Đánh giá chính sách tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam theo các FTAs thế hệ mới
1. Tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Theo xu hướng tự do hóa thương mại, Việt Nam đã và đang có những bước đi nhanh chóng để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu ở cả cấp độ khu vực và quốc tế, đồng thời thiết lập được các mối quan hệ có ý nghĩa với các đối tác lớn. Những năm gần đây, Việt Nam đã tích cực tham gia đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (Free trade agreements – FTA), trong đó phải kể đến những Hiệp định quan trọng như: ATIGA1, EVFTA2, CPTPP3, RCEP4.
Các FTAs này được gọi là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bởi những cam kết sâu rộng và toàn diện, về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ, mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình) cùng cơ chế thực thi chặt chẽ5. Dù đa dạng về nội dung với các quy định phức tạp, điểm chung trong các FTAs thế hệ mới nêu trên chính là cam kết về áp dụng hình thức tự chứng nhận xuất xứ.
Tự chứng nhận xuất xứ (Self Certification of Origin) là một hình thức chứng nhận xuất xứ (CNXX) hàng hóa. Khác với phương thức truyền thống là chứng nhận xuất xứ do cơ quan có thẩm quyền cấp, tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm thiểu tối đa sự có mặt của cơ quan nhà nước (CQNN) mà trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa được chuyển giao sang doanh nghiệp (DN) hoặc nhà xuất khẩu.
Điều này đồng nghĩa với việc DN, nhà xuất khẩu chủ động thực hiện các thủ tục xác minh và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đạt đủ các tiêu chí xuất xứ, đồng thời tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó, thay vì bị động chờ đợi sự chấp thuận từ phía cơ quan quản lý nhà nước. Hình thức tự chứng nhận xuất xứ được thúc đẩy từ các cam kết trong Công ước quốc tế về đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục hải quan trong nỗ lực loại bỏ những khác biệt giữa thủ tục và thông lệ Hải quan của các quốc gia thành viên mà có thể gây trở ngại cho thương mại quốc tế, tạo thuận lợi, hài hòa và đơn giản hóa thủ tục và thông lệ Hải quan.
Ưu điểm của hình thức tự chứng nhận xuất xứ được thể hiện qua việc 209 FTAs thế hệ mới (từ năm 1994 đến 2019) có 141 FTAs chấp nhận ít nhất một hình thức tự chứng nhận xuất xứ (chiếm 67,5%)6. Các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên không ngoại lệ, cụ thể:
+ EVFTA: theo mục D, Nghị định thư 1 của EVFTA thì nhà xuất khẩu đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền có thể tự khai báo xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn thương mại, phiếu giao hàng hoặc trên các chứng từ thương mại khác. Đây là hình thức tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà xuất khẩu đã đăng ký (Registered exporter system).
Liên minh châu Âu đã triển khai Hệ thống tự chứng nhận xuất xứ từ ngày 01/01/2017 theo Quyết định số 2015/2447 ngày 24/11/2015 của Ủy ban châu Âu quy định chi tiết một số điều của Quy định số 925/2013 ngày 09/10/2013 của Nghị viện châu Âu và hội đồng Liên minh châu Âu quy định thực hiện Bộ luật Liên minh Hải quan. Theo đó, REX thay thế cho hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại EU, được áp dụng trong khuôn khổ chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP của EU và các FTAs mà EU là thành viên.
+ CPTPP: Quy định về chứng nhận xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi theo CPTPP được quy định tại Chương 3. Điều 3.20 Hiệp định quy định, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Theo đó, nhà nhập khẩu được hưởng thuế quan ưu đãi tại quốc gia nhập khẩu dựa trên chứng nhận xuất xứ được thực hiện bởi nhà xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc nhà nhập khẩu.
Đây được coi là phương thức thông thoáng nhất khi cho phép nhà nhập khẩu tự cung cấp bằng chứng nguồn gốc của hàng hóa bên cạnh các chủ thể truyền thống như nhà sản xuất, nhà xuất khẩu. Nhà nhập khẩu khi yêu cầu hưởng ưu đãi thuế quan, được phép đưa ra bản kê khai xuất xứ hoặc chỉ dẫn xuất xứ dựa trên cam kết của họ về hàng hóa nhập khẩu. Nói cách khác, việc chứng minh xuất xứ hàng hóa có thể được thực hiện bởi bất kỳ một trong các bên quan trọng trong chuỗi cung ứng. Điểm đặc biệt của hình thức tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà nhập khẩu khác với 2 hình thức tự chứng nhận xuất xứ phía trên, đó là không có sự tham gia của CQNN có thẩm quyền vào khâu xác minh chủ thể tự chứng nhận xuất xứ, CQNN đóng vai trò quản lý, giám sát và hậu kiểm đối với hàng hóa tự chứng nhận xuất xứ.
+ ATIGA: Nghị định thư thứ nhất sửa đổi ATIGA có hiệu lực kể từ tháng 9/2020 chính thức thực hiện Chương trình Tự chứng nhận Toàn ASEAN (ASEAN-Wide Self-Certification – AWSC). Các nhà xuất khẩu được chứng nhận không còn cần phải có Giấy chứng nhận xuất xứ (Mẫu D), thay vào đó, họ có thể khai báo xuất xứ trên hóa đơn, vận đơn, lệnh giao hàng hoặc danh sách đóng gói. Điều 12A và Điều 2.4 đặt ra yêu cầu đối với nhà xuất khẩu đăng ký tự chứng nhận xuất xứ.
Đây là cơ chế nhà xuất khẩu được phê duyệt (Approved exporter system), CQNN có thẩm quyền xem xét và cấp phép chứng nhận xuất xứ. Nhà xuất khẩu phải đạt được những tiêu chí nhất định cho việc tự chứng nhận xuất xứ và phải cung cấp đầy đủ thông tin cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Trường hợp vi phạm, nhà xuất khẩu có thể bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi quyền tự chứng nhận.
+ RCEP: được coi là FTAs mở rộng khi tích hợp nhiều FTAs mà ASEAN là thành viên cho nên RCEP cũng ghi nhận hình thức tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên, do phạm vi rộng, nên RCEP ghi nhận nhiều hình thức tự chứng nhận xuất xứ quy định tại Điều 3.16 của Hiệp định, gồm: i) tự chứng nhận xuất xứ dựa trên nhà xuất khẩu được phê duyệt (tương tự ATIGA); ii) tự chứng nhận xuất xứ của nhà xuất khẩu, nhà sản xuất đủ điều kiện (tương tự CPTPP).
Hình thức tự chứng nhận xuất xứ giúp cho thương nhân xuất nhập khẩu được chủ động trong việc chứng minh xuất xứ hàng hóa. Thương nhân xuất nhập khẩu được tối giản hóa các quy trình thủ tục hành chính liên quan đến CQNN có thẩm quyền, đặc biệt đối với các thương nhân có nhiều đối tác thương mại trong các quốc gia ký kết các FTAs khác nhau, thay vì phải đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của từng FTA, hay các quy định nội địa cố định, thương nhân có thể chủ động xác định cách thức xác minh nguồn gốc xuất xứ phù hợp với hàng hóa của mình đáp ứng đủ tiêu chí xuất xứ.
Bên cạnh đó, thương nhân tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm thiểu đáng kể những chi phí phát sinh trong quá trình xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ tại cơ quan có thẩm quyền. Đối với CQNN có thẩm quyền cấp chứng nhận xuất xứ, việc tự chứng nhận xuất xứ sẽ giảm đáng kể áp lực lên cơ quan cấp phép do việc trực tiếp xác minh xuất xứ hàng hóa đã chuyển giao sang cho DN, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ.
2. Thực trạng chính sách tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam
Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2016 quy định: “Chính sách là định hướng, giải pháp của Nhà nước để giải quyết vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định”.
Theo đó, chính sách tự CNXX hàng hóa là tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của đảng cầm quyền và Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu, giải pháp, công cụ chính sách để điều chỉnh hoạt động tự CNXX một cách hiệu quả, phù hợp với các FTAs thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Về chủ thể xây dựng chính sách, theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Quản lý ngoại thương năm 2017: “1. Bộ trưởng Bộ Công Thương cấp hoặc ủy quyền cho tổ chức khác thực hiện việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa; 2. Bộ trưởng Bộ Công Thương chấp thuận bằng văn bản cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu”.
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương là CQNN của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại (Điều 1) và có chức năng, nhiệm vụ cụ thể (Điều 2). Do đó, Bộ Công Thương là CQNN chính tiến hành hoạt động xây dựng, thực thi, đánh giá chính sách tự CNXX hàng hóa.
Khi chính thức trở thành thành viên của các FTAs thế hệ mới, Việt Nam cần tuân thủ các cam kết và triển khai trên thực tế. Cơ sở cho quá trình thực thi các cam kết chính là khung pháp luật trong nước, theo đó Việt Nam cần nội luật hóa các nội dung về tự CNXX theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể: i) Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); ii) Thông tư số 03/2019/TT-BCT ngày 21/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP và Thông tư số 06/2020/TT-BCT ngày 24/3/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 03/2019/TT-BCT; iii) Thông tư số 28/2015/TT-BCT ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc thực hiện thí điểm tự CNXX hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN và Thông tư số 19/2020/TT-BCT ngày 14/6/2020 sửa đổi, bổ sung các Thông tư quy định thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN; iv) Thông tư số 05/2022/TT-BCT ngày 18/02/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Có thể thấy, tự CNXX là một hình thức mới nhưng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp, nội luật hóa kịp thời các cam kết trong FTAs cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này đã được chứng minh thông qua việc các Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương được ban hành nhanh chóng ngay sau khi các FTAs chính thức có hiệu lực tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính sách tự CNXX hàng hóa tại Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức nhất định.
Thứ nhất, chính sách tự CNXX mới chỉ được cụ thể thông qua quy định pháp luật dưới dạng Thông tư, nhưng các quy định còn nhiều bất cập. Chẳng hạn:
+ Chưa đảm bảo tính thống nhất: các quy định về tự CNXX nằm rải rác tại nhiều Thông tư khác nhau, cũng như có hiệu lực tại nhiều thời điểm riêng biệt. Điều này dẫn đến tình trạng DN xuất khẩu phải chạy theo quy định, đáp ứng nhiều tiêu chuẩn điều kiện khác nhau, gia tăng thủ tục cũng như gánh nặng cho DN.
+ Một số nội dung chưa tương thích với cam kết FTAs: đối với tự CNXX trong ATIGA, pháp luật Việt Nam khi nội luật hóa đã siết chặt hơn các tiêu chuẩn đối với DN muốn xin cấp phép tự chứng nhận như thời gian hoạt động về xuất nhập khẩu tối thiểu là 2 năm, hay yêu cầu về nhân lực trong DN phải qua đào tạo về xuất xứ hàng hóa. Điều này khiến cho hình thức tự CNXX trong ATIGA được triển khai từ năm 2014, nhưng Việt Nam mới chỉ cấp phép cho 4 DN7 trong đó chủ yếu là các DN có vốn đầu tư nước ngoài – vốn đã quen thuộc với việc tự CNXX từ tập đoàn mẹ.
Thứ hai, tự CNXX bị bảo lưu đối với nhiều FTAs khiến chính sách thiếu đồng bộ. Với EVFTA, tự CNXX đối với những lô hàng xuất khẩu trị giá trên 6.000 Euro chưa được triển khai do chờ hướng dẫn của Bộ Công Thương và áp dụng sau khi Việt Nam thông báo tới Liên minh châu Âu (điểm d khoản 2 Điều 19 Thông tư số 11/2020/TT-BCT), do đó nhà xuất khẩu Việt Nam vẫn phải quay lại cơ chế xin giấy CNXX (mẫu EUR.1) tại cơ quan có thẩm quyền.
Với CPTPP, Việt Nam được phép bảo lưu tự CNXX trong thời hạn 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa. Chính bởi lý do trên, Việt Nam hiện nay chưa thiết lập quy định tự CNXX cho DN Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên Hiệp định CPTPP mà vẫn theo hình thức cơ quan có thẩm quyền cấp giấy CNXX truyền thống (khoản 2 Điều 4 Thông tư số 03/2019/TT-BCT).
Thứ ba, nhận thức của các bên liên quan bao gồm CQNN và đối tượng chịu tác động của chính sách là thương nhân xuất nhập khẩu đều chưa thực sự coi trọng hoạt động tự CNXX. Trong khi tự CNXX đang là xu hướng CNXX trên toàn thế giới, thậm chí là hình thức chứng nhận xuất xứ duy nhất như trong CPTPP.
