Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ

Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ

Diệp Anh –  Thứ tư, 19/10/2022 15:46 (GMT+7)

Ngày 19/10/2022, Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”

 Mục đích của cuộc tọa đàm là nhằm tìm ra các giải pháp quản lý, sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức của người dân vùng lũ.

Tọa đàm trực tuyến “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”

Chủ trì:

Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Khách mời tham dự buổi tọa đàm:

1. Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường

2. Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

3. Ông Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn – Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

4. ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy – Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế)

Buổi tọa đàm còn có mặt của các PV, BTV Tạp chí Môi trường và Cuộc sống và các PV của các báo đài đến dự và đưa tin.

Tọa đàm được tường thuật trực tiếp trên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn và tại fanpage của Tạp chí điện tử trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn trên mạng xã hội Facebook (https://www.facebook.com/moitr…).

toa-dam-6-.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Nhà báo Khánh Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống chia sẻ: Nước sạch và vệ sinh môi trường luôn được coi là yếu tố mang tính chất sống còn đối với mỗi quốc gia, đặc biệt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Theo đó, thực trạng mỗi mùa mưa lũ qua đi, không những cướp đi người và của cải vật chất, rất nhiều địa phương còn đứng trước nguy cơ thiếu nước sạch và vấn đề vệ sinh môi trường.

toa-dam-2-.jpg
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phát biểu khai mạc Tọa đàm

Ô nhiễm môi trường nước ở nước ta đã kéo theo những hệ lụy khủng khiếp cho con người. Cứ mỗi năm các tổ chức quốc tế vẫn tiếp tục đưa ra những con số rất đáng lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam.

Khoảng 9.000 người tử vong mỗi năm do nguồn nước bẩn. Khoảng 20.000 người phát hiện bị ung thư nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước (theo Bộ Y Tế và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường). Khoảng 44% trẻ em bị nhiễm giun do sử dụng nước bị không đạt chất lượng. 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng do thiếu nước sạch và vệ sinh kém (theo WHO).

Vì vậy để tìm ra các giải pháp nhằm khắc phục và giải quyết các vấn đề tồn tại, đảm bảo nguồn nước sạch sinh hoạt sau lũ là việc làm hết sức cần thiết. Tạp chí Môi trường và Cuốc sống tổ chức Tọa đàm: “Đảm bảo chất lượng nguồn nước và vệ sinh môi trường cho người dân sau lũ”.

Thực trạng thiếu nước sạch và ô nhiễm môi trường sau thiên tai bão lũ

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết,… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ. Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng.

toa-dam-1-.jpg
Ông Nguyễn Minh Khuyến – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước – Bộ Tài nguyên và Môi trường

Đánh giá về thực trạng khai thác và sử dụng tài nguyên nước hiện nay cũng như việc khan hiếm và khó khăn về nguồn nước, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt chỗ quá thừa chỗ quá thiếu, chỗ quá bẩn, ở góc độ Ngân hàng Thế giới đã nhận xét về tài nguyên nước của Việt Nam.

Nước ta thực tế có khoảng 840 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, nhu cầu về sử dụng phân bổ không đồng đều giữa các vùng, nguồn nước mà có thể khai thác được cũng không thể đồng đều giữa các vùng cũng như là các mùa, mùa khô lượng nước trong tổng 840 tỷ m3/năm chỉ chiếm khoảng 15 – 20% và một số nơi còn xuống dưới 15%, ví dụ một số năm như 2016, của vùng ĐBSCL lượng nước chỉ còn dưới 10% và sinh ra hạn mặn đặc biệt nghiêm trọng năm 2015 và đầu năm 2016. Những vùng thường xuyên hạn hán thiếu nước như ĐBSCL, ở vùng Tây Nguyên có nhiều nước nhưng do đặc điểm địa hình, hệ xâm thực sâu, nên việc tiếp cận với nguồn nước khó khăn, sử dụng nước cho sinh hoạt, cho sản xuất, đặc biệt là mùa khô việc thiếu nước đã xảy ra trong những năm gần đây.

Hiện nay, một số địa phương vẫn còn khó khăn trong việc tiếp cận nguồn nước sạch, an toàn. Một số tỉnh như: tỉnh Sơn La với trữ lượng nước mặt khoảng 19 tỷ m3/năm, tuy nhiên một số vùng thuộc huyện Mộc Châu vẫn thiếu nước nghiêm trọng. Vùng miền núi phía Tây tỉnh Nghệ An người dân cũng đang thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt. Tại tỉnh Hà Tĩnh mặc dù lượng nước nhiều nhưng hàng năm vẫn thiếu khoảng 95 triệu m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt.

Việt Nam rất chú trọng trong việc giải quyết an ninh nguồn nước, tức là giải quyết tình trạng quá thừa, quá thiếu, quá bẩn. Trong kế hoạch những năm tới và dài hơn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị trình các cấp để có kế hoạch cụ thể.

toa-dam-3-.jpg
Ông Nguyễn Thành Luân – Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn – Tổng cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

Theo báo cáo của các địa phương, có khoảng 148.260 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt do lũ, lụt trong mùa mưa bão lịch sử năm 2020. Trong đó, 69.800 hộ chịu ảnh hưởng từ công trình cấp nước tập trung, 79.460 hộ từ công trình cấp nước hộ gia đình. Đánh giá về thực trạng này, ông Nguyễn Thành Luân cho biết: Hiện nay biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến toàn cầu gây ra tác động lâu dài như: thiên tai như bão lũ, hạn hán. Khi thiên tai xảy ra gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người nghèo mà trong khi đó họ là tác nhân gây ra ít nhất cho biến đổi khí hậu. Khi lũ lụt xảy ra thì toàn bộ các vùng bị ngập, các công trình bị ngập trong nước như vậy thì toàn bộ dân ở trong vùng lũ lụt bị ảnh hưởng nặng nề trong đó có vấn đề về nước sạch và vệ sinh an toàn nông thôn.

toa-dam-5-.jpg
ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, Phó trưởng khoa Sức khỏe môi trường và cộng đồng – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế

Nói về về chất lượng nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường của người dân vùng lũ hiện nay, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy cho hay: Thực hiện chức năng nhiệm vụ do Bộ Y tế giao, Viện SKNN&MT đã kiểm tra, giám sát việc thực hiện đảm bảo chất lượng nước các địa phương, trong đó có địa phương xảy ra bão lũ. Kết quả năm 2021 tại 32 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền trung cho thấy hầu hết nước sạch cung cấp cho người dân theo mô hình cấp nước tập trung đều đảm bảo theo quy chuẩn Việt Nam và an toàn cho người sử dụng, một số ít mẫu nước không đạt chỉ tiêu về clo dư tự do; chỉ số pecmanganat, độ đục, coliforms và E.coli, v.v.

Tuy nhiên, trong mùa bão lũ, chất lượng nước máy (mô hình cấp nước tập trung) có thể bị ảnh hưởng ít nhiều. Đặc biệt chỉ tiêu về độ đục và vi sinh vật. Do vậy, trong thời điểm này các đơn vị cung cấp nước cần phải tăng cường bảo vệ nguồn nước nguyên liệu và giám sát chặt chẽ trong quá trình vận hành hệ thống xử lý nước.

Nguồn nước do các hộ gia đình tự khai thác nước, đặc biệt là giếng đào) và bể chứa nước ngầm ở các chung cư, hộ gia đình rất dễ bị ô nhiễm do nước bên ngoài tràn vào làm bẩn nguồn nước.

Sau mưa bão, lũ lụt, nhiều vi sinh vật từ đất, bụi, rác, chất thải và xác động vật … trôi theo dòng nước. Vì vậy, việc thu gom chất thải và vệ sinh môi trường sau mưa lũ phải tiến hành ngay để làm giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật trong cộng đồng.

toa-dam-4-.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng – Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam

Với nhìn nhận của mình Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng cho biết: Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới trong những năm gần đây thời tiết cực đoan ngày càng trở nên thường xuyên hơn đánh giá về nguyên nhân sâu xa đây là tác động của biến đổi khí hâu gây nên hiện tượng thời tiết cực đoan, thực tế hàng năm nhiều vùng đối mặt hoặc là lũ lụt hay hạn hán chưa từng có, chúng ta đối mặt với những đợt mưa lũ lịch sử, hạn hán lịch sử. Làm sao để khắc phục hậu quả này chúng ta phải ngày càng quan tâm hơn về tác động của biến đổi khí hậu.

Những thách thức, bất cập, tồn tại cần tháo gỡ

Trong điều kiện bình thường, tỉ lệ người dân ở một số địa phương được tiếp cận với nước sạch còn khá thấp nên đảm bảo nước sạch, vệ sinh môi trường và ứng phó với các vấn đề sức khỏe môi trường khác trong tình huống thảm họa thiên tai là một thách thức lớn của các ban, ngành liên quan cần được tiếp tục ưu tiên đầu tư nguồn lực trong thời gian tới.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Nước ta là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH, trong đó tài nguyên nước sẽ chịu những ảnh hưởng lớn nhất và sớm nhất do những diễn biến bất thường về lượng mưa và nước biển dâng, tập trung mạnh nhất ở hai khu vực sản xuất lúa gạo và sản phẩm thủy sản chủ yếu của cả nước là vùng ĐBSCL và đồng bằng sông Hồng, dự báo đến 2030 có 45% diện tích vùng ĐBSCL có nguy cơ nhiễm mặn, làm giảm 9% năng suất lúa so với hiện nay. Hệ lụy của biến đổi khí hậu chúng ta có thể nhận thấy và dự báo được.

lu22.jpg
Dù nước lũ lên cao tại các địa phương nhưng nguồn nước sạch sinh hoạt được bảo đảm

Đặt ra đối với công tác quản lý tài nguyên nước, Đảng và Nhà nước cũng đã quan tâm sát sao và Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 50 và Chính Phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật tài nguyên nước năm 2012, nhằm sử lý các vấn đề về an ninh nguồn nước nguồn lực cho công tác bảo vệ phát triển nguồn nước, riêng đối với đảm bảo an ninh nguồn nước vừa qua Bộ Chính trị cũng đã có kết luật số 36-KL/TW, trong đó nêu rõ về các nội dung đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, trong đó cũng chỉ ra các nhiệm vụ hết sức cụ thể, ví dụ như để giải quyết về lũ lụt phải tăng cường công tác tích trữ nước khi mưa lũ để cấp nước cho mùa khô, xử lý các vấn đề ô nhiễm phải đảm bảo các yếu tố về quản lý chặt chẽ các cơ sở gây ô nhiễm, đó là những cái hết sức cụ thể, và một khía cạnh nữa về xây dựng các cơ sở hạ tầng về nước có tham dự của tư nhân thì luật Tài nguyên nước, cũng như các quy định của pháp luật để quản lý hệ thống do Bộ NN&PTNT và Bộ Xây dựng quản lý cũng đi theo hướng xã hội hóa, đặc biệt những dòng sông bị ô nhiễm thì cần nguồn lực của xã hội, nguồn lực từ khối tư nhân chung tay để xây dựng ngành nước cũng như môi trường mà hàng ngày chúng ta sử dụng sẽ được an toàn và đầy đủ hơn để đảm bảo góc độ về an ninh nguồn nước cả về sử dụng và cả về môi trường, chống chọi được với các rủi ro như hạn hán, ngập lụt, trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi lần này cũng có những cái quy định để giải quyết vấn đề ngập lụt đô thị ví dụ như trữ nước mưa, làm chậm dòng chảy, tức là quản lý dòng chảy tại nguồn để quản lý, giảm thiểu được ngập lụt đô thị.

