Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất giải pháp trong quản lý RTN tại P.Thượng Cát, TP.Hà Nội

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất giải pháp trong quản lý RTN tại P.Thượng Cát, TP.Hà Nội

MTĐT –  Thứ sáu, 15/10/2021 11:05 (GMT+7)

Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng phát sinh rác thải nhựa tại phường Thượng Cát. Kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng rác thải nhựa chiếm 13,5% trong khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, tương đương 1.508 kg/ngày.

Theo khối lượng, rác thải nhựa của khu dân cư là 620,88 kg/ngày, chiếm 41,2% và rác thải nhựa khu chợ là 452,6 kg/ngày, chiếm 30% lượng rác thải nhựa của toàn phường. Khối cơ quan, công sở phát sinh rác thải nhựa thấp nhất, tương đương 112,5 kg/ngày. Theo tỷ lệ rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt, khu dân cư là thấp nhất chiếm 10,6%, khu chợ là cao nhất chiếm 21,6%. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khá cao đạt 93,2% trong khi đối với rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 80,6%. Trên cơ sở đánh giá, nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, thành phố Hà Nội. Kết quả của nghiên cứu có thể được áp dụng cho các địa phương khác trên cả nước.

1. Đặt vấn đề

Rác thải nhựa đang là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng và cấp bách hiện nay trên toàn cầu [1]. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về lượng rác thải nhựa tương đương với 1,83 triệu tấn năm [2].

Phường Thượng Cát thuộc quận Bắc Từ Liêm, nằm ở phía Tây thủ đô Hà Nội, cách trung tâm thành phố 20 km. Hiện nay tổng diện tích đất tự nhiên của phường 415,9 ha. Dân số của phường là 2.370 hộ với 9.975 nhân khẩu, phân bố tại 7 Tổ dân phố.

Với điều kiện tự nhiên và cơ sở hạ tầng, giao thông thuận lợi, những năm gần đây nền kinh tế của phường Thượng Cát phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt, đặc biệt là rác thải nhựa và túi nilon đang là vấn đề cấp bách tại địa phương. Do chưa có số liệu đánh giá hiện trạng đầy đủ cùng với thực trạng công tác quản lý rác nhựa chưa hợp lý làm cho tình trạng ô nhiễm tại địa phương chưa được giải quyết triệt để. Đã có nhiều nghiên cứu về chất thải rắn sinh hoạt [3], tuy nhiên mới có khá ít nghiên cứu về rác thải nhựa, đặc biệt là phương pháp đánh giá rác thải nhựa cho một khu vực [4]. Do vậy, việc đánh giá thực trạng rác thải nhựa trên cơ sở đó đề xuất giải pháp nhằm quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Kết quả và phương pháp đánh giá của nghiên cứu có thể được sử dụng để triển khai cho các địa phương khác trên cả nước.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Phương pháp xác định khối lượng và thành phần rác thải đối với khu dân cư, nhà hàng, cơ quan công sở

Tiến hành cân và phân loại 4 lần/tháng trong 2 tháng. Đối với khu dân cư và công sở, ước tính lượng rác trên đầu người còn đối với nhà hàng, ước tính lượng rác trên đầu thực khách. Giữa các ngày cân và phân loại rác trong tuần, trong tháng có sự luân chuyển để thực hiện được vào các ngày đầu tuần, giữa tuần, cuối tuần trong tháng.

– Kết hợp với kết quả phỏng vấn, điều tra khảo sát đối với các hộ gia đình, các chủ nhà hàng và người lao động tại khối cơ quan, công sở.

2.2. Phương pháp xác định khối lượng và thành phần rác thải nhựa đối với chợ dân sinh và khu công cộng

– Cân và phân loại thành phần rác cho 1 xe đẩy.

– Kiểm đếm số xe đẩy chở rác thu được tại chợ và khu công cộng trong ngày.

– Số lần kiểm đếm xe, cân, phân loại là 4 lần/tháng và tiến hành trong 2 tháng. Giữa các ngày kiểm đếm, cân và phân loại rác trong tuần, trong tháng có sự luân chuyển để thực hiện được vào các ngày đầu tuần, giữa tuần, cuối tuần trong tháng.

– Kết hợp với kết quả phỏng vấn, điều tra khảo sát đối với công nhân thu gom rác

3. Kết quả và thảo luận

3.1. Thành phần và khối lượng rác thải nhựa theo từng nguồn

Khu vực nghiên cứu là phường Thượng Cát bao gồm 7 tổ dân phố và 2.587 hộ gia đình. Cùng với sự phát triển của kinh tế thủ đô, những năm qua phường Thượng Cát cũng có sự chuyển dịch kinh tế rõ rệt từ nông nghiệp sang công nghiệp dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh về kinh tế cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng chất thải rắn trong đó đặc biệt là chất thải nhựa. Các nguồn phát sinh chất thải nhựa tại khu vực nghiên cứu chủ yếu từ các nguồn sau:

– Từ các khu dân cư thuộc các tổ dân phố.

– Từ các hộ kinh doanh nhà hàng: trên địa bàn phường Thượng Cát có 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: nhà hàng Lan Viên Quán, Liên Trung Quán, nhà hàng Vạn Lợi Tửu…

– Rác từ các khu chợ: chợ Thượng Cát là nơi buôn bán giao thương chính của phường. Ngoài ra, các chợ dân sinh tự phát ở một số tổ dân phố, theo khảo sát trên địa bàn 7 tổ dân phố có 11 chợ tạm.

– Rác từ các khu hành chính, cơ quan, công sở của phường như: UBND phường, Trạm y tế, nhà văn hóa, các công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn.

– Từ các hoạt động quét đường và vệ sinh đường phố (đường Thượng Cát, đường nhánh 422, đường Châu Đài, đường Kỳ Vũ, đường Tân Dân, đường liên thôn). Các khu vực công cộng như: Trung tâm văn hóa thể dục thể thao, các khu vui chơi, nhà văn hóa…

Để đánh giá được hiện trạng phát sinh chất thải nhựa trên địa bàn nghiên cứu và thành phần chất thải nhựa, đề tài đã tiến hành phân loại và nghiên cứu theo những nguồn phát sinh nêu trên, kết quả nghiên cứu như sau:

a. Khu dân cư

Kết quả nghiên cứu các hộ gia đình cho thấy khối lượng rác thải nhựa phát sinh tại hộ gia đình là 0,24 kg/hộ/ngày, trong đó lượng rác thải nhựa tái chế được (chai nhựa, nhựa phế liệu từ các đồ dùng gia dụng) chiếm 33,3%, tương đương 0,08 kg và rác thải nhựa không thể tái chế (túi nilon, chai nhựa, hộp xốp, nhựa dùng 1 lần) chiếm tới 66,7%, tương đương 0,16 kg. Đối với các loại rác thải nhựa có thể tái chế nếu được thu gom bán lại cho các cơ sở thu gom tái chế sẽ mang lại một chút lợi ích kinh tế cho các hộ gia đình. Trong các khu dân cư, loại rác thải này thường được thu gom lại và phân loại rất tốt. Điều đáng lo ngại là rác thải nhựa không thể tái chế chiếm tỉ trọng cao đến 66,7%. Rác thải nhựa không tái chế thường rất khó phân hủy không có lợi ích kinh tế hoặc không thể tái sử dụng, do vậy việc thu gom không được quan tâm (so với nhựa có thể tái chế). Loại rác thải này rất khó xử lý, với phương pháp xử lý phổ biến hiện nay là đốt và chôn đều mang tiềm ẩn ô nhiễm môi trường cao. Tổng lượng rác thải nhựa phát sinh từ các hộ gia đình là 620,88 kg/ngày. Rác thải nhựa chiếm 10,6 % tổng lượng chất thải rắn phát sinh tại các hộ gia đình, Hình 1.

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, Thành phố Hà Nội

Hình 1. Tỷ trọng lượng rác thải nhựa phát sinh tại hộ gia đình

b. Nhà hàng

Thành phần rác thải tại các khu nhà hàng chủ yếu là chất hữu cơ dạng thực phẩm thừa (rau, củ, quả, đồ ăn thừa…) và dạng vô cơ như túi nilon, vỏ chai thủy tinh, chai nhựa, lon bia, nước ngọt,… Thành phần chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các nhà hàng được trình bày tại Hình 2. Kết quả chỉ ra khối lượng rác nhựa phát sinh tại nhà hàng chiếm 21,2% trong khối lượng chất thải rắn sinh hoạt. Tổng lượng rác nhựa từ các nhà hàng trên địa bàn phường Thượng Cát là 168 kg/ngày.

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, Thành phố Hà Nội
Hình 2. Thành phần chất thải rắn phát sinh từ nhà hàng

c. Chợ

Trên địa bàn nghiên cứu có 1 chợ chính là chợ Thượng Cát và 11 chợ tạm tại các tổ dân phố. Các chợ tạm tự phát có quy mô nhỏ, lượng rác thải phát sinh được thu gom tập trung với rác quét đường. Do vậy, nghiên cứu tập trung đánh giá lượng rác thải phát sinh tại chợ Thượng Cát. Thành phần rác thải tại chợ Thượng Cát được trình bày tại Hình 3. Thành phần của chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ chợ Thượng Cát chủ yếu là rác hữu cơ như: rau, củ, quả và đồ ăn hư hỏng từ khu vực chợ thực phẩm và hàng chế biến đồ ăn chiếm 63,1 % khối lượng chất thải rắn sinh hoạt.

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, Thành phố Hà Nội
Hình 3. Thành phần rác thải phát sinh tại chợ Thượng Cát

Lượng rác thải nhựa chiếm chiếm 21,6% trong thành phần rác thải phát sinh, tương đương với 452,6 kg/ ngày. Thành phần rác thải nhựa tại các khu chợ chủ yếu là túi nilon và các loại nhựa dụng một lần (hộp đựng thức ăn, cốc nhựa,…). Đây là nguồn thải lượng rác thải nhựa lớn trên địa bàn phường. Thêm vào đó, công tác thu gom, phân loại rất khó thực hiện dẫn đến việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

d. Khu cơ quan, công sở

Thành phần rác phát sinh từ nguồn này chủ yếu là giấy in loại, giấy vụn, túi nilon, chai lon nước, các loại thiết bị văn phòng hỏng. Thành phần chất thải rắn sinh hoạt được thể hiện ở Hình 4 dưới đây:

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, Thành phố Hà Nội
Hình 4. Thành phần rác thải sinh hoạt phát sinh khu cơ quan, công sở

Hình 4 cho thấy lượng rác nhựa chiếm 20% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các khu hành chính, công sở. Khối lượng rác nhựa phát sinh là 112,5 kg/ngày với thành phần chủ yếu là nhựa văn phòng phẩm, thiết bị hỏng, nilon,…

e. Chất thải rắn sinh hoạt từ các hoạt động quét đường và từ các khu công cộng

Phát sinh từ các hoạt động quét dọn đường phố, các khu vui chơi giải trí và làm đẹp cảnh quan. Nguồn rác này do những người đi đường và những hộ dân sống dọc hai bên đường vứt ra bừa bãi. Thành phần chủ yếu của chúng là cành cây, lá cây, giấy vụn, bao gói nilon của các đồ chế biến sẵn, xác động thực vật chết, ngoài ra còn một lượng gạch, đất cát do sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp đổ ra đường. Đặc biệt lượng rác đường phố này gia tăng rất nhiều vào những ngày mưa, bão (chủ yếu là cành, lá cây gia tăng).

Kết quả khảo sát thành phần rác thải thu gom trên tuyến đường chính, khu công cộng Thượng Cát được trình bày tại Hình 5.

Đánh giá hiện trạng phát sinh và đề xuất một số giải pháp nâng cao công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát, Thành phố Hà Nội
Hình 5. Thành phần chất thải rắn tại tuyến đường và khu công cộng phường Thượng Cát

Kết quả nghiên cứu cho thấy lượng rác thải nhựa chiếm 13,5% tổng lượng rác thải sinh hoạt thu gom, tương ứng với 154 kg/ngày.

3.2. Khối lượng rác nhựa phát sinh tại phường Thượng Cát

Từ kết quả nghiên cứu thực tế (điều tra, khảo sát, tổng hợp số liệu) tại khu vực nghiên cứu, lượng chất thải rắn phát sinh 10.436 kg/ngày, trong đó, lượng rác thải nhựa chiếm 13,5% tương đương 1.508 kg/ngày được thể hiện Bảng 1. Theo số liệu của Bảng 1, rác thải nhựa của khu dân cư là nhiều nhất, chiếm 41,2%, tương đương với 620,88 kg/ngày, tiếp theo và rác thải nhựa khu chợ là 452,6 kg/ngày, chiếm 30% lượng rác thải nhựa của toàn phường. Khối cơ quan, công sở phát sinh rác thải nhựa thấp nhất, với 7,5%, tương ứng 112,5 kg/ngày.

Cũng theo số liệu Bảng 1, tổng lượng rác thải rắn phát sinh theo khảo sát là 10.436 kg/ngày, lượng rác thải thu gom được là 9.723 kg/ngày, đạt 93,2%. Như vậy, công tác thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn đạt hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, đối với rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 80,6%. Có thể lý giải bởi 2 nguyên nhân chính:

– Lượng rác thải nhựa có thể tái chế được thu gom, phân loại tại nguồn bán cho cơ sở tái chế. Nguyên nhân này là chủ yếu do rác thải tái chế được không chỉ được thu gom phân loại tại các hộ gia đình mà còn được thu gom, phân loại bởi các công nhân thu gom rác trên địa bàn phường.

– Lượng rác thải không được thu gom. Một lượng rác thải nhựa bị vứt bừa bãi vào các ao hồ, đồng ruộng, vườn và chưa được thu gom. Các rác thải chủ yếu là bao bì, túi nilon, chai lọ.

1Bảng 1. Khối lượng chất thải sinh hoạt và rác nhựa trên địa bàn phường Thượng Cát

tm-img-alt

1 Tổng: được xác định bằng số liệu từ việc tính toán, xác định lượng rác phát sinh tại các nguồn.

2 Khối lượng rác thải thu gom được cung cấp bởi công ty Cổ phần Xử lý chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội [5].

3.3. Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa tại phường Thượng Cát

a. Cơ chế, chính sách

Hoàn thiện, triển khai, vận dụng cơ chế, chính sách về quản lý rác thải nhựa, đặc biệt cần làm rõ rác nhựa tái chế và rác nhựa không tái chế phù hợp với tình hình thực tế của Phường.

b. Củng cố, kiện toànbộ máy quản lý

– Nâng cao nguồn nhân lực quản lý tại phường do hiện nay tại phường Thượng Cát chỉ có một cán bộ phụ trách về địa chính và môi trường thì việc quản lý các vấn đề môi trường nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng rất khó khăn.

– Đào tạo nguồn nhân lực tại từng tổ dân phố

c. Xã hội hóa mô hình thu gom rác thải sinh hoạt

Hiện tại, mô hình được thực hiện và quản lý theo kế hoạch của phường Thượng Cát. Nguồn nhân lực, vật lực đều được lấy từ UBND phường. Điều này hạn chế việc nhân rộng và duy trì mô hình do nguồn ngân sách của phường rất eo hẹp. Chính vì vậy, nếu có thể huy động được nguồn vốn xã hội hóa sẽ giải quyết được không chỉ là vấn đề tài chính mà còn các vấn đề về nguồn nhân lực, phương pháp quản lý, xử lý rác thải thu gom. Phường có thể chuyển giao mô hình cho một doanh nghiệp có năng lực tiếp nhận. Do đặc thù lượng rác thải thu gom bao gồm rác nhựa có thể tái chế, nếu khai thác tốt doanh nghiệp hoàn toàn có thể thu lợi từ hoạt động thu gom. Đối với các doanh nghiệp này cần tạo các điều kiện về cơ chế, thuế,… để thu hút đầu tư.

d. Thúc đẩy phân loại rác thải nhựa tại nguồn

Cần có giải pháp phân loại rác thải tại nguồn đối với từng loại đối tượng khác nhau, đó là phân loại rác tại hộ gia đình, tại các khu công cộng, Phân loại rác thải tại các cơ quan, trường học, cơ sở dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, chợ …: tuỳ theo tính chất của từng đơn vị và khối lượng rác tích luỹ hàng ngày mà chọn kích thước thùng chứa thích hợp. Tại mỗi đơn vị đặt các thùng rác màu sắc khác nhau với dung tích 120l, 240l. Các thùng này được đặt gắn bảng tên loại rác chứa để thuận tiện trong việc thu gom rác, sau 1 ngày rác đầy thì được đổi thùng chứa rác, công nhân vệ sinh môi trường sẽ kéo thùng rác đó đến vị trí tập trung.

e. Giải pháp trong khâu thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải nhựa

– Bổ sung, tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, nhân lực để phục vụ tốt công tác thu gom, vận chuyển.

– Thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về xử lý rác thải nhựa không tái chế

g. Triển khaimô hình “thu gom rác thải nhựa đổi đồ dùng sinh hoạt”

Kết hợp giải pháp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.

4. Kết luận và kiến nghị

4.1. Kết luận

Kết quả khảo sát, nghiên cứu cho thấy:

– Lượng rác thải nhựa phát sinh là 1,508 tấn/ngày, trong đó rác thải nhựa từ các hộ gia đình là nhiều nhất, tương đương 620,88 kg, chiếm 41,2% và rác thải nhựa khu chợ là 452,6 kg/ngày, chiếm 30% lượng rác thải nhựa của toàn phường. Các nhà hàng thải ra 168 kg/ngày chiếm 11,1%. Khối cơ quan, công sở phát sinh rác thải nhựa thấp nhất, là 112,5 kg/ngày, chiếm 7.5%. Theo tỷ lệ, rác thải nhựa trong rác thải sinh hoạt, khu dân cư là thấp nhất chiếm 10,6%, khu chợ là cao nhất chiếm 21,6%.

– Khối lượng rác thải nhựa phát sinh tại hộ gia đình là 0,24 kg/hộ/ngày, trong đó lượng rác thải nhựa tái chế được (chai nhựa, nhựa phế liệu từ các đồ dùng gia dụng) chiếm 33,3%, tương đương 0,08 kg và rác thải nhựa không thể tái chế (túi nilon, chai nhựa, hộp xốp, nhựa dùng 1 lần) chiếm tới 66,7%, tương đương 0,16 kg.

– Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt khá cao đạt 93,2% trong khi đối với rác thải nhựa, tỷ lệ thu gom chỉ đạt 80,6%. Nguyên nhân là do một lượng rác thải nhựa có thể tái chế được thu gom, phân loại tại nguồn bán cho cơ sở tái chế.

4.2. Kiến nghị

Phường Thượng Cát cần có các triển khai các giải pháp quản lý rác thải nhựa, như có cơ chế, chính sách phù hợp, bổ sung nguồn lực trang thiết bị, phương tiện, xã hội hóa mô hình thu gom rác thải, thúc đẩy thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và đặc biệt áp dụng mô hình “thu gom rác thải nhựa đổi đồ dùng sinh hoạt” kết hợp giải pháp tuyên truyền giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về rác thải nhựa.

Đào Văn Hiền, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Mạnh Khái

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tài liệu tham khảo

  1. UNEP (United Nation Environmental Programme). (2019). Addressing Marine Plastics – A Systemic Approach- Recommendations for Actions.

  2. Jambeck, J. R., Geyer, R., Wilcox, C., Siegler, T. R., Perryman, M., Andrady, A., Law, K. L. (2015). Plastic waste inputs from land into the ocean. Science, 347(6223), 768-771.

  3. Trịnh Thị Như (2016), Nghiên cứu xây dựng mô hình quản lý chất thải rắn nông thôn tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội – Luận văn Thạc sỹ khoa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc Gia Hà Nội.

  4. Trần Thu Hương (2019). Nghiên cứu khảo sát hiện trạng chất thải nhựa tại Việt Nam. Báo cáo của tổ chức WWF năm 2020.

  5. UBND phường Thượng Cát (2020). Báo cáo tổng kết thực hiện công tác bảo vệ môi trường năm 2019, 2020 trên địa bàn Phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm, Thành phố Hà Nội.

Assess the current status and propose solutions to improve the management of plastic waste in Thuong Cat ward, Hanoi city

Dao Van Hien, Nguyen Thi Hoa, Nguyen Manh Khai

Faculty of Environmental Sciences, VNU University of Science

Abstract

This study was conducted to assess the current status of plastic waste in Thuong Cat ward. Research results show that plastic waste accounts for 13.5% of the volume of daily-life solid waste, equivalent to 1.508 kg/day. By volume, the plastic waste of the residential area is 620.88 kg/day, accounting for 41.2% and the plastic waste in the market is 452.6 kg/day, accounting for 30% of the plastic waste of the whole ward. The offices generate the lowest plastic waste, at 112.5 kg/day. According to the ratio of plastic waste in domestic waste, residential area is the lowest, accounting for 10.6%, market is the highest, accounting for 21.6%. The collection rate of domestic solid waste is fairly high at 93.2% while for plastic waste the collection rate is only 80.6%. Based on the assessment of the current status, solutions have been proposed to improve the management of plastic waste in Thuong Cat ward, Hanoi city. The results of the research can be applied to other localities across the country.

Keywords: Plastic waste, plastic, waste generation sources, environmental management, Thuong Cat

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích