Đặng Vương Hưng: Đại tiệc “Lục bát mỗi ngày”

Đặng Vương Hưng: Đại tiệc “Lục bát mỗi ngày”

Thông Đặng –  Thứ ba, 19/10/2021 08:43 (GMT+7)

Tôi đã bỏ hẳn cả một ngày để đọc hết 942 bài thơ và đã “mượn” ra một vài trong số các bài “đọc qua là thích” để “mở đại tiệc khoản đãi” mọi người.

LỜI KHAI TIỆC

Trong một bài “bình thơ” nhân dịp tập “Đêm ngồi ngã ba sông” của Nguyễn Thành Phong ra mắt bạn đọc, tôi đã viết: “Từ bé tới nay, tôi hiểu thơ khá lơ mơ, “viết” thơ thì càng tệ, nên cứ đau khổ thắc mắc không hiểu sao mình kém thế… Nay nghe Tạ Duy Anh chỉ ra: “… nó thuộc về thứ trời cho…” thì tôi chợt “ngộ” và hoàn toàn an tâm: Hoá ra mình không làm thơ được không phải bởi mình kém, mà chỉ bởi mình không “được trời cho”, mà trời đã không cho thì đành chịu!” “Ngộ” ra như vậy, nên tôi cũng tin luôn, rằng có lẽ họ Đặng không ai có khiếu làm thơ! Vậy mà tôi lầm to! Họ Đặng không những có người biết làm thơ, mà lại còn thuộc loại tầm cỡ nữa mới oách xì xằng! Nhà thơ mà tôi đang nói đến đây chính là Đặng Vương Hưng mà tôi chỉ được biết cách đây mấy ngày qua lời giới thiệu ngắn gọn của Đỗ Trong Khơi “kẻ sống hồn quê”. Tò mò, tôi tra thêm thông tin trên Google, tra đến đâu choáng váng đến đấy!

Choáng váng thứ nhất là vì Đặng Vương Hưng là một người quá nhiều sáng kiến! Anh sáng lập cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam, tổ chức Lễ hội Lục bát Việt Nam, kết nối và thực hiện hội thảo “Thơ Lục bát với Di sản văn hóa dân tộc”. Anh cũng vận động, sưu tầm, biên soạn, xuất bản “Những Lá thư và Nhật ký thời chiến”, bao gồm Tủ sách “Mãi mãi tuổi 20” với gần 100 tác phẩm trong đó nổi tiếng nhất là quyển “Mãi mãi tuổi 20” kể về anh Nguyễn Văn Thạc và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” mà ngay cả ở Mỹ tôi cũng có một bản. Ngoài ra, anh còn có ý tưởng lập tủ sách “Chuyện đời tôi”, “Những trang sách vàng Công an nhân dân”, xây dựng diễn đàn “Trái tim người lính”, đề xuất cuộc vận động “Sưu tầm và Giới thiệu Kỷ vật kháng chiến”, nêu ý tưởng xây dựng các ‘Hoa viên Văn nghệ sĩ Việt Nam”, “Nghĩa trang dành cho các văn nghệ sĩ và trí thức tài danh Việt Nam”, khởi xướng cuộc thi viết chúc thư “Gửi lại mai sau”, v.v.

Choáng thứ hai là, chỉ trong 40 năm làm việc (anh người Bắc Giang, hơn tôi 1 tuổi), anh đã có hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại đã được xuất bản. Choáng thứ ba là cũng trong 40 năm đó, anh là một người lính, đã leo đến chức đại tá với 10 năm trực thuộc Sư đoàn 347 mặt trận Lạng Sơn – Quân khu 1 và trực tiếp cầm súng bảo vệ biên giới chống lại kẻ thù phương Bắc! Nhưng choáng nhất có lẽ là mới đây một tác phẩm thơ đồ sộ của anh có tên “Lục bát mỗi ngày” (có lẽ là tác phẩm thơ đồ sộ nhất thế giới) vừa được Nhà xuất bản Văn học ấn hành, sách dày 1248 trang với tổng cộng 942 bài thơ! Ngoài bản in, Nhà xuất bản Văn học còn thiết kế thêm một bản dạng PDF để anh dành tặng miễn phí cho bạn đọc. Chính nhờ bản PDF này mà tôi được thưởng thức thơ của anh. Tôi đã bỏ hẳn cả một ngày để đọc hết 942 bài thơ và đã “mượn” ra một vài trong số các bài “đọc qua là thích” để “mở đại tiệc khoản đãi” mọi người.

**********

Trước khi “khai tiệc” với một số bài “đọc qua là thích”, tôi xin sơ lược về bố cục tác phẩm thơ đồ sộ này. Mở đầu là một lời giới thiệu của TS. Lê Đình Thắng dài 11 trang. Tiếp đến là chân dung nhà thơ chụp năm 2001, nhìn mặt có thể đoán “dễ mến, hơi đù đờ, cả quỷnh”. Sau chân dung là đến các phần thơ, gồm 3 phần chính: Phần thứ nhất có tên “Học quên để nhớ”, một phần hết sức thú vị vì ngoài 46 bài lục bát còn có kèm thêm bình luận của các bạn hữu xa gần. Theo tường thuật của TS. Lê Đình Thắng, phần này đã xuất bản lần đầu năm 2001 và được tái bản nhiều lần với tổng cộng gần 100.000 bản in! Phần thứ hai là “Lục bát mỗi ngày” với gần gần 900 bài chia làm 6 chủ đề nhỏ: “Cảm ơn cuộc đời!” với 48 bài; “Trái tim người lính”, với 126 bài; “Về quê nhặt cỏ hái rau” với 123 bài; “Bùa mê xứ người” với 263 bài; “Đàn ông đã cũ” với 172 bài; và “Chắc gì để được cho đời mấy câu?” với 172 bài. Phần cuối cùng là tập hợp 12 bài cảm nhận, đánh giá, phê bình quyển “Lục bát mỗi ngày” của một số bạn đọc.

Đọc lời giới thiệu ở đầu sách của TS. Lê Đình Thắng và 12 bài cảm nhận ở cuối sách, ta có thể thấy những nhận xét quan trọng như sau về thơ lục bát của Đặng Vương Hưng. Theo TS. Lê Đình Thắng: “Đặng Vương Hưng hầu như không né tránh đề tài nào: Buồn vui, yêu ghét, mắng chửi, thất tình, lẳng lơ, quên nhớ, ghen tuông, say rượu, ngủ mê… Trước hết là nỗi buồn và niềm vui: Nếu dùng máy tìm kiếm thống kê và so sánh sẽ thấy tuyển tập này có có những con số hết sức thú vị: 278 chữ “buồn” và 222 chữ “vui”. Thì ra thơ Đặng Vương Hưng buồn nhiều hơn vui… Lại tìm kiếm thống kê và so sánh tiếp, sẽ thấy 415 chữ “thương”, 657 chữ “yêu”… Sao Đặng Vương Hưng yêu nhiều thế và đa tình thế! Đa tình, nhưng rất may là nhà thơ đã biết điểm dừng, nên chủ yếu “yêu trong mơ” là chính: có tới 420 chữ “mơ”… đủ thứ mơ: đêm mơ, ngày mơ, nằm mơ và cả ngồi mơ…

“Cũng bởi “mơ” nhiều thế, nên mới “nhớ” nhiều… đến 604 chữ “nhớ”… Cũng vì yêu trong mơ và nhớ nhiều, nên Hưng rất hay “tưởng tượng”. Trong những bài thơ tình của mình, anh sử dụng tối đa trí tưởng tượng và hình dung ra đủ mọi cung bậc, sắc thái tình cảm của người đã yêu, đang yêu, yêu đơn phương và cả… thất tình. Vì tưởng tượng và hình dung nên trong thơ mình, Đặng Vương Hưng không khẳng định một điều gì, anh rất thích dùng hai chữ “hình như”… có tới 145 “hình như”: Hình như khế chẳng còn chua / Mía không còn ngọt, đền chùa bớt thiêng? // Hình như chưa tới tháng Giêng / Hoa xoan đã rụng, láng giềng xa nhau… // Hình như đã quá mùa cau / Mà sao cứ tiếc lá trầu không vôi? // Áp tay lên ngực mà xem / Hình như ai cũng khát thèm được yêu // Hình như thu đã già rồi / Yếm nâu hóng gió hay ngồi đợi ai? // Hình như mình cũng đáng yêu? / Đắm say mê muội định liều mấy phen…”

Riêng 12 bài cảm nhận ở cuối sách thì có những đánh giá sau: “Thơ anh là thơ của “thảo dân”, thơ của “lính”, chất dân dã nổi trội nhưng lại hàm chứa tính uyên bác và rất hiện đại… có khi ngậm ngùi suy tư sâu lắng, buồn vui bất chợt… (Lê Xuân). “Không hiểu sao, khi đọc “Lục bát mỗi ngày”, tôi cứ liên tưởng đến những nghệ nhân xẩm chợ ngày xưa… Xét về góc độ nào đó, Đặng Vương Hưng cũng là một nghệ sĩ hát rong như thế” (Trần Ninh Hồ). “Nhiều bài thơ của anh có ý nghĩa giáo dục sâu sắc với các thế hệ trẻ… Người lính cả thời chiến và thời bình… ở biên giới phía Bắc, ở Trường Sơn, ở Trường Sa, Hoàng Sa… Nhưng thơ Đặng Vương Hưng hay nhất, thấm vào lòng người nhất chính là khi anh trở về với làng quê Bắc Giang…, về cây đa, bến nước, sân đình, về những kỷ niệm tuổi thơ, viết về ông bà, về cha, về mẹ tần tảo, thương chồng thương con” (Đỗ Anh Vũ).

