Đại Hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO 2021 – ‘Tương lai đã bắt đầu’

Tại sự kiện này, các nhà lãnh đạo và cán bộ cấp cao đến từ hơn 100 thành viên ISO là các cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia sẽ cùng nhau tham dự và thảo luận về các chủ đề toàn cầu và đưa ra các quyết định quan trọng giúp tổ chức vận hành trơn tru và liên tục cải tiến.

Chủ đề của Tuần lễ ISO 2021 là “Tương lai đã bắt đầu” (Future has begun), chủ đề được lên ý tưởng khi toàn cầu phải đối mặt và chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Từ thực tế đó, ISO đã điều chỉnh cách thức làm việc mới, lần đầu tiên ISO tổ chức sự kiện hoàn toàn trực tuyến thông qua nền tảng sự kiện trực tuyến được thiết kế riêng nhằm đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho các thành viên tham dự.

Năm nay, ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với vai trò Trưởng đoàn Việt Nam cùng các đại diện sẽ tham gia các phiên thảo luận và đóng góp ý kiến vào nội dung được đưa ra trong Đại hội đồng ISO cũng như các hội thảo chuyên đề, sự kiện bên lề.

Cũng trong sự kiện thường niên quan trọng nhất của ISO, Việt Nam đã tiến hành bỏ phiếu cho các vị trí bầu cử vào Hội đồng ISO: Đại diện tham gia Nhóm 2, 3, 4; Vị trí Phó Chủ tịch về Chính sách, Quản trị kỹ thuật và Tài chính.

Ông Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các đại diện Việt Nam tham dự phiên họp. 

Các nội dung về Trí tuệ nhân tạo, Tương lai của hành tinh, Xã hội, Đổi mới sáng tạo sẽ được đưa ra toàn thể Đại hội đồng trao đổi và chia sẻ. Các nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà đổi mới được ISO mời tham dự để truyền cảm hứng và chia sẻ ý tưởng của họ về các giải pháp cho những thách thức toàn cầu và hành động mà ISO cần thực hiện phù hợp với chiến lược ISO 2030.

Chiến lược ISO 2030 đề ra Tầm nhìn, Mục tiêu và các Ưu tiên, ISO xác định năm 2030 là cột mốc quan trọng để phản ánh sự tiến bộ và đánh giá công việc cơ bản của mình. Khung thời gian này cũng phù hợp với Chương trình nghị sự toàn cầu đầy tham vọng của Liên Hợp Quốc hướng tới đến năm 2030 thông qua 17 Mục tiêu phát triển bền vững. Chiến lược nêu trên của ISO được xây dựng trên 4 xu hướng chính tác động đến chiến lược phát triển của ISO bao gồm: Sự không chắc chắn về kinh tế và thương mại, Sự thay đổi kỳ vọng của xã hội, Tác động của biến đổi khí hậu và Sự chuyển đổi kĩ thuật số. 

Ông Eddy Njoroge – Chủ tịch Tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO) phát biểu chào mừng sự kiện. 

Trong đó, chuyển đổi kĩ thuật số cũng là nội dung được đưa ra trong phiên họp toàn thể ISO DEVCO (Uỷ ban phụ trách các vấn đề của các nước đang phát triển) lần thứ 55 được diễn ra vào các ngày 16-17/09 vừa qua.

Ông Armen Orujyan – tiến sĩ, doanh nhân, nhà đổi mới và là Chủ tịch sáng lập của Quỹ Khoa học & Công nghệ Armenia đã nhận định tại cuộc họp ISO DEVCO lần thứ 55 rằng sự phát triển khoa học sẽ có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế các nước đang phát triển, tương lai của các nước đang phát triển sẽ chuyển dần từ dựa trên sức lao động thủ công sang dựa vào nền tảng khoa học kỹ thuật.

Ông Armen Orujyan phát biểu tại Cuộc họp ISO DEVCO lần thứ 55. Nguồn: ISO 

Ngoài ra, tại phiên họp ISO DEVCO cũng đã có những trao đổi về cách vượt qua thách thức và tận dụng cơ hội với sự hỗ trợ của tiêu chuẩn, cách thức sử dụng các Tiêu chuẩn Quốc tế có thể góp phần vào việc hoạch định chính sách linh hoạt, nâng cao tính minh bạch, khả năng dự đoán và trách nhiệm giải trình của quá trình quản lý và kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững. Thu hút những người trẻ tuổi tham gia vào công việc của ISO là chủ đề được đưa ra thảo luận tại sự kiện, sự tham gia đóng góp của người trẻ tuổi được coi là rất quan trọng đưa sáng tạo và đổi mới vào việc phát triển các tiêu chuẩn.

Cuộc họp ISO DEVCO năm nay là cơ hội để các thành viên ISO, đại diện các tổ chức quốc tế và cơ quan tiêu chuẩn hóa khu vực trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất nhằm hỗ trợ Chiến lược 2030 của ISO và Kế hoạch hành động cho các nước đang phát triển 2021-2025.

Dự kiến Đại hội đồng ISO năm 2022 sẽ diễn ra tại Abu Dhabi (UAE).

 Ngọc Minh

Nguồn: Tạp chí điện tử chất lượng Việt Nam

Bạn cũng có thể thích