Đại tá-Nhà văn Đặng Vương Hưng và những dấu ấn của 1 cựu chiến binh
Nhà văn Đặng Vương Hưng sinh ngày 27 tháng Chạp năm Đinh Dậu (tức ngày 15 tháng 2 năm 1958). Cha họ ĐẶNG, mẹ họ VƯƠNG. Tổ quán: HƯNG Yên. Sinh trưởng: Xã Tân Trung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang. Từng học Đại học Báo chí Tuyên huấn (khóa VI), Đại học Viết văn Nguyễn Du (Khoá III). Là Cử nhân Luật tổng hợp, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội…
Đại tá, cựu chiến binh Đặng Vương Hưng từng có hơn 40 năm liên tục mặc áo lính, trong đó 15 năm là Bộ đội bảo vệ biên giới phía Bắc (Quân khu 1) và gần 30 năm phục vụ trong Lực lượng Công an Nhân dân.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được biết đến là Người sáng lập Cộng đồng mạng Lục bát Việt Nam, với việc xây dựng website lucbat.com từ năm 2008 và hàng chục năm liên tục tổ chức Ngày hội Lục Bát bằng kinh phí xã hội hoá hàng tỷ đồng; với mục đích rất nhân văn: Tuyên truyền trong cộng đồng xã hội và vận động các cơ quan chuyên môn, để Thơ Lục bát sớm được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể của nhân loại!
Nhà văn Đặng Vương Hưng từng có nhiều năm phục vụ trong lực lượng vũ trang làm báo, biên tập và xuất bản sách. Là người sáng lập các diễn đàn trên MXH facebook LỤC BÁT VIỆT NAM và TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH, với hàng trăm ngàn thành viên tham gia… Ông là tác giả của hơn 50 cuốn sách với nhiều thể loại, ông cũng là người khởi xướng, đề xuất và trực tiếp tham gia tổ chức Ngày hội Lục Bát thường niên với mục đích: Đưa Thơ Lục Bát trở thành Quốc Thi và tiến tới đề nghị Thơ Lục Bát là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Với vai trò là một Nhà báo, ông từng là Phó Tổng biên tập Báo CAND – An ninh Thế giới; hiện là Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Môi trường và Đô thị Việt Nam; đồng thời, là Phó Chủ tịch CLB “Mãi mãi tuổi 20”; người Sáng lập và Chủ tịch đầu tiên của Tổ chức “Trái tim người lính Việt Nam”…
Nhà văn Đặng Vương Hưng được biết đến là Tác giả ý tưởng, người khởi xướng và tổ chức nhiều Công trình tác phẩm “Sưu tầm và Giới thiệu” độc đáo; có giá trị cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp Cách mạng; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Ảnh: Nhà văn Đặng Vương Hưng trong ngày Sinh nhật 15/2 tại Tòa soạn Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Xuân Kỷ Hợi – 2019.
Đề án do Nhà văn Đặng Vương Hưng khởi xướng và xây dựng; Nhà báo Nguyễn Đức Đông bổ sung hoàn thiện. Thông qua Viện Nghiên cứu Lịch sử Công an Nhân dân và Bảo tàng Công an Nhân dân thẩm định và đề xuất với Lãnh đạo Tổng cục Xây dựng Lực lượng Công an nhân dân và Bộ Công an. Tập đoàn VINGROUP là Nhà Tài trợ chính, có văn bản cam kết tài trợ 12 tỷ đồng cho đề án này.
Đề án Cuộc vận động “Sưu tầm và Tuyên truyền” Kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 – 2015) đã được Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định phê duyệt. Bộ Công an đã tổ chức Lễ công bố quyết định này tại Hà Nội, ngày 19/11/2012. Lễ ra mắt Cuộc vận động đã được Tổng cục Xây dựng Lực lượng CAND tổ chức long trọng tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, vào ngày 10/3/2013, đúng dịp kỷ niệm 65 năm 6 điều Bác Hồ dạy CAND và được Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng tường thuật trực tiếp. Đến dự chương trình đặc biệt này, có Đại tướng Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TW Đảng; Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên TW Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng BCĐ Cuộc vận động “Sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật CAND”; các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an; Lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bộ VH,TT&DL, Bộ TTTT, lãnh đạo một số bộ, ban ngành; đại diện các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện, Trường… thuộc Bộ Công an; các lão thành CAND; các tướng lĩnh CAND; các nhân chứng lịch sử; đại diện các thế hệ cán bộ Công an… Đặc biệt, có một tiết mục “điểm nhấn” của đêm giao lưu: Nghệ sĩ, kỷ lục gia Văn Tân thể hiện hình tượng “Bác Hồ với CAND”.
Nhà thơ Đặng Vương Hưng cùng Nhà báo Nguyễn Đức Đông vinh dự trong vai “Thư ký tháp tùng Bác Hồ” đến thăm một đơn vị, đã xuất hiện trên sân khấu và được VTV2 phát sóng trực tiếp khoảng 5 phút, mang nhiều ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc.
Ảnh: Trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương Binh – Liệt sĩ, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đã trao Giải Tôn vinh đặc biệt cho Nhà văn Đặng Vương Hưng, vì đã có thành tích xuất sắc trong việc sưu tầm, biên soạn và giới thiệu tác phẩm “Mãi mãi tuổi 20” năm 2005.
– Nhà văn Đặng Vương Hưng cũng là người đầu tiên nêu ý tưởng về Đề án xây dựng các ‘Hoa viên Văn nghệ sĩ Việt Nam – Nghĩa trang dành cho các văn nghệ sĩ và trí thức tài danh Việt Nam. (Đã đăng ký Quyền tác giả năm 2008).
– Là người khởi xướng, đề xuất cuộc thi viết Chúc thư “Gửi lại mai sau” do Báo Người cao tuổi – Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức (2012 – 2013); trực tiếp tham gia Ban Tổ chức và Giám khảo…
– Với tư cách là một Nhà báo, Đặng Vương Hưng là tác giả của hàng ngàn bài viết, được bạn đọc Việt Nam biết đến là một cây bút xuất sắc về thể loại Phóng sự – Tư liệu; tiêu biểu là Giải Báo chí toàn quốc năm 2000 (với ghi chép “Có một nàng dâu Nga bán bia hơi ở vùng than”).
– Người đầu tiên nêu ý tưởng về Những ngôi nhà sống chung với bão cho đồng bào nghèo ven biển miền Trung’ (đã công bố trên báo Nhân Dân và Website Đảng Cộng sản Việt Nam năm 2006).
– Với tư cách là một Nhà thơ sáng lập website Lục Bát Việt Nam, ông là Người khởi xướng và trực tiếp tổ chức Cuộc thi Thơ Lục Bát “Tổ quốc và Đạo pháp” (2012 – 2018) do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo; Hội Nhà văn Việt Nam cố vấn Tổ chức, Giám khảo và Bảo trợ thông tin; mỗi năm trao một bộ giải thưởng bằng Vàng và Bạc thật cho các tác giả… Tổng kết cuộc thi độc đáo này năm 2018, Nhà thơ Đặng Vương Hưng đã được Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tặng Bằng Tuyên dương Công đức.
Nguồn: hoanhap.vn