3. Khuyến nghị hoàn thiện chính sách tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa tại Việt Nam theo các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
3.1. Về quan điểm xây dựng chính sách
Hoạt động đánh giá chính sách tự CNXX hàng hóa Việt Nam nằm trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, theo Nghị quyết 06-NQ/TW năm 2016 thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị – xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành, đã đặt ra quan điểm chỉ đạo: “Đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách; chủ động xử lý các vấn đề nảy sinh; giám sát chặt chẽ và quản lý hiệu quả quá trình thực hiện cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới…”. Đây cũng là “kim chỉ nam” định hướng cho các hoạt động xây dựng, thực thi và đánh giá chính sách hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và chính sách tự CNXX hàng hóa nói riêng.
Từ chủ trương trên, chính sách tự CNXX cần xác định đúng, cụ thể mục tiêu chính sách. Mục tiêu chính sách tự CNXX hàng hóa tại Việt Nam theo Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đặt ra những nội dung sau: i) Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về quản lý, phát triển hoạt động ngoại thương nói chung và hoạt động CNXX hàng hóa nói riêng, đó là cải cách thủ tục hành chính, duy trì môi trường kinh doanh thuận lợi theo hướng hệ thống hóa, hài hòa hóa các thủ tục hành chính có liên quan; ii) Xây dựng hành lang pháp lý phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đảm bảo tương thích với xu thế chung của thương mại quốc tế và cũng phù hợp với tình hình thực thi các cam kết trong FTAs tại Việt Nam, thúc đẩy quá trình hội nhập sâu rộng hơn nữa vào nền kinh tế thế giới.
3.2. Khuyến nghị cụ thể
Thứ nhất, cần hoàn thiện chính sách về quy tắc xuất xứ, CNXX, bởi tự CNXX không phải một hoạt động riêng lẻ, mà là một bộ phận trong cơ chế xuất xứ hàng hóa của các FTAs thế hệ mới. Quy tắc xuất xứ là các yêu cầu về nội dung còn CNXX là yêu cầu về thủ tục xác minh hàng hóa đảm bảo quy tắc xuất xứ trong mỗi FTAs. Vướng mắc lớn nhất đó là mỗi FTA lại có một cam kết khác nhau về quy tắc xuất xứ và hình thức tự CNXX.
Phương án có thể đặt ra ở đây là các FTAs đều cho nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự CNXX. Do đó, trước hết các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có thể tích hợp chung điều kiện đối với nhà xuất khẩu tự CNXX trong các FTAs thế hệ mới nêu trên vào một khung quy định. Trong đó đặt trọng tâm với 2 nội dung: i) Những điều kiện cơ bản để nhà xuất khẩu tự CNXX (như Thông tin chủ thể tự CNXX, Mã số tự CNXX; Kinh nghiệm xuất khẩu; Thông tin về hàng hóa tự chứng nhận, quy tắc xuất xứ mà hàng hóa áp dụng …) và ii) Cơ chế xác minh hàng hóa.
Song hành cùng với việc triển khai, khung quy định về tự CNXX có thể được bổ sung các nội dung nhỏ, tương thích với từng FTA cụ thể (ví dụ như có thể bổ sung thêm nhà sản xuất, nhà nhập khẩu tự CNXX phù hợp CPTPP) hoặc bổ sung, sửa đổi những quy định phát sinh bất cập khi thực hiện.
Nhìn vào kinh nghiệm của EU cho thấy, Hệ thống CNXX REX được EU áp dụng cho tất cả các thỏa thuận ưu đãi thương mại mà EU là một bên tham gia, đã bộc lộ nhiều ưu điểm khi xây dựng được cơ chế quản lý tập trung dựa trên cơ sở dữ liệu, chuyển giao trách nhiệm chứng minh xuất xứ cho DN, giảm áp lực cho hải quan nước nhập khẩu cũng như là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền thực hiện xác minh. Việc xác định được định hướng như trên sẽ cơ bản tháo gỡ được vướng mắc mà các FTAs thế hệ mới đang đặt ra cho Việt Nam cũng như tạo điều kiện cho việc xây dựng chính sách tự CNXX đồng bộ.
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của các chủ thể quá trình xây dựng, hoàn thiện chính sách thông qua việc tham vấn, khảo sát, trong đó chú trọng đến ý kiến của thương nhân xuất nhập khẩu – đối tượng chịu tác động chính của chính sách tự CNXX. Các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận xã hội và ý kiến đóng góp của các tổ chức quần chúng cũng là các kênh phản hồi quan trọng về chính sách. Việc quan tâm theo dõi và tiếp nhận những thông tin này sẽ giúp các cơ quan chức năng của Nhà nước định hướng chính sách tự CNXX. Những ý kiến nói trên cũng sẽ tạo cơ sở đề hình thành các đề xuất nhằm tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung chính sách.
Thứ ba, cân nhắc xây dựng Sổ tay hướng dẫn chính sách tự CNXX là nguồn tài liệu tham khảo cho cơ quan QLNN cũng như thương nhân xuất nhập khẩu. Bộ Công Thương với tư cách là chủ thể chịu trách nhiệm chính trong hoạt động đánh giá chính sách tự CNXX có thể đảm nhận trách nhiệm thiết kế, xuất bản Sổ tay này.
Nội dung hướng tới việc xây dựng bộ khung chính sách, tổng hợp quy định pháp luật, có ví dụ, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng để minh họa. Sổ tay hướng dẫn này sẽ là một tham chiếu quan trọng trong hoạt động xây dựng, thực thi, đánh giá chính sách, đồng thời tạo điều kiện cho các đối tượng chịu tác động của chính sách có thêm tài liệu nghiên cứu, từ đó đóng góp đề xuất ý kiến phản biện chính sách tự CNXX.
4. Kết luận
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu và được thể hiện rõ ràng thông qua việc ký kết, gia nhập hàng loạt các FTAs. Hình thức CNXX đang dần trở thành một cơ chế CNXX phổ biến và được các bên tham gia trong FTAs ưu tiên áp dụng. Đối với Việt Nam, việc xây dựng chính sách tự CNXX đồng bộ, phù hợp với các FTAs mà Việt Nam là thành viên là yêu cầu cấp thiết, nhằm tạo điều kiện cho nhà sản xuất, nhà xuất khẩu trong nước có cơ hội tận dụng tối đa những lợi thế thương mại của FTAs, phát triển khả năng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng.
Nguyễn Như Hà – Trưởng Khoa Luật Kinh tế, Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trần Thị Thu Hà – Trưởng phòng Hỗ trợ Phát triển Dịch vụ, Trung tâm Chứng nhận phù hợp
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
1ASEAN (2009). Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ASEAN Trade in Goods Agreement – ATIGA). Cha-am, Thái Lan.
2Việt Nam – EU (2019). Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Hà Nội.
3Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam (2018). Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Santiago, Chile.
4ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand (2017). Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Manila, Philippines.
5ICDT-OIC (2015). Study on the new generation of free trade agreements and their impact on intra-oic trade. [Online] Availabile at https://icdt-cidc.org/wp-content/uploads/New-Generation-of-Free-Trade-Agreements-2-En.pdf
6The World Customs Organization – WCO, (2020). Comparative study on Certification of Origin. [Online] Availabile at http://www.wcoomd.org/en/media/newsroom/2020/june/wco-publishes-updated-version-of-the-comparative-study-on-certification-of-origin.aspx
7Hoàng Thị Thủy (2021). Điểm khác biệt về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ của các FTA thế hệ mới. Truy cập tại https://haiquanonline.com.vn/diem-khac-biet-ve-co-che-tu-chung-nhan-xuat-xu-cua-cac-fta-the-he-moi-142388.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Erlinda M. Medalla (2015). Towards an Enabling Set of Rules of Origin for the Regional Comprehensive Economic Partnership. [Online] Availabile at https://www.eria.org/ERIA-DP-2015-03.pdf
- Lê Như Thanh, Lê Văn Hòa (2016). Hoạch định và thực thi chính sách công. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
- John A. Crane (1982). The Evaluation of Social Policies. USA: Kluwer Nijhoff Publishing.
- Joseph A. LaNasa III (1995). An Evaluation of the Uses and Importance of Rules of Origin, and the Effectiveness of the Uruguay Round’s Agreement on Rules of Origin in Harmonizing and Regulating Them. USA: Jean Monnet Working Papers 1, Jean Monnet Chair.
- Vivian C.Jones, Liana Wong (2020). International Trade: Rules of Origin. [Online] Availabile at https://sgp.fas.org/crs/row/RL34524.pdf
- World Customs Organization (2020). Comparative study on Certification of Origin. [Online] Availabile at https://www.wcoomd.org/-/media/wco/public/global/pdf/topics/origin/instruments-and-tools/comparative-study/related-documents/comparative-study-on-certification-of-origin_2020.pdf?db=web