nuoc-lu.jpg
Đảm bảo vệ sinh môi trường, nước sạch trong mùa bão lụt

Còn theo bà ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy, nguồn nước và môi trường sống sẽ bị ảnh hưởng sau mưa lũ và có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe. Các bệnh có nguy cơ gặp cao nhất là: tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, cảm cúm…

Sau mưa, lũ các bệnh về đường tiêu hóa thường tăng lên một cách đáng kể. do người dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm, thức ăn nhiễm khuẩn. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp như: tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn do các loại vi khuẩn khác (E.coli …) hoặc amíp.

Các bệnh phát sinh do các vector truyền bệnh phát triển mạnh. Điển hình là bệnh sốt xuất huyết. Nước tù đọng sau mưa, lũ chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển.

Đau mắt đỏ là bệnh thường gặp ở cả người lớn lẫn trẻ nhỏ, bệnh dễ mắc và bùng phát thành dịch do điều kiện vệ sinh, nước sạch không bảo đảm.

Phát sinh một số bệnh ngoài da thường gặp sau mưa lũ như: nước ăn chân, ghẻ, chốc lở… do điều kiện vệ sinh kém, môi trường, nguồn nước bị ô nhiễm

Bên cạnh đó, người dân cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp (viêm họng, cảm cúm) do môi trường ẩm ướt, thường gặp ở người cao tuổi, trẻ em và người có các bệnh mạn tính về đường hô hấp.

Cần giải pháp hữu hiệu về chính sách, quy hoạch

Bảo đảm, phục hồi, tái thiết nguồn nước sạch và vệ sinh môi trường ở các địa phương sau lũ cần những giải pháp cấp bách mang tính bền vững để người dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất.

Ở những vùng nông thôn và miền núi, nước giếng đào, nước suối và các nguồn nước tự chảy là nguồn cung cấp nước phục vụ cho ăn, uống và sinh hoạt hàng ngày phổ biến của người dân. Sau mưa lũ, hầu hết nguồn nước đều bị ô nhiễm. Vậy, cần phải xử lý các nguồn nước này như thế nào để bảo đảm vệ sinh cho người dân sử dụng.

Chia sẻ về vấn đề này, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Sau mưa lũ, hầu hết các nguồn nước thường bị ô nhiễm nặng, nếu người dân không biết cách xử lý nước trước khi đưa vào sử dụng thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe. Một số phương pháp xử lý nguồn nước sau khi mưa lũ để đảm bảo vệ sinh phục vụ sinh hoạt của người dân như sau:

  • Đối với giếng khơi

Tiến hành xử lý nguồn nước được theo 3 bước:

Bước 1. Thau rửa giếng nước:

  • Khơi thông tất cả các vũng nước xung quanh khu vực giếng.
  • Thảo bỏ nắp và nylon bịt giếng.
  • Trước khi làm trong và khử trùng phải tiến hành thau vét giếng. Dùng nước giếng dội lên thành giếng cho trôi hết đất cát và rác bám trên thành và nền giếng.
  • Nếu giếng ngập lụt, nước đục, phải tiến hành thau vét giếng. Múc cạn nước và vét hết bùn cặn.
  • Các vùng có điện hoặc máy nổ thì dùng bơm điện hút cạn nước rồi thau vét giếng. Trong trường hợp không thể thau vét được thì chọn một giếng khác để xử lý và dùng chung.
  • Nếu tất cả các giếng trong khu vực đó đều không thể thau vét được thì có thể áp dụng biện pháp xử lý tạm thời: múc vài chục lít nước lên bể chứa rồi đánh phèn và khử trùng, dùng hết làm mẻ khác, chờ vài ngày sau mức nước giếng xuống thấp mới tiến hành thau rửa.
  • Trường hợp không có phèn chua để làm trong nước, làm một bể lọc cát tạm thời bằng một thùng, xô hay vại thể tích khoảng 20 – 30lít. Đục một lỗ đường kính 1cm trên thành cách đáy thùng 5cm, cho một ít đá hoặc gạch vỡ lót ở đáy, đặt một mảnh bao tải gai lên trên rồi đổ cát dày khoảng 25 – 30cm. Đổ nước giếng vào cho đến khi nước chảy ra trong thì lấy để khử trùng.

Bước 2. Làm trong nước giếng:

  • Dùng phèn chua (loại thường dùng là phèn nhôm) với liều lượng 50g/1m3 nước, nếu nước đục nhiều có thể cho lượng phèn tối đa 100g/1m3 nước.
  • Hòa tan hết lượng phèn cần thiết vào một gàu nước rồi tưới đều lên thành giếng, thả gàu chìm sâu xuống nước rồi kéo mạnh lên khoảng 10 lần rồi để yên 30 phút – 1 giờ cho cặn lắng hết thì tiến hành khử khuẩn.

Bước 3. Khử khuẩn giếng nước:

– Về nguyên tắc nước giếng sau khi khử khuẩn phải có nồng độ clo dư là 0,5 – 1mg/L

  • Dùng cloramin B để khử khuẩn nước giếng 10g/m3 nước. Có thể dùng một số hóa chất khác như clorua vôi (13g/m3), canxi hypoclorit 70% (4g/m3).
  • Múc một gàu nước, hòa lượng hóa chất nói trên vào nước. Lưu ý phải khuấy cho tan hết. Tưới đều gàu nước này vào giếng. Thả gàu cho chìm sâu đến nửa cột nước rồi kéo lên kéo xuống khoảng 10 lần.
  • Dùng nước giếng này dội lên thành giếng để khử khuẩn, sau đó để yên khoảng 30 phút là có thể dùng được.
  • Nước đã khử khuẩn bằng cloramin như trên vẫn phải đun sôi mới được uống. Trong trường hợp không có hóa chất khử khuẩn, chỉ ăn và uống nước đun sôi 10 phút trở lên và không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử khuẩn.
  • Đối với giếng khoan

Bơm hết nước đục và bơm tiếp 15 phút nữa, bỏ nước đi sau đó có thể dùng được.

Về vấn đề ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước đang là thực tế của người dân vùng lũ. Trao đổi về kịch bản cụ thể cho từng vùng trong trường hợp thiếu nước sạch, Ông Nguyễn Thành Luân cho biết,

Hướng dẫn cách bảo quản các công trình cấp nước tập trung và cấp nước hộ gia đình cũng như xử lý nước vùng lũ, công trình cấp nước vùng hạn hán, để giải quyết nhanh chóng nguồn nước hợp vệ sinh trong mưa lũ và hạn hán. Về lâu dài, cần có các giải pháp đồng bộ, trước hết muốn có nước cần có nguồn nước đảm bảo. Ví dụ, các vùng hạn hán cần có các hồ chưa nước thủy lợi và hồ chứa nước phục vụ dân sinh, để khi xảy ra hạn hán hay mưa lũ, nguồn nước bị cạn kiệt hoặc bị ô nhiễm thì có nguồn nước dự trữ để xử lý.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra là để giải quyết được thực trạng này cần nguồn kinh phí lớn. Vì vậy, chúng tôi đề xuất trong thiết kế công trình cấp nước phải tính toán đến yếu tố biến đổi khí hậu. Ông Luân nêu ví dụ, các công trình cấp nước cho người dân vùng lũ, các trạm bơm thiết kế 2 tầng, bình thường, chúng ta ở tầng thấp, nhưng khi có mưa lũ chúng ta sẽ di chuyển lên tầng cao. Nhưng có nhiều địa phương khi thiết kế các phương án trình lên các cơ quan cấp trên phê duyệt, có thể chúng ta thiết kế hàng năm không sử dụng đến nhưng khi có thiên tai bất thường lại trở tay không kịp. Chúng tôi đã có hướng dẫn các khu vực vùng sâu, vùng xa có hướng dẫn, xử lý trữ nước hộ gia đình, điều này rất cần thiết khi có bão lũ, thiên tai. Chúng tôi đã kêu gọi các tổ chức hỗ trợ bà con thiết bị trữ nước, có thể lấy nước ở vùng lũ, nước ô nhiễm qua hệ thống xử lý nước đó, chúng ta lại có nguồn nước đảm bảo để sử dụng bình thường.

bit-mieng-gieng.jpg
Bịt miệng giếng trước khi bị ngập nước

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Minh Khuyến cho biết: Mục tiêu phát triển bền vững “Đảm bảo nguồn cung cấp và quản lý bền vững tài nguyên nước và các điều kiện vệ sinh an toàn cho tất cả mọi người” (SDG6) đến năm 2030 có 6 mục tiêu SDGs cụ thể gồm các nội dung như: hiệu quả sử dụng nước, giải quyết tình trạng khan hiếm nước, phục hồi các hệ sinh thái liên quan đến nước, sự tham gia của các cộng đồng địa phương nhằm cải thiện việc quản lý nước vốn đang được thực hiện thông qua các văn bản pháp quy của lĩnh vực tài nguyên nước hiện có như các quy trình vận hành liên hồ chứa có xem xét tính toán nước cho các hệ sinh thái liên quan; ưu đãi cho sử dụng tài nguyên nước tiết kiệm và hiệu quả; thành lập các tổ chức lưu vực sông,…

Để bảo đảm an ninh nguồn nước và hướng tới thực hiện các mục tiêu SDG6, ở Việt Nam hiện tại cũng như trong thời gian sắp tới và lâu dài, tại Kết Luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị, nhiệm vụ ngắn hạn có, dài hạn cũng có, đảm bảo cấp nước, số lượng chất lượng nước cho sinh hoạt cho sản xuất là mục tiêu ở trong Kết luận này và trong Đại hội Đảng XIII cũng đề cập, đến năm 2030, 100% dân số đô thị và 80% dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo an toàn đó là mục tiêu cụ thể.

Trong quản lý, ngay tại Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ những nhiệm vụ, cụ thể 9 nhiệm vụ này Quốc hội, Chính phủ sẽ có những quy định về trong Luật cũng như Nghị định và trách nhiệm của các Bộ, ngành triển khai, 9 nhiệm vụ này thể hiện rõ một số nhiệm vụ rất cần thiết và rất gần chúng ta đã và đang thực hiện và sắp tới càng phải bám sát để thực hiện, ví dụ như nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh nguồn nước gồm có đảm bảo nước cho sử dụng cho sinh hoạt, sản xuất và đảm bảo về môi trường, môi trường có 2 góc cạnh ứng phó với rủi ro về ngập lụt, ứng phó được với hạn hán. Những công việc đó phải đảm bảo được cả xã hội nhận thức được, từ cấp Trung ương đến địa phương và người dân.

Trong Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ trách nhiệm của các bộ ngành về nâng cao chất lượng về quy hoạch, giám sát các quy hoạch đây là những nhiệm vụ rất cần thiết đã được chỉ ra trong kết luận này. Ngoài ra, trong phòng chống giảm thiểu tác hại do nước gây ra như ngập lụt, hạn hán, ô nhiễm đó là những nhiệm vụ chúng ta đã, đang làm và cần phải giám sát chặt chẽ hơn.

Đối với lĩnh vực tài nguyên nước mà Bộ Tài nguyên và Môi trường đang quản lý, những nhiệm vụ của Kết luận số 36-KL/TWcủa Bộ Chính trị cũng như các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước được cập nhật vào trong Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên nước.

Định hướng của Chính phủ là đảm bảo cấp nước sạch sinh hoạt cho các hộ dân chưa có khả năng tiếp cận với nguồn cấp tập trung, cộng đồng dân cư ở vùng sâu, vùng xa, khu vực khan hiếm và khó khăn về nguồn nước, địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Vậy, Bộ NN&PTNN đã và đang triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này ra sao?

Chia sẻ về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Luân cho biết: Ngày 24/11/ 2021 thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược QG về nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030 và tầm nhìn 2045.

Ngày 23/6/2022 Bộ Chính trị đã có Kết luận số 36-KL/TW về đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn đập hồ chứa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện chiến lược Quốc gia này cũng như Kết luận 36-KL/TW.

Về Kết luận 36, Bộ NN&PTNN cũng đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận này trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện và về chiến lược quốc gia thì Chính phủ cũng đã phê duyệt các giải pháp để giải quyết vấn đề nước sạch để đến năm 2030 mục tiêu 80% người dân nông thôn có thể tiếp cận nước sạch an toàn, đây vấn đề lớn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chiến lược này, tập trung sâu vào giải quyết vấn đề nước quy mô hộ gia đình và các hộ không có điều kiện tiếp cận nguồn cấp nước tập trung.

Đến năm 2021 theo thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới chỉ có 45,4% dân số nông thôn được tiếp cận, sử dụng nguồn cấp nước tập trung còn lại 54.6% người dân nông thôn vẫn sử dụng công trình cấp nước nguồn cấp nước quy mô hộ gia đình.

Nguồn nước, công trình cấp nước hộ gia đình thì cái công tác đảm bảo chất lượng, quản lý chất lượng rất là khó. Thế cho nên cần có nhiều các giải pháp đẻ tập trung giải quyết vấn đề này để các hộ dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa đặc biệt các vùng hay bị thiên tai như lũ lụt hạn hán được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và đảm bảo sức khỏe, về cụ thể Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ví dụ xây dựng Nghị định cũng như Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện về cung cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn.

Và đang đề nghị sửa đổi chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội để giúp người dân ở vùng sâu, vùng xa, người dân nghèo có thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để vay xây dựng cải thiện nâng các công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Chúng tôi đang tập chung đầu tư xây dựng các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025 cho các vùng đặc biệt khó khăn như vùng núi Hà Giang, Cao Bằng và các vùng nhiễm mặn như Đồng bằng sông Cửu Long và triển khai chính sách ưu đãi để xây dựng các mô hình thí điểm và đồng thời công tác truyền thông vận động người dân có ý thức bảo vệ nguồn nước các công trình cấp nước tập chung cũng như các công tác hợp tác quốc tế kêu gọi các tổ chức quốc tế tiếp tục tài trợ, hỗ trợ các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đặc biệt hộ dân vùng sâu vùng xa và trong các trường hợp bị thiên tai lũ lụt, hạn hán xảy ra, các tổ chức quốc tế vận động các nguồn tài trợ nhanh chóng hỗ trợ để đảm bảo các nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn tránh bệnh tật xảy ra, ông Luân cho biết thêm

Nói về công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh trong tình trạng ngập lụt kéo dài, ThS. Nguyễn Thị Bích Thủy cho biết: Ngay từ khi chuẩn bị bước vào mùa mưa bão, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ chủ động ứng phó với thiên tai những tháng cuối năm. Luôn có kế hoạch ứng phó và diễn tập để chuẩn bị sẵn sàng với các tình huống xảy ra.

Ngành y tế sẵn sàng cung ứng đủ thuốc thiết yếu/vật tư y tế, phương tiện cấp cứu, truyền thông phòng chống dịch bệnh và các tai nạn có thể xảy ra như điện giật, đuối nước… Duy trì phòng chống dịch Covid-19, sốt xuất huyết và các bệnh truyền nhiễm khác và đặc biệt chú ý đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân trong vùng bị chia cắt. Dự trữ và cung cấp đầy đủ hóa chất làm trong và khử khuẩn nước cho từng hộ gia đình ở những vùng trọng điểm để xử lý môi trường và nguồn nước khi có mưa, bão, lũ lụt xảy ra.

Chỉ đạo các CDC các tỉnh chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó với lụt bão theo tinh thần 4 tại chỗ (là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Ban hành tài liệu hướng dẫn truyền thông thông về phòng chống bệnh tật, xử lý nguồn nước bị ô nhiễm, xác động vật chết, tiêu độc khử trùng.

Để phòng nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm dễ lây lan thành dịch, Bộ y tế khuyến cáo người dân triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm sau những ngày mưa lũ. Đảm bảo nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Với xác động vật chết trong mưa lũ cần thu gom và sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất để xử lý khi chôn, tránh phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm; phối hợp với nhân viên ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ. Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.

Người dân cần chủ động đảm bảo vệ sinh môi trường quanh khu vực mình sinh sống, thau rửa và khử trùng nước giếng, nước sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế tại địa phương. Người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Ngành y tế sẽ giám sát, phát hiện và xử lý các nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm xảy ra sau mưa lũ như tiêu chảy, sốt xuất huyết, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm; đặc biệt các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa như: dịch tả, lỵ, thương hàn…

Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ xây dựng triển khai mô hình cơ sở y tế thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững với môi trường. Trong đó tập trung vào nâng cao năng lực của cán bộ y tế, nhân viên y tế bao gồm cả trang thiết bị để ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý an toàn đối với nước sạch và vệ sinh môi trường, chất thải y tế và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ sở y tế.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn phối hợp với UNICEF xây dựng khung chiến lược về biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, hướng tới giảm phát thải khí carbon, đảm bảo cơ sở trang thiết bị, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh, phương tiện chạy bằng điện. Những dự án này kỳ vọng giúp ngành y tế nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thế Đồng, lũ lụt, hạn hán liên quan đến vấn đề nước sạch là vấn đề kéo dài, để có thể có những kế hoạch phòng chống và nâng cao nhận thức cộng đồng, trước hết vai trò của cơ quan truyền thông rất quan trọng chúng ta đã và đang tuyên truyền kết hợp cơ quan khác nhau để đảm bảo hiệu quả.

Hiện nay, nhận thức cơ bản dân cư tập trung tại đô thị đã được nâng cao, vấn đề ô nhiễm nguồn nước ở các vùng nông thôn miền núi chúng ta cần quan tâm hơn nữa, giữa nhận thức hiểu biết đến thực hiện thì đó vẫn còn là khoảng cách, đã hiểu những còn lúng túng, các địa phương cần có chương trình bên cạnh việc tuyên truyền còn cũng phải có những kế hoạch kêu gọi ở các cấp khác nhau.

Từ cấp Trung ương ứng phó thiên tai, những vùng nào dễ bị ngập lụt, có những phần mềm theo dõi tình trạng ngập lụt, trên cơ sở dự báo, từ cấp chính quyền địa phương đến người dân có những kế hoạch cơ bản để ứng phó khi xảy ra mưa lũ, khi đó người dân sẽ chủ động hơn. Ứng phó lũ lụt đảm bảo nâng cao nhận thức là một phần, cần sự đồng bộ từ các ngành các cấp chung tay để đảm bảo chất lượng nước sạch và vệ sinh môi trường vào mùa mưa lũ.

toa-dam-1.jpg
Nhà báo Khánh Toàn – Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tặng hoa cho các khách mời tham dự tọa đàm

Sau khi lũ đi qua, như một quy luật, người dân lại tiếp tục chống chọi, đương đầu với hàng loạt vấn đề cấp thiết đòi hỏi sự chung tay của các ngành, các cấp.

Chúng ta cần xác định việc quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước sẽ giúp thích ứng tốt hơn và giảm thiểu các thiệt hại của biến đổi khí hậu. Về lâu dài, nếu không có các biện pháp hiệu quả thì tình trạng thiếu nước hằng năm tiếp tục diễn ra và có thể còn nghiêm trọng hơn bởi biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực tới Việt Nam./.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích