian IPCC xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu) ta thấy trong thập kỷ gần đây (2000 – 2009) nhiệt độ trung bình năm của khu vực Khánh Hoà tăng lên từ 0,2 – 0,30C (Hình 1). Nhiệt độ trung bình các tháng giữa 2 thời kỳ trên cũng tăng với biên độ từ 0,1 -0,40C.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

1.2. Chế độ mưa

Phân phối không gian của lượng mưa ở Khánh Hòa rất không đồng đều. Lượng mưa năm của vùng nhiều mưa nhất và vùng ít mưa nhất chênh lệch nhau từ 400 – 800mm. Vùng núi cao phía tây có lượng mưa năm trên 2.000mm, là vùng mưa nhiều nhất ở Khánh Hòa, tiếp theo là các sườn núi cao đón gió phía tây nam với lượng mưa năm xấp xỉ 2.000mm. Nơi ít mưa nhất là vùng đồng bằng ven biển phía nam, mức xấp xỉ 1.200mm. Các vùng khác lượng mưa năm đạt từ 1.400 – 1.700mm. Nhìn chung lượng mưa năm ở Khánh Hòa tăng theo độ cao địa hình từ đông sang tây, từ nam đến bắc. Theo chuỗi số liệu từ năm 1980 đến 2009 ta thấy xu thế lượng mưa trung bình năm của khu vực Khánh Hòa cũng tăng dần. So với thời kỳ chuẩn 1980 – 1999 thì trong thập kỷ qua (1999 – 2009) thì lượng mưa trung bình năm tăng đều với biên độ dao động 100 – 250mm. Đặc biệt trong những năm 2000, 2005, 2008 lượng mưa trung bình năm cao nhất trong 3 thập kỷ qua.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

2. Các kịch bản biến đổi Khí hậu cho Việt Nam

Các tiêu chí để lựa chọn phương pháp tính toán xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam bao gồm: (1) Mức độ tin cậy của kịch bản biến đổi khí hậu toàn cầu; (2) Độ chi tiết của biến đổi khí hậu; (3) Tính kế thừa; (4) Tính thời sự của kịch bản; (5) Tính phù hợp của địa phương; (6) Tính đầy đủ của kịch bản; và (7) Khả năng chủ động cập nhật. Trên cơ sở phân tích các tiêu chí trên các kịch bản phát thải khí nhà kính được chọn để tính toán xây dựng kịch bản biến đổi khí hậu cho Việt Nam là kịch bản phát thải thấp (kịch bản B1), kịch bản phát thải trung bình của nhóm các kịch bản phát thải trung bình (kịch bản B2) và kịch bản phát thải trung bình của nhóm các kịch bản phát thải cao (kịch bản A2).

– Kịch bản gốc B1: kinh tế thế giới phát triển nhanh; dân số thế giới tăng đạt đỉnh vào năm 2050 và sau đó giảm; giảm cường độ tiêu hao nguyên vật liệu, các công nghệ sạch và sử dụng hiệu quả tài nguyên được phát triển; chú trọng đến các giải pháp toàn cầu về ổn định kinh tế, xã hội và môi trường (kịch bản phát thải thấp).

– Kịch bản gốc B2: Dân số tăng liên tục nhưng với tốc độ thấp hơn A2; chú trọng đến các giải pháp địa phương thay vì toàn cầu về ổn định kinh tế, xã hội và môi trường; mức độ phát triển kinh tế trung bình; thay đổi công nghệ chậm hơn và manh mún hơn so với B1 và A1 (kịch bản phát thải trung bình).

– Kịch bản gốc A2: Thế giới không đồng nhất, các quốc gia hoạt động độc lập, tự cung tự cấp; dân số tiếp tục tăng trong thế kỷ 21; kinh tế phát triển theo định hướng khu vực; thay đổi về công nghệ và tốc độ tăng trưởng kinh tế tính theo đầu người chậm (kịch bản phát thải cao).

Các kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam đã được xây dựng theo các kịch bản phát thải khí nhà kính khác nhau là: thấp (B1), trung bình (B2) và cao (A2).

3. Dự báo biến động về nhiệt độ và lượng mưa của khu vực Khánh Hòa trong các thời kỳ của thế kỷ 21 theo các kịch bản phát thải

Tỉnh Khánh Hoà nằm trong khu vực Nam Trung Bộ nên chịu sự tác động chung của biến đổi khí hậu theo các kịch bản biến B1, B2, A2 đối với chế độ nhiệt và lượng mưa trong khu vực. Với thời đoạn số liệu chuẩn từ năm 1980 – 1999 trùng với thời kỳ để IPPC xây dựng các kịch bản biến đổi khí hậu, từ đó chúng tôi căn cứ vào chế độ nhiệt và chế độ mưa trong khu vực làm cơ sở để tính toán mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới tỉnh Khánh Hoà qua các thời kỳ trong thế kỷ 21.

3.1. Biến động về nhiệt độ

Theo kịch bản phát thải thấp (B1) nhiệt độ trung bình năm khu vực Khánh Hòa từ năm 2020 đến năm 2070 tăng từ 0,1 – 0,20C, sau đó từ năm 2070 – 2100 thì nhiệt độ giữ nguyên ở mức từ 27,8 – 28,20C và không tăng nữa. Theo các kịch bản phát thải (B2), (A2) thì nhiệt độ khu vực tăng đều theo các chu kỳ với biến độ từ 0,1 – 0,30C (Bảng 3).

Với kịch bản phát thải (B1) đến cuối thế kỷ 21 nhiệt độ khu vực sẽ tăng so với thời kỳ chuẩn 1980 – 1999 là 1,20C, với kịch bản B2 là 1,90C và với kịch bản A2 sẽ là 2,40C. Nhiệt độ tăng theo các tháng cũng khác nhau, với các kịch bản phát thải (B1), (B2), (A2) thì ở các tháng (12 – 2), (3 – 5), (9 – 11) nhiệt độ tăng cao hơn, nhưng với tháng 6 – 8 thì nhiệt độ tăng ở mức thấp hơn.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

3.2. Biến động về mưa

Theo kịch bản phát thải thấp (B1) thì lượng mưa trung bình năm Khánh Hòa cuối thế kỷ 21 sẽ tăng từ 26 – 33mm.

Theo kịch bản phát thải trung bình B2 thì lượng mưa trung bình năm của Khánh Hòa đến cuối thế kỷ 21 sẽ tăng khoảng 30 – 49mm.

Theo kịch bản phát thải cao A2 thì lượng mưa trung bình năm của Khánh Hòa cuối thế kỷ 21 sẽ tăng khoảng từ 49 – 69 mm.

Theo các kịch bản phát thải B1, B2, A2 thì lượng mưa trung bình biến đổi theo các tháng cũng khác nhau. Các tháng từ 12 – 5 lượng mưa có xu thế giảm, còn các tháng từ tháng 6 – 11 lại tăng. Các tháng có lượng mưa giảm trùng với các tháng mùa khô và tháng có lượng mưa tăng trùng với mùa mưa khu vực. Các tháng mùa khô nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm có thể dẫn đến tình trạng khô hạn, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn vùng cửa biển… còn mùa mưa lượng mưa có xu thế tăng dẫn đến mưa nhiều, mưa to gây ngập lụt, xói mòn đất, lũ quét… ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của con người.

Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên khí hậu Khánh Hòa

Từ các kịch bản Biến đổi khí hậu đã được công bố và qua quá trình nghiên cứu chuỗi số liệu về nhiệt độ và lượng mưa của khu vực trong 3 thập kỷ qua chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

– Trong thời điểm này theo khuyến nghị, chúng ta nên dùng kịch bản biến đổi khí hậu cho khu vực Khánh Hòa ứng với kịch bản phát thải trung bình (B2).

– Nhiệt độ và lượng mưa của khu vực Khánh Hòa trong thập kỷ gần đây có xu thế tăng lên. Đặc biệt những năm 2000, 2005, 2008 lượng mưa trung bình năm cao nhất trong 3 thập kỷ qua.

– Theo các kịch bản phát thải B1, B2, A2 chúng tôi thấy nhiệt độ và lượng mưa của khu vực có xu thế tăng trong thế kỷ tới. Cuối thế 21 nhiệt độ khu vực tăng 1,2 – 2,40C; lượng mưa trung bình năm tăng từ 20 – 70mm. Các tháng có lượng mưa giảm trùng với các tháng mùa khô và tháng có lượng mưa tăng trùng với mùa mưa khu vực.

Nguyễn Hồng Trường – Đài Khí tượng Thủy văn khu vực NamTrung Bộ

Trần Văn Sơn – Trường Tài nguyên Môi Trường TP Hồ Chí Minh

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích