Đằng sau tỷ lệ 77% doanh nghiệp bất động sản niêm yết vi phạm 1 tiêu chí của ‘3 lằn ranh đỏ’: Chỉ tiêu về tiền mặt khó có thể đáp ứng
Theo số liệu được tính toán bởi FiinGroup dựa trên báo cáo tài chính quý 2/2021 của 57 nhà phát triển dân cư đang niêm yết của Việt Nam, 77% vi phạm một tiêu chí trong “3 lằn ranh đỏ” mà Trung Quốc áp dụng đối với 12 nhà phát triển bất động sản dân cư lớn nhất nước này.
“3 lằn ranh đỏ” bao gồm”: tỷ lệ tổng nợ phải trả/tổng tài sản (không bao gồm các khoản trả trước và doanh thu chưa thực hiện) dưới 70%; tỷ lệ thanh toán ròng (nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu) dưới 100%; tỷ lệ tiền mặt/nợ vay ngắn hạn lớn hơn 1.
Tuy nhiên trong 3 tiêu chí trên, hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn (cash – to – short term debt ratio) lớn hơn 1 là tương đối khó vượt qua.
Trước hết, đây là thước đo khả năng thanh toán của một công ty, phục vụ các nhà đầu tư khi xem xét để quyết định số tiền họ có khả năng cho công ty đó vay. Chỉ số cho các chủ nợ và các nhà phân tích biết rằng: liệu các tài sản lưu động có thể nhanh chóng chuyển thành tiền mặt và có thể trang trải bao nhiêu phần trăm nợ vay ngắn hạn?
– Hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn < 1
Nếu hệ số của một công ty nhỏ hơn 1, nợ ngắn hạn lớn hơn tiền và các khoản tương đương tiền. Đây có thể không phải là điều xấu nếu công ty có có các khả năng cải thiện bảng cân đối kế toán, chẳng hạn như thời hạn tín dụng dài hơn bình thường với các nhà cung cấp, hàng tồn kho được quản lý hiệu quả…
– Hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn > 1
Nếu hệ số của một công ty lớn hơn 1, công ty đó có nhiều tiền và các khoản tương đương tiền hơn nợ vay ngắn hạn. Trong tình huống này, công ty có khả năng trang trải tất cả các khoản nợ ngắn hạn khi đến hạn mà vẫn còn dư dả.
Nhưng hệ số cao cũng không đồng nghĩa với công ty có hiệu quả hoạt động cao, đặc biệt nếu tỷ lệ này lớn hơn đáng kể so với trung bình ngành. Hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn cao có thể cho thấy một công ty sử dụng tiền mặt kém hiệu quả hoặc không tối đa được lợi ích tiềm năng của các khoản vay chi phí thấp.
Tức là, thay vì đầu tư vào các dự án sinh lời, công ty lại để tiền ứ đọng trong tài khoản ngân hàng. Điều này cũng gợi ý về khả năng công ty lo lắng về triển vọng kinh doanh trong tương lai và đang tích luỹ vốn để có thể phòng thủ.
Hạn chế của hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn
Hệ số tiền mặt/nợ vay ngắn hạn hiếm khi được sử dụng bởi các nhà phân tích. Việc một công ty duy trì lượng tiền mặt và tài sản tương đương tiền để trang trải các khoản nợ ngắn hạn là không thực tế. Một công ty nắm giữ lượng lớn tiền mặt trên bảng cân đối kế toán cũng thường được coi là sử dụng tài sản kém vì số tiền này có thể được trả cổ tức cho các cổ đông, hoặc đầu tư vào nơi có hiệu quả sinh lời tốt hơn.
Tuy nhiên, hệ số tiền mặt tỏ ra hữu ích khi được dùng để so sánh với mức trung bình của ngành và mức trung bình của các đối thủ cạnh tranh, hoặc xem xét thay đổi của một công ty theo chuỗi thời gian. Hệ số tiền mặt/nợ ngắn hạn thấp hơn 1 đôi khi cho thấy một công ty có nguy cơ gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên hệ số thấp cũng có thể là một chỉ báo về chiến lược cụ thể của công ty yêu cầu duy trì dự trữ tiền mặt thấp, ví dụ quỹ đang được sử dụng cho việc mở rộng.
Copy Link
Nguồn: Báo doanhnghiepthuonghieu