Đậm đà cá chép kho riềng
Xưa kia ông ngoại tôi là một thầy lang bốc thuốc bắc, nên việc ăn uống của ông bà ngoại khoa học và có lợi cho sức khoẻ. Ông ngoại tôi luôn dặn chúng tôi: “Ăn uống là cách để con người hoà hợp với thiên nhiên”. Nên mùa nào nên ăn thức ấy, không nên cưỡng cầu để làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ảnh minh họa |
Mùa hè nóng bức con người thường ưu tiên thực phẩm thuộc loại bình (mát) hay hàn (lạnh), ăn để giải nhiệt. Nhưng sang mùa thu tiết trời mát mẻ, thực phẩm loại nhiệt sẽ được ưu tiên hơn, bởi con người cần chất dinh dưỡng chuẩn bị cho một mùa đông khắc nghiệt sắp về. Cả năm, tôi chỉ được thưởng thức món cá chép của bà ngoại vào dịp mùa thu.
Một buổi sáng tinh mơ thức giấc, tôi thấy ông tôi thủng thẳng đi ra bụi tre chọn một cành bánh tẻ. Tôi hỏi ông dự định làm gì? Ông cười hiền hậu rồi chậm rãi đọc câu ca “hoa cải vàng câu cá mùa xuân, hoa cúc vàng câu cá mùa thu”. Ông ra nhìn trời, nhìn đất, nhìn mây, đẩy chiếc thuyền nan ra khỏi bến. Tôi lẽo đẽo theo ông ngồi trên chiếc thuyền nan tròng trành ra giữa hồ sen tàn câu cá. Loại cá chép này cũng đỏng đảnh lắm, không thích nắng nóng, chỉ khi ánh sáng không mạnh cá mới chịu di chuyển đến gần vùng nước nông. Nên muốn câu được nhiều cá chọn ngày nhiều mây xanh bay lơ lửng.
Bà ngoại tôi thật khéo tay hay làm, chỉ loáng làm xong mẻ cá. Bà cắt từng khúc cá đều phăm phắp. Tôi lăng xăng cạo gừng cay xè cả mắt. Riềng khô như gỗ, tôi cố gắng lấy hết lực để giã nhuyễn phụ bà, đến khi giã xong mỏi nhừ cả tay. Sau khi ướp cá, bà tôi đi tìm chiếc niêu đất cất kỹ ở chiếc trạn bát, rửa sách rồi khéo léo xếp cá vào niêu. Ở dưới là lớp thịt mỡ, đến khoanh cá, bên trên cùng thêm một lớp chuối xanh. Bà cho đường lên chiếc chảo gang để canh lên lấy nước mầu kho cá. Khi bếp của bà đỏ lửa, nghe tiếng lục bục sôi, bà phải bỏ bớt củi ra sao cho ngọn lửa liu riu, không để cá cạn nước nhanh. Khi đã già lửa, cá thấm đều gia vị là lúc bà bắc chiếc niêu xuống bếp tro và bắt đầu ủ trấu. Trong cơn gió thu chiều se sắt, tôi rửa chân ở cầu ao đã nghe thấy mùi thơm của trấu bén lửa, mùi riềng thơm phưng phức làm tôi nôn nao mong ngóng đến bữa cơm chiều.
Để sau này mỗi độ thu về, tôi lại nhớ nao lòng món cá chép kho riềng của ngoại.
Nguyễn Thắm
Nguồn: Báo lao động thủ đô