Đài truyền hình phát thanh Lâm Đồng
Đài truyền hình phát thanh Lâm Đồng
Cùng với lịch sử phát triển của Đà Lạt, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng với hơn 30 năm lịch sử đã ghi lại những dấu ấn lịch sử đặc biệt của vùng đất và con người nơi đây.
Đà Lạt là một TP du lịch nổi tiếng của Việt Nam, đây là một vùng đất đặc sắc về tự nhiên, đa dạng về cảnh quan, gắn liền với bề dày lịch sử chung của đất nước. Cùng với lịch sử phát triển của Đà Lạt, Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng với hơn 30 năm lịch sử đã ghi lại những dấu ấn lịch sử đặc biệt của vùng đất và con người nơi đây.
Dự án Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng được kỳ vọng sẽ là một công trình đặc biệt, một biểu tượng mới không chỉ về du lịch mà còn về văn hóa, nhằm thể hiện được những bước tiến vượt bậc về mặt công nghệ, phản ánh một thời đại đổi mới của TP Đà Lạt nói riêng và của toàn tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Dự án do Liên danh ADA (Công ty CP Tư vấn Thiết kế ADA và cộng sự) và IICM (Viện Quản lý Đầu tư Xây dựng) thiết kế, giành Giải Nhất Cuộc thi tuyển phương án Kiến trúc Công trình Trụ sở Đài Phát thanh – Truyền hình Lâm Đồng. Ý tưởng thiết kế của nhóm tác giả tập trung vào 4 vấn đề chính:
1. Đảm bảo hiệu quả về mặt đầu tư xây dựng và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường bằng cách tôn trọng tối đa địa hình tự nhiên và thiết kế tiết kiệm năng lượng.
Dự án với địa hình đa dạng, cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp đã trở thành một đề toán khó nhưng thú vị với đơn vị thiết kế: Làm thế nào để xây dựng một dự án quy mô tầm cỡ nhưng vẫn không phá vỡ cảnh quan tự nhiên?
Những ý niệm ban đầu hình thành nên từ những đường đồng mức tự nhiên của địa hình. Những trục giao thông kết nối được thiết kế uốn lượn theo tự nhiên nhằm tác động tối thiểu vào cảnh quan. Các khu chức năng cũng từ đó mà được hình thành. Khu vực bằng phẳng nhất được dành cho việc bố trí khu trụ sở làm việc kết hợp tháp truyền hình. Khu vực địa hình đa dạng hơn phía Tây-Bắc sẽ được bố trí một công viên – phim trường nhằm kết nối trực tiếp với công trình di tích – lịch sử còn sót lại. Phía Tây của dự án, nơi có điểm nhìn tuyệt đẹp và địa hình thoải dần theo sườn đồi sẽ được bố trí như một sân khấu lớn ngoài trời, hình thành từ địa hình tự nhiên.
Điểm tiếp cận duy nhất của dự án sẽ kết nối trực tiếp với lõi cảnh quan trung tâm bao gồm cây xanh và mặt nước.
Với triết lý thiết kế tôn trọng tối đa cảnh quan tự nhiên, thiết kế tổng mặt bằng không can thiệp một cách thô bạo, không gian cây xanh bố trí đan xen, hòa lẫn với công trình, như là một phần không thể tách rời. Nhóm tác giả chỉ thể hiện những ý niệm và định hướng, để tự thiên nhiên nơi đây vẽ lên câu chuyện của chính nó.
2. Đảm bảo tốt nhất về việc tổ chức không gian chức năng và các luồng tuyến giao thông theo nhiệm vụ của công trình chuyên sâu về phát thanh và truyền hình, đồng thời lồng ghép, đan xen không gian xanh và không gian làm việc.
Nghiên cứu theo nhiệm vụ thiết kế, khối nhà làm việc chính của Đài và các khu chức năng được sắp xếp bố trí liên hoàn và đồng bộ theo cả chiều đứng và chiều ngang:
- Tầng 1: Bố trí Khối hành chính và căng tin (Sảnh đón tiếp – lối vào chính; phòng làm việc, căng tin);
- Tầng 2 là không gian dành cho Khối biên tập chương trình Phát thanh (Sảnh thang, phòng làm việc, vườn trên mái – cảnh quan);
- Tầng 3 là các không gian chức năng của Khối phòng họp và lãnh đạo (Phòng làm việc, thư viện, Vườn trên mái – cảnh quan);
- Tầng 4 dành cho Khối sân vườn kỹ thuật.
Ý niệm đầu tiên là tạo ra một khoảng không gian, đóng vai trò như một lõi cảnh quan trung tâm, nơi tập trung mọi điểm nhìn của toàn bộ công trình. Có thể nói, những ý tưởng ban đầu về không gian của công trình được xuất phát từ những nét kiến trúc đặc trưng của Đà Lạt – Đó là sân trong với mảng xanh kết hợp đường nét cong tròn mềm mại (mà công trình trường cao đẳng Đà Lạt là một ví dụ điển hình và đặc trưng nhất).
Các không gian sau đó tiếp tục được cut-out để tạo những khoảng mở cho điểm nhìn, đồng thời tạo nên cho công trình một hình dáng đặc biệt: Một công trình với mặt đứng thoải dần, trên đó được bố trí cây xanh – Đó có thể sẽ là hình ảnh tượng trưng cho những ngọn đồi tại Đà Lạt, ở trên đó, phần mái công trình hiện ra như một vầng trăng khuyết hay một dải cầu vồng lấp lánh đang từ từ hiện ra trên đỉnh đồi…
3. Tạo ra điểm nhấn mới trong cảnh quan đô thị và tạo thành di sản kiến trúc mới của TP Đà Lạt nói riêng và của cả tỉnh Lâm Đồng nói chung, phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Tòa tháp truyền hình Lâm Đồng không chỉ có chức năng phát sóng, mà còn là một phức hợp kiến trúc, một biểu tượng mới trong tương lai của TP ngàn hoa.
Tổng thể tháp truyền hình là một khối kiến trúc sáng tạo, được tổng hợp từ những đường nét kiến trúc hiện đại, chắc khỏe, thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ. Đặt trong tổng thể khu trụ sở làm việc, lối vào chính của tháp được kết nối trực tiếp với lõi cảnh quan trung tâm, với giao thông chiều đứng để dẫn lên đài vọng trên đỉnh tháp. Đài vọng cảnh là một không gian vô cùng đặc biệt, có thể bao quát tầm nhìn ra toàn TP, tương lai sẽ trở thành một điểm đến không để bỏ qua khi đặt chân đến Đà Lạt.
Tổng chiều cao tháp là 115m, trong đó đài vọng nằm ở cốt cao độ +100m. Toàn bộ kết cấu bao che của tháp được sử dụng kết cấu thép kết hợp kính cường lực. Hệ kết cấu thép sẽ phản ánh tính thời đại và nắm bắt được xu thế trong thiết kế, hệ kính sẽ như một tấm gương lớn phản chiếu lại ánh sáng và màu sắc của hệ mái công trình trụ sở. Tổng thể tháp truyền hình là một điểm nhấn riêng biệt nhưng vẫn không lấn át mà thậm chí còn hòa quyện và bổ trợ cho công trình trụ sở làm việc.
Ngày nay trên thế giới, khu vực nào có tháp truyền hình thì khu đó sẽ thành đầu tàu kinh tế, trung tâm thương mại rất lớn của địa phương. Sau khi tháp xây dựng, nơi đây sẽ là điểm đến của khách du lịch, đưa kinh tế phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, tháp truyền hình cũng có vai trò trong việc thu phát sóng và có cả ý nghĩa với an ninh quốc phòng.
4. Thiết kế thích ứng với văn hóa bản địa, sử dụng vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường, đáp ứng tiêu chí phát triển bền vững.
Bao phủ lên toàn bộ công trình là hệ màn căng với cấu trúc đặc biệt. Màn căng Meghies sử dụng chất liệu vải chuyên dụng kéo căng dùng để che những công trình kiến trúc quá khổ hoặc những công trình mang tính nghệ thuật cao. Màn căng Meghies được sản xuất tại Đức. Có cấu tạo với 9 lớp liên kết với nhau, dệt từ các sợi có độ bền cao. Chất liệu vải đạt chuẩn châu Âu được ứng dụng trong các kiến trúc kéo. Với độ bền cao, chống nắng tốt, CHống tia UV 100%, khả năng chống nứt, giãn nỡ và đàn hồi tốt.
Hệ mái là hệ kết cấu chính của công trình, nó ban đầu là thể hiện sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng, đại diện cho hình ảnh một công trình đài phát thanh- truyền hình đang từng bước chuyển mình trong thời đại công nghệ số. Toàn bộ hệ kết cấu mái được phô ra, hòa quyện với không gian cảnh quan xanh được bố trí đan cài, tạo cho công trình một dáng vẻ thời đại nhưng vẫn giữ gìn được những nét đặc trưng về thiên nhiên của Đà Lạt.
Mặt trăng trên đỉnh đồi
Đà Lạt – Thành phố bên đồi!
Cảm hứng sáng tác lấy từ hình ảnh mặt trăng và cầu vồng trên đỉnh đồi. Hình ảnh mặt trăng được cách điệu thông qua hệ mái để tại mỗi một vị trí quan sát sẽ thấy được hình dáng biến đổi đa dạng của hệ kết cấu công trình. Màu sắc được kết hợp hài hòa tạo nên hình ảnh cầu vồng ẩn hiện trên đỉnh đồi Robin.
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị