Đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng

Theo ông Vũ Tuấn Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đưa ra 10 nhóm mục tiêu cụ thể đến năm 2030 với 23 chỉ tiêu bao gồm tất cả các lĩnh vực từ nghiên cứu phát triển thuốc sản xuất, phân phối, lưu thông, đảm bảo chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn… trên cơ sở tiếp tục triển khai những kết quả đã đạt được theo Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo quyết định 68/2014 của TTg CP (Chiến lược 68).

Đồng thời, Chiến lược Quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam bổ sung/điều chỉnh một số chỉ tiêu để đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển ngành Dược trong giai đoạn tới như: Chỉ tiêu về phát triển sản xuất gia công/nhượng quyền các thuốc biệt dược gốc; quy hoạch phát triển dược liệu; nâng cao năng lực cơ quan quản lý nhà nước về dược; về phát triển dược lâm sàng; về nâng cao tiêu chuẩn GPS trong sản xuất thuốc về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm.

Cục trưởng Vũ Tuấn Cường cho biết, Chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới như: Nâng quan điểm về cung ứng thuốc từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời…” và “Bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc …”;

 Ảnh minh hoạ

Nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần đảm bảo cung cấp sản phẩm dược mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cả cộng đồng cũng như các cơ sở y tế. Phát triển công nghiệp dược Việt Nam đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới;

Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh, từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.

Về quan điểm phát triển ngành dược Việt Nam, TS Vũ Tuấn Cường cho biết, tại Chiến lược đã đề ra 5 nội dung. Thứ nhất, đảm bảo cung ứng chủ động, kịp thời thuốc có chất lượng, an toàn, hiệu quả với chi phí hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Thứ hai, phát triển ngành Dược Việt Nam bền vững, từng bước tiến tới hiện đại, chú trọng việc đảm bảo an ninh thuốc; phát triển công nghiệp dược, công nghiệp hóa dược, dược liệu sản xuất trong nước, gia tăng giá trị xuất khẩu và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng dược phẩm toàn cầu.

Thứ ba, ngành Dược Việt Nam là ngành công nghiệp mũi nhọn được ưu tiên nguồn lực và có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để phát triển.

Thư tư, phát triển hệ thống sản xuất, phân phối, cung ứng thuốc chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả và được quản lý chặt chẽ; nâng cao hiệu quả cung ứng, phân phối thuốc của doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.

Thứ năm, đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả bằng hệ thống các biện pháp đồng bộ, trong đó chú trọng thúc đẩy, nâng cao năng lực, hiệu quả của hoạt động dược lâm sàng, cảnh giác dược và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số về dược.

Bảo Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích