Đại biểu Quốc hội: ‘Giảm giá điện, nước lúc này rất nhân văn’
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đánh giá quyết định giảm giá điện, nước của Chính phủ lúc này là rất hợp lòng dân, thể hiện sự nhân văn và kịp thời.
“Người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 về cả sức khỏe và kinh tế. Bởi vậy bất cứ sự hỗ trợ nào của Nhà nước lúc này cũng rất ý nghĩa”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nói với Zing.
Ngày 31/7, Thủ tướng đồng ý giảm giá điện đợt 4 cho người dân các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội. Hiện tại có 21 tỉnh, thành trên cả nước đang căng mình chống dịch. Nhiều người cũng đánh giá quyết định của Chính phủ là rất kịp thời, giữa lúc dịch bệnh gây ra những ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế, đời sống của người dân.
Mọi khoản hỗ trợ đều đáng quý lúc này
Không chỉ giảm giá điện, trong sáng 1/8, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân bằng việc xem xét giảm giá nước.
Biết được thông tin này, chị Hồ Trang (quận Bình Thạnh. TP.HCM) phấn khởi vì có thêm tiền đi mua rau củ, thịt cá trong những ngày thất nghiệp.
“Hơn 2 tháng TP.HCM giãn cách xã hội, cũng đồng nghĩa hơn 2 tháng tôi nghỉ việc ở nhà. Dùng thiết bị điện nhiều hơn, tiền điện, nước sinh hoạt cứ thế tăng đều đều hơn trước”, chị chia sẻ.
TP.HCM đã trải qua 24 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Chị Trang cho biết 2 tháng gần đây, trung bình mỗi tháng, nhà chị dùng hết gần 400 kWh với số tiền đến hơn 1 triệu đồng và khoảng 150.000 đồng tiền nước.
“Do đó, nếu được giảm 10% tiền điện tháng tương đương số tiền được giảm khoảng 100.000 đồng. Giảm được đồng nào cũng hay lúc này, chị nói.
Thực tế, không chỉ chị Trang và rất nhiều người dân các tỉnh thành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đều vui mừng với quyết định hỗ trợ trực tiếp, kịp thời và hiệu quả, giúp họ phần nào giảm bớt khó khăn về tài chính trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Hà Nội tiến hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 24/7, chị Linh (quận Thanh Xuân, Hà Nội) lại tiếp tục làm việc online từ xa, em trai nghỉ học ở nhà.
“Thời gian gần đây, tôi làm việc online ở nhà thường xuyên, đến cuối tháng 7 thì thời gian ở nhà nhiều hẳn lên, tiêu thụ điện cũng sẽ tăng lên. Tháng trước tổng tiền điện thanh toán của nhà tôi lên 800.000 đồng”, chị kể.
Theo chị, việc giảm chi phí tiền điện, nước trong thời điểm này rất đáng quý và thiết thực bởi người dân nào cũng gặp khó khăn vì giãn cách xã hội, nghỉ việc ở nhà thời gian dài.
“Chiếu theo quyết định, gia đình tôi được giảm 10% giá điện. Tuy số tiền được giảm giá không nhiều nhưng cũng thể hiện sự quan tâm kịp thời của Chính phủ, khích lệ tinh thần người dân ở nhà chống dịch”, chị nói.
PGS TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – cho rằng việc giảm giá điện sinh hoạt cho người dân các tỉnh giãn cách xã hội là việc làm đáng hoan nghênh.
“Đặc biệt trong bối cảnh nhiều người dân mất thu nhập, gặp khó khăn về kinh tế. Điện là đầu vào cho sản xuất, phục vụ đời sống, nên việc hỗ trợ lại càng có ý nghĩa quan trọng”, ông nhận định.
Các khách hàng dùng điện sinh hoạt ở địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 được giảm 10-15% tiền điện, còn cơ sở cách ly có thu phí giảm 100%. Ảnh: Duy Hiệu. |
Lan tỏa đến hàng triệu hộ dân
Đại biểu Nguyễn Văn Hòa đánh giá dịch bệnh ở các tỉnh miền Nam và nhiều địa phương khác sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhiều địa phương tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, đồng nghĩa người dân phải ở nhà nhiều hơn, trong khi thu nhập giảm sút.
Ông cho biết tại Đồng Tháp và nhiều tỉnh Đông Nam Bộ, hàng chục nghìn công nhân đang tạm thời mất việc làm, không có thu nhập trong mùa dịch. Trong khi đó, chi phí sinh hoạt mùa dịch sẽ tăng lên.
“Điện và nước là những mặt hàng thiết yếu mà không gia đình nào không dùng đến cả. Ở nhà nhiều có nghĩa là chi phí những khoản này tăng lên. Tôi thấy quyết định này có tác động rất lớn, lan tỏa tới hàng triệu hộ gia đình”, ông Hòa nói.
Cả nước có 21 địa phương đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng. Ảnh: EVN. |
Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa nói rằng việc giảm tiền điện đến 200 kWh/tháng ban đầu cho thấy Chính phủ quan tâm đến những người có thu nhập thấp, yếu thế trong xã hội.
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Việt Nam có khoảng 20 triệu hộ gia đình dùng dưới 200 kWh/tháng. Như vậy, việc giảm 10% tiền điện cho 200 kWh đầu tiên có sức lan tỏa đến rất nhiều hộ gia đình trên cả nước.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thì đánh giá cao đến việc giảm 100% tiền điện cho những cơ sở điều trị, cách ly người nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2. Theo đó, hiện tại số bệnh nhân đang phải cách ly và điều trị trên cả nước lên tới hàng chục nghìn người. Do đó, việc miễn giảm cho những đối tượng này sẽ chung tay giúp dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
Tuy nhiên, ông Thịnh đề xuất trong tương lai, Chính phủ cũng cần quan tâm giảm giá điện, nước, xăng dầu cho các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, sản xuất những mặt hàng thiết yếu.
Việc giảm giá tiền điện có thể giúp các doanh nghiệp bớt đi những gánh nặng trong việc thực hiện “3 tại chỗ”, duy trì sản xuất, sớm phục hồi, vượt qua dịch bệnh.
Theo Bộ Công Thương, người dân các tỉnh giãn cách xã hội được giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng; giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hóa đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng. Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là 2 tháng tại các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 năm 2021. Đồng thời, các cơ sở cách ly người bị nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 có thu một phần chi phí của người cách ly, các cơ sở cũng sẽ được giảm 100% tiền điện kể kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6-12. Trước đó, Chính phủ đã đồng ý giảm tiền điện 3 lần cho người dân, doanh nghiệp với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. |
Nguồn: Báo xây dựng