Đánh giá hiện trạng và giải pháp phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn xã Hoà Bình, huyện Vĩnh Bảo
Đánh giá hiện trạng và giải pháp phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn xã Hoà Bình, huyện Vĩnh Bảo
Nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phân loại thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng” là rất cần thiết và có ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn
ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÂN LOẠI THẢI RẮN SINH HOẠT TẠI NGUỒN Ở KHU VỰC XÃ HÒA BÌNH, HUYỆN VĨNH BẢO,THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
1. Mở đầu
Từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 (BVMT) có hiệu lực đã có sự thay đổi căn bản và vượt bật trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó đặc biệt phải kể đến các quy định về quản lý chất thải nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói riêng. Cụ thể là quy định về chi trả phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng chuyển từ tư duy nhà nước chi trả sang cho các chủ thể phát sinh tự chi trả.
Theo Điều 75, thì chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế. Chất thải thực phẩm, và chất thải rắn sinh hoạt khác. Nếu các hộ gia đình không tiến hành thu gom chất thải rắn sinh hoạt, công nhân vệ sinh có quyền từ chối thu gom chất thải rắn sinh hoạt [1].
Ngày 18.4.2023, huyện Vĩnh Bảo là huyện thứ 7 của thành phố Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới sau các huyện Cát Hải, Thủy Nguyên, An Dương, Kiến Thụy, Tiên Lãng, An Lão. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, huyện Vĩnh Bảo yêu cầu tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững. Theo UBND huyện Vĩnh Bảo, sau khi về đích huyện nông thôn mới theo bộ tiêu chí 2021 – 2025, huyện Vĩnh Bảo tập trung xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong đó, xã đầu tiên thí điểm là Tân Liên, sau đó là xã Tam Đa và xã Hòa Bình [2]. Năm 2022, xã Hòa Bình cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy việc duy trì và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường trong đó phân loại, thu gom hiệu quả chất thải rắn sinh hoạt là quan trọng. Từ thực trạng đó việc nghiên cứu “Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp phân loại thải rắn sinh hoạt tại nguồn ở khu vực xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng” là rất cần thiết và có ý nghĩa khoa học cũng như thực tiễn.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phương pháp thu thập tài liệu, số liệu
Thu thập các tài liệu liên quan đến điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội xã Hòa Bình, hiện trạng công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng như hiện trạng phát sinh, lưu giữ, thu gom, và phương pháp xử lý, …
2.2. Phương pháp xác định hệ số phát sinh và thành phần tính chất chất thải
Nghiên cứu chọn ngẫu nhiên 50 hộ gia đình của 7 thôn tại 4 làng Lôi Trạch, Hàm Dương, Ngãi Am và Bắc Bình tiến hành phát túi nilon đựng chất thải rắn sinh hoạt cho các hộ gia đình và đến cân lượng chất thải rắn sinh hoạt thu gom vào giờ đó ngày hôm sau (sau 24h). Dùng cân để xác định khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trong 1 ngày. Ghi lại khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, khối lượng từng thành phần của chất thải rắn sinh hoạt và nhân khẩu từng hộ.
– Xác định hệ số phát thải :
– Xác định thành phần chất thải rắn sinh hoạt:
Dựa theo hướng dẫn tại Điều 75, Luật BVMT khi phát túi nilon đựng chất thải cho người dân, nghiên cứu đã hướng dẫn và phát 3 túi có đánh dấu: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác cho các hộ gia đình đã chọn ngẫu nhiên từ 7 thôn tại 4 làng Lôi Trạch, Hàm Dương, Ngãi Am và Bắc Bình. Cùng với việc cân xác định hệ số phát thải sẽ tiến hành cân theo 3 loại để xác định thành phần về khối lượng:
Thành phần phần trăm CTR được tính như sau:
2.3. Phương pháp điều tra khảo sát thực địa và điều tra xã hội học
– Khảo sát thực địa: nhóm nghiên cứu đã đi thực tế khảo sát, trực tiếp 7 thôn của 4 làng để tìm hiểu, chụp ảnh, quan sát thực tế những vấn đề về hiện trạng quản lý chất thải sinh hoạt như: quan sát vấn đề thu gom, xử lý, vận chuyển chất thải rắn; cảnh quan khu vực, …
– Điều tra xã hội học
Nghiên cứu đã xây dựng 03 mẫu phiếu điều tra, trong đó: 01 mẫu phiếu điều tra dành cho đối tượng điều tra là cán bộ quản lý của địa phương, 01 mẫu phiếu cho đối tượng là hộ gia đình và 01 mẫu cho công nhân thu gom của đội tự quản. Cách xác định mẫu: Dựa vào công thức của Yamane về tính quy mô mẫu [3]
Trong đó:
+ n: Số mẫu.
+ N: Tổng số hộ dân trong khu vực nghiên cứu.
+ e: Sai số cận biên (nhận giá trị từ 0,05 đến 0,1); lấy e = 0,1.
Do hạn chế về thời gian và kinh phí, nghiên cứu đã tiến hành thực hiện, điều tra đối với 2 cán bộ là 1: Phó chủ tịch UBND cấp xã phụ trách mảng môi trường, 1 cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện Vĩnh Bảo, 103 phiếu đối với hộ gia đình, cá nhân của 4 làng với 7 thôn và 2 phiếu cho đội tự quản thu gom chi tiết như bảng 1 dưới đây
Bảng 1: Đối tượng điều tra khảo sát tại xã Hòa Bình
2.4. Phương pháp xử lý số liệu
Từ những số liệu thu thập được từ phương pháp điều tra xã hội học và khảo sát thực địa sử dụng phần mềm Excel để thống kê lại các số liệu, vẽ biểu đồ và diễn giải các số liệu thu thập được để xử lý các thông tin trong phiếu điều tra khảo sát.
2.5. Phương pháp SWOT
Nhằm đánh giá điểm mạnh và điểm yếu trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hòa Bình, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Như xác định rõ điểm mạnh và điểm yếu trong công tác quản lý. Từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục phù hợp.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Hiện trạng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
Nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.
Nguồn phát sinh CTRSH trên địa bàn xã Hòa Bình, qua báo cáo hiện trạng môi trường của xã, kết hợp điều tra khảo sát thực tế xác định được các nguồn chủ yếu như bảng sau:
Bảng 2: Nguồn phát sinh chất thải rắn sinh hoạt
Khối lượng phát sinh chất thải rắn sinh hoạt.
Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu thực tế và cân chất thải rắn sinh hoạt tại 50 hộ gia đình trên địa bàn xã nghiên cứu. Ta có được kết quả về hệ số phát thải và lượng CTSRH của từng khu vực nghiên cứu như sau:
Bảng 3. Bảng xác định hệ số phát thải CTRSH tại xã Hòa Bình
Hệ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình: 0,7 kg/người/ngày, so với hệ số phát sinh theo Báo cáo môi trường Quốc gia chuyên đề chất thải rắn 2019 toàn thành phố Hải Phòng là 0,98 kg/người/ngày và so với hệ số phát sinh khu vực nông thôn Đồng bằng Sông Hồng 0,52 kg/người/ngày và khu vực miền núi trung du phía Bắc là 0,29kg/người/ngày là tương đối phù hợp [4].
Với dân số 8.636 người thì ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã là 6,113 tấn/ ngày.
Từ bảng trên ta tính được phần trăm khối lượng trung bình của các loại CTRSH trên địa bàn nghiên cứu như sau:
Thành phần CTRSH có lượng chất hữu cơ chiếm tỷ lệ cao; các chất có thể tái chế, tái sử dụng như kim loại, giấy carton, gỗ, nhựa, thủy tinh; còn lại là các thành phần vô cơ, không tái chế, tái sử dụng khác; Thành phần nguy hại trong CTRSH ĐT như pin, bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật, … chiếm tỉ lệ không đáng kể.
Bảng 3 Thành phần chất thải rắn sinh hoạt của xã Hòa Bình
3.2. Hiện trạng quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hòa bình
a) Hoạt động phân loại và tái chế
Qua điều tra khảo sát tại 103 hộ gia đình 4 làng cho thấy, việc phân loại chất thải rắn chủ yếu được thực hiện dựa trên cơ sở ý thức của người dân mà chưa có sự hướng dẫn cụ thể từ các cơ quan, tổ chức liên quan. Tỷ lệ phân loại tại nguồn trên địa là chưa cao với 36 hộ trả lời là chưa phân loại tương ứng 35%. Hầu hết ý kiến trả lời là đã phân loại một phần và tập trung vào những dạng chất thải có thể bán được như vỏ lon, chai, đồ hộp với 53 hộ gia đình đang thực hiện hình thức này chiếm tỷ lệ 52%. Bên cạnh đó có 14 gia đình đã phân loại hoàn toàn tương ứng 13%. Theo ý kiến của các hộ gia đình CTRSH chưa được phân loại trước khi thu gom, nguyên nhân là do:
+ Người dân chưa được tuyên truyền, vận động công tác phân loại CTRSH
+ Xe thu gom không đáp ứng được nhu cầu phân loại.
Nhìn chung qua điều tra, khảo sát cho thấy CTRSH trên địa bàn các làng đã được người dân chủ động phân loại các loại chất thải có thể bán được như giấy, bìa các tông, kim loại, nhựa, … được thu gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu, lượng chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế rau, củ, quả, … được tận dụng trong chăn nuôi, làm phân bón tại hộ gia đình. Còn các loại CTRSH khác không tận dụng được, hầu như không được phân loại mà để chung với nhau, cũng như chưa có phương pháp xử lý phù hợp.
b) Hoạt động thu gom, vận chuyển
Xã Hòa Bình mới sát nhập các thôn tại 4 làng với hoạt động kinh tế chủ yếu là từ sản xuất nông nghiệp. Nguồn gốc phát sinh chất thải rắn của xã chủ yếu từ hộ gia đình, cá nhân, 1 số ít hộ kinh doanh, các tổ chức và trường học. Đa số địa bàn xã là vùng nông thôn nên trước khi được thu gom theo mô hình tự quản thì không có thu gom mà các hộ dân chỉ chôn lấp và đổ trực tiếp xuống mương, rạch và sau vườn.
Thời gian gần đây, địa phương đã thành lập đội tự quản để thu gom, vận chuyển tới về khu xử lý…Điều tra khảo sát cho thấy các hộ tự trang bị thùng đựng chủ yếu là túi đựng là nilon hoặc bao tải với số lượng 63 hộ/103 hộ điều tra, một số ít có thùng đựng chuyên dụng là 13 hộ được khảo sát, ngoài ra còn có hình thức kết hợp giữa thùng đựng, túi nilon, bao tải.
Chất thải rắn sau khi được các hộ lưu giữ sẽ đợi hiệu lệnh của nhân viên thu gom và mang ra các điểm tập trung để chuyển lên xe ba gác. Hầu hết các hộ gia đình đều mang chất thải theo hiệu lệnh của nhân viên thu gom với tần xuất thu gom là tuần 2 lần thu gom. Trung bình 1 tháng có 8 ngày thu gom cho cả 4 làng với 2 nhân viên thu gom, thời gian thu gom của nhân viên là 1 ngày sẽ chuyển chất thải từ khu dân cư tới bãi chứa chất thải khoảng 50km.
c) Hoạt động xử lý
Hiện nay, chất thải tại xã Hòa Bình việc xử lý mới chỉ dừng lại thu gom và vận chuyển tới bãi chứa chất thải tập trung xã Hòa Bình tại bãi Lôi Ngoài cách khu dân cư gần nhất khoảng 1km hiện tại bãi không có xử lý mà chỉ phun chế phẩm vi sinh BIOTEC công nghiệp nhằm hạn chế mùi và giúp cho quá trình phân hủy nhanh hơn. Qua điều tra khảo sát cho thấy hiện nay khu vực bãi chôn lấp chứa đựng chất thải sắp được lấp đầy, nên trong thời gian tới xã Hòa Bình nên tìm khu vực khác hoặc ký hợp đồng với các đơn vị chức năng để vận chuyển và xử lý hợp vệ sinh.
d) Hoạt động thu phí chất thải
Điều tra khảo sát cho thấy để duy trì đội tự quản thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho 7 thôn của 4 làng với tần xuất thu gom tần suất 2 lần/tuần tương đương 8 lần/tháng của 2 nhân viên thu gom gồm lương tháng, xe ba gác vận chuyển, chế phẩm vi sinh… thì các gia đình đang được thu với mức 5000 đồng/người/tháng. Với 103 hộ được điều tra đa phần ý kiến cho rằng mức thu như trên là phù hợp chiếm tỷ lệ 79% (81/103 hộ), có 13 hộ cho rằng mức thu còn thấp tương ứng khoảng 12%, nhưng bên cạnh đó còn 9 hộ phản ánh mức thu hiện tại là cao.
Mặt khác trong quá trình điều tra nghiên cứu cũng nhận được ý kiến của nhân viên thu gom đang cho rằng mức kinh phí họ nhận được chưa tương xứng với công và mong muốn được tăng thêm và trang bị các thiết bị bảo hộ lao động. Đồng thời khảo sát các xã lân cận như xã Lý Học, Trấn Dương, Vĩnh Tiến đang áp dụng mức thu đối với các hộ gia đình là gần 7000 đồng/tháng. Vì vậy, để cải thiện mức kinh phí cho nhân viên thu gom và tăng hiệu quả thu gom thì cần tăng kinh phí thu tại các hộ gia đình cho phù hợp.
3.3. Đề xuất giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại xã Hòa Bình
Cơ sở khoa học đề xuất giải pháp:
Theo lộ trình thực hiện Luật bảo vệ môi trường 2020, tới 31/12/2024 Việt Nam sẽ áp dụng phân loại chất thải rắn tại nguồn, và áp dụng thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo trọng lượng/thể tích phát sinh tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường, CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; CTRSH khác.
Mặt khác tại Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 9/2/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng Điều 5. “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt”: Chất thải rắn sinh hoạt phải được phân loại tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý theo hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt của Bộ Tài nguyên và Môi trường; khuyến khích phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình cá nhân [5].
Quyết định 318/QĐ/TTg ngày 8/03/2022 ban hành Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025, tại tiêu chí 17.11. Tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn phải hơn 30% [6].
Cơ sở thực tiễn đề xuất giải pháp
Như đã trình bày ở trên, hiện tại bãi Lôi Ngoài chứa chất thải rắn tập trung của xã Hòa Bình đã quá tải, không còn có thể tiếp nhận quá nhiều chất thải. Vì thế, việc phân loại chất thải rắn cần phải thực hiện phân loại sớm để giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý. Năm 2022, xã Hòa Bình cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy việc duy trì và cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường cũng rất cần thiết
Thành phố Hồ Chí Minh: Sau nhiều năm thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước” và thí điểm phân loại rác tại nguồn [7].
Nam Định: mô hình “Phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” được triển khai trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều mang lại hiệu quả thiết thực. Các gia đình thực hiện ủ, phân hủy rác hữu cơ bằng chế phẩm vi sinh đã giảm 80-90% lượng rác hữu cơ phải chôn lấp và thu gom đưa đi xử lý, tận dụng làm phân bón vi sinh cho cây trồng phát triển khỏe mạnh, tăng chất màu cho đất, giảm chi phí mua phân đạm, phân lân [8].
Mô hình phân loại rác thải tại nguồn được huyện Lý Sơn thí điểm đầu năm 2019 tại khu dân cư số 1 thôn Đông An Vĩnh, khu dân cư số 3 thôn Đông An Hải với 520 hộ tham gia. Huyện Lý Sơn đã cấp phát gần 1.300 thùng rác và hàng ngàn poster phân loại rác; mở các lớp tập huấn hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho các hộ gia đình ở 2 khu dân cư trên [9].
Đề xuất giải pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn
Từ việc điều tra khảo sát cho thấy hiện nay ở xã Hòa Bình đã áp dụng mô hình phân loại tại nguồn và ủ phân vi sinh bằng chế phẩm sinh học ở thôn 6 cũ nay là thôn Đông Hàm Dương làng Hàm Dương. Kết hợp với với cơ sở thực tiễn và khoa học ở trên có thể đề xuất 2 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải của địa phương và đặc biệt là phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại xã Hòa Bình như sau:
Thứ nhất cần thay đổi nhận thức người dân bằng và hướng dẫn phân loại tại nguồn:
Hiện tại, công tác tuyên truyền về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được phổ biến đa phần trên loa phát thanh. Kết hợp với việc điều tra khảo sát thực tế cho thấy công tác này chưa được chú trọng nên nhận thức của người dân về công tác phân loại, thu gom xử lý chất thải rắn chưa tốt.
Cụ thể với 25/103 hộ được điều tra vẫn còn chưa biết về lộ trình thực hiện phân loại vào 31/12/2024. Từ đó để thay đổi nhận thức cho người dân cần phải tăng cường giải pháp nâng cao nhận thức bằng việc tổ chức tập huấn hàng tuần, tháng cho người dân địa phương tại khu vực các nhà văn hóa thôn hoặc tại UBND xã với sự đồng thuận của 70 hộ gia đình được điều tra/103 hộ gia đình.
Bên cạnh đó có thể cung cấp cho mỗi hộ một thùng chứa chất thải rắn đã được chia ngăn và hướng dẫn cụ thể, cầm tay chỉ việc cho người dân về thành phần của các loại CTRSH vì trong quá trình điều tra, khảo sát có người dân đã biết về phân loại CTRSH tại nguồn nhưng chưa biết rõ sự khác nhau của từng loại để phân loại cho đúng.
Lực lượng chính trong việc hướng dẫn phân loại được huy động thành viên trong hội phụ nữ và đoàn thanh niên hàng tuần đi đến các hộ để hướng dẫn. Ngoài việc tổ chức tập huấn thay đổi nhận thức có thể in các tờ rơi hướng dẫn phân loại dưới dạng bản giấy để người dân có thể để nơi thuận tiện và người nhìn vào hướng dẫn chủ động được phân loại cho đúng và tiến hành tuyên dương những hộ đã hoạt động tích cực trên loa phát thanh địa phương, mô hình hướng dẫn phân loại được dựa trên cơ sở tham khảo quy định và quá trình điều tra khảo sát, tham vấn nhân viên thu gom, người dân có thể tóm lược như hình sau.
Thứ hai là cần tăng cường kinh phí và cơ sở vật chất hỗ trợ công tác thu gom
Qua điều tra phỏng vấn nhân viên thu gom và cán bộ quản lý địa phương cho thấy, do nguồn kinh phí không nhiều của xã Hòa Bình nên nhân viên thu gom chỉ được UBND xã hỗ trợ xe ba gác có dung tích 1,5m3, không hỗ trợ nhân viên đồ bảo hộ lao động. Nhân viên thu gom phải tự bỏ kinh phí để mua các vật dụng hỗ trợ như: Cào, xẻng, bạt, ủng, găng tay, khẩu trang.
Trong khi đó với mức thu 5000 đồng/người/tháng thì mức thù lao của nhân viên đang nhận được sau khi trừ kinh phí vật tư bảo hộ lao động, đồ dùng thì nhân viên đang nhận được khoảng 3,2 triệu/tháng. Từ thực tế nghiên cứu đề xuất cần thay đổi chính sách đãi ngộ với nhân viên, cần thay găng tay, ủng cao su cho nhân viên mỗi 6 tháng 1 lần (hiện tại 4 năm 1 lần), hỗ trợ kinh phí định kỳ hàng tháng để nhân viên mua khẩu trang (hiện tại kinh phí mua khẩu trang mỗi tháng của 1 nhân viên thu gom từ 150-200.000 đồng/tháng, mỗi ngày nhân viên thu gom tiêu tốn 4-6 khẩu trang/ngày).
Mặt khác tham vấn, điều tra các xã lân cận như Trấn Dương, Lý Học đã có chính sách mua bảo hiểm y tế cho nhân viên thu gom. Vì vậy, UBND xã Hòa Bình cũng cần có chính sách mua bảo hiểm y tế cho nhân viên thu gom bởi đây là công việc khá nặng nhọc và tiềm ẩn một số nguy cơ các bệnh nghề nghiệp. Khi nhân viên được trang bị bảo hiểm y tế họ sẽ yên tâm hơn và gắn bó lâu dài với công việc.
Từ thực tế đó nghiên cứu đề xuất tăng kinh phí thu gom như các xã lân cận khoảng 7000 đồng/tháng/người và tiến tới áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm phân biệt giữa gia đình có lượng chất thải rắn sinh hoạt nhiều với hộ gia đình có lượng chất thải rắn sinh hoạt không nhiều, thực hiện điều này cũng chính là tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường 2020 thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo trọng lượng/thể tích phát sinh.
Điều tra khảo sát cho thấy với 33/103 hộ gia đình mong muốn được hỗ trợ thùng chứa chất thải rắn sinh hoạt nhằm thuận lợi hơn cho hoạt động phân loại. Đây cũng là lý do chính đáng nhằm thống nhất thiết bị thu gom để đồng bộ cho thu gom, vận chuyển.
Kết luận
Nghiên cứu đã xác định được hệ số phát sinh chất thải rắn sinh hoạt trung bình của toàn xã Hòa Bình khoảng: 0,7 kg/người/ngày, so với hệ số phát sinh theo Báo cáo môi trường Quốc gia chuyên đề chất thải rắn 2019 toàn thành phố Hải Phòng là 0,98 kg/người/ngày và so với hệ số phát sinh khu vực nông thôn Đồng bằng Sông Hồng 0,52 kg/người/ngày là tương đối phù hợp bởi đây là xã điển hình của thành phố phát triển trong khu vực Đồng bằng Sông Hồng.
Từ hệ số đó, với dân số toàn xã Hòa Bình là 8.636 người thì ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn xã là 6,113 tấn/ ngày. Để xác định thành phần theo hướng dẫn của Luật bảo vệ môi trường 2020, nghiên cứu phân loại và xác định tỷ lệ CTRSH là chất thải thực phẩm khoảng 68,1%, tiếp đó là chất thải rắn có khả năng tái chế chiếm 16,67% và còn lại khoảng 15,23%.
Tỷ lệ phân loại tại nguồn trên địa là chưa cao với 35% hộ trả lời là chưa phân loại. Hầu hết ý kiến trả lời là đã phân loại một phần và tập trung vào những dạng chất thải có thể bán được như vỏ lon, chai, đồ hộp với 53 hộ gia đình đang thực hiện hình thức này chiếm tỷ lệ 52%. Bên cạnh đó có 14 gia đình đã phân loại hoàn toàn tương ứng 13%.
Để duy trì đội tự quản thu gom chất thải rắn sinh hoạt cho 7 thôn của 4 làng với tần xuất thu gom tần suất 2 lần/tuần tương đương 8 lần/tháng của 2 nhân viên thu gom gồm lương tháng, xe ba gác vận chuyển, chế phẩm vi sinh… thì các gia đình đang được thu với mức 5000 đồng/người/tháng.
Với 79% hộ được điều tra cho rằng mức thu như trên là phù hợp, có 13 hộ cho rằng mức thu còn thấp tương ứng khoảng 12%, nhưng bên cạnh đó còn 9 hộ phản ánh mức thu hiện tại là cao. Đồng thời khảo sát các xã lân cận như xã Lý Học, Trấn Dương, Vĩnh Tiến đang áp dụng mức thu đối với các hộ gia đình là gần 7000 đồng/tháng. Vì vậy, để cải thiện mức kinh phí cho nhân viên thu gom và tăng hiệu quả thu gom thì cần tăng kinh phí thu tại các hộ gia đình cho phù hợp.
Nghiên cứu sử dụng phương pháp SWOT kết hợp với điều tra xã hội học, phỏng vấn sâu để đánh giá hiện trạng công tác quản lý CTRSH tại khu vực nghiên cứu. Từ những điểm không phù hợp trong hiện trạng công tác quản lý nghiên cứu đã đề xuất 2 giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải của địa phương và đặc biệt là phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại xã Hòa Bình gồm: Thứ nhất cần thay đổi nhận thức người dân bằng nhiều hình thức tập huấn, họp cộng đồng và phát tờ rơi và hướng dẫn phân loại tại nguồn, Thứ hai là cần tăng cường kinh phí và cơ sở vật chất hỗ trợ công tác thu gom như việc tăng mức phí thu gom và tiến tới thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo trọng lượng/thể tích phát sinh mà mục tiêu Luật Bảo vệ môi trường 2020 đang hướng tới.
TS. Vũ Văn Doanh
Sinh viên Phạm Hải Sơn
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Tài liệu tham khảo
[1] Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Bảo vệ môi trường 2020 số 72/2020/QH14;
[2] UBND Xã Hòa Bình (2022), Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội – an ninh quốc phòng năm 2022, phương hướng nhiệm vụ giải pháp năm 2023 số 37/BC-UBND;
[3] Yamane, T. (1967). Statistics: An introductory analysis (2nd ed.). New York: Harper and Row;
[4] Bộ Tài nguyên và môi trường (2019), Báo cáo môi trường Quốc gia: chuyên đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
[5] UBND Thành phố Hải Phòng (2023), Quyết định số 06/2023/QĐ-UBND ngày 9/2/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
[6] Thủ tướng chính phủ (2022), Quyết định 318/QĐ/TTg ngày 8/03/2022 ban hành Ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025
[7] UBND Thành phố Hồ Chí Minh (2018), Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 về thực hiện cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”
[8] https://namdinh.gov.vn/portal/Pages/2022-5-16/Mo-hinh-thu-gom-xu-ly-rac-thai-huu-co-cua-hoi-vienf3tq7m.aspx
[9] http://quangngaitv.vn/tin-tuc-n7816/bat-cap-trong-viec-phan-loai-rac-thai-tai-nguon-o-ly-son.html
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị