Đảm bảo giải quyết thông suốt, kịp thời các chế độ

Đảm bảo an toàn chi trả lương hưu tại nhà

Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 8/2021 cho người dân trên địa bàn Thủ đô đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch và an toàn trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Bảo hiểm xã hội Thành phố phối hợp với Bưu điện Thành phố đã xây dựng phương án cụ thể chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người hưởng bằng tiền mặt tại nhà từ ngày 3-5/8.

Bảo hiểm xã hội cũng phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Bưu điện Thành phố tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn về đối tượng, thời gian, phương thức nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại nhà trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị số 17.

Đảm bảo giải quyết thông suốt, kịp thời các chế độ
Nhân viên Bưu điện Thành phố chi trả lương hưu tại nhà tới người thụ hưởng. Ảnh: B.D

Theo kế hoạch của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội và Bưu điện thành phố Hà Nội, trong tháng 8/2021, có 1.263 người hưởng được chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Đây là các trường hợp duyệt mới, chuyển đến từ Bảo hiểm xã hội tỉnh khác, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng, Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân đã được Bảo hiểm xã hội Thành phố xét duyệt và tiếp nhận trước ngày 30/7/2021 với tổng số tiền 20.865.440.500 đồng.

Cụ thể, các đơn vị đã thực hiện chi trả cho 985 người hưởng qua tài khoản cá nhân từ ngày 3/8/2021, với số tiền 17.189.682.400 đồng; đồng thời, đang thực hiện chi trả cho 278 người hưởng bằng tiền mặt tại nhà riêng từ ngày 3-5/8/2021, với số tiền 3.675.758.100 đồng.

Để đảm bảo triển khai thuận lợi, chi trả kịp thời chế độ cho người thụ hưởng, nhân viên chi trả của các Bưu điện/Bưu cục văn hóa xã khi thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tại địa chỉ người hưởng phải đeo thẻ kiểm soát, mặc đồng phục VNPost và mang đầy đủ giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận công tác do Giám đốc đơn vị ký, đóng dấu để xuất trình khi cơ quan chức năng yêu cầu.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tuân thủ quy định 5K khi tiếp xúc người hưởng và đề nghị người hưởng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách trong quá trình chi trả.

Bảo hiểm xã hội Thành phố cho biết, với những trường hợp người hưởng không có mặt tại địa phương, có địa chỉ cư trú khác địa bàn nhận lương hưu và người hưởng thuộc địa bàn cách ly do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bưu điện/Bưu điện văn hóa xã thông báo thời gian chi trả, địa điểm, số điện thoại của Bưu điện/Bưu điện văn hóa xã để người hưởng biết liên hệ nhận tiền sau khi hết thời gian cách ly, hết thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Đảm bảo giải quyết thông suốt, kịp thời các chế độ

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã có thông báo về việc tạm dừng việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp tại Bộ phận “Một cửa” Bảo hiểm xã hội Thành phố và Bảo hiểm xã hội 30 quận, huyện, thị xã trực thuộc trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 17.

Về tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, đến hết ngày 16/7/2021, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã hoàn thành thủ tục và thông báo đến các đơn vị, doanh nghiệp số tiền tạm tính hỗ trợ giảm mức đóng 0% vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (từ tháng 7/2021 đến tháng 6/2022) cho 87.472 đơn vị, tương ứng 1.439.694 lao động với tổng số tiền hơn 643 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 26/7/2021, Bảo hiểm xã hội Thành phố đã ban hành quyết định dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất cho 4 đơn vị, với 17 lao động và số tiền hơn 290 triệu đồng; xác nhận danh sách cho 4.854 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, lao động ngừng việc.

Dự kiến đến hết năm 2021, toàn Thành phố sẽ có khoảng 7.677 đơn vị với 55.758 lao động đủ điều kiện giảm đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất với số tiền ước giảm 83 tỷ đồng; chi hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động ước khoảng 45.358 đơn vị với gần 1,2 triệu lao động.

Xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là cấp bách hàng đầu, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương và các quy định về phòng, chống dịch. Tuy nhiên, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa yêu cầu công chức, viên chức, người lao động toàn hệ thống phát huy tinh thần chủ động, linh hoạt và phản ứng kịp thời, nhanh chóng, phù hợp, hiệu quả với các tình huống xảy ra.

Cụ thể, lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Thành phố đề nghị công chức, viên chức, người lao động toàn ngành tập trung đảm bảo giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/QĐ-TT của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 1988/BHXH-TST ngày 8/7/2021 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Quyết định số 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.

Bố trí cán bộ làm việc tại cơ quan để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội (hưu trí, bảo hiểm thất nghiệp, ốm đau, thai sản); đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám, chữa bệnh và thanh toán các chi phí, xét nghiệm Covid-19 kịp thời, đúng quy định…

Để đảm bảo giải quyết các chế độ thông suốt, kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, Bảo hiểm xã hội Thành phố đề nghị các tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (tại địa chỉ http://dichvucong.gov.vn) hoặc Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (tại địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn) và sử dụng dịch vụ ebanking của các ngân hàng thương mại để nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp tổ chức không thể thực hiện giao dịch điện tử vì lý khách quan (như yêu cầu bảo mật), hoặc thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính là hồ sơ giấy hoặc kết quả giải quyết thủ tục hành chính là hồ sơ giấy thì đơn vị, cá nhân giao – nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.

Đối với các trường hợp cá nhân có yêu cầu cấp lại thẻ bảo hiểm y tế bị mất, rách, hỏng để sử dụng ngay đi khám chữa bệnh, các đơn vị trực thuộc sẽ hướng dẫn người có thẻ bảo hiểm y tế cài đặt thành công ứng dụng VssID – Bảo hiểm xã hội số để sử dụng đi khám chữa bệnh.

“Bảo hiểm xã hội Thành phố sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi trong tổ chức, thực hiện để người lao động và người sử dụng lao động được nhận hỗ trợ một cách sớm nhất, kịp thời nhất mà vẫn đảm bảo đúng quy định, góp phần giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua các tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế’’, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Nguyễn Đức Hòa khẳng định./.

Bảo Duy

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích