Đại dịch kéo dài khiến những lao động tự do, người khuyết tật nhọc nhằn mưu sinh
Nằm trong một con ngõ nhỏ là khu trọ vườn Cau với các dãy nhà trọ lụp xụp, ẩm thấp, tập trung chủ yếu là những người lao động tự do thu nhập thấp. Phân nửa số người ở đó đã về quê, số thì bị mắc kẹt, số thì chỉ biết bám trụ lại nhà trọ, không biết đi đâu, về đâu.
Chị Ngoan và 3 đứa con nhỏ trong căn nhà chật hẹp.
Nằm cuối dãy nhà cấp 4 là căn phòng trọ khoảng chừng 6m2 của 4 mẹ con chị Chu Thị Bích Ngoan (quê ở Phú Thọ). Chồng không có việc làm, rượu chè liên miên, dù người nhà có khuyên bảo thế nào nhưng vẫn chứng nào tật nấy, không thể bỏ rượu. Chị quẫn uất kéo theo 3 đứa con nhỏ xuống Hà Nội mưu sinh. Lúc đó, đứa con trai út mới 20 ngày tuổi cũng phải hàng ngày dậy sớm cùng mẹ đi bán hàng rong.
Con đường kiếm sống tại đất Hà Thành của chị Ngoan thật chật vật, ngày này qua tháng khác. Với chiếc xe đẩy trẻ con được một người bà con tặng, chị đã tận dụng nó làm xe đẩy hàng và chất cả 3 đứa con nhỏ đi khắp mọi ngóc ngách, phố phường để bán từng hộp tăm bông, từng chiếc bút bi, đế giày…
“Nhiều người họ bảo tôi là lừa đảo, nếu như con đẻ sao lại lôi đi như thế. Có người lại bảo lười không muốn gửi ông bà trông con, nhưng thực ra bà ngoại cháu thì yếu, mà gia đình nội cũng chẳng còn ai, bố cháu thì nát rượu, mà tôi thì làm gì có tiền để thuê trông nom các cháu”, chị Ngoan tâm sự.
Chiếc xe “chuyên dụng” chở cả gánh hàng và con cái cùng chị mưu sinh trên các tuyến phố ở Hà Nội.
Cuộc sống nghèo khổ cứ diễn ra như vậy. Tần tảo sớm hôm, mỗi tháng chị cũng chỉ kiếm được 5-6 triệu/tháng. Với số tiền này, chị dành ra một khoản để đóng tiền thuê nhà, số còn lại để lo việc ăn uống cho các con, chứ không để dành được đồng nào.
Khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, cuộc sống của 4 mẹ con chị đã thiếu thốn nay lại càng thiếu thốn hơn. Hàng ngày, họ chỉ biết quanh quẩn trong 4 bức tường, có những ngày không còn một đồng nào trong túi, túng quá, chị đã lén kéo xe hàng ra đường bán. “Tôi bán được 3 cái quạt lụa được 50.000 thì bị lực lượng dân phòng nhắc nhở, khuyên về, từ đó tôi chẳng dám đi bán nữa”, chị Ngoan nói.
Trong quãng thời gian mẹ con chị lăn lộn mưu sinh ở Hà Nội, thì có lẽ đây chính là giai đoạn mà chị rơi vào tình trạng khó khăn nhất, vất vả nhất. Các con đang ngày một lớn lên, 2 đứa con gái sinh đôi, nay đã 4 tuổi nhưng vẫn chưa được đến trường vì mẹ không có tiền gửi con đến lớp. Thương con lắm, thế nhưng, chị chẳng còn cách nào khác bởi tất cả chỉ trông chờ vào nguồn thu nhập ít ỏi từ việc bán hàng rong của chị.
Giờ đây, ngoài sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, chị cũng chỉ mong bản thân mình luôn khỏe mạnh để tiếp tục bươn chải nuôi con, bởi nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì ai sẽ là người lo lắng, chăm sóc cho 3 đứa con thơ?
Ở cùng khu trọ vườn Cau, anh Chu Văn Nguyện (Ba Vì, Hà Nội) là người khuyết tật bẩm sinh, cánh tay anh không thể làm được những công việc bưng bê, bốc vác như những người bình thường. Xuống nội thành, anh sống dựa vào nghề bán tăm bông. Duyên phận đưa đẩy, anh quen và biết chị Bùi Thị Huấn (Kim Bôi, Hòa Bình) làm việc ở đoàn hát của người khuyết tật. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người đã quyết định “góp gạo thổi cơm chung”.
Những ngày dịch Covid-19 chưa bùng phát, hàng ngày, anh Nguyện đèo chị Huấn tới các điểm đoàn hát dừng chân, còn anh sẽ vào các chợ ở Hà Nội bán tăm bông. Cuộc sống hàng ngày dựa vào thu nhập chung của anh và chị cũng dư giả, không phải lo lắng quá nhiều.
Anh Chu Văn Nguyện và chị Bùi Thị Huấn hy vọng dịch bệnh chóng qua để còn cố gắng làm việc, tích cóp cho tương lai.
Thế nhưng, từ ngày Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, đoàn hát của chị dừng hoạt động, anh cũng không thể tiếp tục công việc bán tăm bông. Cuộc sống của hai người chỉ quanh quẩn trong căn phòng trọ vỏn vẹn 8m2, thiếu thốn mọi bề.
Giữa cảnh ngộ khó khăn chung này, anh Nguyện cũng chỉ biết động viên chị: “những lúc nghèo đói, hai người, có rau ăn rau, có cháo, ăn cháu, miễn sao ở với nhau vẫn thuận hòa là được”.
Biết là vậy, nhưng cái đói, nghèo nhiều khi cứ bám riết lấy cuộc sống của họ. Chị Nguyện chia sẻ, nhiều khi buồn, tủi lắm nhưng vì tình yêu của anh nên chị vẫn phải cố gắng vượt qua và luôn tâm niệm “sau cơn mưa, trời lại sáng”.
Như hàng chục nghìn người lao động tự do khác, từ ngày giãn cách, ngoài sự chắt chiu, tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu, anh chị cũng chỉ biết trông cậy vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Người cho gạo, người cho rau… có sao ăn nấy. Anh chị chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi để còn làm việc, nỗ lực tích góp cho cuộc sống, tương lai sau này./.
Nguồn: hoanhap.vn