Đắk Nông: Nhiều cây gỗ quý được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Đắk Nông: Nhiều cây gỗ quý được công nhận là Cây di sản Việt Nam

Trần Tuấn (T/h) –  Thứ sáu, 30/09/2022 14:25 (GMT+7)

Ngày 29-9, Lễ đón bằng công nhận “Cây di sản Việt Nam” đã diễn ra tại Trung đoàn 726 (trực thuộc Binh đoàn 16, Bộ Quốc phòng) ở xã biên giới Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.

tm-img-alt
Lễ mở bia đá cây di sản Việt Nam tại Trung đoàn 726. Ảnh: TTXVN

Số cây cổ thụ được công nhận đều có tuổi đời trên 100 năm, trong đó cây gỗ giáng hương nằm trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có tuổi đời gần 450 tuổi.

Đây là những cây gỗ quý thuộc lâm phần được giao cho Trung đoàn 726 và Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ (Sở Nông nghiệp và PTNT Đắk Nông) quản lý.

Các cây gỗ quý được vinh danh là “Cây di sản Việt Nam” lần này có quần thể 11 cây thông ba lá, 2 cây muồng ngủ (còn gọi là cây còng), 1 cây gỗ giáng hương và 6 cây thông nàng (còn gọi là bạch tùng). Số cây cổ thụ được công nhận đều có tuổi đời trên 100 năm, trong đó cây gỗ giáng hương nằm trên lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ có tuổi đời gần 450 tuổi.

Đối với 7 cây thông ba lá và 2 cây muồng ngủ đều trong vực khuôn viên Sở Chỉ huy Trung đoàn 726 và gắn liền với dấu tích “Sở Trà”. Đây là một công trình kiến trúc thời Pháp được thiết kế khá độc đáo, duy nhất còn lại tại Đắk Nông và khu vực Tây nguyên.

Đối với 4 cây thông ba lá ở chốt bảo vệ rừng bên cạnh Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, là một trong những điểm ghi đậm dấu ấn lịch sử tại vùng đất Quảng Trực. Nơi đã diễn ra trận công đồn Bu Prăng-Phước Long vào đêm ngày 26-12-1965 do Tiểu đoàn 840-miền Đông Nam Bộ đảm nhiệm đánh chiếm.

Trong đó, cây Giáng hương cao hơn 30 m và chu vi đường kính gần 6 m, có tuổi đời gần 440 năm… So với những cây cổ thụ khác trong rừng Thác Mơ hoặc nhiều cánh rừng khác của Đắk Nông, cây giáng hương này có thể xếp vào hàng “già nhất”, vô cùng quý hiếm, có ý nghĩa rất lớn về khoa học, lịch sử, đời sống xã hội.

Sau một thời gian tích cực khảo sát, thiết lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét duyệt, quần thể các loại cây nêu trên chính thức được Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam và Hội đồng Cây di sản trao Bằng công nhận.

Theo Ban tổ chức buổi lễ, việc cơ quan chuyên môn công nhận số cây gỗ quý là “Cây di sản Việt Nam” sẽ tạo tiền đề tốt trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần bảo tồn nguồn gene thực vật, bảo vệ môi trường và nâng cao nhận thức, hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương.

Theo ông Trần Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, việc công nhận nhiều cây gỗ quý, hiếm, tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại xã biên giới Quảng Trực là “Cây di sản Việt Nam” sẽ góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị

Bạn cũng có thể thích