Đảm bảo xử lý rác thải tại khu cách ly, chung tay đẩy lùi dịch bệnh
Nếu đội ngũ y, bác sĩ là lực lượng tuyến đầu chống dịch thì công nhân thu gom, vận chuyển và xử lý rác sinh hoạt tại các khu cách ly, bệnh viện là những người cuối cùng để xử lý đúng quy trình, quy định, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong phòng, chống dịch. Họ xứng đáng được coi là “những chiến binh thầm lặng” trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Rác thải sinh hoạt tại các khu cách ly được khử khuẩn trước và sau quá trình thu gom. |
Là địa bàn có nhiều trường hợp đang thực hiện cách ly tại khu dân cư, để đảm bảo công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19, Ủy ban nhân dân quận Đống Đa đã chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải phát sinh do dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là rác thải y tế tại các khu vực cách ly, các điểm chốt phòng dịch… thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý chất thải y tế.
Bắt đầu ca làm từ sáng sớm, bên cạnh đồng phục hàng ngày, chị Trương Thị Minh Lan, Tổ trưởng tổ sản xuất Chi nhánh Đống Đa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) lại khoác thêm lên cho mình bộ đồ phòng dịch kín bưng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Chị Lan đang chuẩn bị thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại khu vực có đối tượng đang thực hiện cách ly y tế.
Để thu gom, vận chuyển hết lượng rác có nguy cơ lây nhiễm về nhà máy xử lý an toàn, chị Lan cùng các đồng nghiệp đã phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý để đảm bảo an toàn cho cán bộ, công nhân tham gia.
Theo đó, toàn bộ rác thải ở khu vực này được bọc kín trong thùng chứa, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn, được phun xịt khử khuẩn trước và sau khi thu gom. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng được thực hiện phun xịt khử khuẩn, phân loại chất thải thông thường và chất thải lây nhiễm.
Công nhân môi trường được phun khử khuẩn trước khi vào khu cách ly. |
Sau cùng, rác thải khi vận chuyển về xử lý được tiếp tục phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Thậm chí, tro chất thải sau khi đốt xong phải được hoá rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hà, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng quận Đống Đa, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân các phường trong việc hướng dẫn nhân dân tổ chức phân loại rác sinh hoạt, rác thải y tế để xây dựng quy trình thu gom rác tại các khu vực cách ly.
“Ban đã chỉ đạo chi nhánh Đống Đa và Công ty cổ phần vật tư thiết bị môi trường-Urenco 13 lên kế hoạch cụ thể, chi tiết, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho từng địa bàn đang thực hiện cách ly. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly, phong tỏa” – ông Hà cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Chi nhánh Đống Đa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường đô thị Hà Nội, quá trình thu gom, xử lý, được cán bộ, nhân viên chi nhánh tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của quận.
Công tác thu gom rác thải sinh hoạt tại khu cách ly là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách trong công tác phòng, chống dịch, không để lây lan dịch bệnh trong khu cách ly, phong tỏa. |
“Quy trình vận hành nghiêm ngặt đảm bảo an toàn từ các công đoạn như: Công tác phân loại rác thải sinh hoạt và rác thải y tế, bố trí thùng đựng rác tại các hành lang, cửa ngõ. Các thùng đựng rác thải y tế có màu vàng, thùng đựng rác thải sinh hoạt có màu xanh… Tất cả đều phun khử khuẩn bằng Chloramin B 2 lần trước khi được vận chuyển khỏi khu cách ly” – ông Hoàng Anh nhấn mạnh.
Với tinh thần trách nhiệm, những công nhân môi trường vẫn ngày đêm tận tụy, không quản ngại nguy hiểm luôn rình rập. Vì thế, mỗi người dân hãy chia sẻ với công nhân môi trường đô thị bằng cách nâng cao ý thức hơn trong việc phân loại rác thải, bỏ rác đúng nơi, đúng giờ quy định… Như thế, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng và vừa góp phần làm cho phố phường thêm sạch đẹp, văn minh.
Nguồn: Báo lao động thủ đô