Đắk Lắk: Sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(Xây dựng) – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk sẽ tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua hồ sơ trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong tháng 11/2023. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh trong tháng 12/2023.
Ngã 6 trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, hiện đơn vị đang khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng để tiến hành rà soát, điều chỉnh các nội dung liên quan theo ý kiến góp ý Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét trong tháng 11/2023. Dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh trong tháng 12/2023.
Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng kêu gọi, thu hút đầu tư tập trung vào việc tạo ra một môi trường thuận lợi và cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, đề ra các biện pháp cải cách hành chính, tăng cường quyền lợi và bảo vệ các nhà đầu tư, nhằm thúc đẩy sự đa dạng hóa kinh tế để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
Trên cơ sở hồ sơ Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đắk Lắk sẽ sớm hoàn thiện lập và phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chung phát triển đô thị, các phương án sử dụng đất của các nông lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý làm cơ sở để cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án đề xuất đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Đắk Lắk sẽ chú trọng, đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án trọng điểm để thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt là đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, đường vành đai phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, nâng cấp Cảng hàng không Buôn Ma Thuột, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại Cửa khẩu Đắk Ruê…
Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức trung bình khá của cả nước, trên cơ sở: phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; bản sắc văn hóa các dân tộc; Đắk Lắk trở thành điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế; Buôn Ma Thuột là cực phát triển của vùng Tây Nguyên, hội nhập và liên kết theo hướng mở với khu vực và quốc tế.
Mô hình phát triển dựa trên yếu tố không gian sinh thái – văn hoá – kết nối sáng tạo, phát triển bền vững, hướng về thiên nhiên, lấy con người là trọng tâm.
Nguồn: Báo xây dựng