Đắk Lắk: Quy hoạch sử dụng đất hiệu quả để phát triển kinh tế – xã hội
(TN&MT) – Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn, nhất là tại TP. Buôn Ma Thuột với tốc độ phát triển đô thị hóa khá nhanh. Để tìm hiểu thực trạng cũng như những giải pháp phù hợp đối với công tác này, Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Trần Đình Nhuận (ảnh) – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk.
PV: Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) tỉnh Đắk Lắk. Vậy, tỉnh đã triển khai thực hiện ra sao, thưa ông?
Ông Trần Đình Nhuận:
Thực hiện Nghị quyết số 106/NQ-CP của Chính phủ, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 15/15 đơn vị hành chính cấp huyện; thực hiện thí điểm việc xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt trên địa bàn huyện Lắk. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang lập dự án xác định ranh giới và công khai diện tích đất trồng lúa nước cần được bảo vệ nghiêm ngặt trên địa trên địa bàn tỉnh.
Ông Trần Đình Nhuận – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk. |
Tỉnh Đắk Lắk cũng đã triển khai Dự án Điều tra, đánh giá đất đai lần đầu trên địa bàn tỉnh, gồm 4 dự án thành phần. Đến nay, đã thực hiện xong Dự án Điều tra, đánh giá tình hình thoái hóa đất lần đầu; hiện đang triển khai thực hiện Dự án Điều tra, đánh giá về chất lượng đất, tiềm năng đất đai lần đầu và triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh. Dự kiến hoàn thành 9 đơn vị hành chính cấp huyện trong năm 2022, hoàn thành 6 đơn vị hành chính cấp huyện còn lại trong năm 2024.
Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, Sở TN&MT Đắk Lắk đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk thu hồi đất của 19 tổ chức có vi phạm pháp luật về đất đai với tổng diện tích 5.599 ha.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh Đắk Lắk được phê duyệt đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, từ đó tạo nguồn thu từ đất đai, nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
PV: TP. Buôn Ma Thuột được xem là thủ phủ của Tây Nguyên với nhiều lợi thế. Song có nhiều dự án “treo” kéo dài, chậm tiến độ, giá đất tăng đột biến. Ông có thể chia sẻ đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Trần Đình Nhuận:
Thời gian qua, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, công tác quản lý đất đai có lúc có nơi còn chưa được thực hiện tốt, còn xảy ra tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng nhà ở trái phép, đặc biệt là trong giai đoạn năm 2018 – 2019. Sở TN&MT Đắk Lắk đã có văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 23/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh tại địa phương. Qua đó, tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo chấn chỉnh, cơ bản chấm dứt tình trạng chuyển mục đích sử dụng đất và xây dựng trái phép trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Một góc TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). |
Ngoài ra, hiện tượng đầu cơ đất làm giá đất tăng đột biến đã xảy ra trên nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhất là ở một số thành phố lớn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là triển khai các dự án đầu tư; gây áp lực trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, giải quyết đất ở cho người thật sự có nhu cầu, cũng như các vấn đề về môi trường, dân sinh.
Trong đó, tỉnh Đắk Lắk cũng đã gặp tình trạng tương tự, tuy nhiên chỉ diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh với quy mô nhỏ. Nguyên nhân của tình trạng đầu cơ đất làm giá đất tăng đột biến trên là do Bảng giá đất giai đoạn 2015 – 2019 của địa phương có chênh lệch so với giá thực tế trên thị trường; bất cập trong cơ chế chính sách; hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
PV: Để đảm bảo cho công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới được ổn định và hiệu quả, Sở TN&MT có những kế hoạch cụ thể nào để tham mưu cho tỉnh Đắk Lắk triển khai thực hiện, thưa ông?
Ông Trần Đình Nhuận:
Sở TN&MT Đắk Lắk đã xác định nhu cầu sử dụng đất của tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 – 2030 và gửi Bộ TN&MT để tổng hợp nhu cầu sử dụng đất của tỉnh trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 -2030.
Đồng thời, Sở TN&MT cũng chủ động phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng Phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch tỉnh và Kế hoạch sử dụng đất tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025. Đặc biệt, Sở TN&MT còn tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 – 2030 cấp huyện, dự kiến sẽ được phê duyệt trong quý III/2021.
Việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giai đoạn tới của địa phương, Sở TN&MT Đắk Lắk sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 và Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 18/9/2019 của Chính phủ và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Đối với công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Sở TN&MT xác định đất đai là tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Đắk Lắk, là nguồn lực quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!