Đăk Hà: Nhà máy xử lý chất thải rắn xả thải trực tiếp ra môi trường
Đăk Hà: Nhà máy xử lý chất thải rắn xả thải trực tiếp ra môi trường
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua nhà máy này đã xả nước thải trực tiếp ra suối nằm tại khu vực phía sau nhà máy, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Thời gian qua, một số người dân sinh sống trên địa bàn huyện Đăk Hà phản ánh về Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà (thôn 1, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà) đã xả nước thải trực tiếp ra môi trường, bốc mùi hôi khó chịu, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Theo phản ánh của người dân, thời gian qua nhà máy này đã xả nước thải trực tiếp ra suối nằm tại khu vực phía sau nhà máy, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân. Con suối chảy về cánh đồng lúa tại thôn 3, xã Đăk La (huyện Đăk Hà), phục vụ cho việc sản xuất và sinh hoạt của bà con.
Ghi nhận của báo Kon Tum, tại khu vực phía sau nhà máy bốc mùi hôi khó chịu; có những đống rác lớn chưa được xử lý. Bên ngoài Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà mùi hôi thối, xú uế bốc lên nồng nặc. Đàn quạ liên tục bay lượn tìm kiếm thức ăn. Phía sau nhà máy là một bãi rác cao hơn chục mét, rộng tới hàng chục mét. Bãi rác hoàn toàn lộ thiên, không được che chắn, phủ bạt.
Len lỏi trong vườn cà phê bao quanh đống rác, phát hiện được một rãnh nước chảy từ chân đống rác ra con suối, sát mép vườn cây. Rãnh nước được tạo từ những tấm bạt nhựa, nối tiếp nhau, được cố định bởi những cọc cây cắm xuống và bao tải cát đè lên.
Từng dòng nước thải có màu đen ngòm chảy trực tiếp xuống con suối, hòa vào dòng nước trong tạo thành dòng nước nâu sẫm, nổi bọt trắng xóa. Qua quan sát, dòng nước thải đen kia được chảy trực tiếp từ bãi rác ra, không qua bất cứ bể chứa xử lý hay các biện pháp xử lý cơ bản nào.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Bùi Thị Hoàng Oanh, Trưởng phòng Kinh tế – Hạ tầng H.Đăk Hà, cho biết dự án Nhà máy rác thải rắn Đăk Hà được khởi công xây dựng từ năm 2019, đến tháng 9/2020 thì đi vào hoạt động. Nhà máy do Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường DH đầu tư với quy mô 3,5 ha, công suất xử lý 75 tấn rác/ngày, đêm.
Theo bà Oanh, Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà được xây dựng trên cơ sở bãi rác cũ trước đó của huyện. Do đó, khi nhà máy xây dựng xong, bãi rác này còn tồn đọng trên 33.500 tấn rác. Hiện nay, ngoài việc xử lý rác thải hằng ngày, nhà máy còn phải thực hiện xử lý rác tồn đọng. Đến nay, số rác tồn đọng mới chỉ xử lý được 200 tấn. Dự tính đến hết năm 2024 mới xử lý hết toàn bộ rác thải tồn đọng.
Theo Phòng TN-MT H.Đăk Hà, trước khi nhà máy đi vào hoạt động, đơn vị đã nhiều lần đi kiểm tra thì thấy các quy trình đều đảm bảo. Công ty TNHH thương mại và công nghệ môi trường DH cũng đã có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Sau khi các cơ quan chức năng thẩm định báo cáo ĐTM, mọi tiêu chuẩn đều đảm bảo thì mới cấp phép hoạt động. Quy trình xử lý rác thải trong nhà máy đều khép kín, nước thải khi chưa xử lý không được phép thải ra môi trường.
Nhưng sau khi được PV cung cấp một số hình ảnh xả thải của nhà máy xử lý rác thải, ông Đặng Ngọc Tiến, Trưởng phòng TN-MT H.Đăk Hà, khẳng định: “Đây chắc chắn là ổng (nhà máy – PV) xả thải trộm rồi chứ không phải riêng bãi rác tồn đọng đâu. Cái vòi xả ra là ổng xả thải trộm rồi!”.
Ông Tiến cho hay đối với rác thải tồn đọng, nhà máy phải có một lớp bạt phủ, không để phát tán mùi hôi ra ngoài. Rác thải cũng phải đưa vào bể chứa có phủ lớp chống thấm để không rò rỉ nước bẩn ra ngoài môi trường. Nguyên tắc xử lý rác thải là phải qua 1 bể chứa, 1 bể lọc và 1 bể chứa vi sinh. Tối thiểu phải xử lý qua 3 bể. “Nếu như theo phản ánh của PV thì nhà máy này sai hoàn toàn rồi. Không biết ổng (nhà máy – PV) có xả hay không, nhưng nước thải không qua xử lý là ông ấy đã sai”, ông Tiến nhận định.
Cũng theo ông Tiến, nếu muốn xả thải ra môi trường, chất lượng nước phải đạt loại A. Loại nước này có thể sử dụng để rửa mặt, thậm chí có thể uống được. Tuy nhiên, dòng nước mà nhà máy đổ ra suối có màu vàng sậm theo như hình ảnh PV cung cấp thì không đủ tiêu chuẩn. “Phòng TN-MT H.Đăk Hà sẽ tiến hành kiểm tra, khi có kết quả sẽ thông tin cho báo chí”, ông Tiến nói.
Nhà máy xử lý chất thải rắn Đăk Hà do Công ty TNHH Thương mại và Công nghệ môi trường DH (tổ dân phố 7, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) xây dựng vào đầu năm 2019, với tổng mức đầu tư gần 76 tỷ đồng, có công suất đốt 75 tấn rác/ngày, đêm.
Hoài Thu (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị