Đại lộ sinh đại phú

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Đột phá, kết nối và lan tỏa
Ảnh minh họa.

Thủ đô Hà Nội mặc dù đã được mở rộng địa giới hành chính từ năm 2008, từ diện tích khoảng 900km2 lên tới gần 3.350km2. Xét về không gian, diện tích này có thể nói là rộng, song nếu so sánh với một thành phố có dân số (cơ học) khoảng 10 triệu người, lại là một trong hai trung tâm kinh tế của đất nước, lõi của Vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Hồng nếu chỉ bó hẹp trong không gian hiện có thì vô cùng chật chội. Vấn đề giao thông, mật độ xây dựng đô thị là ví dụ điển hình.

Chính vì thế, yêu cầu có tính cấp bách, nhưng lại mang tầm chiến lược, phù hợp với những lý thuyết kinh điển về kinh tế đó là giao thông phải đi trước một bước. Vì giao thông là mạch máu của nền kinh tế, hạ tầng giao thông đi đến đâu, hạ tầng đô thị và các dự án theo đến đó, không những thế, giao thông còn có chức năng lan tỏa, kết nối…

Đặt trong bối cảnh như vậy, việc “ra đời” dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được Chính phủ, thành phố Hà Nội xác định là một trong những “trụ cột” giao thông quan trọng làm đòn bẩy đưa kinh tế Thủ đô nói riêng các tỉnh thuộc vùng Thủ đô như Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… nói chung phát triển theo đúng lộ trình đã được đề ra tại Quyết định số 768/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án đường Vành đai 4 đi qua địa phận các quận, huyện của thành phố Hà Nội gồm: Thường Tín, Thanh Oai, Hà Đông, Hoài Đức, Đan Phượng, Mê Linh, Sóc Sóc và 2 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên hiện đang trong quá trình giải phóng mặt bằng để bàn giao đất sạch cho các bên liên quan tiến hành thi công.

Với Thành ủy Hà Nội và các địa phương liên quan đây là dự án đặc biệt quan trọng. Do vậy, quan điểm nhất quán của Thành phố là dồn tổng lực, huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc để dự án thi công và về đích đúng tiến độ.

Ngoài vấn đề tài chính, một trong những khâu quan trọng nhất là tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân liên quan đến công tác đền bù để có mặt bằng sạch phục vụ thi công. Xác định nhiệm vụ trọng tâm, dự án đặc biệt, đến nay cả hệ thống chính trị của Thành phố đang như cỗ máy bắt đầu vào quy trình vận hành.

Với phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, xác định dễ hay khó dân vận phải đi trước, chính điều này nhìn một cách tổng thể những địa phương có dự án đi qua, về cơ bản người dân rất ủng hộ và đồng tình với các phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.

Với khí thế “tiến công” thần tốc, tin tưởng dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô không chỉ triển khai đúng kế hoạch, thậm chí có thể về đích sớm hơn tiến độ để chúng ta tiếp tục phát triển các dự án đường vành đai khác cũng như đồng bộ hóa hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại.

“Đại lộ sinh đại phú”, muốn giàu có phải bắt đầu từ nâng tầm hạ tầng giao thông.

Lê Hà

Nguồn: Báo lao động thủ đô

Bạn cũng có thể thích