Đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt đạt quy chuẩn cho người dân

Chất lượng nước sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và đời sống người dân đô thị. Nhà nước và ngành y tế đã xây dựng khung pháp lý và ban hành nhiều quy định, quy chuẩn về nội dung này, đơn cử như QCVN 1:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống và QCVN 2:2009/BYT về chất lượng nước sinh hoạt kèm theo Thông tư số 04 năm 2009.

Đến năm 2018, Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt (QCVN 01-1:2018) kèm Thông tư 41 năm 2018. Quy chuẩn mới này sẽ thay thế cho QCVN 01: 2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT.

Theo Thông tư 41, các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm báo cáo tình hình chất lượng nước sạch của các tỉnh trong địa bàn phụ trách theo định kỳ 6 tháng/lần; Sở y tế các tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Tuy nhiên, công tác này có được thực hiện hay không và kết quả này như thế nào đến nay người dân vẫn chưa nắm được. Hai đơn vị được giao trách nhiệm ngoại kiểm định kỳ và đột xuất chất lượng nước sạch là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế dự phòng.

Trong đó, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh được giao kiểm tra các đơn vị cấp nước có quy mô từ 500 hộ gia đình trở lên (hoặc công suất thiết kế từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên); Trung tâm y tế huyện có trách nhiệm thực hiện ngoại kiểm định kỳ, đột xuất chất lượng nước sạch của tất cả các đơn vị cấp nước có quy mô dưới 500 hộ gia đình (hoặc dưới 1.000 m3/ngày đêm).

Ảnh minh hoạ

Mặc dù Nhà nước đã có các quy định về kiểm soát chất lượng nước đã được quy định rõ ràng, cụ thể và các đơn vị sản xuất, phân phối nước sinh hoạt tại các đô thị cũng định kỳ thực hiện kiểm định chất lượng nguồn nước nhưng người dân tại một số nơi, trong đó có thủ đô Hà Nội vẫn cảm thấy lo lắng về chất lượng nước sinh hoạt.

Một phần của tâm lý lo lắng này xuất phát từ việc người dân không tiếp cận được thông tin về kết quả kiểm định khẳng định chất lượng nước sinh hoạt tại một số khu vực có đạt các thông số theo quy chuẩn hay không. Số liệu thống kê cho thấy, thị trường máy lọc nước Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh trong thời gian gần đây, lên đến 12,4% trong giai đoạn 2016 – 2021. Con số này phần nào cho thấy, nhu cầu sử dụng máy lọc nước tại Việt Nam, đặc biệt các đô thị gia tăng. Thực trạng này cũng cho thấy nhiều người dân phải sử dụng máy lọc nước do chưa an tâm về chất lượng nước sinh hoạt được cung cấp.

Trước thực trạng trên, theo chuyên gia, các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần thường xuyên giám sát và kịp thời phát hiện nguyên nhân khiến chất lượng nước sinh hoạt không đảm bảo, xử lý các hành vi cung cấp nước không đạt chuẩn. Bên cạnh đó, công khai thông tin chất lượng nước để người dân được an tâm.

Báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình quản lý phát triển cấp nước trên địa bàn thành phố và thực hiện Chương trình cấp nước an toàn, chống thất thoát, thất thu nước sạch tại Văn bản số 322/BC-UBND ngày 19/11/2021, UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện tỷ lệ dân cư đô thị được cung cấp nước sạch đạt 100%; khu vực nông thôn đạt 80%.

Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân tại khu vực sử dụng hệ thống cấp nước tập trung của thành phố là khoảng 15%. Chất lượng nước sạch cấp từ hệ thống cấp nước tập trung hiện nay của thành phố bảo đảm đạt QCVN 01:2009/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn, uống. Các trạm sản xuất nước cục bộ khu vực nông thôn bảo đảm đạt QCVN 02:2009/BYT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt.

Báo cáo cũng cho biết, tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thủ đô không xảy ra sự cố cấp nước lớn liên quan đến hệ thống cấp nước (bao gồm nhà máy, mạng lưới đường ống…). Các sự cố nhỏ lẻ đã được khắc phục ngay, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.

Phong Lâm

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích