Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị tướng huyền thoại
Đức độ, tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đem lại niềm tin yêu trọn vẹn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; lòng mến mộ của bạn bè quốc tế và cả sự khâm phục của những người hôm qua còn là đối thủ của ông. Ông là một trong số ít các nhân vật trở thành huyền thoại ngay khi còn đang tại thế.
Nhà chiến lược và chỉ huy quân sự lỗi lạc
Xuyên suốt lịch sử từ khi thành lập nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã để lại dấu ấn lớn ở cả hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trực tiếp chỉ huy những trận chiến mang tính “sống, còn” của dân tộc.
Ông không chỉ là vị tướng huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam, mà còn là một thiên tài quân sự được thế giới trân trọng, cảm phục và suy tôn là một trong 10 vị tướng vĩ đại nhất lịch sử thế giới qua mọi thời đại.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ra và lớn lên tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước.
Chính mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng và anh hùng cùng truyền thống yêu nước của gia đình đã hun đúc nên nhân cách và quyết định con đường đi của ông.
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số I – Quyết định thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (22/12/1944). (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Tham gia cách mạng từ rất sớm, được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho trọng trách thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang trong thời kỳ chuẩn bị cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, tiếp đó là Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ quốc phòng và Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Ông là người đã trực tiếp dẫn dắt “đội quân thơ ấu” từ hai bàn tay trắng, từ súng trường chân đất lớn lên trong suốt cuộc trường chinh mười ngàn ngày và đã đánh bại 10 đại tướng của quân đội viễn chinh nhà nghề của hai đế quốc lớn.
Ông từ một thầy giáo dạy sử, không qua một trường lớp quân sự, trở thành danh tướng, “một tư lệnh của các tư lệnh, một chính ủy của các chính ủy” – như cách định nghĩa của Thượng tướng Trần Văn Trà.
Ông từ một thầy giáo dạy sử, không qua một trường lớp quân sự, trở thành danh tướng
(CỐ THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ, NGUYÊN TƯ LỆNH CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM)
Có thể khẳng định, trong tất cả những bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến dịch quân sự trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là một trong những nhân vật lịch sử đứng ở vị trí hàng đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam dưới ngọn cờ bách chiến bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Là người cầm quân tiếp thu và thể hiện đầy đủ tư cách một người tướng gồm sáu đức tính Trí-Tín-Dũng-Nhân-Liêm-Trung mà Bác Hồ đã dạy. Những đức tính ấy, nhất là Trí và Dũng, bộc lộ rất sớm.
Điều này có thể thấy qua cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến trong Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947, để khẳng định rằng tài cầm quân ở tầm chiến lược của ông xuất hiện ngay từ những năm đầu của kháng chiến toàn quốc.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy chiến dịch. (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Đông Xuân 1953-1954, mưu kế chiến lược của Đại tướng được thể hiện rất tài tình. Ông đã thành công trong việc phân tán lực lượng cơ động của địch và đánh địch trên khắp chiến trường Đông Dương bằng các biện pháp nghi binh, lừa địch mà chính tướng Nava cũng phải thú nhận rằng đến hơn 80% lực lượng cơ động của quân Pháp đã bị phân tán ra các chiến trường. Do vậy, khi ta tiến công Điện Biên Phủ thì lực lượng cơ động của địch không thể tập trung lớn để đối phó được nữa.
Trên chiến trường Điện Biên Phủ, ông đã đưa ra một quyết định lịch sử: thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.” |
Trên chiến trường chính – Điện Biên Phủ, ông đã đưa ra một quyết định lịch sử – “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời tôi,” như sau này đại tướng đã chia sẻ.
Đó là thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.” Với quyết định sáng suốt này, trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giành được toàn thắng cao nhất với sự hy sinh xương máu thấp nhất.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu quân đội, cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược. Để giáo dục cho quân đội, ông đã viết lý luận về đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, nêu cao tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh.
Để tạo thực lực về cơ sở vật chất và lực lượng cho cách mạng miền Nam, ông đã đề xuất mở đường chiến lược Trường Sơn. Con đường chiến lược Hồ Chí Minh đã hình thành từ đó, đã tiếp sức cho cách mạng miền Nam và tiến thẳng đến dinh lũy của kẻ địch vào ngày toàn thắng.
Lợi dụng thời cơ, ta giải phóng Huế, Đà Nẵng đẩy địch vào thế tan rã. Và với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự, ông đã chỉ huy các mũi tiến công của đại quân ta bằng mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.
Mệnh lệnh của ông vừa là tiếng kèn xung trận vừa là chiết xuất của một tư duy quân sự thiên tài trước thời khắc hệ trọng lịch sử của dân tộc.
Có thể nói, với nhãn quan thiên tài về quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kế thừa tinh hoa quân sự của thế giới, phát huy cao độ nghệ thuật chiến tranh nhân dân của truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc, phát huy tư tưởng quân sự và sự chỉ đạo sâu sát của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm nên những chiến thắng vẻ vang, làm rạng danh dân tộc Việt Nam anh hùng.
Những chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam mà Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp góp phần làm nên đã tác động mạnh mẽ vào dòng chảy lịch sử của dân tộc.
Và cũng chính những chiến tích ấy đã nâng ông lên tầm một vị tướng huyền thoại, một thiên tài quân sự của mọi thời đại, để lại dấu son rực rỡ trong lịch sử quân sự không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Một chỉ huy đức tài trọn vẹn
Là một học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại xuất thân từ một nhà giáo dạy sử, ông là một vị tướng hiểu rõ và thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “trọng dân”, “nước lấy dân làm gốc” của các bậc tiền nhân. Yếu tố nhân dân luôn bám rễ sâu trong tư duy quân sự của ông.
Ngay trong buổi đầu thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, ông đã trực tiếp soạn thảo “Mười lời thề” cho đội, trong đó nhiều nội dung đều đề cập đến quan hệ quân-dân.
Trên cương vị Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng đã có công lớn cùng tập thể Quân ủy Trung ương đưa quan hệ quân-dân trở thành một trong những nét đẹp truyền thống quý báu của Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng như trong việc tạo dựng hình ảnh đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.
Với tư cách là Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của Bác Hồ là làm cách mạng là phải “dĩ công vi thượng,” tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết; đồng thời, ông luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức.
Điển hình, tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954, tuy là người chỉ huy cao nhất được Bác Hồ và Bộ Chính trị trao toàn quyền quyết định các vấn đề, nhưng trước khi quyết định những vấn đề hệ trọng, bao giờ ông cũng đưa ra thảo luận ở tập thể Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, tham khảo ý kiến của Đoàn cố vấn, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao.
Và quyết định thay đổi phương châm tác chiến, từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” của ông không chỉ thể hiện tư duy quân sự sắc sảo, bản lĩnh của người cầm quân, mà còn thể hiện việc quán triệt sâu sắc, chấp hành tuyệt đối ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “đánh chắc thắng.”
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các lão dân quân Hoằng Hóa (Thanh Hóa) từng bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường trong chiến thắng Hàm Rồng, tại Lễ duyệt binh nhân ngày Quốc khánh 2/9/1973. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN phát) |
Ông cũng là một vị tướng thương yêu bộ đội hết mực. Với cán bộ, chiến sỹ dưới quyền, ông như người cha, người anh, người đồng chí thân thiết và gần gũi. Trước nhiều trận đánh, Đại tướng đều viết thư động viên, nhắc nhở và thăm hỏi tình hình sức khỏe của bộ đội, dân công, thanh niên xung phong… Trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn tại chiến trường, Đại tướng vẫn thường xuyên quan tâm, nhắc nhở cơ quan hậu cần, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị chăm lo sức khỏe, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội…
Chiến thắng là cái đích của người cầm quân, song với ông không phải lúc nào cũng giành chiến thắng bằng mọi giá, mà chiến thắng đó phải luôn đi kèm với việc giảm đến mức thấp nhất hy sinh xương máu của bộ đội. Trong tư tưởng của ông, bảo vệ lực lượng, bảo vệ sinh mạng người lính của mình là mối quan tâm thường trực nhất, vì rằng “một chiến thắng lớn nhất là chiến thắng có được với số người phải hy sinh nhỏ nhất.”
“Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”
(CỐ THƯỢNG TƯỚNG TRẦN VĂN TRÀ, NGUYÊN TƯ LỆNH CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG GIẢI PHÓNG MIỀN NAM)
Có mặt ở Điện Biên Phủ trong những tháng ngày gian khổ đó, nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Một vị tổng tư lệnh, đồng thời là người chỉ huy chiến dịch mà khi viết thư gửi chiến sỹ với những lời rất thân mật như anh em, quả là một điều hiếm thấy trong chiến tranh các nước!.”
Cố Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, nói: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một vị Tổng tư lệnh biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh.”
Xúc động trước tình cảm của người chỉ huy cao nhất của quân đội với các liệt sĩ hy sinh trên đỉnh đèo Phulêcnhích, Trung tướng Đổng Sĩ Nguyên, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 559 đã viết trong hồi ký: “Những giọt nước mắt dành cho những chiến sỹ vĩnh viễn nằm lại trên trọng điểm này của vị Tổng tư lệnh giữa chiều Trường Sơn thật sự thấm đậm tình người, lắng sâu trong tâm khảm, chúng tôi không thể nào quên được.”
Không chỉ yêu thương cán bộ, chiến sỹ quân ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn là người rất coi trọng nhân nghĩa, khoan dung đối với kẻ địch đã đầu hàng. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau trận mở màn chiến dịch, tiến công cụm cứ điểm Him Lam của Đại đoàn 312, thương vong của địch rất lớn.
Theo đề nghị của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ thị cho ông Mạc Ninh thảo ngay một bức thư chuyển cho Bộ chỉ huy quân Pháp ở Điện Biên Phủ đề nghị cho người ra Him Lam nhận tử thương.
Ngay sau ngày chiến thắng, trên cánh đồng Mường Thanh và dọc theo bờ sông Nậm Rốm, Đại tướng cùng Bộ chỉ huy chiến dịch đã cho dựng hàng chục chiếc lều từ vải dù để cứu chữa cho tù binh, hàng binh bị thương…
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng đứng bên kia chiến tuyến đều dành cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt |
Không phải ngẫu nhiên mà nhiều người từng một thời đứng bên kia chiến tuyến, từ những tướng lĩnh của Pháp đến những người lính Âu-Phi… đều dành cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp sự kính trọng và khâm phục đặc biệt.
Trong suốt sự nghiệp quân sự của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là người nghiêm khắc nhưng khiêm tốn, bình dị, bao dung và độ lượng. Đại tướng thường nói về cái tốt, cái đúng của đồng chí, đồng đội, mà ít khi thấy ông thanh minh bất cứ một vấn đề nào thuộc về bản thân mình.
Khi đề cập đến chiến thắng của các chiến dịch, thắng lợi của hai cuộc kháng chiến, bao giờ và trước hết Đại tướng cũng nói đến vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy; nhắc đến công lao, cống hiến của đồng đội, đồng chí và đồng bào cả nước…
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Mc Namara, Trưởng đoàn Mỹ tham dự Hội thảo Việt-Mỹ “Những cơ hội bị bỏ lỡ”, chiều 23/6/1997, tại Hà Nội. (Ảnh: Trần Tuấn/TTXVN) |
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của ông là tấm gương sáng để đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo. Hình ảnh và những cống hiến của ông cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Nguồn: Báo xây dựng