Đắk Nông: Chưa thể xử lý dứt điểm “nạn” lấn chiếm đất CCN-TTCN Quảng Tâm

(TN&MT) – Tháng 12/2009, tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt đầu tư Dự án Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CCN-TTCN) Quảng Tâm. Dự án do Công ty CP Xuất nhập khẩu Đại Gia Thuận (Công ty Đại Gia Thuận) làm chủ đầu tư với diện tích gần 35ha tại xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức. Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay, có rất nhiều diện tích đất đã bị lấn chiếm làm nhà ở, trồng cây nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thể xử lý dứt điểm.

1ok.jpg
Khu vực đất thuộc Dự án CCN-TTCN Quảng Tâm đã bị lấn chiếm xây dựng rất nhiều nhà ở

“Điểm nóng” tình trạng lấn chiếm đất đai

Theo chân cán bộ địa chính xã Quảng Tâm vào CCN-TTCN Quảng Tâm, cách cách trung tâm hành chính huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) chưa đầy 5km, chúng tôi (PV) khá bất ngờ vì có hàng chục ngôi nhà được xây dựng từ lâu nằm xen kẽ với một số công trình đang còn dang dở của CCN-TTCN này.

Mới nhìn, PV khá ngạc nhiên vì khung cảnh xung quanh không khác gì một khu dân cư được cơ quan chức năng cấp phép. Trao đổi với PV, vị cán bộ địa chính cho biết, khu vực này sau khi được nhà nước quy hoạch để xây dựng CCN-TTCN thì việc lấn chiếm, xây dựng trái phép diễn biến phức tạp được xem là một trong những “điểm nóng” của huyện.

“Tính đến nay, UBND các cấp đã lập gần 80 biên bản vi phạm hành chính nhưng chẳng những dẹp được mà nạn chiếm đất, làm nhà trồng cây càng nghiêm trọng. Tất cả các trường hợp bị lập biên bản, xử phạt hành chính đều bị buộc khắc phục hiện trạng, trả lại đất cho CCN trong vòng 30 ngày. Tuy nhiên, hầu như đến nay vẫn không có ai chấp hành”, vị cán bộ địa chính cho biết thêm.

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đã ký ban hành 10 Quyết định xử phạt hành chính về hành vi lấn chiếm đất CCN để làm nhà, trồng cây lâu năm với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng. Trong số những vụ lấn chiếm, UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, có nhiều trường hợp không tìm được đối tượng vi phạm, tỉnh buộc phải ra quyết định yêu cầu xã khắc phục hiện trạng…

2ok.jpg
Một trong số công trình của CCN-TTCN Quảng Tâm xây dựng dang dở

Huyện phải tính toán để cưỡng chế, giải toả

Qua tìm hiểu, Dự án CCN-TTCN Quảng Tâm có tổng số vốn đầu tư là 90 tỉ đồng và dự kiến hoàn thành trong vòng 3 năm. Thời điểm hiện tại, Công ty Đại Gia Thuận triển khai chỉ là căn nhà bảo vệ rộng khoảng 10m2, cổng chính dang dở, một số trụ bê tông bỏ hoang.

Sau nhiều lần làm việc, yêu cầu gia hạn nhưng… mất liên lạc với chủ đầu tư, ngày 21/11/2019, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông đã có Quyết định số 173 về việc thu hồi chủ trương dự án nêu trên của Công ty Đại Gia Thuận. Đến năm 2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi 35ha đất và giao về địa phương quản lý nhưng lúc này, toàn bộ diện tích đất đã bị hàng chục hộ dân lấn chiếm xây nhà, trồng cây chưa thể cưỡng chế, thu hồi.

Ông Đặng Văn Cương – Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm, thừa nhận có trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý đất đai, xây dựng tại CCN này. Theo ông Cương, để dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất như hiện nay là vào những năm 2009-2010, khi Công ty Đại Gia Thuận nhận đất nhưng chưa triển khai, nhiều người dân đã thuê, mượn diện tích đất được giao để trồng khoai, hoa màu.

3ok.jpg
Nhiều hộ dân đã sinh sống cả chục năm trên đất có nguồn gốc lấn chiếm từ CCN -TTCN Quảng Tâm

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, đến nay, tỉnh đã thu hồi chủ trương đầu tư Dự án CCN-TTCN Quảng Tâm của Công ty Đại Gia Thuận. Tuy nhiên, diện tích đất 35ha vẫn sẽ tiếp tục quy hoạch là đất làm khu công nghiệp, không hợp thức hoá cho khu dân cư.

Ngoài ra, ông Lê Trọng Yên cũng khẳng định, để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai như thời gian qua có trách nhiệm của của xã, huyện trong việc quản lý đất đai, xây dựng tại CCN Quảng Tâm. Các Quyết định xử phạt hành chính của tỉnh Đắk Nông là do mức phạt vượt thẩm quyền của xã, huyện. Còn công tác quản lý đất đai, thu hồi đất vẫn thuộc UBND huyện Tuy Đức. 

“Việc cưỡng chế, giải tỏa đất tại đây phải làm nhưng thuộc trách nhiệm của huyện. Đồng thời, địa phương cũng phải tính toán phương án, có hỗ trợ người dân hay không… để tiến hành thu hồi đất, lập lại kỷ cương”, ông Yên cho hay.

Bạn cũng có thể thích