Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố “Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển, 2025 – 2034”
Đại hội đồng Liên hợp quốc công bố “Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển, 2025 – 2034”
Ngày 13/8, Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) đã thông qua một nghị quyết công bố giai đoạn từ năm 2025 – 2034 là thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển.
Nghị quyết, có tên gọi “Thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển, 2025 – 2034”, nhằm giải quyết các thách thức liên quan đến sự tan chảy của lớp băng vĩnh cửu và sự thay đổi của băng quyển thông qua việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và giám sát liên quan.
Phát biểu giới thiệu dự thảo nghị quyết, đại diện của Pháp đã nêu bật tính dễ bị tổn thương của các sông băng, lớp băng ở hai cực địa cầu trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đồng thời nhấn mạnh vai trò quan trọng của băng quyển trong điều hòa khí hậu, mực nước biển và bảo tồn đa dạng sinh học. Đại diện của Pháp nêu rõ việc ĐHĐ LHQ công bố thập kỷ hành động vì khoa học băng quyển sẽ mang đến động lực chính trị cần thiết để đưa vấn đề băng quyển trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự đa phương.
Băng quyển được định nghĩa là những khu vực có băng tuyết bao phủ quanh năm trên đất liền và trên biển. Đây được coi là nguồn tài nguyên thiết yếu đối với sự cân bằng của “hành tinh Xanh”.
Cùng ngày, ĐHĐ LHQ cũng thông qua nghị quyết về “Thúc đẩy quản lý bền vững rừng, gồm trồng rừng và tái trồng rừng trên các vùng đất bị thoái hóa, trong đó có cả đất khô cằn, để giải quyết hiệu quả các thách thức về môi trường”. Nghị quyết nhấn mạnh quản lý rừng bền vững sẽ mang lại các lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường, đóng góp quan trọng cho việc giảm thiểu, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nghị quyết nêu rõ để có thể thúc đẩy quản lý rừng bền vững, cần tăng cường hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác công – tư.
Vĩnh Hải (T/h)
Nguồn: Báo Môi Trường và Đô Thị