Đại biểu đề xuất cần có giải pháp tăng năng lực của doanh nghiệp trong nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025.
Tiềm lực doanh nghiệp trong nước còn rất yếu
Thảo luận tại tổ Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, năm 2024 có nhiều biến động nhưng chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu so với thế giới, có nhiều chỉ tiêu quốc tế đạt mức cao như chỉ tiêu chỉ số tín nhiệm tăng lên BB+, thậm chí có tổ chức xếp hạng BA.
Đồng thời, chỉ số hạnh phúc cũng tăng 11 bậc, đứng thứ 54/147; chỉ tiêu đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc, đứng thứ 44/122, thể hiện tiến bộ rõ; chỉ tiêu Chính phủ điện tử tăng 15 bậc, xếp thứ 71/193; chỉ tiêu an toàn an ninh mạng được xếp hạng cao, thứ 17/191. “Như vậy, chúng ta có tiến bộ lớn so với sự phát triển chung”, ông Cường nói.
Với mức tăng trưởng quý 3/2024 đạt 7,4%, cả 9 tháng đạt 6,82%, đại biểu phân tích, điều này cho thấy kinh tế nền kinh tế có thể phục hồi lại được như trước dịch Covid-19, tạo đà tăng cho quý 4 và mục tiêu GDP đặt ra năm 2024 đạt 6,5% đến 7% hoàn toàn tin tưởng đạt được.
Đại biểu Hoàng Văn Cường thảo luận tại tổ. |
Tuy nhiên, một số lĩnh vực tăng trưởng khá ổn định như nông, lâm nghiệp, không có gì vượt trội so với năm trước. Lĩnh vực dịch vụ cũng chỉ tương đương, một số mặt không cao, không có gì vượt trội. Vì vậy, thành quả tăng trưởng chủ yếu là công nghiệp và chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo.
“Điều đó chứng tỏ nền kinh tế đang phụ thuộc khá lớn vào kinh tế thế giới bên ngoài, trong đó, đóng góp chủ yếu từ nhóm doanh nghiệp FDI”, ông Cường nhận định.
Một vấn đề đáng suy nghĩ khác theo đại biểu đoàn Hà Nội, là số doanh nghiệp thành lập mới và quay lại hoạt động tăng 9,7%, nhưng số doanh nghiệp rút khỏi thị trường tăng đến 21%, cho thấy sự phục hồi còn nhiều vấn đề. So với năm 2023, hầu hết các chỉ tiêu doanh nghiệp đăng ký mới và phục hồi thấp hơn.
Như vậy, nền kinh tế nước ta đang phụ thuộc, tính tự chủ còn có vấn đề, đặc biệt tiềm lực doanh nghiệp trong nước còn rất yếu. Nếu muốn phục hồi bền vững không lệ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài, chắc chắn phải có giải pháp tăng năng lực của doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, khó có thể tăng cho cả 94% doanh nghiệp, mà phải chọn ra số doanh nghiệp trụ cột trong nước.
Dự báo thời gian tới, ông Cường phân tích, chỉ số tăng trưởng tiêu dùng phụ thuộc vào du lịch, cho thấy sức mua sắm của người dân trong nước còn hạn chế, dù đã tăng tiền lương nhưng hầu như chưa tác động đến sức tiêu dùng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề cập đến quảng cáo của sàn giao dịch Tamu gần đây rất rầm rộ, giảm giá manh đến 70%, cho rằng đây là sự cảnh báo rất lớn, có thể người dân tập trung mua và quan ngại hàng hóa giá rẻ này sẽ triệt tiêu hàng hóa trong nước.
“Chúng ta cần có hành động, không thể cấm nhưng phải có kiểm soát về chất lượng hàng hóa. Đồng thời, cùng với kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, cần có chính sách phát triển sàn giao dịch trong nước để phát triển kinh tế số”, theo đại biểu.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ. |
15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh
Quan tâm đến hoạt động của doanh nghiệp, đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn tỉnh Hà Nam) dẫn đánh giá của Tổng cục thống kê cho thấy có từ hơn 10% đến hơn 50% doanh nghiệp cho rằng có 15 yếu tố tác động, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh thời gian qua.
Trong đó nổi lên nhất là những khó khăn về nhu cầu thị trường thấp, tính cạnh tranh của hàng trong nước cao, nợ đọng xây dựng cơ bản, giá nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, khó khăn về tài chính và lãi suất cao…
“Từ thực tiễn hoạt động doanh nghiệp, tôi cho rằng đây là những đánh giá khách quan và phản ánh đúng thực tế”, đại biểu nói.
Nữ đại biểu cũng cho biết, các kỳ họp trước, bà đã phát biểu về những khó khăn về tiếp cận vốn và tuy đã được tháo gỡ nhưng vẫn cần tiếp tục phải được quan tâm hơn, đặc biệt là về lãi suất hiện nay vẫn còn cao, cần nghiên cứu điều chỉnh hạ lãi suất để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
Dù số lượng doanh nghiệp gia tăng đều suốt những năm qua, nhưng đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, nếu đánh giá về mục tiêu thì e rằng khó có thể đạt được việc phát triển 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025. Mặt khác, hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và vừa, trong khi số liệu thống kê cũng cho thấy số doanh nghiệp kinh doanh lỗ nằm nhiều ở nhóm này.
Bà Hiền cũng nhìn nhận, cần phải quan tâm hơn đến chất lượng doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần về số lượng. Vì tổng số doanh nghiệp thì như vậy, nhưng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh chỉ bình quân ở mức chưa đến 85% so với tổng số doanh nghiệp. Số doanh nghiệp kinh doanh có lãi cũng không cao, ví dụ năm 2022 có chưa đến 45% trong tổng số hơn 735 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có lãi, còn lại 46,9% lỗ và hòa vốn chỉ 8,5%…
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) thảo luận tại tổ. (Ảnh: Quốc hội) |
Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn tỉnh Điện Biên) đồng tình với nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế: Ổn định kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, còn nhiều khó khăn tiềm ẩn do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư công, còn các động lực tăng trưởng mới như như chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, chip bán dẫn mới được triển khai nên có độ trễ nhất định…
Cùng đề cập đến số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng đầu năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023. Vì vậy, đại biểu đề nghị xem xét, đánh giá nghiêm khắc hơn về nguyên nhân, cả về chủ quan và khách quan, để có hướng giải quyết.
Ví dụ, việc cho thành lập doanh nghiệp có dễ dãi quá, hay là do năng lực quản lý, thị trường, công nghệ, sản phẩm, nguồn vốn, đất đai? Bên cạnh đó, vai trò “bà đỡ” của nhà nước qua các chương trình khuyến nông, khuyến công, tín dụng ưu đãi, các quỹ đầu tư, quỹ phát triển… như thế nào?
Nguồn: Báo lao động thủ đô