Đắk Lắk cần xây dựng phương án ứng phó các loại hình thiên tai mới xuất hiện

(TN&MT) – Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai với UBND tỉnh Đăk Lăk trong buổi làm việc về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, sáng 13/7.

Tiếp đoàn công tác, về phía UBND tỉnh Đắk Lắk có ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đại diện lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh Đắk Lắk.

img_8672.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Phân bổ hơn 165 tỷ đồng khắc phục hậu quả thiên tai

Báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đăk Lăk, trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 17 đợt thiên tai, gồm 7 trận lốc tố, 2 đợt hạn hán, 8 đợt mưa lũ làm 2 người chết, 1 người bị thương; 130 nhà dân, 9 điểm trường bị ảnh hưởng; khoảng 29.674 ha cây trồng các loại bị thiệt hại; 90 con gia súc, 13.302 con gia cầm bị cuốn trôi; 178 ha ao nuôi thủy sản bị cuốn trôi; nhiều công trình cơ sở hạ tầng bị hư hỏng. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 461 tỷ đồng.

Từ tháng 1-3/2022, thời tiết trên địa bàn tỉnh là thời kỳ mùa khô; lương mưa phổ biến đạt và cao hơn TBNN, riêng khu vực phía Bắc tỉnh lượng mưa thấp hơn TBNN từ 15-40%. Từ giữa tháng 3/2022 đến nay, là giai đoạn chuyển mùa, trên địa bàn tỉnh xuất hiện một số đợt mưa dông, kèm theo lốc tố. Từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 đợt thiên tai, trong đó 4 trận mưa dông kèm theo lốc tố và 1 đợt mưa lũ làm hư hỏng 56 nhà dân, 5 điểm trường bị ảnh hưởng, 1.769 ha cây trồng bị ảnh hưởng. Ước tính thiệt hại 18,314 tỷ đồng.

Theo ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp; cơ bản xây dựng và triển khai tốt Kế hoạch phòng chống thiên tai giai đoạn năm 2021-2025 các cấp.

Về kết quả triển khai hoạt động khắc phục hậu quả, phục hồi tái thiết sau thiên tai, ông Mai Trọng Dũng cho biết, năm 2021, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh đã phân bổ 165,078 tỷ đồng để khắc phục hậu quả thiên tai, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 124,500 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 15,728 tỷ đồng; các nguồn khác 24,850 tỷ đồng.

Những tháng đầu năm 2022, tỉnh đã phân bổ 70,200 tỷ đồng, trong đó 50 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ; 14,700 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và 5,5 tỷ đồng từ Quỹ phòng chống thiên tai tỉnh để khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh.

img_8616.jpg
Ông Mai Trọng Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Đánh giá về công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh theo Bộ chỉ số phòng chống thiên tai cấp tỉnh, ông Mai Trọng Dũng cho biết, căn cứ Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT ngày 08/2/2021 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ban Chỉ huy đã triển khai đến các địa phương, đơn vị liên quan; kết quả thực hiện được đánh giá là hoàn thành tốt các tiêu chí đã đề ra; trên cơ sở thẩm định, chấm điểm của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 7/63 tỉnh thành trên toàn quốc toàn quốc về kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống thiên tai.

Đối với việc thực hiện phương chân 4 tại chỗ tại các địa phương, đến nay, 100% các đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh đã thành lập, kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động Đội xung kích để chủ động xử lý giờ đầu với thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Về việc gắn xây dựng cộng đồng an toàn với thực hiện tiêu chí an toàn về phòng chống thiên tai trong xây dựng nông thôn mới, tính đến cuối năm 2021, kết quả thực hiện Chỉ tiêu 3.2 của toàn tỉnh có 152/152 xã đã đạt tiêu chí 3.2; trong đó có 71/152 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Mai Trọng Dũng cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có 20 chủ đầu tư quản lý công trình, chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn quy định. Ngày 25/5/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1428/STNMT-TNN về việc đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật về khí tượng thủy văn gửi 20 chủ đầu tư quản lý công trình/chủ công trình phải tổ chức quan trắc khí tượng thủy văn theo quy định.

Từ ngày 18-30/6/2021, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước đối với 8 công trình thuỷ điện hoạt động trên địa bàn tỉnh. Ngày 2/11/2022, Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành Kết luận số 3391/KL-STNMT về việc kết luận kiểm tra chấp hành pháp luật về đất đai, bảo vệ môi trường và tài nguyên nước đối với 8 công trình thuỷ điện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Qua đó, có 4/8 đơn vị chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về tài nguyên nước, như: khai thác nước mặt vượt quá lưu lượng quy định trong Giấy phép khai thác; chưa thực hiện báo cáo tình hình khai thác, sử dụng nước mặt năm 2019, 2020; không có giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt; xả nước không đảm bảo yêu cầu tổng lưu lượng xả tương đương đương với lưu lượng đến hồ.

Điểm sáng trong khu vực về phòng ngừa, ứng phó thiên tai

Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Đoàn công tác cho rằng, Đắk Lắk là tỉnh trung tâm của khu vực Tây Nguyên có diện tích lớn thứ 5, dân số đứng thứ 10 cả nước. Đắk Lắk chịu ảnh hưởng chịu ảnh hưởng 11/21 loại thiên tai, có 5 thiên tai chủ yếu là hạn hán, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất. Giai đoạn 2010-2020, thiên tai gây thiệt hại 15.000 tỷ đồng, bình quân thiệt hại 1.000 tỷ đồng/năm cho tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, tỉnh Đắk Lắk là điểm sáng trong khu vực về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai. Mỗi năm tỉnh đã trích khoảng 700-900 triệu đồng cho công tác nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp; từ năm 2015, tỉnh đã thành lập và phát huy được vài trò của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy chuyên trách; tỉnh xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về đánh giá kết quả Bộ chỉ số phòng chống thiên tai cấp tỉnh…

img_8621.jpg
Ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, ông Nguyễn Văn Vỹ, Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống thiên tai miền Trung, Tây Nguyên (Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai) cho rằng, công tác dự báo, cảnh báo của Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn do thời tiết thiên tai diễn biến phức tạp, không theo quy luật. Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông đến cộng đồng còn hạn chế. Văn phòng thường trực Ban chỉ huy các cấp còn mỏng về cán bộ, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ công tác tham mưu còn rất hạn chế. Cơ sở hạ tầng đồ sộ nhưng nhiều công trình, trong đó có hệ thống giao thông, thuỷ lợi xuống cấp; hệ thống dự báo, cảnh báo còn còn thưa so với yêu cầu.

Ông Nguyễn Văn Vỹ đề nghị tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó, phòng chống thiên tai. Xây dựng bản đồ rủi ro thiên tai theo quy định. Tổ chức kiểm tra, rà soát, bổ sung phương án ứng phó thiên tai, phương án phải được phổ biến đến cộng đồng. Chỉ đạo lực lượng xung kích phòng chống thiên tai địa phương 184/184 xã triển khai rà soát các điểm có nguy cơ cao mất an toàn về lũ quét, sạt lở đất. Đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, có phương án đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ chính vụ, dừng thi công khi có mưa, lũ lớn, nhất là các hồ chứa nhỏ. Tổ chức diễn tập để nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ, nhất là thiên tai cực đoan như năm 2009.

img_8644.jpg
Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu tại buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm, Phó trưởng Phòng Thường trực giúp việc các Ban Chỉ đạo Văn phòng Bộ Công an cho rằng, trong công tác phòng chống thiên tai, Đắk Lắk là một trong các địa phương được lãnh đạo tỉnh rất quan tâm. Điều này được thể hiện rõ qua kết đánh giá của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai qua Bộ Chỉ số phòng chống thiên tai cấp tỉnh với vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố. Đây là kết quả rất đáng mừng, cho thấy nỗ lực, sự vào cuộc quyết liệt của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của địa phương.

Thượng tá Nguyễn Văn Khiêm thông tin, hiện nay, lực lượng công an đã triển khai công an xã chính quy. Trong đó, bố trí một đồng chí làm phó Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cấp xã. Do đó, mọi tình huống thiên tai xảy ra, ngành công an có thể chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ưng đến địa phương rất dễ dàng. Đề nghị công an tỉnh Đắk Lắk triển khai tổ chức tích hợp các nhiệm vụ gồm ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự vào Ban chỉ huy ở công an tỉnh theo đúng chỉ đạo của ngành công an. Đồng thời, tiến hành tích hợp các cơ sở dữ liệu vào bản đồ ngập lụt để phục vụ công tác chỉ huy điều hành, phục vụ các cuộc họp, hội nghị với Ban chỉ đạo quốc gia. Lực lượng công an cũng cần nắm rõ tất cả các điểm ngập lụt để bố trí lực lượng, đặc biệt lực lượng giao thông khi bị chia cắt; chuẩn bị vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống sự cố thiên tai xảy ra.

img_8628.jpg
Ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Theo ông Trịnh Xuân Hòa, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có một số khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất như khu vực huyện Krông Bông, đoạn quốc lộ 26 từ Đắk Lắk đi Khánh Hòa, huyện Ea Súp, một số đoạn giao thông của huyện Lắk. Tỉnh cần chú ý có biện pháp phòng ngừa, ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, Đắk Lắk cũng cần lưu ý đảm bảo an toàn cho người lao động tại các khu vực khai thác khoáng sản trên địa bàn trong mùa mưa bão.

Khắc phục tình trạng xuống cấp của các hồ thủy lợi nhỏ

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Y Giang Gry Niê Knơng tiếp thu các ý kiến của thành viên Đoàn công tác để triển khai công tác ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai hiệu quả hơn trong thời gian tới. Bên cạnh các kết quả đạt được như Ban Chỉ huy cũng như Đoàn công tác đã chỉ ra, ông Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, hiện nay, Đắk Lắk có một số khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai. Đặc biệt, tỉnh có số lượng người dân di cư từ phía Bắc đến sinh sống rất đông. Có khoảng 20 nghìn người hiện đang sống trong rừng, đất không hợp pháp việc tuyên truyền và tổ chức các biện pháp ứng phó thiên tai rất khó khăn. Thời gian qua đã có người bị chết trong trường hợp như vậy. Hơn nữa, các cơ chế chính sách cũng khó áp dụng đối với đối tượng này.

img_8663(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, nguồn lực cho đo, cắm mốc các hồ đập để quản lý còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Đắk Lắk ít xảy ra sạt lở đất, nếu có cũng thường là các khu vực không có dân sinh sống. Thiên tai phổ biến nhất hiện nay và gây thiệt hại lớn cho tỉnh là lụt, lũ, lốc. Trong đó, lốc đã gây tốc mái nhiều nhà dân, có việc xảy ra lốc ở những địa phương mà xưa nay chưa từng có. Cùng với lốc, hạn tại Đắk Lắk rất nặng nề, gây ảnh hưởng đến cây công nghiệp như cà phê. Theo tính toán, lượng nước cần để tưới cho 656 nghìn ha đất nông nghiệp là 2 tỷ m3 nước. Hiện nay, với gần 800 hồ trên địa bàn tỉnh chỉ cung cấp được 650 triệu m3. Hồ đập cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ mực nước ngầm.

Cảm ơn các ý kiến phát biểu góp ý cho tỉnh của Đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh tiếp thu, hoàn thiện giúp cho công tác ứng phó thiên tai của tỉnh ngày càng kịp thời, hiệu quả hơn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua. Điều này đã được khẳng định qua việc xếp thứ hạng 7/63 theo Bộ Chỉ số xếp hạng phòng chống thiên tai cấp tỉnh thành phố vừa qua. Đồng thời, Đắk Lắk cũng là một trong số ít các địa phương có thành lập được Văn phường thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hoạt động chuyên trách.

Để làm tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn có phương án ứng phó cụ thể với các loại hình thiên tai mới xuất hiện trên địa bàn. Như nghiên cứu việc phát triển điện gió, điện mặt trời có gây ra những rủi ro thiên tai nào không? Bên cạnh đó, tỉnh cần đưa vào danh mục để có kế hoạch, phương án khắc phục sự xuống cấp của các hồ thủy lợi nhỏ được xây dựng từ lâu. Trao đổi các dữ liệu này với các cơ quan cảnh báo, dự báo khí tượng thủy văn để nhận các dự báo định lượng mưa, phục vụ việc đảm bảo an toàn hồ đập, tính mạng người dân.

img_8676(1).jpg
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thanh Tùng

Đánh giá cao tỉnh đã tổ chức quan trắc bổ sung lượng mưa, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, hiện nay Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã được phép của Chính phủ ký hợp đồng mua số liệu đo mưa này. Theo kiến nghị của địa phương, Tổng cục Khí tượng Thủy văn sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định về định mức đơn giá cho các số liệu đo mưa, để áp dụng thuận lợi trong thời gian tới.

Về điều hành liên hồ chứa, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, mỗi luồng giao cho tỉnh điều hành nếu không có số liệu, tính toán, dự báo thì rất khó. Do vậy, với mỗi luồng nên có một đơn vị sự nghiệp hoặc một doanh nghiệp có năng lực phục vụ dịch vụ này. Những đơn vị này sẽ thu thập dữ liệu, tính toán phương án và báo cáo các số liệu cho  Phó Chủ tịch, tổ điều hành, từ đó công tác chỉ đạo, điều hành có căn cứ, khoa học hơn.

Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, hiện Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Tài nguyên nước, Bộ sẽ đưa các vấn đề này vào quy định của Luật, cũng như trong quá trình xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Việc sửa đổi có thể theo hướng quản lý tài nguyên nước theo lưu vực, trên các lưu vực có các cơ quan điều hành và các bộ phận kỹ thuật để cung cấp các thông tin cho cơ quan có chức năng điều hành tài nguyên nước.

Trước đó, chiều 12/7, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại Hồ chứa nước Ea H’leo 1.

img_8553.jpg
Dự án Hồ chứa nước Ea H’Leo 1, tỉnh Đắk Lắk được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt dự án đầu tư (giai đoạn 1) tại Quyết định số 3902/QĐ-BNN-XD ngày 29/9/2017 và điều chỉnh tại Quyết định số 2874/QĐ-BNN-XD ngày 29/6/2021. Ảnh: Thanh Tùng
img_8526.jpg
Nhiệm vụ của hồ là cấp nước tưới 5.000 ha; tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho khoảng 10.000 người, cắt giảm lũ. Dung tích toàn bộ 25,51 triệu m3. Hồ bắt đầu tích nước từ tháng 10/2021, bắt đầu phát huy hiệu quả cấp nước về hạ du trong mùa khô năm 2021-2022, tham gia cắt giảm lũ mùa mưa năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng 
img_8542(1).jpg
Hồ được phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2, hệ thống kênh mương hồ Ea H’Leo 1 tại Quyết định số 3187/QĐ-BNN-KH ngày 19/7/2021. Đến nay đã hoàn thiện hồ sơ lập nghiên cứu khả thi. Ảnh: Thanh Tùng
img_8563.jpg
Hồ đã hoàn thành trang bị camera giám sát, trạm đo mưa lưu vực; trạm đo mực nước hồ kết hợp đo mưa đầu mối; trạm giám sát độ mở cửa tràn; trạm giám sát lưu lượng qua cống lấy nước và cống xả ra môi trường; trạm giám sát trung tâm tháng 12/2021. Ảnh: Thanh Tùng

Bạn cũng có thể thích