Đảm bảo nguồn cung xuất khẩu cuối năm
Theo thống kê, đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước dự báo đạt từ 720-730 tỷ USD, nhưng hiện tại, khi còn chưa đầy một quý nữa sẽ hoàn thành mục tiêu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cả nước đang kỳ vọng sẽ đạt mốc 800 tỷ USD – con số cao nhất từ trước đến nay.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T Group – cho biết, mỗi tháng, công ty xuất khoảng 160 container dừa tươi và 45 container bưởi sang các thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản… Sự ổn định về sản lượng xuất khẩu đã giúp doanh nghiệp có được doanh số và lợi nhuận tốt. Trong những tháng tới đây, khi nhu cầu của thế giới về mặt hàng trái cây tăng cao, có thể lên tới 35%, sẽ giúp mức tăng trưởng của công ty tăng khoảng 20%.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sự tăng trưởng vượt trội của ngành rau quả nước ta, đến từ các loại trái cây như thanh long, chuối, mít, xoài, đặc biệt, chỉ riêng trái sầu riêng đã đóng góp đến 2,5 tỷ USD, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành. Trong số 10 thị trường nhập khẩu đều ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, kế đến là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan.
Sầu riêng đóng góp 2,5 tỷ USD, chiếm 43% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông lâm thủy sản (Ảnh: Báo Hải Quan Online)
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ sau 3 quý xuất khẩu, lần đầu tiên trong lịch sử, mặt hàng rau quả đã mang về hơn 5,8 tỷ USD, tăng gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam. Các mắt xích tham gia chuỗi sản xuất như nông dân và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung, tạo ra các sản phẩm chất lượng,
Các mặt hàng nông sản khác của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng khả quan như cà phê cũng tăng gần 40%, gạo hơn 23%, gỗ và sản phẩm gỗ tăng 20%, và thuỷ sản tăng 8,5%. Các nhà kinh tế đánh giá, nếu ngành nông nghiệp tiếp tục giữ được đà tăng trưởng như 3 quý đầu năm 2024, thì kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 60 tỷ USD.
Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, những sản phẩm từ Việt Nam luôn có năng lực cạnh tranh và được ưa chuộng. Ông cũng nhấn mạnh Nhà nước sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, xây dựng đề án để tiếp tục nâng cao chất lượng nông sản.
Bên cạnh những sản phẩm xuất khẩu chủ lực như thuỷ sản, cà phê, rau củ, Bộ Nông nghiệp đã có kế hoạch đưa mặt hàng gạo trở thành sản phẩm sản xuất theo hướng bền vững. Hiện, Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đến năm 2030”. Với đề án này, thương hiệu ngành gạo sẽ ngày càng được biết đến trên trường quốc tế, hướng đến mục tiêu 5 tỷ USD trong năm nay và gia tăng trong các năm tiếp theo.
Ông Lê Thanh Tùng – Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn – khẳng định, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn cũng như các tiêu chí giảm phát thải để đẩy mạnh xuất khẩu gạo từ đề án 1 triệu ha là điều cần thiết.
Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao (Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
Với việc các doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng tốc xuất khẩu nông lâm, thuỷ sản vào những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kỳ vọng, tăng trưởng toàn ngành trong năm nay sẽ đạt 3,2 – 4%. Để đạt được mục tiêu này, toàn ngành đang cố gắng phục hồi sản xuất, tập trung chỉ đạo các giải pháp, kiểm soát chặt chẽ vùng trồng, thúc đẩy sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho dịp cuối năm.
Nguồn: hoanhap.vn