Còn Đồng Văn Bột thì nhận xét: “Tình yêu trong thơ Hưng là thế, vừa rụt rè vừa cháy bỏng, vừa quê mùa vừa bóng bẩy khiến cho người ta thấy choáng ngợp và… hoài nghi! Cứ như Hưng tham lam quá! Cứ như Hưng gặp ai cũng yêu! Nhưng đó mới là Hưng!.. Sống để yêu, yêu để sống… Đồng ruộng, sông nước, rơm rạ, cá tôm theo lục bát Đặng Vương Hưng để về với cuộc sống mà nhiều người đã lãng quên… Ngôn ngữ thơ của anh dung dị, nhưng tinh túy; thanh nhã mà sâu lắng… Vốn từ rất phong phú và giàu có đến ngỡ ngàng… Những bài thơ vừa lịch lãm, vừa khiêm nhường, nhưng cũng rất hào hoa, hóm hỉnh… góp phần tạo nên hình hài sắc thái cốt cách Đặng Vương Hưng… giản dị, nhưng hàm súc và chặt chẽ… nồng nàn, đằm thắm và thiết tha… cởi mở, dung dị, mang hơi thở của ngôn ngữ dân gian, đáo để mà vẫn tinh tế, táo bạo nhưng không suồng sã… vẫn nền nã và sang trọng”.

Nhà giáo Đỗ Xuân Sơn bình: “Nói về thơ lục bát của Hưng là nói về “chất dân gian” và “chất hiện đại” song hành…, nhiều bài mang tính ẩn dụ. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi Hưng có cái nhìn rất mới về những nhân vật văn học đã cũ, như Chí Phèo và Thị Nở hay Thị Mầu và mẹ Đốp, những con người lương thiện, khốn khổ, nghèo hèn, xấu xa, lẳng lơ, bị coi khinh, nhưng dưới con mắt của Hưng lại là những con người bình đẳng và cần được tôn trọng, bởi họ cũng là những con người, dù nghèo hay giầu thì cũng vẫn khát khao yêu thương, khát khao tình người… Đấy chính là tính nhân văn trong thơ của Hưng. Xin các bạn hãy đọc kỹ các bài thơ: “Chí Phèo vẫn chửi”, “Thanh minh cho Chí Phèo”, “Nói thay lời Thị Nở”, “Mầu em có mấy lời”, “Thay lời mẹ Đốp”… để thấy được cái hay của các bài thơ này”.

Đại tá, Nhà giáo Phạm Văn Việt viết: “Cảm nhận đầu tiên của tôi là thơ anh rất hiền và man mác buồn. Kể cả những bài mang đậm niềm vui hay thậm chí có vẻ “cố tình tếu táo” cũng không giấu nổi tâm trạng đó. Hưng hiền đến mức, mới nhìn sẽ không ít người bảo “cha này quê quá!” Hiền… như chính con người anh vậy. Nhà giáo Phạm Thúy Hậu, ngoài những nhận xét tương tự như các người khác về những “góc cạnh rất đời thường, từ cái “Cổng làng” quen thuộc đến “Chùa làng”, “Cơm quê”, “Tóc rối” đến hình ảnh trong thơ văn như Chí Phèo, Thị Nở, Thị Mầu, mẹ Đốp… mỗi vần thơ đều mang hơi thở của cuộc sống thường nhật, những câu thơ lóng lánh sắc màu cảm xúc, có khi mang tính triết lí sâu sắc”, cũng đồng ý với Phạm Văn Việt và nhấn mạnh: “Riêng về tình yêu lứa đôi trong thơ anh, có lẽ rất nhiều người có cảm nhận giống tôi: hay, nhẹ nhàng tình cảm”.

Nhà văn Quốc Toản (Thường trực Diễn đàn “Trái tim Người lính”) và Đại úy Hà Minh Sơn thì khen ngợi các bài thơ “trải lòng với những tâm trạng, nhân sinh quan buồn vui của… những người chiến sĩ nơi biên giới và hải đảo, những nơi khó khăn gian khổ ác liệt hy sinh nhất của thời chiến, cũng như trong thời bình chống thiên tai, dịch bệnh… hoăc các bài thơ tri ân đồng chí, đồng đội, những bà mẹ Việt Nam Anh hùng và bao người thân của liệt sĩ đã chiến đấu và anh dũng hy sinh vì Tổ quốc.” Một chi tiết đặc biệt lý thú là khi Đại úy Hà Minh Sơn tiết lộ rằng chính nhờ thơ của Hưng làm trung gian mà “một ni cô đã hoàn tục kết hôn và rất nhiều đôi đã thành vợ thành chồng, bao gồm cả “một cô thủ thư mãi tận Bạc Liêu đã đồng cảm và quyết tâm tìm về tận Thái Bình, chủ động “tỏ tình” với nhà thơ Đỗ Trọng Khơi để rồi họ đã nên vợ nên chồng, sinh 2 cậu con trai và sống hạnh phúc bên nhau đến tận hôm nay!”

Đọc 13 bài bình khá dài của các bạn từ Bắc vô Nam và qua cả Úc châu, tôi hơi ngạc nhiên. Ngạc nhiên là vì có nhiều nhận xét chẳng hạn như “uyên bác, suy tư sâu lắng, rụt rè, bóng bẩy, hoài nghi, nền nã, sang trọng, triết lý sâu sắc”, v.v. là những nhận xét tôi thấy hoàn toàn xa lạ khi đọc thơ Hưng. Có thể nào do đọc quá gấp gáp nên tôi đã lướt qua và không kịp chú ý những chi tiết này chăng? Còn những nhận xét khác, chẳng hạn như “nghệ nhân xẩm chợ ngày xưa”, “giáo dục lòng yêu nước sâu sắc với các thế hệ trẻ”, “thơ hay nhất là khi viết về quê hương Bắc Giang với đồng ruộng, sông nước, rơm rạ, cá tôm, “ngôn ngữ bình dân, giản dị, phong phú”, “một cái nhìn rất mới về Chí Phèo, Thị Nở, Thị Mầu, mẹ Đốp”, v.v. thì đúng hoặc có thể đúng, nhưng những cái đó dù đúng cũng chỉ thuộc phạm trù “râu ria”. Riêng những nhận xét về cái hồn cốt nhất trong tác phẩm thơ đồ sộ của Hưng thì chẳng thấy ai nói tới, có nói tới thì cũng diễn dịch lệch ra một hướng khác, thiếu thuyết phục, chủ quan, nặng tính quy phạm!

Chẳng hạn, căn cứ vào tần số xuất hiện như TS. Lê Đình Thắng đã làm để nói thơ của Hưng buồn nhiều hơn vui là chưa thuyết phục. Tuy có thể có nhiều chữ “buồn” nhưng hầu như chẳng mấy trong số 900 bài thơ là thật sự buồn, mà thay vào đó chỉ thấy vẻ không táo tợn thì cũng tếu táo. Lại nữa, nói rằng thơ Hưng “hiền” cũng là một diễn dịch “chủ quan, nặng tính quy phạm”, bằng chứng là chỉ có 415 chữ “thương” — một tình cảm đằm thắm nhưng nhẹ nhàng — song lại có đến 657 chữ “yêu”, là một tình cảm mãnh liệt và dữ dội, dữ dội đến độ người Việt rất ngại nói thành lời, nhất là lại “yêu” trong “mơ”… đêm mơ, ngày mơ, nằm mơ, ngồi mơ… mà khi đã “mơ”, đã “tưởng tượng” thì chẳng ai dại gì mà không mơ, không tưởng tượng cho tới bến cả, nên cái “yêu” đó lại càng “dữ dội” hơn, “tới luôn bác tài”, chứ làm sao mà “hiền”, làm sao mà “còn biết điểm dừng” như theo cách suy diễn của một đầu óc quy phạm?

Hiểu như vậy, thì tuy trong thơ của mình, Đặng Vương Hưng hay “hình như”, nhưng nếu diễn dịch ý “hình như” này theo nghĩa bề mặt như TS. Lê Đình Thắng là “không khẳng định một điều gì” thì không thỏa đáng! Một con người “hơi đù đờ, cả quỷnh” nhưng đồng thời cũng là một người “rất hành động” như Hưng (cách nói của Hemingway), đã đánh trận hăng như thế (Hemingway cũng y chang), viết văn làm thơ hăng như thế (Hemingway cũng không khác), đi đây đi đó đến “đã đời du côn” như thế (Hemingway cũng tương tự), thì trong khi “mơ yêu” không thể “không khẳng định”, không thể “hiền”, mà chỉ có thể rất “muốn khẳng định”, rất “muốn liều”, và rất “muốn tới bến” như Hemingway! Điểm khác biệt duy nhất, chủ yếu do hoàn cảnh xã hội, là ở chỗ trong khi Hemingway có thể “yêu” thật thì Đặng Vương Hưng chỉ có thể “yêu” mơ, nhưng về “cường độ yêu” thì hoàn toàn không kém, và hoàn toàn không có “hình như hình nhiếc” gì về điều đó!

Nói tóm lại, thơ chính là người. Đặng Vương Hưng là nhà thơ của dân gian nói tiếng dân gian, sống và hành động cũng đậm tính dân gian. Bởi vậy, không lạ gì khi thấy xuất sắc nhất trong đồ sộ “Lục bát mỗi ngày” của Hưng là những bài có chủ đề dân gian như đồng làng, cổng làng, giếng làng, chùa làng, sư làng, tiểu làng, và đặc biệt xuất sắc là những bài về cái “ù ơ í a” rất “dân gian” và vì thế lại đầy tính nhân văn của Phèo, Nở, Mầu, Đốp, cũng như những bài về các trai làng gái làng hẹn hò, hứa hẹn, ỡm ờ, ao ước nhau… rặt tính “dân gian” hóm hỉnh kiểu: “Tình cờ vấp cọng cỏ mềm / Ngã lăn vào chỗ dịu êm nhất đời / Cỏ xanh lặng lẽ không lời / Mà như ôm cả đất trời vào trong” (Vấp). Ngoài ra, hình bóng một “ni cô” có vẻ đẹp rù quến, bí ẩn (chẳng biết nhà thơ có liên quan gì? Nếu có thì… “ghê” thiệt!) cũng nằm trong số những bài đặc biệt xuất sắc này. Thật chẳng có gì ngạc nhiên khi nghe Hà Minh Sơn tiết lộ rằng chính “nhờ” (tôi muốn đổi thành “vì”) thơ của Hưng mà rất nhiều đôi đã thành vợ thành chồng và một ni cô đã hoàn tục!

Nói không úp mở, hồn cốt chủ đạo khiến những bài “đọc là thích” (khá nhiều), đọc là nghe rần rật cái mãnh liệt đam mê, cái hổn hển đắm đuối (không ít) trong “đồ sộ lục bát” này của Đặng Vương Hưng chính là cái mà khi giảng về Hồ Xuân Hương cho sinh viên chúng tôi cách nay hơn 40 năm ở trường Đại học Tổng hợp, GS. Nguyễn Lộc đã đặt tên là “một dục vọng lành mạnh và khỏe khoắn”. Chính cái “dục vọng lành mạnh và khỏe khoắn” rất “dân gian” này là cái đã tạo nên cái hấp dẫn bất khả cưỡng của thơ Hồ Xuân Hương ngày trước. Chính cái dục vọng này cũng đã góp phần tạo nên trường đoạn xuất sắc nhất trong các trường đoạn xuất sắc trong “Đi tìm nhân vật” cách đây mấy năm của Tạ Duy Anh: Trường đoạn về “sự bùng nổ dục tính” trong cái “đêm quê làng sâu suốt nghìn năm” (thơ Đỗ Trọng Khơi) giữa mẹ Thảo Miên và gã đào giếng! Và giờ đây, cũng chính nó, chứ không phải cái gì khác, đã tạo nên sự thú vị tột cùng ở những bài xuất sắc nhất trong “Lục bát mỗi ngày” của nhà thơ họ Đặng.

**********

Hồi nhỏ, sống ở trại Khuông Việt khu Ông Tạ, tôi có một người hàng xóm tên Đinh Khắc Thiên Chương, người Hoa Lư, Ninh Bình, chỉ thua mẹ tôi cũng người Ninh Bình ở thôn Bạch Cừ bên cạnh vài tuổi nhưng tôi quen gọi bằng “anh”. Anh Chương rất ngông và ngang bướng, bọn trẻ trong xóm diễn dịch đơn giản là “khùng”. Anh Chương rất thích nói chuyện triết học, đặc biệt là mê làm thơ, thể Lục bát và Song thất lục bát. Hơn hai mươi năm đổ lại đây, anh ẩn cư tại Đại Tùng Lâm, Bà Rịa, và đã miệt mài viết thơ ca tụng hoặc chuyển thể thơ dạng trường ca một số Kinh Phật như Kinh Kim Cang, Kinh Pháp Cú, Kinh Pháp Hoa, Kinh Hiền Ngu, KinhThủ Lăng Nghiêm, cùng nhiều bài thơ lẻ ghi lại những “cảm nhận hưng phấn riêng tư” (chữ của anh) về tam đạo Phật-Nho-Lão. Tổng cộng đến nay, theo tính toán của riêng anh, anh đã viết 50.000 câu thơ Lục bát và Song thất lục bát.

Vì ngông nên một lần anh nảy ra ý xếp hạng. Trong tuyển tập thơ “Việt Phật: Thi hóa Tư tưởng” mà anh tự xuất bản để đánh dấu “Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2019”, anh có bàn qua về dòng văn học, văn hóa Việt Nam và đã gợi ý một “Kỷ lục tạm về thơ truyền thống Lục bát và Song thất lục bát” như sau:

VỀ LƯỢNG VÀ PHẨM:

1. Nguyễn Bính: Giải nhất thơ đầu tiên ở Việt Nam do Nhất Linh phong tặng, giải nhất thơ lần hai (Giải nhất Văn học Nam Xuyên, Sài Gòn 1944) với trường thi “Cây Đàn Tỳ Bà”, dài 1460 câu và với lời cầu xin Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du: “Viết truyện thơ này chỉ mong thành người học trò nhỏ của Nguyễn Du”, in ở cuối trang bìa tập thơ.

2. Phạm Thiên Thư (nguyên Đại đức Thích Tuệ Không): Nhà văn hóa Việt Nam, lĩnh vực thơ, viết Hậu Kiều với hơn 90.000 câu thơ, giải nhất thơ Đoạn Trường Vô Thanh năm 1973 do Hội Văn Bút Sài Gòn chấm giải. Hai vị Nguyễn Bính và Phạm Thiên Thư [đã được] Làng Thơ Việt Nam xưa và nay đồng lòng gọi là “Học trò nhỏ của cụ Nguyễn Du”.

3. Đinh Khắc Thiên Chương: Học trò Bùi Giáng và Vũ Hoàng Chương, đã viết 50.000 câu thơ khá, [là] ứng viên và [được] Làng Thơ đề cử tạm thời là học trò thứ ba của cụ Nguyễn Du, chờ 20 năm nữa sẽ chính thức công nhận, 20 năm đãi lọc của thời gian (có nhiều tác phẩm từ 5.000 tới hơn 10.000 câu).

Như vậy là, theo đề nghị của Đinh Khắc Thiên Chương, thì Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du là Chưởng môn Thi phái Truyền thống, Đại thi sĩ Nguyễn Bính là Đại đệ tử của cụ, Phạm Thiên Thư là Nhị đệ tử, và Đinh Khắc Thiên Chương là ứng viên vào danh vị Tam đệ tử. Để nung nấu quyết tâm được bầu chọn làm Tam đệ tử, anh Chương tự nhắc nhở mình ở một trang khác cũng trong tuyển tập “Việt Phật: Thi hóa Tư tưởng” này bằng một khẩu hiệu in chữ hoa to và đậm: “THƠ LÀ NHẤT – ĐÀN BÀ QUÊN ĐI!”

tm-img-alt

Cứ lấy tiêu chuẩn tổng số câu lục bát đã viết để phân định ngôi thứ trong Thi phái Truyền thống do Chưởng môn Nguyễn Du sáng lập (tiêu chuẩn “có tác phẩm từ 5.000 tới hơn 10.000 câu”), tác phẩm “Lục bát mỗi ngày” của Đặng Vương Hưng mà TS. Lê Đình Thắng gọi là NHẬT KÝ BUỒN VUI NHƯ ĐỜI, với 942 bài thơ và với độ dài trung bình mỗi bài là 14 câu, thì tổng số câu Lục bát Đặng Vương Hưng đã viết là khoảng trên dưới 14.000 câu, như vậy là quá đủ tiêu chuẩn để trở thành ứng viên cho danh vị Tam đệ tử của cụ Nguyễn. Mai này, nếu có một cuộc “phổ thông đầu phiếu”, phần chắc là danh vị ấy sẽ thuộc về Đăng Vương Hưng. Lý do? Rất đơn giản và cũng rất “dân gian”: Đặng Vương Hưng đã — và có lẽ sẽ — không bao giờ “ĐÀN BÀ QUÊN ĐI” như ông anh hàng xóm ngày xưa ở Khuông Việt của tôi!

BÂY GIỜ LÀ ĐẠI TIỆC: XIN MỜI!

KHAI VỊ: HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

CUỐI THU

Bốn mươi xuân vẫn mỏi mong
Chị như lá úa giữa nong kén vàng
Tối ngày quanh quẩn xóm làng
Chị đâu hay chuyện giàu sang phố phường

Chợ xa chân đất ra đường
Chị buồn mỗi bận soi gương chải đầu
Quanh năm một sắc áo nâu
Cái quần đen lửng bạc màu bùn non

Cửa nhà vắng tiếng trẻ con
Chị như hoa dại héo hon từng ngày
Bốn mùa quen việc cấy cày
Bàn chân đen đúa, bàn tay chai sần.

Họ hàng xa, láng giềng gần
Bao người thương chị, chị cần gì đâu
Chút tình yêu thuở ban đầu
Không nguôi nỗi nhớ đêm thâu một mình

Bao chàng trai trẻ vô tình
Nào ai biết chị đẹp xinh một thời
Dửng dưng họ bỏ đi rồi
Còn trong lòng chị sắc trời cuối thu…

(1987)

BAO GIỜ LẠI ĐẾN NGÀY XƯA?

Bao giờ lại đến… ngày xưa
Ta cùng trẻ lại ngây thơ vụng về

Vô tư tôi hát em nghe
Em hồn nhiên đến say mê, dại khờ

Bao giờ lại đến… ngày xưa
Buồn đau chưa có, nắng mưa chưa từng

Em trong trắng đến vô cùng
Tôi trai tráng và trẻ trung không ngờ

Bao giờ lại đến… ngày xưa
Em xinh đẹp lắm mà chưa có chồng

Để tôi cứ ước cứ mong…
Rằng em để ý mình không mà chờ

Bao giờ lại đến… ngày xưa?

(1987)

GỬI NGƯỜI TRONG MƠ

Nếu như em chọn một người
Chắc gì may mắn mỉm cười với anh!
Dẫu là hy vọng mỏng manh
Tình yêu ấy vẫn luôn dành cho em…

Như là rượu đã say men
Như là trai gái khát thèm có nhau
Bây giờ và cả mai sau
Em luôn là mối tình đầu nơi anh…

Rút thăm? – Như thế sao đành!
Một đa tình, một chung tình… Ai đây?
Một cuồng nhiệt, một đắm say
Nửa yêu là giận, nửa ngày là đêm

Trong mơ thầm gọi tên em
Đêm xuân này chín ngọt mềm bờ môi
Nếu như phải chọn một người
Chắp tay anh sẽ lạy trời: Đừng ai!

(Xuân 1997)

TẶNG MỘT SƯ NỮ

Thất tình, em bỏ đi tu
Để chùa thêm một nhà sư trốn đời

Chỉ thương mái tóc em thôi
Dài, đen, óng mượt… Hết rồi còn đâu!

Bỗng nhiên lòng cứ nhói đau
“A di đà phật”! – Nghe câu em chào…

Bồ Tát – Người ở nơi nao?
Cứu khổ, cứu nạn đã bao kiếp người

Về đây – Xin một lần thôi
Để cho mái tóc em tôi lại dài…

(Yên Tử, 1997)

HÌNH NHƯ…

Hình như ai đã bỏ bùa
Để cho sư nữ trốn chùa theo ai?

Hạnh phúc như tiếng thở dài
Trời cao chỉ thấu một vài người thôi.

Thế là chú tiểu có đôi
Nhện giăng tơ kín cả nơi cửa chùa!

Sư ông ngày ấy bây giờ
Bỗng quên kinh kệ ngồi mơ chiều chiều…

(Hà Nội, 1999)

NỬA ĐÊM CHỢT THỨC

Nửa đêm chợt tỉnh giấc mơ
Thương nhà bên gái cập kê chưa gì

Có cô quá lứa nhỡ thì
Mỏi mòn trông đợi người đi không về…

Trai làng rời bỏ thôn quê
Lên thành phố bởi cơn mê sang giàu

Ngược xuôi buôn bán Tây, Tàu…
Nhọc lòng tìm cái không đâu suốt đời

Ra sân ngửa mặt nhìn trời
Tiếng gà giục sáng tơi bời đêm đông

Nhà ai còn gái muộn chồng
Đêm nay liệu có động lòng nhớ ai?

(Canh Thìn – 2000)

KHI EM THÊM MỘT LẦN CHỒNG

Thế là cây trúc còn xinh
Như ngày xưa ấy
Chúng mình
Mới yêu

Thế là mong nhớ bao nhiêu
Ta mang đánh đổi
Những chiều…
Ngẩn ngơ

Thế là thêm một tứ thơ
Tình tang, dang dở
Dại khờ
Hư không…

Khi em thêm một lần chồng
Ngập ngừng mây trắng
Trên đồng
Lại bay…

(5/2000)

MÓN CHÍNH 1: LỤC BÁT MỖI NGÀY

THANH MINH CHO CHÍ PHÈO

I.

Say đâu? Ai bảo hắn say!
Thêm vài chai nữa chẳng hay hấn gì!

Cuộc đời ngẫm đếch ra chi
Hắn mượn rượu để quên đi thôi mà

Ới làng nước, ới người ta
Đến mà xem hắn ngân nga chửi này:

Mẹ cha Bá Kiến chúng bay
Mẹ cha cả lũ ăn mày đứng trông

Mẹ cha Nam, Bắc, Tây, Đông…
Sao không lương thiện cho ông được nhờ!

II.

Chẳng thèm ăn vạ bao giờ
Hắn chỉ rạch mặt giả vờ đấy thôi

Sinh ra đã khốn nạn rồi
Không cha, không mẹ, không người mến thân

Giàu sang thì hắn cóc cần
Chỉ mong Thị Nở mỗi lần tới thăm

Cháo hành ngon đến muôn năm
Cho ai hạnh phúc ăn nằm với ai…

III.

Cái ngày Thị Nở có thai
Chí Phèo hớn hở gặp ai cũng chào

Hắn khoe làm bố ra sao…
Cái lò gạch cũ từ bao năm rồi

Thêm nhiều “đôi lứa xứng đôi”
Gái trai vẫn “máu” như hồi… Nam Cao

Làng quê chẳng khác là bao
Rượu bia vẫn thế ngày nào cũng say…

(Hà Nam, 5/2006)

CHÍ PHÈO VẪN CHỬI…

Đêm nằm văng vẳng bên tai
Chí Phèo vẫn đứng chửi ai đầu làng:
Mẹ cha cái tổ kiến càng!
Vừa giẫm phải đã vội vàng cắn ông
Mẹ cha đàn muỗi góa chồng!
Ngoại tình chưa chán đốt ông làm gì
Mẹ cha cái bọn cười khì!
Rạch mặt ăn vạ chẳng vì chúng đâu
Mẹ cha cái lũ trọc đầu!
Cả bọn nhiều tóc còn lâu mới bằng…

Chí Phèo càng chửi càng hăng
Thị Nở mắng gã là thằng dở hơi
Dại gì bỏ phí cuộc chơi
Chửi vài đêm nữa để đời lên men
Chửi cho lạ cũng thành quen
Xấu cũng thành đẹp đốt đèn tìm nhau…

(Nam Định, 15/7/2006)

NÓI THAY LỜI THỊ NỞ

Dở hơi, đành dở hơi rồi
Em mà sắc sảo ối người biết tay!
Xấu như ma quỷ thế này
Mà còn lắm gã giả say gạ mình

Đàn ông là lũ đa tình
Em mà tốc váy… đổ đình, xiêu đê…
Cái đêm giăng sáng em thề:
Đời này, kiếp khác… vẫn mê Chí Phèo!

Dù nhà anh ấy có nghèo
Dù không cha mẹ, vẫn theo nhau về
Đừng khinh em chỉ nhà quê
Em mà lên phố… “tổ nghề” cũng kinh!

“Cái lò gạch cũ” làng mình
Xem ra lắm chuyện tày đình làm sao!
Thắp hương lạy cụ Nam Cao
Cho em xinh đẹp như bao bạn bè…

Tháng 7/2006

PHỐ NHÀ QUÊ

Một nhà chồng chạy xe ôm
Vợ ngồi đầu ngõ sớm hôm ghi “đề”

Một nhà mở quán cho thuê
Những sách báo cũ mua về tính cân

Một nhà chứa trọ bình dân
Toàn người túng thiếu nợ nần đẩu đâu

Một nhà buôn bán rất giàu
Vợ đi bồ bịch đánh nhau cả ngày

Một nhà chồng uống rượu say
Nửa đêm còn chửi bới “mày” với “tao”…

Gặp nhau… hàng xóm vẫn chào
Vờ như chẳng có chuyện nào xảy ra

Ngày vui hớn hở sang nhà
Nói cười chúc tụng cứ là… như không.

(Hà Nội, 9/8/2008)

TÔI VÀ EM

Tôi chưa trọn kiếp đàn ông
Còn em là gái chưa chồng
Mới yêu…

Tôi giờ như đã sang chiều
Còn em vừa sáng
Rất nhiều mộng mơ

Tôi thì như sóng xô bờ
Em như bãi cát
Đợi chờ triều lên…

Bao giờ mất ngủ một đêm
Ta mang trăng đổi…
Chăn mềm
Tặng nhau…

(Hà Nội, 2009)

tm-img-alt

MÓN CHÍNH 2: TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH

NGÀY XƯA

Ngày xưa trốn học chơi cùng
Trưa hè mấy đứa tắm chung ao làng
Chuồn chuồn cắn rốn hét vang
Thầy cô nhìn thấy vội vàng chạy mau

Ngày xưa cắt cỏ chăn trâu
Nhà nghèo mỗi chiếc áo nâu mặc hoài
Ra đồng bới sắn, nướng khoai
Lẻn vườn trộm quả chỉ hai đứa mình…

Ngày xưa chẳng biết em xinh
Còn tôi thật ngố đi rình tặng hoa
Bao lần dối mẹ dối cha
Bây giờ em của người ta mất rồi…

Ngày xưa ấy, ngày xưa ơi!
Có ai về lại rủ tôi đi cùng…

(Hà Nội, 2016)

SỰ TÍCH AO GẠ TÌNH

Suốt đêm đặt đó, đơm lờ
Chỉ tìm thấy ả cá cờ còn son
Làng xin đổi mớ rô ron
Các thêm giỏ ốc, mấy con cua đồng…

Thuê em cá diếc ế chồng
Cá chuối muộn vợ về trông ao làng
Những đêm giăng gió hở hang
Tha hồ kiếm cớ lẻn sang gạ tình…

Tới khi bụng chửa to phình
La làng ăn vạ rằng mình bị… hâm!
Cá chuối tức quá hóa câm
Bỏ làng biệt tích mãi đầm làng bên…

Ao làng từ đó mang tên
Gạ Tình trai gái mà quên hẹn hò
Chửa hoang chẳng phải chuyện to
Không con không cháu đáng lo hơn nhiều.

Ao làng nói hộ bao điều…

(Hà Nội, 2016)

LỜI MẸ ĐỐP

Sắp đến ngày hội làng ta
Nhà cháu đánh tiếng gọi là lời rao

Mõ kêu năm nảo năm nao
Chửi cha bới mẹ kẻ nào ngáng chân!

Kể từ Lý trưởng, Trương tuần
Các cụ Tiên chỉ cũng cần như nhau

Ai ngồi trên, dưới, trước, sau…
Nhà cháu rải chiếu… gật đầu là xong

Chỉ lo mấy gã đàn ông!
Mới vài chén rượu đã không biết gì

Rủ nhau đánh chén tì tì
Chưa tốc váy đã ngủ khì còn đâu!

Gặp vua thì cháu cũng tâu
Chiềng làng, chiềng chạ… còn lâu mới bằng

Đông – Tây thiên hạ bảo rằng
Nhà cháu làm việc nhì nhằng mà vui…

Nam – Bắc thì cũng thế thôi
Nếu vắng nhà cháu đứng ngồi loạn ngay

Hội làng mình mở tới đây
Chiềng làng, chiềng chạ hẹn ngày ới a…

(Hà Nội, 2016)

THÔN NỮ PHỐ

Những cô thôn nữ thời nay
Không còn đồng ruộng cấy cày như xưa
Răng đen, đội nắng dầm mưa
Áo nâu nón lá… chỉ vừa dễ thương…

Bây giờ xã đã thành phường
Xóm thôn đánh số tên đường làm sang
Bây giờ phố đã thay làng
Người ta bán đất vội vàng ăn chơi…

Những cô thôn nữ phố tôi
“Ai phôn” tạo dáng hay cười làm duyên
Phấn son nhan sắc được quyền
Dự thi hoa hậu khắp miền mà vui

Tây – Tàu du lịch khắp nơi
Những cô thôn nữ phố tôi cũng tài
Về quê váy ngắn chân dài
Guốc cao nhún nhảy con trai chết thèm…

(Hà Nội, 2016)

ĐÊM TÌNH NHÂN

Chiều chưa tắt nắng đã mưa
Nước chưa kịp cạn đã thừa lũ dâng…

Nửa đêm ai gọi ai vâng
Giật mình lồ lộ cả vầng trăng non

Tắt đèn méo cũng hóa tròn
Dùng tới trọn kiếp chẳng mòn được đâu!

Làm sao biết hết nông sâu?
Cái nơi thăm thẳm bắt đầu từ ai

Làm sao biết hết ngắn dài?
Cái nơi sung sướng một vài người thôi

Trời cho hưởng thế lãi rồi
Ai còn tiếc nuối một thời thanh xuân

Đêm nay là của tình nhân…

(Hà Nội, 2016)

MÀU TRANH QUÊ

Lúa xanh mơ hạt thóc vàng
Mạ non mới cấy mơ chàng nông phu

Rạ rơm rải khắp đêm thu
Nghe trong câu hát lời ru ngày mùa

Mấy cô thôn nữ hay đùa
Lá đa rụng khắp sân chùa không hay

Đồng xa trắng cánh cò bay
Ruộng gần hối hả trâu cày sớm trưa

Trời cao trong nắng có mưa
Bão giông lũ lụt gánh vừa hai vai

Lưng ong khoe mái tóc dài
Em đi ngơ ngẩn mắt ai thòm thèm…

(Hà Nội, 2016)

NHỮNG SỢI RƠM VÀNG

Bao nhiêu là sợi rơm vàng
Ngả trên bờ ruộng mùa màng vừa xong
Có người lặng lẽ đứng trông
Nhặt lên buông xuống mà không nói gì

Hương đồng theo gió bay đi
Qua mùa gặt hái biết khi nào về
Rơm vàng rải khắp lối quê
Níu bàn chân bước bùa mê vẫn còn

Rơm vàng từ lúc trăng tròn
Tới đêm trăng khuyết hao mòn mùa xưa
Qua bao ngày nắng đêm mưa
Rơm vàng còn mãi như vừa mới đây…

Đốt đồng khói hóa thành mây
Rơm vàng cháy hết cho đầy tuổi thơ…
Cô em năm ấy bây giờ
Có còn xõa tóc bên bờ rào không?

(Bắc Giang, 2016)

BÀ TÔI HAY CƯỜI

Bà tôi xưa rất hay cười
Răng đen môi đỏ của người nhà quê
Giọng miền Quan họ thật mê
Bà tôi đã hát quên về mà say

Quả cau tươi miếng trầu cay
Chuyện xưa bà kể vơi đầy gần xa
Những đêm trăng sáng hiên nhà
Võng đay mắc sẵn đợi bà ngồi chơi

Còng lưng tới tận cuối đời
Một cây gậy chống chẳng rời bước chân
Đường xa bà bảo cũng gần
Mỗi năm chỉ một đôi lần về thăm

Võng đay giờ trống chỗ nằm
Bà tôi lặng lẽ âm thầm theo ông
Nén hương thơm với tổ tông
Nhớ bà lúa chín đầy đồng mà thương…

(Bắc Giang, 2016)

NGƯỜI XƯA

“Thế là em đã lấy chồng
Làng ta khuyết một bóng hồng từ nay…”

Lâu rồi tay chẳng cầm tay
Xa nhau từ bến đò này nhớ không?

Cái ngày em mới qua sông
Chỉ còn gió lạnh mùa đông quay về…

Triền đê trống vắng bốn bề
Tôi đi tìm lại lời thề bỏ quên…

Bên bồi bên lở gọi tên
Ao hồ đã cạn hoa sen đã già

Người xưa hình bóng đã xa
Tình như giọt nắng đi qua trời chiều…

(Bắc Giang, 2016)

MÓN CHÍNH 3: VỀ QUÊ NHẶT CỎ HÁI RAU

ĐI CHỢ BẮC HÀ

Rượu ngô uống ở Bắc Hà
Chéo tay vài chén ngật ngà đã say
Có thèm thắng cố mời ngay
Có mê thổ cẩm đến đây xem cùng!

Người đâu xinh đẹp lạ lùng
Cho ta xuống ngựa đi chung qua đèo
Váy xòe hoa nở quên nghèo
Mượn đồng bạc trắng mà theo nhau về…

Đêm nay nếu lạc rừng mê
Tìm người xưa ấy đừng chê mình già
Nguyên sơ tìm cái thật thà
Trinh nguyên tìm cái người ta vẫn chiều…

Chợ tình chẳng bán mua yêu
Bao đời trai gái cứ liều có nhau
Chậm chân ai lỡ đến sau
Lào Cai còn mãi sắc màu hoa ban…

(Lào Cai, 2017)

LẲNG LƠ

Kệ ai ngại cái lẳng lơ
Qua bao mưa nắng bây giờ vẫn xinh…

Lẳng lơ liếc mắt đưa tình
Cây đa cũng đổ cột đình cũng xiêu

Chân dài váy ngắn bao nhiêu
Trai làng mê muội từ chiều qua đêm…

Đàn bà cứ lẳng lơ thêm
Đàn ông nghiêng ngả chết thèm hết thôi!

Lẳng lơ em, lẳng lơ tôi
Cho người xa lạ thành đôi vội vàng

Lẳng lơ xông đất cổng làng
Bao nhiêu là gái chửa hoang lên chùa

Mô Phật! Sư chẳng bỏ bùa
Thiện tai! Hàng xóm được mùa trầu cau

Lẳng lơ trước, lẳng lơ sau…
Góa bụa cũng bớt nỗi đau giời đày

Lẳng lơ đêm, lẳng lơ ngày…
Thày chùa rồi cũng đắm say thất tình

Lẳng lơ ai tự biết mình?
Như cây sắp đổ như đình sắp xiêu…

(Hà Nội, 2017)

HỒI XUÂN

Giữa hè đêm thở phập phồng
Có người thiếu phụ nhớ chồng hồi xuân

Mơn man trăng sáng đầy sân
Tiếng chim cuốc gọi xa gần tìm nhau

Giữa hè ngan ngát hoa cau
Gạo xay đợi giã, giàn trầu đợi mơ

Giếng khơi chẳng cạn bao giờ
Dội cho thỏa thích hết ngơ ngẩn lòng

Đêm quê nghiêng mái nhà cong
Võng đay keo kẹt bưởi bòng đẩy đưa

Lạy trời đừng gió đừng mưa
Để cho chăn chiếu mãi vừa một đôi

Giữa hè trong giấc mơ thôi
Hồi xuân ai biết xa xôi vọng về…

(Hà Nội, 2017)

CỔNG LÀNG

Mỗi lần đi qua cổng làng
Bâng khuâng lại nhớ những hàng rào thưa
Thương con chó đá đợi mưa
Thương ông lão vác cày bừa còng lưng…

Cỏ hoang cây dại nhớ rừng
Ai hay thành quách đã từng nguy nga
Dù đi trăm ngả gần xa
Trẻ già, trai gái đều qua cổng làng…

Mặc cho mưa trắng nắng chang
Cổng làng vẫn đứng hiên ngang giữa đời
Chứng kiến bao nhiêu lớp người
Lớn lên từ thuở nằm nôi đến già…

Ngàn năm bão táp phong ba
Vẫn còn nguyên vẹn mái nhà rêu phong
Đi xa về thấy ấm lòng
Tuổi thơ còn mãi phía trong cổng làng…

(Bắc Giang, 2017)

CHẮC GÌ ĐÃ CÓ KIẾP SAU!

Kiếp này chẳng nhận ra nhau
Chắc gì đã có kiếp sau mà chờ!
Đã yêu ai cấm mộng mơ
Đã thương cứ nói đừng vờ như không

Lên đò thì hãy qua sông
Bén duyên thì cứ phải lòng cho mau
Chắc gì đã có kiếp sau!
Đêm nay mình được bên nhau là mừng

Cuộc vui có thể giữa chừng
Nếu không đến đích cũng đừng vội xa
Chắc gì kiếp trước hai ta
Còn duyên gặp lại như là trong mơ

Xin đừng im lặng thờ ơ
Hãy yêu luôn nhé đừng chờ đợi lâu
Chắc gì đã có kiếp sau!

(Hà Nội, 2017)

MẦU EM CÓ MẤY LỜI

Đừng tưởng em chỉ đa tình
Suốt ngày kiếm cớ đi “rình của chua”!

Cái hôm em quyết lên chùa
Là vì em bị bỏ bùa trong mơ

Những ai thích cái lẳng lơ
Mầu em biết hết, giả vờ tán chơi

Còn ai muốn cái dở hơi
Mầu em cũng sẽ xin mời biếu không…

Thật ra em muốn lấy chồng
Nhưng mà ai sẽ bằng lòng cưới đây?

Đàn ông là lũ giời đày
Chỉ toàn háo sắc có ngày oan gia!

Đã sinh ra phận đàn bà
Dại trai mang tiếng như là em thôi

Cho nên mặc kệ người đời
Em mà đã thích có trời mà ngăn!

Cứ hỏi con rận trong chăn
Bà con sẽ biết ai cần đàn ông

Còn hơn ối chị có chồng
Thích mà cứ bảo rằng không thích gì!

(Hà Nội, 2017)

GIẾNG LÀNG

Đầu làng có chiếc giếng khơi
Bốn mùa trong mát cứ vơi lại đầy

Quanh năm đồng ruộng cấy cày
Nắng mưa in dấu những ngày ấu thơ

Chăn trâu cắt cỏ be bờ
Nô đùa tắm giặt chẳng ngờ em xinh

Cái đêm trăng sáng sân đình
Hồn nhiên bè bạn ghép mình thành đôi

Giếng làng là giếng làng ơi!
Cho ta nhớ lại một thời chưa xa

Tuổi thơ trông nụ trồng hoa
Mẹ đi chợ sớm đợi quà em sang…

Tôi trai cường tráng nhất làng
Em thành thiếu nữ dịu dàng rửa chân

Chạm đôi mắt biếc trong ngần
Chạm lòng xao xuyến mấy lần ướt mi…

Ngày tôi chinh chiến ra đi
Đêm em chờ đợi hẹn khi đón về

Cuộc đời như những cơn mê
Gói vào kỷ niệm lời thề lạc nhau

Người xưa giờ ở nơi đâu?
Ai còn gồng gánh dắt trâu đi cày?

Rong rêu mưa nắng đêm ngày
Giếng làng mình vẫn vơi đầy tháng năm…

(Hà Nội, 2017)

BẤT NGỜ…

Bất ngờ mưa ướt áo em
Tấm thân lồ lộ ai đem bắt đền

Bất ngờ da thịt rung lên
Bờ cong mời gọi mà quên đường về

Bất ngờ hổn hển cận kề
Nụ hôn cuồng nhiệt đam mê rã rời

Bất ngờ tàn một cuộc chơi
Tình như lá rụng về nơi cuối chiều

Bất ngờ run rấy thương yêu
Trăng đêm ướt cả cánh diều mùa thu

Vào chùa mà chẳng đi tu
Bất ngờ năn nỉ thày u lấy chồng…

(Hà Nội, 2017)

“TƯỢNG ĐẤT”

Nếu trời cho lại được yêu
Thì “tượng đất” có dám liều hay không?
Cái đêm mưa gió mùa đông
Bỗng nhiên mình được vợ chồng với nhau…

Bỗng nhiên trầu đã có cau
Tiếng gà gáy muộn làm đau cả làng
Cho nên chuyện tỉnh tình tang
Nếu vua chúa biết cũng càng đam mê

Huống hồ mình chỉ nhà quê
Dù là “tượng đất” chỉ mê cày bừa
Cái đêm trời lạnh gió mưa
Cùng trong chăn ấm mà chưa dám liều…

Nếu trời cho lại được yêu?

(Đà Lạt, 2017)

MÓN CHÍNH 4: BÙA MÊ XỨ NGƯỜI

TỪ KHI NÀNG LẤY CHỒNG XA

Từ khi nàng lấy chồng xa
Hình như ngày bỗng dài ra mấy lần?

Sáng không nghe tiếng bước chân
Chiều về lẻ bóng khuyết dần hoàng hôn

Đêm ai mơ giấc cô đơn
Tiếng gà gáy có lâu hơn quê nhà?

Từ khi nàng lấy chồng xa
Niêu cơm mau nguội, quả cà chóng thâm

Canh cua cứ thiếu sấu dầm
Muối vừng giã nát vẫn nhầm ớt cay

Chum tương múc mãi còn đầy
Muốn ăn bánh đúc lại bày bánh đa…

Từ khi nàng lấy chồng xa…

(Hà Nội, 2018)

THƯƠNG LẠI

Không chờ đợi, chẳng buồn vui
Thờ ơ mọi chuyện hên xui quanh mình…

Ta dửng dưng đến vô tình
Làm em quên cả dáng hình ngày qua…

Trẻ đẹp thì của người ta
Em còn giữ cái thật thà nữa không?

Kệ ai chán vợ, chê chồng
Mình về thương lại cánh đồng ngày xưa…

Cái thời nhiều nắng lắm mưa
Ta còn ngố lắm, em vừa biết yêu

Cái thời chờ đợi cả chiều
Gặp nhau cũng chẳng dám liều một đêm…

(Bắc Giang, 2018)

ĐÊM QUA MƠ…

Đêm qua mơ được gặp nhau
Thấy người yêu cũ đến sau cuộc tình

Thấy ta bỗng tự thương mình
Đời nhiều giông tố phải bình tĩnh thôi…

Đêm qua mơ giấc mồ côi
Thấy bao kỉ niệm xa xôi tràn về…

Nụ hôn dù đã cận kề
Mà lòng lạnh nguội bộn bề nhớ quên

Đêm qua mơ giấc không tên
Thấy người trong mộng bắt đền tình xưa…

(Kon Tum, 2018)

ĐÊM CHÍ PHÈO

Rượu say đâu chỉ riêng ta
Cái đêm bí tỉ bỏ nhà đi hoang
Bước cao bước thấp lang thang
Lạc vào vườn chuối gặp nàng dở hơi…

Bỗng nhiên thèm một cuộc chơi
Chí Phèo – Thị Nở cho đời đắm say
Méo tròn đếch sợ rủi may
Ngắn dài đếch sợ làng này dèm pha

Ối giời ơi, bớ người ta!
Dẫu hư hỏng nữa vẫn là… thảo dân
Đã thích dù có bao lần
Đã say thì cóc sợ quần áo đâu

Kệ trăng cứ sáng trên đầu
Kệ vườn chuối ướt một màu tình tang
Dòng sông như đã dát vàng
Đêm nay trời đất mơ màng cùng yêu…

(Hà Nam, 2018)

TRỜI CHO

Trời cho em rất đàn bà
Còn anh may mắn được là đàn ông
Bởi em môi thắm má hồng
Để anh tưởng tượng vợ chồng trong mơ…

Trời cho anh được làm thơ
Tháng ngày quen với mộng mơ một mình
Kiếp đàn ông trót đa tình
Để em ghen đến xiêu đình đổ cây…

Trời cho mình gặp nhau đây
Vô duyên thì cũng đã đầy buồn vui
Vẫn còn hồi hộp hên xui
Nửa đời biết tránh biết lùi kênh kiêu

Trời cho mình thế cũng nhiều
Dại gì bất chấp mà liều lĩnh thêm
Hẹn ngày thao thức trọn đêm
Sáng trăng rải chiếu bên thềm có nhau…

(Hà Nội, 2018)

NÓI NHỎ VỚI THỊ MẦU

Em lả lơi nữa làm gì
Đàn ông sẽ chết hết vì đốn tim
Táo đâu còn rụng mà tìm
Sân chùa ngày ấy cũng im ắng rồi

Thị Kính thì đã có đôi
Cả đến mẹ Đốp cũng thôi mõ làng
Dại gì chịu cảnh nhỡ nhàng
Thích thì Mầu cứ chửa hoang… kệ đời!

Thị phi điều tiếng lắm lời
Mặc cho thiên hạ đất trời ngả nghiêng
Đình chùa là chỗ linh thiêng
Đừng làm chuyện ấy như riêng nhà mình

Em là Bà Chúa Đa Tình
Trai làng kiếm cớ đi rình gái quê
Thôi em đừng bỏ bùa mê
Lẳng lơ cũng cứ theo về với nhau…

(Hà Nội, 2018)

TIẾC GÌ

Tiếc gì không gọi một lời
Cho người đang ở cuối trời rất xa

Tiếc gì em chẳng gửi ta
Đôi dòng tin nhắn như là nhớ nhau

Thôi đừng đợi đến ngày sau
Tiếc gì sợi tóc nát nhàu tương tư

Mùa yêu còn có thực hư
Tiếc gì mách bảo vọng từ trái tim

Trót thương đừng mãi lặng im
Tiếc gì chẳng đến mà tìm thấy nhau!

(Hà Nội, 2018)

CẢI NGỒNG

Ta về thăm lại bến sông
Bất ngờ lạc bãi cải ngồng năm xưa…

Nắng vàng giữa độ ban trưa
Thấy con bướm trắng cũng vừa thành đôi

Tìm trong ký ức đang trôi
Nhớ bao kỉ niệm từ hồi đã xa

Vẫn còn như mới hôm qua
Cải ngồng năm ấy đã già nắng mưa

Thôi đừng nhắc chuyện ngày xưa
Thời ta hò hẹn còn chưa vợ chồng

Bây giờ giữa bãi cải ngồng
Hoa thì vẫn nở người không thấy về…

(Hà Nội, 2018)

MÓN CHÍNH 5: ĐÀN ÔNG ĐÃ CŨ

THỊ MẦU LÍ SỰ

Có chồng thỏa mãn ước mơ
Không chồng em mới lẳng lơ với đời
Của em tự lấy ra chơi
Cớ sao thiên hạ thừa lời thị phi?

Chính chuyên là cái chi chi?
Khát thì phải uống đói thì phải ăn!
Như đêm đông phải đắp chăn
Đừng chịu đói rét mà nhăn nhó đùa

Ngoài kia ối chị phải bùa
Mõ làng mẹ Đốp cứ khua đi nào…
Chửa hoang thì đã làm sao!
Làng trên xóm dưới ai nào dám phơi?

Cụ câm cụ điếc muốn xơi
Hôm nào em sẽ chỉ nơi cho tìm
Cùng thuyền đừng dại ngồi im
Lòng sung lòng vả cũng chìm như nhau…

Thời nay ngàn ả Thị Mầu
Không tin cứ thử bắt đầu lẳng lơ…

(Hà Nội, 2019)

THAY LỜI THỊ KÍNH…

Mang thân gửi chốn cửa thiền
Chỉ mong mình được an nhiên nương nhờ

Giả trai lòng dạ ngẩn ngơ
Ngờ đâu lại gặp lẳng lơ Thị Mầu…

Cuộc đời chưa hết buồn đau
Chôn vùi nỗi khổ đời sau thương mình

Hồn nhiên em tưởng trai xinh
Mầu ơi, chị đã mắc tình trái oan!

Lẳng lơ dân cũng như quan
Mà sao thiên hạ chỉ toàn đứng xem?

Là trai chị cũng thích em
Làm người ai chẳng khát thèm như nhau!

Mầu ơi, em chẳng hiểu đâu
Nếu mà yêu được còn lâu mới già!

Em về thưa với mẹ cha
Sinh con đẻ cái để mà bế bông…

Chị dù còn kiếp má hồng
Duyên phận đã hết vợ chồng làm chi!

Nguyện buông xả để từ bi
Đêm ngày niệm Phật cũng vì chúng sinh

Thế gian đau khổ vì tình
Nỗi oan chị phải tự mình vượt qua

Suốt đời chỉ quét lá đa
Chết rồi mới hóa Phật Bà Quan Âm…

(Hà Nội, 2019)

CUỐI NĂM LÊN CHÙA

Cuối năm thơ thẩn lên chùa
Bỗng gặp “chú tiểu” nửa mùa tụng kinh
Trốn đời chỉ bởi thất tình
Chẳng thèm quét lá đi rình người ta

Không còn múa hát í a
Kênh kiêu một chút như là làm duyên
Người đâu xinh đẹp như tiên
Mà say nắng cả cửa thiền sáng nay

A di đà Phật có hay?
Chùa làng ta cũng đắm say bao người
Không yêu dở khóc dở cười
Yêu rồi bỗng thấy bằng mười cô đơn…

Cuối năm tâm tịnh trống trơn
Thỉnh chuông gõ mõ dỗi hờn tóc xanh
Ra về lòng cứ mong manh
Tu bao kiếp nữa mới thành Phật đây?

(Bắc Giang, 2019)

ĐÊM QUA NGỦ VỚI HẠ LONG

Đêm qua ngủ với Hạ Long
Thấy người yêu biển từ trong tim mình

Trong mơ hổn hển cuộc tình
Trăng sao mắc cỡ rung rinh cả dòng

Đêm qua ngủ với Hạ Long
Thấy gần nhau lắm mà không nói gì

Gửi theo sóng gió mang đi
Những khi buồn chán những khi xao lòng

Đêm qua ngủ với Hạ Long
Mà chẳng ai đợi ai mong mình về

Biển dường như bỏ bùa mê
Đắm say quấn quít cận kề không buông…

(Quảng Ninh, 2019)

HOA ĐÀO NĂM CŨ

Cành đào đón Tết đã qua
“Hóa vàng” xong vẫn đậm đà sắc hương
Bỏ đi lòng cứ vấn vương
Màu hoa năm ngoái má hường chưa phai…

Đã giao thừa đón sớm mai
Đã cùng thao thức đêm dài bên hoa
Năm cũ thì đã dần xa
Sao còn lưu luyến màu hoa ngày nào?

Nâng niu kỷ niệm ngọt ngào
Đêm xuân hoa đã lạc vào giấc mơ
Hoa cũ buồn chẳng thành thơ
Người chơi hoa chán hững hờ bỏ đi

Góc đường sắc vẫn dậy thì
Mà hương đã nhạt còn gì là xuân?

(Hà Nội, 2019)

TÌNH MƠ…

Biết em từ thuở Thị Mầu
Hội làng chưa mở tìm đâu bây giờ?
Hẹn nhau gặp ở trong mơ
Liệu mình đã hết dại khờ hay chưa?

Xuân này có giống xuân xưa
Vẫn ôm gối chiếc, vẫn chưa có chồng?
Đêm chờ hơi ấm đàn ông
Lạnh giường lạnh gối từ trong ra ngoài…

Ngày mơ thấy tiếng con trai
Thì thào trong gió tưởng ai gọi mình
Thừa khao khát thiếu tang tình
Bao nhiêu hò hẹn vẫn hình như quên

Nằm mơ có kẻ ở bên…
Tỉnh giấc không thấy bắt đền ai đây?
Bụi mưa xuân vẫn giăng đầy
Tình mơ là chuyện gió mây ngàn đời…

(Hà Nội, 2019)

GÁI LÀNG TA

Xinh nhất là gái làng mình
Nước da thì trắng dáng hình thì thon

Chồng con vẫn tưởng còn son
Ra đường đứng ngắm cho mòn mắt ai…

Làng mình chẳng thiếu gì trai
Không đẹp nhất huyện cũng tài kém đâu

Ngày xưa cắt cỏ chăn trâu
Vợ chồng sống chết đôi câu hẹn thề…

Bây giờ phố lắm bùa mê
Gái xinh ra phố bỏ quê quên làng

Dòng sông thì vẫn mênh mang
Cây đa bến nước đò ngang vẫn chờ…

Gái làng còn lắm mộng mơ
Khổ thân cho đám trai tơ làng mình!

(Bắc Giang, 2019)

CHỖ ẤY…

Rủ nhau ra chỗ ấy chơi
Chỗ ấy chả biết đường nơi nào về

Đồng không mông quạnh bốn bề
Bám vào đống gạch mà thề với nhau

Làng ơi đã nát luống rau
Đã trụi đám cỏ đã nhàu đống rơm

Chỗ ấy như giỏ với nơm
Như cua với cá sao đơm cho đầy

Chỗ ấy như cuốc với cày
Bao đêm chưa hết bao ngày chưa vơi

Chỗ ấy là chỗ ấy ơi!…

(Hà Nội, 2019)

MÒ CUA BẮT ỐC…

Có cô bắt ốc ao làng
Bỗng nhiên mó phải cua càng cắp đau
Qua đêm đến sáng ngày sau
Trong mơ khúc khích bảo nhau tắt đèn

Có cô úp cá đầm sen
Cá tôm chẳng thấy chỉ quen ngắm mình
Gai cào đỉa bám vô tình
Hét vang chạy tới sân đình cậy ai

Có cô lội nước nhớ giai
Giật mình cá chuối bơi ngoài hồ ao
Sáng trăng đêm nảo đêm nao
Phí hoài yếm thắm má đào còn nguyên…

Có cô mơ gặp thần tiên
Cư như là Tấm ngoan hiền lắm thôi
Tiếc là Cám đã lên ngôi
Ông Bụt hết phép thì ngồi làm chi

Một thời còn gái có thì
Quay đầu ngoảnh lại còn gì cho nhau?

(Hà Nội, 2019)

QUÁ THÌ

Quá thì cải đã trổ hoa
Em thành thiếu phụ ta già thành ông

Giá như chưa vợ chưa chồng
Giá như giữa đám cải ngồng còn xuân?

Quá thì chầm chậm bước chân
Thời gian ẩn hiện xa gần đâu đây

Nhìn trời đã bạc màu mây
Nhìn nhau đã cũ thu đầy lá rơi…

Nhớ xưa em bảo sang chơi
Giá như ta dám ngỏ lời một câu?

Nắng chiều đã chẳng nhạt màu
Thôi đành lỗi hẹn chờ nhau quá thì…

(Bắc Giang, 2019)

CHÚ CUỘI

Hình như chú Cuội đã già
Dắt trâu về lại gốc đa đi tìm

Cuối thu cổ thụ lặng im
Lá vàng đang rụng tiếng chim thưa dần…

Hình như mòn mỏi bước chân
Cha gầy mẹ héo mấy lần mồ côi

Thời gian cứ thế dần trôi
Trăng không còn sáng như hồi trẻ thơ

Hình như chỉ có trong mơ
Thần tiên cổ tích bây giờ ở đâu?

Qua thời cắt cỏ chăn trâu
Chỉ là dĩ vãng từ lâu hiện về

Bỗng thương chú Cuội nhà quê
Thương đồng lúa chín bộn bề rạ rơm…

(Bắc Giang, 2019)

TRỞ LẠI NGÀY XƯA

Sao không trở lại ngày xưa?
Anh còn trẻ lắm em vừa biết yêu
Đời chưa thử thách bao nhiêu
Nhìn đâu cũng thấy rất nhiều mộng mơ

Sao không trở lại ngày xưa?
Tóc còn chưa bạc đời chưa đau buồn
Người chưa đổi chác bán buôn
Sông chưa cạn chảy ngọn nguồn nắng mưa…

Sao không trở lại ngày xưa?
Ta về quê cũ cày bừa giăng câu
Bao nhiêu ruộng cạn đồng sâu
Qua mùa gặt hái rủ nhau lên chùa…

Sao không trở lại ngày xưa?
Tha hồ ngày nắng đêm mưa kệ trời
Hồn nhiên đồng ruộng xanh tươi
Nhảy dây, đánh đáo… nụ cười còn nguyên…

Hà Nội, 22/9/2019

LẠI VỀ

Lại về nướng sắn luộc khoai
Cởi trần thỏa thích tắm ngoài bãi sông

Lại về với ruộng với đồng
Với cày với cuốc mà không xa rời

Lại về nón lá áo tơi
Tha hồ mưa nắng giữa nơi xóm làng

Thèm mùi rơm rạ mùa màng
Thèm xem giã gạo giần sàng đêm thu

Lại về nghe lại lời ru
Của bà của mẹ cho dù đã xưa…

(Bắc Giang, 2019)

CHỢ LÀNG

Chỉ là mớ tép, rổ rau
Mà còn mua chịu thương nhau suốt đời

Làng nghèo họp chợ như chơi
Người đi tứ xứ nhớ nơi tìm về

Chợ làng toàn thứ nhà quê
Kẻ mua người bán chẳng chê giàu nghèo

Buồn vui gì cũng mang theo
Chân bùn tay lấm trong veo tiếng cười

Chợ làng mua ít bán tươi
Thật thà, trung thực hơn mười phố đông

Nhớ quê ngược gió cánh đồng
Nhớ làng tay bế tay bồng thương ai…

(Bắc Giang, 2019)

RỬA CHÂN

Xin em hãy rửa cho nhanh
Kẻo chim nó đậu trên cành cây cao

Kẻo bầy bướm lượn bờ ao
Phải lòng chúng muốn bay vào bay ra…

Chân em trắng ngọc trắng ngà
Mắt em lúng liếng như là liếc giai

Váy em đừng ngắn đừng dài
Cả làng chết mệt chỉ vài anh thôi

Lạy giời em đừng nhìn tôi
Ai xui gặp gỡ đứng ngồi bờ ao

Kể từ năm nảo năm nao
Mời nhau chẳng dám bước vào rửa chân…

(Bắc Giang, 2019)

TRÁNG MIỆNG: ƯỚC GÌ ĐỂ ĐƯỢC CHO ĐỜI MẤY CÂU

“Ứ HỰ”

Tom chát “ứ hự”… lâu rồi
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết… một thời đã qua
Này em xinh đẹp như hoa
Cho ai được ngắm, cho ta đợi chờ

Chát tom “ứ hự”… bây giờ
Muốn yêu đừng có giả vờ như không
Đừng cô đơn mãi đêm đông
Muốn thì cứ thử… vợ chồng với nhau!

Người ơi “ứ hự”… mai sau
Tom tom chát chát nát nhàu nắng mưa
Hồng Hồng, Tuyết Tuyết ngày xưa
Bao năm vẫn thấy như vừa hôm qua

Thôi đừng “ứ hự”… người ta
Cho dù đào – kép cũng là cuộc chơi
Buồn nào mà chẳng đầy vơi
Vui nào cũng chẳng trọn đời được đâu!

(Hà Nội, 2020)

VỀ VỚI ANH ĐI

Thôi em về với anh đi!
Cùng nhau dâng chút tình si cho đời

Đừng thương giọt nước mắt rơi
Kệ cho thiên hạ thừa lời thị phi

Thôi em về với anh đi!
Cuộc đời tẻ nhạt còn gì nữa đâu

Thèm yêu, khát nhớ đã lâu
Tiếc gì mãi mối tình đầu đã qua

Thôi em về với riêng ta!
Cho đêm mơ những ngày xa hóa gần

Dù bao nhiêu bậc thánh thần
Cũng không bằng được phàm trần sân si…

Thôi cùng về với nhau đi!

(Hà Nội, 2020)

NHỚ NGƯỜI GIẶT CHIẾU…

Nhớ người giặt chiếu bến sông
Bây giờ em đã theo chồng về đâu?

Con đò vắng bóng từ lâu
Đôi bờ đã có cây cầu bắc qua

Buồn vui vừa mới hôm qua
Chuyện người giặt chiếu đã là ngày xưa

Giá mà ta biết đón đưa
Có khi người ấy cũng chưa theo chồng?

Bây giờ bến đã trống không
Để ta tiếc nuối đứng trông một mình

Cây cầu chẳng biết em xinh
Dòng sông chẳng nhớ vô tình cứ trôi…

Hà Nội, 14/5/2020

                                            CHÀO MÃN TIỆC

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích